Châm ngôn luật La tinh có câu: “Ignorantia juris non excusat”. Không ai có thể viện cớ không biết luật để biện minh khi phạm luật. Trong thực tế, xã hội càng văn minh, tiến bộ, luật pháp trong quốc gia của xã hội này càng nhiều, càng phức tạp. Không biết luật, do đó, là một tình trạng thực tế. Bước vào lãnh vực luật pháp, nhất là lãnh vực các đạo luật có tính cách chuyên môn, ta có cảm tưởng như đặt chân vào một rừng luật. Ðó là trường hợp nước Mỹ.
Văn minh kỹ thuật càng tiến bộ, luật pháp càng nhiều. Tuy nhiên, đó là giá phải trả của một xã hội văn minh. Nhưng có một khác biệt lớn giữa “rừng luật” của một xã hội tiến bộ và “luật rừng” trong một quốc gia sống dưới một chế độ rừng rú!
Luật của kẻ mạnh trong rừng rú được Rudyard Kipling, một thi sĩ và tác giả Anh Quốc nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20 , gọi là “luật rừng” (the law of the jungle). Nhưng đó là luật rừng của loài thú, một thứ luật tranh sống, một thứ luật thiên nhiên. Khi thứ luật của ác thú này được du nhập vào xã hội con người thì xã hội này hiện nguyên hình là một xã hội mọi rợ, bán khai.
Ở trong hoàn cảnh này, thằng dân thật khó biết tai họa sẽ đến lúc nào, không biết đường đâu mà tránh đỡ.
Công an đánh chết người trong khi “thi hành công vụ,” như Trung Tá Công An Nguyễn Văn Ninh đánh chết một người dân đi xe không đội nón bảo hiểm, chỉ bị xử 4 năm tù. Nguyễn Trọng Hiếu, công an viên xã Diên Khánh, Khánh Hòa, trong khi tuần tra giao thông, đã đuổi theo một nam thanh niên vì người thanh niên này không đội mũ bảo hiểm, đã dùng gậy giao thông đánh vào gáy thanh niên này làm anh mất thăng bằng ngã xuống quốc lộ, bị thương tích 77%, xếp loại thương tật vĩnh viễn. Tên công an chỉ phải ở tù 9 tháng và bồi thường 113 triệu VN (khoảng $6,000.00 đô la,) số tiền này không thể nào nuôi một người nằm liệt giường suốt đời. Ðó là luật rừng của kẻ cầm quyền.
Có phải công an thương dân, sợ dân vỡ đầu vì không đội nón an toàn mà phải đánh vỡ đầu dân, hay là vì Bộ Công An có ăn chia với nhà sản xuất nón nhựa!
Anh em nhà Ðoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, chống cưỡng chế chiếm đất, bị phá nhà phải chống đỡ, uất ức, phải chống cự, bắn súng hoa cải làm bị thương bốn công an, mỗi người lãnh 5 năm tù. Phá nhà, chiếm đất, hiếp dân là một công trạng, nên trưởng công an Hải Phòng được phong tướng! Trong khi đó, LS Trần Vũ Hải nói với BBC hôm 30 Tháng Ba, 2013, so sánh vụ án ở Cống Rộc, Tiên Lãng này với vụ án Nọc Nạn xảy ra ở tỉnh Bạc Liêu từ thời Pháp thuộc mà trong đó các bị cáo chính, là nông dân người Việt đã phản kháng đàn áp, cưỡng bức ruộng đất và giết chết năm người của chính quyền thực dân Pháp và phong kiến ở Nam Kỳ, đã được tha bổng!
Dân chúng cũng có luật rừng vì không tin vào công lý của kẻ cầm quyền, hành động phát xuất từ tính hung bạo, man rợ của con người sống và được đào tạo trong chế độ cộng sản gần 40 năm nay. Ðây là một xã hội mà tội ác khởi sự từ chính quyền và dần dà lan rộng trong quần chúng.
Ngoại tình có một dạo đã lâu lắm được xếp vào loại tội tiểu hình ở California, nhưng đã bị hủy bỏ từ lâu. Trong các quốc gia theo văn hóa Á Châu, và tại Việt Nam, ngoại tình vẫn được xem là một tội phạm. Nhưng dù là một tội lỗi (sin) hay tội phạm (crime), không một xã hội trọng pháp nào lại cho phép có một hình phạt có tính cách gây điếm nhục, tàn bạo, công khai như trong trường hợp xảy ra tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Lợi dụng lúc chồng vắng nhà, một thiếu phụ nhắn tin gọi tình nhân đến nhà mình “quan hệ bất chính.” Ông em chồng của người đàn bà theo dõi sự việc, kêu gọi người lối xóm vây bắt, ngoài trận đòn roi tới tấp như mưa, đôi “gian phu dâm phụ” còn chịu hình phạt bị lột sạch áo quần, bị trói đứng trước cửa nhà, trước mắt của mọi người qua lại.
Tự động bắt trói người, đánh đập và làm nhục, điều ấy phải chăng là một lối làm luật rừng tự phát? Một người vợ phạm tội ngoại tình, bà ta chỉ có lỗi trước chồng hay bị búa rìu dư luận, nhưng tòa án không thể bắt hay đưa bà ra tòa mà kết án tù. Trong trường hợp này một ông em chồng, có thể nhân danh ai để thi hành bản án lăng nhục những người khác như vậy?
Mọi người được xem là vô tội cho đến khi có án tòa. Và luật pháp phải được thi hành một cách điềm đạm, không thiên vị, không mang tính cách bêu riếu, trả thù. Bởi lẽ nếu bất cứ ai ai cũng có thể áp dụng, và thi hành luật pháp theo ý riêng thì xã hội sẽ rơi vào tình trạng loạn lạc, tạo nên điều kiện làm sống lại những thú tính nơi con người của xã hội bán khai, man rợ. Và đó là tình trạng dưới chế độ cộng sản trong nước hiện nay.
Trong bộ “luật rừng” này, một người “bị nghi” là trộm chó, dù không có tang chứng, cũng bị lên án tử hình bằng cách bị đưa lên “giàn thiêu,” như thời Trung Cổ, vì tại hiện trường đôi khi không thấy chó bị bắt hay bị thuốc, chỉ thấy xác người và xe đã bị thiêu rụi một cách tàn nhẫn. Nạn nhân đã thực sự bắt quả tang đang ăn trộm chó chưa, công an, chính quyền ở đâu mà để cho dân dùng luật rừng giết người như vậy?
Như vậy, nếu một người lạ mặt chạy xe gắn máy qua làng, chỉ cần một người hô lớn lên: “Trộm chó! Trộm chó!” – như chuyện “Chó dại!” trong Luân Lý Giáo Khoa Thư ngày trước – thì cả làng đổ ra, chưa biết trắng đen thế nào, gậy gộc vây lại đánh người này cho đến chết, hay chưa chết thì cũng thiêu sống họ bằng số lượng xăng trong chiếc xe gắn máy của nạn nhân. Một phó giám đốc ở Vũng Tàu cũng bị đánh trọng thương khi chạy xe vào vùng đang xẩy ra vụ trộm chó, như vậy trong số nạn nhân những người bi nghi là trộm chó cũng có kẻ chết oan.
Trong vụ “luật rừng” này, nạn nhân bị kết án và chịu án tử hình tại chỗ, nhưng chiếc xe gắn máy, tài sản của nạn nhân, kẻ khốn cùng và gia đình của họ, ai có quyền tước đoạt và thiêu hủy như người ta thiêu hủy những món độc dược như cần sa,
thuốc phiện?
Quả phụ ông Nguyễn Văn Tuyến, người nghi trộm chó bị đánh chết, trú tại Hải Dương đã nói những lới ai oán: -”Dù chồng tôi có thực là đi ăn trộm thì người ta cũng không thể nhẫn tâm đánh cho bằng chết. Còn nếu anh ấy không trộm chó mà bị đánh chết thì phải điều tra làm rõ nguyên nhân.” Thân phụ của một người bị đánh chết trong vụ trộm chó thì suốt ngày đóng cửa không dám ra đường, nghẹn ngào nói với phóng viên báo chí: -“Quả thật tôi rất nhục nhã với dân làng, tôi không còn mặt mũi để gặp ai nữa. Ðây là một nỗi nhục không biết bao giờ mới rửa sạch được. Tôi chỉ muốn chết hoặc bỏ đi biệt xứ nơi khác để khỏi phải nghe tiếng gièm pha!”
Ở các nước khác, dù là nơi thú vật trong nhà được cưng chiều, ăn trộm một con chó hàng xóm, cùng lắm là ở tù một vài tháng. Ở Việt Nam nếu một người bị kết án đi ăn trộm cho của người khác, không lẽ phải chịu tù chung thân? Hoàn cảnh xã hội nào đã khiến con người độc ác với con người đến như vậy?
Bảy năm sau khi cộng sản đã thôn tính cả nước, ở tù về, tôi đã đau lòng gặp gỡ nhiều thanh niên mạnh khỏe, khôi ngô, đã bưng từng rổ chanh, rổ kim chỉ, ráy tai đi bán trên hè phố, không lẽ sau ba mươi tám năm “kháng chiến đã thành công,” những thanh niên mạnh khỏe không có tiền để đút lót làm lao động xuất khẩu hay đóng tiền vượt biên, lại phải đi trộm chó để mưu sinh?
Cũng không phải kỳ thị, nhưng câu hỏi của tôi, là vì sao những vụ trộm chó lại chỉ xẩy ra quanh quẩn ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ an, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, cùng lắm ở Quảng Trị, thì lại là huyện Gio Linh, những vùng đất nằm ở phía Bắc vĩ tuyến 17 XHCN, những “thành đồng vách sắt,” được un đúc rèn luyện trong tinh thần cách mạng “thép đã tôi như thế đấy!” Không lẽ ở những nơi này, loài chó đang có giá và người ta coi con chó quý hơn mạng sống của con người.
Ðành phải thốt lên câu: -“Chó ơi là chó!”
Huy Phương