Blogger Hùynh Ngọc Chênh nhận giải thưởng Công dân Mạng
tại văn phòng RSF tại Paris hôm 12/3/2013 AFP photo
Càng ngày càng có nhiều người tỏ ra bất mãn với hệ thống 700 cơ quan báo đài trong nước. Trên các trang mạng xã hội luôn xuất hiện những lời chê bai, chế diễu các cơ quan báo đài này cũng như các cán bộ và phóng viên làm cho các cơ quan đó. Trớ trêu là những lời dè bỉu ấy cũng xuất phát không ít từ chính những nhà báo đã hoặc đang làm việc cho hệ thống báo đài này.
Làm theo chỉ đạo
Những lời dè bỉu thường rộ lên vào những lúc xảy ra các sự kiện được cho là nhạy cảm như: Biểu tình, dân oan khiếu kiện đông người, Trung cộng hiếp đáp ngư dân, Trung cộng xâm lấn chủ quyền, phiên tòa xử các blogger và những người bất đồng chính kiến, đấu đá trong nội bộ đảng…Mới đây nhất, những lời dè bỉu lại rộ lên khi xảy ra sự kiện tàu Trung cộng bắn vào ngư dân và vụ xử gia đình người nông dân bị cướp đất Đoàn Văn Vươn. Nhiều người cho rằng hệ thống báo đài đó đã cho thấy rõ là phải răm rắp tuân lệnh sự chỉ đạo thống nhất từ cấp cao của đảng là phải đưa tin như thế nào, vào lúc nào. Nhiều người đã không tiếc lời miệt thị các cán bộ và phóng viên trong các cơ quan báo đài ấy là hèn nhát, là bẻ cong ngòi bút…
Tuy vậy tôi lại không có cái tình cảm giống như nhiều người đã thể hiện ở trên. Bởi tôi hiểu rằng tất cả hệ thống gồm 700 cơ quan báo đài ấy đều là của đảng cầm quyền, được quản lý chặt chẽ bởi những đảng viên tin cẩn luôn luôn đăng bài vở theo định hướng và theo sự chỉ đạo của đảng. Tôi hoàn toàn thông cảm cho các cơ quan báo đài ấy cũng như thông cảm cho các đồng nghiệp của tôi đang làm trong các cơ quan ấy. Họ không thể làm khác hơn những gì họ đã được chỉ đạo. Nếu ai đó muốn làm khác đi chút xíu, ngay lập tức phải biến ra khỏi các cơ quan báo đài ấy, hoặc bị kỷ luật, hoặc bị hạ chức. Nhiều đồng nghiệp mà tôi biết ở báo Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ và nhiều tờ báo khác đã bị như vậy. Và mới đây nhất là đồng nghiệp Nguyễn Đắc Kiên, ngay tức khắc trong 24 tiếng đồng hồ phải rời ra khỏi tờ báo mà anh đang là cán bộ dù cái làm khác đi tuyệt vời của anh không thể hiện ra trên mặt báo đó, chỉ thể hiện ra trên trang blog cá nhân của anh mà thôi.
Do vậy khi một đồng nghiệp nặc danh nào đó ký tên là Lam Sơn của báo Nhân Dân viết bài luận tội và đả kích tôi một cách sai trái khi tôi được nhận giải Công Dân Mạng, tôi không hề có chút gì phiền bực trong lòng. Có chăng trong tôi chỉ là sự thương cảm người đồng nghiệp ấy, dù nghe theo sự chỉ đạo của tổ chức nhưng trong anh vẫn còn chút lương tâm, còn chút mặc cảm xấu hổ nên đã không dám ký tên thật của mình vào bài viết.
Tôi cũng không hề bất mãn với đảng cầm quyền về sự chỉ đạo thống nhất và độc đoán của họ trên hệ thống báo đài mà họ đang làm chủ. Vì báo của họ nên họ toàn quyền làm việc đó là điều hiển nhiên. Ở các nước dân chủ văn minh thì báo chí thuộc cá nhân, đảng phái hay tập đoàn tài phiệt nào cũng phải làm theo lệnh chủ vậy thôi.
Cái khác là các cá nhân, đảng phái và tập đoàn ấy không cấm các cá nhân và các pháp nhân khác ra báo.
Nói thật là nói xấu?
Đồng nghiệp nặc danh đáng thương của tôi trên báo Nhân Dân đã viết rằng tôi đã đi quá xa khi hí hửng tuyên bố lúc nhận giải rằng: Ở VN không có báo tư nhân, hệ thống báo đài đều là của đảng cầm quyền nên tự do báo chí vì vậy mà bị hạn chế. Một vài blog cũng nặc danh nào đó mới mở vội ra để viết bài đả kích tôi đã cho rằng cái giải Công Dân Mạng tôi vừa nhận là giải rắm thối vì khi ra nước ngoài tôi đã nói xấu đất nước. Và blog nặc danh ấy cũng cho biết rằng điều tôi nói xấu đất nước là đã nói rằng ở VN không có báo tư nhân, hệ thống báo chí là của đảng cầm quyền…Nói như vậy là đi quá xa đến phải vi phạm pháp luật ư? Nói như vậy là nói xấu đất nước ư? Nói ra một sự thật khách quan rành rành như vậy là nói xấu đất nước hay sao?
Nếu các trang blog ấy là của một vài kẻ nặc danh hèn kém nào đó thì không có gì phải chấp vì họ đã chịu hạ mình xuống làm kẻ lén lút ném đá giấu tay rồi. Nhưng nếu các trang blog ấy là của các dư luận viên của đảng như đồn đại, thì đảng cũng nên huấn luyện nghiệp vụ và nâng cao trình độ văn hóa của họ lên để họ không vì thiếu hiểu biết mà vô tình bôi nhọ đảng. Vì chính họ đã cho rằng việc đảng làm chủ hệ thống báo đài cuả mình là việc xấu xa.
Báo chí tư nhân
Còn tôi thì tuyệt nhiên không cho rằng hệ thống báo chí nằm trong tay đảng là điều xấu xa. Bởi ngay ở các nước dân chủ tiên tiến trên thế giới, bất kỳ chính đảng nào cũng đều nắm trong tay hệ thống báo chí của riêng mình. Hệ thống báo chí đó tồn tại song song với hệ thống báo chí của các đảng phái khác và tồn tại song song với báo chí của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Điều làm tôi phiền lòng là ở VN chỉ tồn tại độc nhất một đảng chính trị nên chỉ có độc nhất một hệ thống báo chí và đồng thời không có bất kỳ một tổ chức nào ngoài đảng hay một cá nhân nào có thể ra được báo.
Mới đây trên báo QĐND có bài “Không thể có tự do báo chí không giới hạn” lập luận rằng ở VN vẫn có tự do báo chí mà không cần thiết phải có báo chí tư nhân. Bài báo ấy cho rằng ban ngành nào cũng có báo, địa phương nào cũng có báo, đoàn thể quần chúng nào cũng có báo, lãnh vực nào cũng có báo…vì vậy mà rất tự do báo chí.
Người viết bài hoặc do thiếu hiểu biết, hoặc có hiểu biết nhưng vì sự chỉ đạo của tổ chức đã cố tình lấy số lượng và sự phủ kín các lãnh vực ra để che đậy đi sự lãnh đạo độc tôn của đảng đối với hệ thống báo chí.
Tự do báo chí không có nghĩa là có báo đài phủ kín khắp mọi lãnh vực, mà là trong mỗi lãnh vực có nhiều tờ báo viết theo các đường lối khác nhau, với nhiều quan điểm khác nhau.
Mà để có được điều đó thì không còn cách nào khác hơn là bên cạnh hệ thống báo chí của đảng cầm quyền, cần phải có báo chí của các tổ chức ngoài đảng và của các cá nhân. Bộ phận lớn nhân loại văn minh đi trước đã làm như vậy, ta đi sau và cũng không vô cùng tài giỏi gì để có thể sáng tạo ra một kiểu cách tự do báo chí không giống ai được.
Huỳnh Ngọc Chênh — RFA
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh đoạt Giải Công dân Mạng 2013
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh của Việt Nam được nhận Giải Công dân Mạng 2013 do Tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF phối hợp với đại công ty internet Google vinh danh.
Bà Lucie Morillon Giám đốc phụ trách lĩnh vực truyền thông mới thuộc tổ chức RSF, loan báo tin này với VOA Việt ngữ:
“Tổ chức Phóng viên Không biên giới rất vui mừng trao tặng Giải Công dân Mạng 2013 cho blogger Huỳnh Ngọc Chênh ở Việt Nam. Thật là vinh dự cho chúng tôi được vinh danh một ngòi bút can đảm đang là một động lực khích lệ cho giới viết blog tại Việt Nam nói riêng và các công dân mạng trên thế giới nói chung. Trao giải thưởng cho blogger Chênh là cách chúng tôi ghi nhận sự đóng góp của những nhà báo tự do tại Việt Nam cổ xúy cho quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, và tự do internet bất chấp sự đàn áp và kiểm duyệt gắt gao của nhà cầm quyền Hà Nội.”
Bà Morillon cho biết Giải thưởng này được thành lập từ năm 2010 tới nay và đây là lần đầu tiên trao cho một người Việt Nam. Năm nay là lần đầu tiên người đoạt giải thưởng này được chính các công dân mạng trên khắp thế giới bầu chọn từ danh sách 9 ứng cử viên do RSF đề cử.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền RSF có trụ sở tại Pháp nói ông Chênh là một trong những blogger có nhiều ảnh hưởng nhất của Việt Nam.
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh từng làm việc cho báo Thanh Niên từ năm 1992 đến khi về hưu vào tháng tư năm ngoái. Ông bắt đầu viết blog từ năm 2008.
Trang blog cá nhân của ông có nội dung phản ánh sự quan tâm của công chúng về dân chủ, nhân quyền, vấn đề Biển Đông, và các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược đã thu hút đông đảo độc giả trong và ngoài nước với khoảng 15.000 người vào xem mỗi ngày dù bị nhà nước tìm cách ngăn trở.
Phát biểu cảm tưởng trước tin được nhận Giải thưởng Công dân Mạng năm nay, blogger Huỳnh Ngọc Chênh chia sẻ:
“Cái vinh dự này là vinh dự chung cho giới viết blog, nhờ niềm tin, thương yêu và những lá phiếu gửi chung cho giới blog Việt Nam mà trong đó có tôi. Giới viết blog này tạo nên một hệ thống báo chí tự do bên cạnh hệ thống báo chí bị kiểm soát bởi đảng cầm quyền. Vinh dự này không chỉ cho tôi, mà cho cả giới blogger của Việt Nam. Cho nên, tôi thấy mình phải có trách nhiệm làm thế nào để xứng đáng với giải thưởng đó.”
RSF cho biết chỉ trong 5 ngày, hơn 40.000 người dùng net trên toàn cầu đã ghé vào trang mạng của RSF để bỏ phiếu bình chọn cho ứng cử viên xứng đáng cho Giải Công dân Mạng 2013. Với sự hưởng ứng khả quan của cư dân mạng và quy trình bầu chọn công khai, minh bạch, RSF dự tính sẽ tiếp tục phát huy cách thức bình chọn công dân kiểu này thay vì là sự tuyển chọn của một ban giám khảo quốc tế như trước nay.
Giải thưởng thường niên trị giá 2.500 Euro này thường được trao vào 12/3 hằng năm để kỷ niệm Ngày Thế giới Chống lại Sự kiểm duyệt trên mạng.
RSF nói họ hy vọng nhà cầm quyền Việt Nam sẽ để cho ông Chênh sang Pháp dự lễ trao giải tại trụ sở của công ty Google ở Paris cũng như nhận ra rằng giải thưởng này không có gì là chống đối hay thiếu thiện cảm với Việt Nam vì một người dấn thân tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin tại Việt Nam là hành động có ích cho xã hội và đóng góp giúp nhà cầm quyền xây dựng đất nước.
Việt Nam trước nay không hoan nghênh các giải thưởng nhân quyền quốc tế kiểu này vì cho rằng đây là hành động “xuyên tạc” tình hình thực tế tại Việt Nam nhằm “bôi nhọ” thành tích nhân quyền của nhà cầm quyền Hà Nội.
Việt Nam vẫn nằm trong danh sách của RSF liệt kê các “Kẻ thù của Internet” trên thế giới và tiếp tục giữ hạng 172/179 trong bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới của RSF.
RSF nói tình hình tự do báo chí tại Việt Nam đang ngày càng xuống cấp trầm trọng.
Khi loan báo kết quả Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2013 hồi cuối tháng giêng vừa qua, ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong tổ chức RSF, cho biết Việt Nam từ vị trí thứ ba đã nhảy lên hàng thứ hai trong danh sách các nước cầm tù nhiều cư dân mạng nhất trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Theo RSF, hiện có 31 blogger và nhà báo công dân đang bị cầm tù tại Việt Nam.