Tại diễn đàn an ninh khu vực Shangri-la 2013, ông Nguyễn tấn Dũng đã đọc một bài diễn văn mà theo sự tâng bốc của báo chí lề Đảng là bài diễn văn mang “tầm vóc chiến lược”.
Cái mà hệ thống tuyên truyền của đảng CSVN gọi là tầm vóc chiến lược đó là gì, chúng ta thử phân tích.
Nội dung “chiến lược” của bài diễn văn của ông Dũng là kêu gọi xây dựng “lòng tin chiến lược”
Chỉ riêng thuật ngữ “lòng tin chiến lược” là đã có vấn đề rồi.
Thuật ngữ này quá mới lạ, từ trước đến nay người ta chỉ nói về “ý đồ chiến lược” “mục tiêu chiến lược”, “kế hoạch chiến lược”, “quyền lợi chiến lược”, “đối tác chiến lược”…. mà chưa thấy ai nói về “lòng tin chiến lược” vì một lẽ đơn giản là trong quan hệ quốc tế chỉ có quyền lợi chiến lược mà không bao giờ có “lòng tin chiến lược”
QUAN HỆ QUỐC TẾ ĐƯỢC XÂY DỰNG TRÊN TƯƠNG QUAN QUYỀN LỢI
Những mối quan hệ chiến lược như quan hệ trong khối NATO hay quan hệ Mỹ- Nhật, Mỹ – Hàn, Mỹ- Úc cũng chỉ được xây dựng trên tầm nhìn chiến lược và quyền lợi chiến lược, khi nào các quốc gia này còn có sự tương đồng về quyền lợi và mục đích chiến lược thì mối quan hệ này còn tồn tại và nó sẽ chấm dứt nếu tương quan quyền lợi không còn, bất kể nó được cam kết ở cấp độ nào.
Quan hệ giữa Mỹ và VNCH trước đây cũng thế, khi người Mỹ còn có nhu cầu chiến lược ngăn chận khối CS tràn xuống phía Nam, họ và VNCH là đồng minh thân thiết, nhưng một khi nhu cầu chiến lược không còn nữa mối quan hệ đó không còn lý do tồn tại và VNCH đã sụp đổ theo mối quan hệ chiến lược đó.
Cho nên trong quan hệ quốc tế mà nói đến “lòng tin chiến lược” là đã ngây thơ rồi, đã phạm sai lầm chết người rồi.
Trong quan hệ quốc tế mình phải xác định mình có vị trí và vai trò như thế nào trong khu vực và trong quan hệ giữa các siêu cường, mình sẽ được gì mất gì trong cục diện đó và mình có thể khai dụng mối tương đồng cũng như mâu thuẫn của các nước để mưu tìm sự sống còn và đạt được lợi ích cho dân tộc và đất nước không.
Các nhà lãnh đạo của Mỹ, TC và Đông nam Á hiện diện tại diễn đàn Shangri-la 2013 cũng vậy thôi, quyền lợi của đất nước và dân tộc họ là trước hết và trên hết vậy mà ông Nguyễn tấn Dũng đến Shangri-la 2013 để kêu gọi xây dựng “lòng tin chiến lược” thì thật là hoang đường.
Tại đây cũng xin nhắc ông NTD câu nói nỗi tiếng của Winston Churchill :
“Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”.
Bây giờ chúng ta thư tìm hiểu ông Dũng đưa ra lời kêu gọi xây dựng “lòng tin chiến lược” nhắm vào ai?
Thoáng qua người ta có cảm tưởng ông Dũng kêu gọi các đối tác của VN là Mỹ, TC và các Nước Đông nam Á cùng xây dựng “lòng tin chiến lược” với VN, nhưng nếu như vậy thì ông Dũng có thể dùng những cuộc họp thượng đỉnh giữa VN và các đối tác để thuyết phục họ, tại diễn đàn Shangri-la 2013 không phải là chổ để làm điều đó.
Ông Dũng đến diễn đàn này với tư cách là Thủ tướng VN đáng lẽ ra ông phải mưu tìm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ quyền lợi của đất nước VN đang bị TC xâm lấn, phương hại. Muốn làm được điều đó ông Dũng và hệ thống chính trị của ông phải tạo dựng cho được niềm tin và sự tôn trọng đối với khu vực và quốc tế, và hơn thế nữa ông Dũng phải chứng minh được rằng ông và hệ thống chính trị của ông là một đối tác quan trọng và cần thiết để các nước cần đến trong cục diện khu vực và quốc tế đầy mâu thuẩn và đối kháng.
Nhưng ông Dũng đã không làm được điều đó mà lại tự nguyện đóng vai trò của một “thuyết khách” kiểu Trương Nghi và Tô Tần trong thời Chiến quốc. Hãy nghe ông Dũng nói:
“Việt Nam chúng tôi có câu thành ngữ “mất lòng tin là mất tất cả”. Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành”.
Những lời kêu gọi “tha thiết” này liệu có làm động lòng các siêu cường đang cạnh tranh nhau để giành ưu thế trong khu vực và thế giới.
Một bên là Mỹ- siêu cường duy nhất hiện nay với một trật tự mà Mỹ muốn duy trì để gìn giữ hòa bình và thịnh vượng cho cả thế giới và bảo đảm tốt nhất cho quyền lợi và an ninh của Hoa kỳ.
Còn bên kia là TC một cường quốc hùng mạnh đang trổi dậy như vũ bão với những tham vọng khó lường và cái trật tự hiện nay đối với họ là không thể chấp nhận được vì nó quá “chật hẹp”. TC đang tìm kiếm một không gian “rộng thoáng” hơn cho người Hán!?
Vậy Mỹ và TC sẽ nghe lời thuyết khách của ông Dũng hay họ sẽ hành động vì quyền lợi và an ninh chiến lược của họ?
Ông Dũng nói mà không lường đến kết quả của lời ông nói.
“Cạnh tranh và can dự vốn là điều bình thường trong quá trình hợp tác và phát triển”, “Nhưng nếu sự cạnh tranh và can dự đó mang những toan tính chỉ cho riêng mình, bất bình đẳng, trái với luật pháp quốc tế, thiếu minh bạch thì không thể củng cố lòng tin chiến lược, dễ dẫn tới chia rẽ,nghi kỵ và nguy cơ kiềm chế lẫn nhau, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, hợp tác và phát triển”.
Thế giới này luôn tồn tại mâu thuẩn, có những mâu thuẩn cạnh tranh để phát triển và có những mâu thuẫn loại trừ nhau.
Mâu thuẩn cạnh tranh để phát triển như mâu thuẩn giữa các quốc gia dân chủ là Mỹ- Nhật- Âu châu- Úc – Hàn quốc…
Có những mâu thuẩn mang tính loại trừ nhau như Dân chủ và độc tài.
Mâu thuẩn giữa Mỹ- Nhật- Âu châu với TC là mâu thuẩn mang tính loại trừ nhau vì một bên chủ trương dân chủ, phục vụ nhân loại, một bên chủ trương độc tài và dân tộc cực đoan ( chủ nghĩa Đại Hán) cho nên không thể tìm được sự đồng cảm đồng thuận được.
Ngày hôm nay nguy cơ về một TC đã hiển nhiên ai cũng biết, chỉ có ông Dũng và đảng CSVN là không biết hoặc cố tình không biết.
“Đưa ra bản đồ với đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) xem 80% Biển Đông “thuộc về mình”, liên tiếp tạo ra những căng thẳng với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Philippines và Việt Nam. Những hành động ngang ngược đó của Trung Quốc đang biểu hiện cho một âm mưu lớn”, tờ Forbes (Mỹ) bình luận.
Cách đây nữa thế kỷ ông Ngô đình Nhu nhận định trong cuốn sách CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM sự phát triển của một khối dân như khối dân Trung cộng tự nó là một sự đe dọa cho tất cả thế giới.
Và mới đây tờ Le Figaro dẫn lời một chuyên gia nói về quan hệ Mỹ-Trung :
«Sự ngờ vực này không phải dựa trên cảm giác nhất thời, mà là trên những phân tích mang tính dài hạn». Một chuyên gia khác nhận định : Người Mỹ và người Trung Quốc nghi kỵ nhau, vì cả hai đều hiểu rõ rằng, không bao giờ có kết cục tốt đẹp trong quan hệ giữa hai cường quốc trong khi một bên là «cường quốc đã lên» và một bên là «cường quốc đang lên».
Tôi nghĩ là ông Nguyễn tấn Dũng và đảng CSVN đánh giá quan hệ Mỹ- Trung đang ở vào giai đoạn quyết liệt nhất từ trước đến nay và cơ may để hai con Hổ này chịu sống chung hòa bình với nhau là điều không thể, nhất là TC đang nóng lòng muốn thay đổi trật tự hiện nay biểu hiện qua những hành động bá quyền lộ liểu làm Mỹ và thế giới vô cùng bất an.
Hơn ai hết ông Dũng và đảng CSVN mong muốn TC tồn tại để đảng CSVN có thể tồn tại cho dù họ biết rằng sự tồn tại và trổi dậy như vũ bão của TC một ngày không xa sẽ nuốt chững nước VN và đồng hóa dân tộc VN.
Trong một bài diễn văn không dài nhưng có đến gần 40 lần ông nhắc đi nhắc lại về việc xây dựng “lòng tin chiến lược” Mỹ – Trung.
Tiến sỹ Lee Chung Min, Đại học Yonsei, Hàn Quốc hỏi:
“Cảm ơn Ngài Thủ tướng. Ngài đã đề cập tới các từ “lòng tin chiến lược” tới 30-40 lần, câu hỏi của tôi rất đơn giản là vậy ngài tin tưởng Hoa Kỳ như thế nào khi so với Trung Quốc, đứng ở quan điểm của Việt Nam? Cảm ơn Ngài!”
Ông Dũng trả lời:
“Như tôi đã đề cập trong bài phát biểu của tôi là Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai cường quốc có trách nhiệm lớn nhất, tôi nhấn mạnh là lớn nhất, trong tương lai trong quan hệ của chính mình, cũng như sự đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng chung của khu vực.
Chúng tôi tin tưởng và hy vọng Trung Quốc và Hoa Kỳ với tư cách là hai cường quốc của thế giới, của khu vực nhận rõ vai trò, trách nhiệm và lợi ích của mình mà có những chiến lược, những việc làm thiết thực, phù hợp để đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, thịnh vượng ở khu vực”
Rất tiếc sự lo lắng của ông Dũng sẽ không có một chút tác động nào đối với các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ và TC, vì không như ông Dũng họ không mưu tìm “lòng tin chiến lược” mà chỉ mưu tìm an ninh và quyền lợi chiến lược của họ!
Ông Nguyễn tấn Dũng và Bộ chính trị đảng CSVN hãy chiêm nghiệm lời của Winston Churchill để biết thiên hạ nghĩ gì:
“Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”
Ông Dũng vẫn chỉ đặt quyền lợi của ông và đảng CS lên trên hết và trước hết, nhưng ông Dũng và đảng CS có thể làm mưa làm gió ở VN và đối với nhân dân VN thôi, tại diễn đàn này ông và đảng VC của ông không là gì cả!
Ông Dũng và đảng CSVN đã làm một việc không thể làm và không phải việc của ông. Việc của ông và đảng CSVN là phục vụ nhân dân VN, tìm kiếm “lòng tin chiến lược” từ nhân dân VN.
Tôi xin nhắc lại lời ông Dũng:
“Việt Nam chúng tôi có câu thành ngữ “mất lòng tin là mất tất cả”.
Điều này ông Nguyễn tấn Dũng đã nói đúng.
Đảng CSVN đã đánh mất niềm tin từ người dân, họ chỉ còn cách bám víu vào TC để tồn tại, nếu TC bị Hoa kỳ đánh bại và tan rã từng mãnh thì trong nội bộ đảng CSVN sẽ xãy ra hiện tượng sụp đổ “lòng tin chiến lược” và tai họa sẽ ập lên đầu những người CS.
Thức thời mới là tuấn kiệt !
Đảng CSVN hiện nay như con tàu trước cơn bão dữ, như căn nhà sắp sập đổ ai khôn ngoan thì hãy mau mau rời bỏ nó.
Người dân VN đang đón chờ những người CS thức tỉnh trong sự bao dung, trong tình tự dân tộc và sẽ không tha thứ cho những kẻ cực đoan.
Huỳnh ngọc Tuấn