Ngày rằm tháng Giêng ở một ngôi chùa
Một xu hướng, hay có thể nói một hiện tượng – thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian qua là tại Việt Nam càng ngày càng có nhiều người – từ dân nghèo tới đại gia đến quan chức, và thậm chí một vài cơ quan nhà nước – ‘đi chùa’, ‘thờ cúng’ hay ‘cầu siêu’.
Nhu cầu tâm linh, ít hay nhiều ai cũng cần, xã hội nào cũng có. Nhưng điều làm dư luận quan tâm là việc thờ cúng tại Việt Nam không chỉ đang xảy ra tràn lan, bất chấp quy cách mà còn bị biến tướng, lạm dụng, gây nhiều phản cảm, phản tôn giáo, phản tâm linh.
Thực hư lẫn lộn?
Dù đúng hay sai, ít nhiều phải thừa nhận rằng con người tìm đến với tôn giáo hay coi trọng đời sống tâm linh một phần cũng vì thấy mình bất lực hoặc phải đối diện với nhiều tai ương, khốn khó trong cuộc sống, trong cuộc đời của mình.
Và khi càng thấy mình bất lực, càng gặp nhiều khó khăn người ta lại càng cần đến thần linh hay một đấng vô hình nào đó.
Trong một xã hội nhiều rủi ro – từ thực phẩm đến giao thông – như Việt Nam, chuyện người dân tìm đến chùa chiền hay tổ chức thờ cúng để cầu phước, cầu may cho mình hay cho người thân của mình cũng không khó hiểu.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2013 Việt Nam đã có đến gần 8.000 người tử vong và hàng chục nghìn người bị tàn phế vì tai nạn giao thông.
“Một câu hỏi khác và quan trọng hơn được đặt ra là tại sao Bộ Giao thông – Vận tải – một cơ quan của một nhà nước thế tục, hơn nữa theo ý thức hệ cộng sản và chủ trương vô thần – lại đứng ra tổ chức một nghi lễ tôn giáo như thế?”
Đó là con số không nhỏ chút nào. Khi biết tai nạn luôn rình rập, có thể đến lúc nào, bất cứ ở đâu và với bất cứ người nào, chắc ai cũng muốn cầu mong chính mình và gia đình mình không rơi vào cảnh đau thương, mất mát ấy.
Và xem ra không chỉ người dân mà các quan chức Việt Nam cũng thấy ‘bất lực’ trước tình trạng tai nạn giao thông nhiều và càng ngày càng tăng như vậy.
Giữa tháng 11 vừa qua có một Đại lễ Cầu siêu cho các nạn nhân giao thông tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) và được biết đây cũng là lần thứ hai Đại lễ Cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông với quy mô quốc gia được tổ chức tại Việt Nam.
Việc một tôn giáo tổ chức một nghi lễ tín ngưỡng như thế để cầu cho linh hồn, hương linh những người tử vong được siêu thoát hoặc phần nào xoa dịu, an ủi chia sẻ bao mất mát, đau thương với người nhân của những người bị nạn – hay qua một nghi lễ như vậy mời gọi, nhắc nhở mọi người biết ý thức hơn về việc chấp hành luật giao thông – là một điều tốt, nên làm.
Có điều Đại lễ Cầu siêu ấy lại do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Việt Nam cùng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, và điều này đã làm nhiều người đặt câu hỏi.
Phải chăng Ủy ban An toàn Giao thông và Bộ Giao thông – Vận tải nói riêng đang bó tay, bất lực trước tình trạng tai nạn giao thông tràn lan và phải ‘cầu siêu’ để đối phó với tình trạng ấy?
Một câu hỏi khác và quan trọng hơn được đặt ra là tại sao Bộ Giao thông – Vận tải – một cơ quan của một nhà nước thế tục, hơn nữa theo ý thức hệ cộng sản và chủ trương vô thần – lại đứng ra tổ chức một nghi lễ tôn giáo như thế?
Nếu cố gắng tìm câu trả lời cho câu hỏi này chắc ai cũng có tìm thấy được những nguyên nhân khác – gián tiếp hay trực tiếp – dẫn đến tình trạng loạn thờ cúng ở Việt Nam. Trong số đó có sự nhập nhằng, mập mờ, nửa thực, nửa mơ của một nền ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’.
Với những ai quan tâm hay theo dõi tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam chắc ít nhiều cũng có cảm giác rằng tại quốc gia này mọi thứ dường như đang lẫn lộn, không biết đâu là giả, đâu là thật.
“Vì luật pháp không rõ ràng, nghiêm minh, vì thiếu cạnh tranh lành mạnh trong kinh tế cũng như chính trị, muốn làm ăn xuôi chảy, muốn có tiền tài danh vọng, muốn được thăng quan tiến chức, người ta phải ‘đi chùa’, phải ‘khấn vái’ cầu may.”
Vì luật pháp không rõ ràng, nghiêm minh, vì thiếu sự cạnh tranh lành mạnh trong kinh tế cũng như chính trị, muốn làm ăn xuôi chảy, muốn có tiền tài danh vọng, muốn được thăng quan tiến chức, người ta phải ‘đi chùa’, phải ‘khấn vái’ cầu may.
Nếu pháp luật thực sự nghiêm minh, nếu có một xã hội bình đẳng và một cơ chế minh bạch – nơi đó hay qua đó mọi người có thể cạnh tranh lành mạnh, có thể làm giàu hay ‘làm quan’ chính đáng bằng chính nỗ lực, khả năng, tài đức của mình – chắc ít ai phải cần đến ‘âm trợ, dương phù’ như vậy.
Và khi biết mình trở thành ‘đại gia’ hay được ‘làm quan’ nhanh một phần vì ‘nhờ sự hỗ trợ của thần linh’, người ta lại càng cảm thấy mình cần phải đến đền chùa. Đến một phần để ‘tạ ơn’, một phần để xin cho mình giữ được chức, khỏi bị nạn.
Hơn nữa, có thể khi đã có tiền, có quyền nhưng thấy trống vắng, bất an, người ta lại cảm thấy cần đi chùa, cần thờ cúng nhiều hơn để cầu an.
Có người cũng vì giàu quá nhanh, có quá nhiều tiền và muốn để lại ‘công đức’ hay vì muốn tạo ‘tiếng thơm’ cho mình, dòng họ của mình, họ đã bỏ tiền xây dựng những ngôi chùa lớn, hoành tráng ghi tên mình.
Nhưng có thể còn có một lý do khác ít hay nhiều dẫn đến nạn thờ cúng tràn lan và tùy tiện hiện nay ở Việt Nam.
Đảng thành ‘tôn giáo’?
Nếu quan sát các nghi lễ, cách vận hành, tổ chức, hoạt động, lãnh đạo – hoặc đọc các văn kiện – của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, ai cũng có thể nhận ra rằng Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS) không còn là một đảng chính trị thuần túy mà là ‘một tôn giáo’ vì nó có không ít những hành vi, cử chỉ không khác gì một tín ngưỡng, một tôn giáo hay một dòng tu.
Lời Mở đầu của Bản Hiến pháp sửa đổi, vừa mới được Quốc hội Việt Nam thông qua hôm 28/11, viết: ‘Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh … , Hiến pháp này…’.
Đọc đến đây, chắc nhiều người – đặc biệt những ai đã từng xem qua các văn bản quan trọng của các tôn giáo, dòng tu như luật dòng – sẽ có cảm giác rằng mình không phải đang đọc một bản Hiến pháp của một quốc gia mà là một hiến chương hay luật của một tôn giáo, một dòng tu.
Tại những kỳ họp quan trọng, chính thức của ĐCS và các cơ quan Nhà nước hay tại các phòng họp của các công sở hoặc tại các cuộc mítting của các ban ngành ở Việt Nam, đều có một khán đài hay một bàn thờ. Trên đó, luôn có tượng hay hình của ba người – được coi là ba ‘vị thánh tổ phụ’ – là Mác, Lênin và Hồ Chí Minh. Đối với người Việt Nam, vì quá quen nên ít ai quan tâm đến những chi tiết này.
Nhưng với người nước ngoài hay những ai hay để ý, chắc chắn họ cảm thấy như mình đang vào trong một nhà nguyện, một ngôi chùa hay đang tham dự một nghi lễ tôn giáo.
“…Hình tượng của Lênin bị lật đổ, đập vỡ tại nhiều nước Đông Âu khác trước đây – hay như ở Ukraina trong những ngày qua – giới lãnh đạo Việt Nam vẫn quyết đi theo ‘ánh sáng’ của họ và ‘tôn thờ’ họ.”
Gần đây, nhằm chấn chỉnh tình trạng tha hóa, nham nhũng nơi ‘một bộ phận không nhỏ’ quan chức của mình, ĐCS phát động chiến dịch ‘tự kiểm điểm’. Thái độ, hành vi tự kiểm điểm hay tự sám hối cũng là một cử chỉ được nhiều tôn giáo khuyến khích, thực hành.
Hơn nữa, chính quyền Việt Nam còn phát động chiến dịch ‘học tập tư tưởng Hồ Chí Minh’. Việc học hỏi và noi theo các nhân đức của những vị thánh, những vị tiền nhân đầy đức hạnh cũng là một điều thường thấy nơi các tôn giáo.
Chưa hết, tại Việt Nam ảnh tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo, được đặt, được ‘thờ’ hầu như khắp mọi nơi và xác thì được tẩm liệm rồi đặt trong hòm kính và trưng bày trong một lăng lớn nằm ngay giữa quảng trường lớn nhất, quan trọng nhất ở thủ đô.
Xem ra, khi làm như vậy, Đảng và chính quyền Việt Nam ‘thờ’ ông không khác gì – thậm chí còn hơn – những tín đồ của các tôn giáo thờ kính những người sáng lập tôn giáo của mình.
Điểm lại một vài trường hợp trên để thấy rằng Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước họ lãnh đạo vận hành, hoạt động không khác gì một tôn giáo.
Và việc ĐCS và Nhà nước Việt Nam – một đảng và một nhà nước có khuynh hướng hay chủ trương vô thần – lại có những hành vi, cử chỉ, nghi lễ rất tôn giáo, rất tín ngưỡng như thế đã và đang góp phần làm nảy sinh nhiều ‘hiện tượng’ khác trong đó có tình trạng loạn thờ cúng.
Không cần phải có nhiều kiến thức, nếu quan tâm thời cuộc, chắc ai cũng có thể biết chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội mà Mác và Lênin chủ trương, khởi xướng đã thất bại ngay tại nơi chúng được hình thành. Và chắc không ít người trong giới quan chức Việt Nam hiện hành cũng hiểu rõ điều này.
Nhưng trong khi học thuyết, chủ nghĩa của họ bị vứt bỏ và hình tượng của Lênin bị lật đổ, đập vỡ tại nhiều nước Đông Âu khác trước đây – hay như ở Ukraina trong những ngày qua – giới lãnh đạo Việt Nam vẫn quyết đi theo ‘ánh sáng’ của họ và ‘tôn thờ’ họ.
Việc cả một hệ thống chính trị ‘tôn thờ hai vị thánh’ ấy và coi chủ nghĩa của họ là ‘ánh sáng’ chỉ đường khi nhiều người biết nó rất đen tối, mù mờ – hay ngay cả chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận đến ‘cuối thế kỷ 21 chưa chắc Việt Nam có Chủ nghĩa xã hội’ trong một phát biểu được báo chí trích thuật và dư luận bình phẩm nhiều gần đây – chuyện quan chức và đặc biệt người dân Việt Nam thiếu hiểu biết về tôn giáo, tín ngưỡng, dẫn đến tình trạng mà có người gọi là ‘cầu cúng, giết mổ, ngoại cảm’ ở Việt Nam hiện nay cũng không có gì lạ.
Hơn nữa, chắc cũng không ít người tự hỏi nếu coi mình là ‘sáng suốt’, ‘quang vinh muôn năm’, tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam lại không bằng chính khả năng, kiến thức, tài đức của mình tìm ra một hướng đi thích hợp, tốt cho mình, cho đất nước và người dân của mình mà phải cứ viện vào ‘ba vị thánh tổ phụ’ ấy và dựa vào chủ nghĩa, tư tưởng của họ.
Trong một lần trả lời phỏng vấn BBC gần đây, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian đã nhận xét rằng càng ngày càng có nhiều quan chức Việt Nam tìm đến thế giới tâm linh và tự hỏi phải chăng họ làm như vậy vì họ ‘thiếu niềm tin vào bản thân, vào hệ thống chính quyền của mình’.
Nhưng, với việc Đảng Cộng sản Việt Nam luôn dựa vào Mác, Lênin và Hồ Chí Minh để tìm sự chính danh hay nhờ vào ‘ánh sáng’, tư tưởng của họ để vận hành, để duy trì quyền lãnh đạo phải chăng không chỉ từng đảng viên và quan chức Việt Nam thiếu niềm tin vào cá nhân mình, vào đảng của mình mà cả Đảng Cộng sản và hệ thống chính quyền Việt Nam cũng đang thiếu niềm tin vào chính mình?
TS Đoàn Xuân Lộc Nguồn BBC Tiếng Việt