Nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba (phải) và nhà văn Mạc Ngôn (trái). (Hình: LAURENT FIEVET/AFP/Getty Images)
Văn chương siêu thực như nhà văn Kafka, ông đã chịu ảnh hưởng qua Kafka on the shore, tiểu thuyết của ông hư ảo với hai cuộc đời ảo và thực lẫn lộn, văn lôi cuốn, ngay đến những đoạn về sex người đọc cũng cảm thấy nhẹ nhàng dí dỏm.
Tôi cũng đã đọc qua những tác phẩm của Mạc Ngôn nhà văn Trung Hoa với “Báu vật của đời,” “Cây tỏi nổi giận” và “Cao lương đỏ” (Red sorghum) qua bản dịch tiếng Việt cũng như xem phim cùng tên do nhà đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể với nữ tài tử Củng Lợi. Ðọc để cho biết văn học Trung Hoa dưới thời cộng sản. Tác phẩm và văn chương của Mạc Ngôn trái hẳn với Murakami, đọc xong hai nhà văn tôi nhớ đến lời của nhà văn nữ Gertrude Stein nói với nhà văn Hemingway “ông chỉ nên đọc những cuốn tiểu thuyết thật là hay và tiểu thuyết thật là dở!” Cho nên ngày 11 Tháng Mười năm 2012 tôi không ngạc nhiên khi cả thế giới thất vọng vì ủy ban giải Nobel Văn Chương ở Stockhom, Thụy Ðiển, tuyên bố trao giải cho nhà văn Mạc Ngôn giống như các giải văn chương Nobel trong quá khứ được trao tặng cho nhà văn mỗi nước vì lý do chính trị nhiều hơn là văn chương, Haruki Murakami bị từ chối là vì ông đã sang sinh sống ở Hoa Kỳ. Ủy ban chấm giải văn học trao tặng nhà văn Mạc Ngôn vì “văn phong kết hợp chủ nghĩa hiện thực, ảo, với văn học nhân gian, lịch sử và hiện đại”. Giới thông tin nhà nước Trung Cộng và đàn em Việt Nam ca ngợi: “Cuối cùng văn học vĩ đại của Trung Quốc đã được công nhận!” Thế giới văn học và khoa học trong xã hội Cộng Sản Trung Quốc bị thui chột vì chủ nghĩa Mác Lênin nay nhờ tác giả “Vú to, mông bự” nay trở nên vĩ đại!
Ủy ban tuyển chọn của Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển chỉ có một ủy viên đọc được tiếng Trung Hoa đã làm nhà cầm quyền CSTQ và nhân dân Trung Hoa tự hào, nước Trung Hoa vĩ đại nay có được một người Hoa đoạt giải Nobel. Năm 2000, giải Nobel Văn Chương cao quý được trao cho nhà văn Cao Hành Kiện nhưng ông là người Trung Hoa, công dân Pháp, rời nước năm 1998, văn chương và con người ông là “cái tát” vào mặt nhà cầm quyền. Trong quá khứ có tám người Trung Hoa được giải Nobel về khoa học tự nhiên trong đó sáu người là công dân của các nước phương Tây (Hoa Kỳ, Anh, và Pháp), hai người là dân Ðài Loan.
Hai người còn lại được giải Nobel Hòa Bình là Lưu Hiểu Ba năm 2010 (đang ở tù 11 năm về tội chống chế độ, đòi nhân quyền) và Ðức Ðạt Lai Lạt Ma năm 1989. Gọi Ðạt Lai Lạt Ma là người Trung Hoa, Ủy Ban Giải Nobel Hòa Bình đã đưa nhà cầm quyền Trung Cộng vào thế kẹt, họ không thể xem Ðạt Lai Lạt Ma là người Trung Hoa vì người Tây Tạng không phải là người Hán, họ cũng không thể nói Ðức Lạt Lai Lạt Ma là người Tây Tạng vì như thế họ công nhận Tây Tạng độc lập!
Trong khi những nhà đối kháng như Ngụy Kính Sinh, linh hồn bức tường dân chủ, chỉ trích ủy ban chấm giải văn chương Nobel “cố làm đẹp lòng Bắc Kinh”, thì nhà văn Mạc Ngôn nhận được thơ của ông Lí Trường Chung (một trong chín ủy viên trung ương đảng) “Mạc Quản Nghiệp (tên thật của Mạc Ngôn, năm nay 57 tuổi) phó chủ tịch Hội Nhà Văn Trung Quốc được giải văn chương cho thấy ông không chỉ biểu hiện cho văn học Trung Quốc đang lên mà còn biểu hiện ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới.”
Nhà văn Mạc Ngôn với 11 cuốn tiểu thuyết và 60 truyện ngắn đã được giải Mao Thuẫn năm 2010, một giải nhà nước, không cao quí đối với các nhà văn đối lập (Mao Thuẫn là nhà văn viết tiểu thuyết chính trị từ năm 1920 đến 1930, sau là bộ trưởng văn hóa của chính quyền Mao Trạch Ðông từ năm 1949 đến 1965, nổi tiếng viết văn nhạt nhẽo, tuyên truyền chán ngắt). Ðược các nhà văn thân chính quyền ca ngợi “văn Mạc Ngôn tả được những sự thật xã hội Trung Hoa bây giờ”, nhà văn họ Mạc đã đi vào con đường mô tả “khía cạnh súc vật của con người”. Văn chương hiện thực của ông dùng những danh từ của giới bình dân, giới cùng đinh xã hội, trong đó “con người là con vật đánh nhau, la hét, ăn, ngủ, ỉa, đái, chảy mồ hôi, đổ máu, phản bội, làm tình, những con người trong xã hội chủ nghĩa đầy thú tính”.
Bút hiệu Mạc Ngôn (không nói) được cha ông đặt khi ông bỏ học vào thời cách mạng văn hóa, tham gia lao động nông thôn rồi lên sáng tác viên cục chính trị bộ tổng tham mưu quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Không nói để được yên thân trong thời Mao, nên có lẽ vì vậy mà bị dồn nén, những chuyện của ông đầy dục tính.
Ngay những dòng đầu của truyện “Vú to, mông bự” hay “Báu vật của đời” người ta đã thấy tiêu biểu văn chương của họ Mạc. Khi nhìn lên trời đầy trăng sao, con người thường mơ mộng và có ý nghĩ thanh cao, như Phạm Duy sáng tác “sao tua năm cái ới a… nằm kề, thương em từ thuở mẹ về là về với cha”, cụ Nguyễn Du nhìn trăng sao “một vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời” nghĩ đến chữ Tâm, đi Hướng Ðạo, trẻ nhìn lên trời thấy chòm sao gấu lớn, sao gấu nhỏ, sao hiệp sĩ, Bắc Ðẩu, Nam Tào, còn truyện của Mạc Ngôn bắt đầu: “Hàng hà sa số thiên thể vận hành… thiên thể này có hình bầu vú, thiên thể này có hình cặp mông.” “Ngắm nhìn mục sư Maloa nằm trên giường”. “Bức tranh khuôn mặt bầu bĩnh của Chúa Hài Ðồng trong tay Ðức Mẹ bị dột vì trời mưa khuôn mặt Ðức Mẹ và Chúa Hài Ðồng trở nên ngắn ngủi, đần độn và nanh nọc”.
Trong cảnh Trung Hoa thời Nhật chiếm đóng khi quân Nhật về làng “chị Lỗ vú to mông bự đang chuyển bụng sanh” bà Lã “đỡ đẻ cho con lừa bụng to mông bự”. Nhà văn họ Mạc ám ảnh về những phần thân thể của đàn bà, để độc giả cười về chính sách cấy tinh trùng nhân tạo cho súc vật, cấy tinh trùng người vào âm đạo con thỏ, trong chương 6 tác giả ám ảnh về những cơ quan sinh dục của con dê, con lừa, nhưng trong thời kỳ “Bước nhảy vĩ đại” đưa đến “Nạn đói vĩ đại” họ Mạc bỏ quên hẳn không đề cập đến nạn đói, “khi dân làng thiếu sữa dê họ chỉ cần đi lên tỉnh mua dễ dàng” trong thực tế thì cả làng đang thiếu cơm, thiếu gạo, thiếu sữa.
Trong truyện “Cây tỏi nổi giận”, họ Mạc ca ngợi tình yêu và tự do, người dân trong xã hội chủ nghĩa đã phải nhẫn nhịn “con giun xéo lắm cũng quằn” sẽ phản kháng nhưng không thấy cuộc cách mạng, phản đối như hàng ngàn cuộc phản đối xảy ra mỗi năm ở Trung Hoa. Truyện “Cao lương đỏ” được đạo diễn Trương Nghệ Mưu làm thành phim năm 1994, đoạt giải Cây Cọ Vàng, đại hội điện ảnh Cannes, tả cảnh Trung Hoa trong thời bị Nhật chiếm đóng tại làng Cao Mật, tỉnh Sơn Ðông được ca ngợi. Nhà văn họ Mạc đã tả các nhân vật trong làng ngang tàng như những ngọn cao lương. Nhưng ngôn ngữ của “Cao lương đỏ” cũng giống như ngôn ngữ của truyện ngắn mới đăng trên tờ New Yorker “Lao Lan” trong đó hai nhân vật chính, nông dân đánh chửi nhau vì gái tục tằn, lỗ mãng trước mặt cậu con trai chín tuổi.
Truyện của Mạc Ngôn được chính quyền CSTQ ca ngợi là vì ông đổ tội những tệ nạn xã hội, những cái xấu xa ghê tởm của con người xã hội chủ nghĩa gây ra bởi chính quyền địa phương còn chính quyền trung ương vô tội. Tệ nạn xảy ra là vì chính quyền địa phương đã thực hành sai chính sách và đây chính là đường lối của đảng: “Chúng tôi nghe tiếng nói của nhân dân, chúng tôi sẽ bắt những người làm sai chính sách sửa đổi.”
Truyện của nhà văn Mạc Ngôn làm tôi liên tưởng đến những phim truyện chiếu trên các đài truyền hình Việt Nam hải ngoại lấy từ trong nước. Phim ảnh đầy những ngôn ngữ xấu và những tệ nạn xã hội nhưng không có một kết luận đạo đức như những phim sản xuất từ nước tự do như Ðại Hàn.
Cuốn phim “Cao lương đỏ” tả cảnh đời của người dân quê Sơn Ðông trong thời kỳ Nhật chiếm đóng trong hai thập niên 1930-1940 đã bị nhà văn Lưu Hiểu Ba phê bình khắt khe: “Cuốn phim đã thành công dựa trên tình dục và ngoại tình với bài hát chính của phim “em ơi, hãy như gió cuốn, tiến lên đi” kêu gọi sống với dục tình ham muốn. “Màu đỏ ở Ðông Bắc Trung Hoa /là màu xanh buồn rầu. Mặt trời sáng/Bạo lực của bọn cướp. Ðàn bà trong làng/ ngoại tình bừa bãi trên cánh đồng cao lương đỏ/ Bọn cướp giết người vô tội vạ. Giấc mơ thay đổi của họ Mạc chỉ đưa đến những cảnh dục tình”. Năm 2004, nhà văn Lưu Hiểu Ba đã phê bình chính sách văn hóa đảng: “Chỉ trích xã hội mà không nhắm đến gốc chỉ làm ru ngủ lương tâm của con người trong xã hội Trung Quốc”.
Ðụng độ giữa nhà văn Lưu Hiểu Ba và nhà văn Mạc Ngôn là đụng độ điển hình hiện nay giữa các nhà văn Trung Hoa. Ða số các nhà văn có lương tâm chọn cách đứng ngoài chế độ như các nhà văn nổi tiếng đối với Hoa Kỳ và thế giới tự do có tên tuổi hơn Mạc Ngôn như Liu Bunjan, Sa Xiao Keng, Zhen Yi, Liao Yiwu, chọn con đường lưu vong. Nhà văn nổi tiếng Ha Jin không thèm viết tiếng Hoa, các tác phẩm của ông hiện nay chỉ viết bằng tiếng Anh. Những người theo chế độ, bồi bút như Mạc Ngôn đi lên cao.
Năm 1994, nhà văn Nhật đoạt giải Nobel Văn Chương Oe Kenzaburo khi đọc diễn văn nhận giải đã lo lắng cho hai nhà văn Zheng Yi và Mạc Ngôn. Zheng Yi, với tác phẩm “Cái Giếng Cổ” năm 1984, cũng tả cảnh dân làng Sơn Tây, đi tìm nước, đào giếng cho làng, truyện cũng được dựng thành phim đoạt giải thưởng phim ảnh. Câu chuyện tả đời sống dân làng với đời sống tâm linh khác hẳn đời sống thú tính của truyện Mạc Ngôn. “Giếng nước được đào xuống đất, cây tâm linh từ đất trồi lên đi ngược hướng lên trời.” Nhà văn Zheng Yi ủng hộ sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989, bị bắt vào trại cải tạo, trốn thoát bằng thuyền qua Hồng Kông năm 1993 rồi đi qua Mỹ sống lưu vong, tiếp tục chỉ trích chính quyền CSTQ cho đến giờ. Trong khi ấy, Mạc Ngôn chọn con đường khác, tuyên bố: “Chúng tôi đang sống trong thời kỳ được tự do ngôn luận” khi được biết trúng giải nhưng ông đã theo chế độ, viết theo lệnh của chính quyền, theo hướng dẫn của đảng, tiền của đảng là ngọn đuốc cho Mạc Ngôn. Ngày 12 Tháng Mười, năm 2012, nhà văn Mạc Ngôn kêu gọi tự do cho nhà văn Lưu Hiểu Ba. Các đài phát thanh như BBC ca ngợi “đây là lời phát biểu từ tiếng nói của lương tâm”. Nguyên văn lời của Mạc Ngôn: “Tôi đã đọc các tác phẩm văn chương của Lưu Hiểu Ba những năm 1980, sau đó anh bỏ văn chương đi theo đường chính trị. Tôi không liên lạc với anh và tôi không hiểu rõ những gì anh đã làm kể từ ngày đó. Nay tôi hy vọng anh sẽ được tự do sớm chừng nào hay chừng đó, tự do với sức khỏe tốt, càng sớm càng tốt và rồi anh sẽ có thể nghiên cứu chính trị và hệ thống xã hội mà anh ta thích.”
Những người sống trong xã hội cộng sản hiện nay thấy ngay đây không phải là lời kêu gọi chính quyền Trung Cộng trả tự do như BBC loan báo mà là lời của Mạc Ngôn nói theo lệnh đảng, ông ta nhắc lại “tự do với sức khỏe tốt”, sức khỏe Lưu Hiểu Ba từ ngày đi ở tù chỉ có chị Liu Xia vợ đi thăm nuôi biết rõ và nhà cầm quyền ra lệnh chị phải giữ bí mật hoàn toàn. Lời phát biểu của Mạc Ngôn ngầm ý chính quyền áp lực Lưu Hiểu Ba phải đi lưu vong để chữa bệnh và sống lưu vong luôn để “nghiên cứu chính trị và hệ thống xã hội mà anh ta thích”. Ði lưu vong nghĩa là không còn tranh đấu quyết liệt như gần đây, Tháng Tư năm 2012 nhà luật sư mù tranh đấu nhân quyền Trần Quang Thành đã qua Nữu Ước.
Hai năm trước, chính quyền CSTQ đã phản ứng mạnh với Na Uy đòi cấm vận sau khi Lưu Hiểu Ba được giải Nobel Hòa Bình hai năm sau đảng ca ngợi ủy ban giải Nobel Văn Chương và sẽ đầu tư 110 triệu vào làng Cao Mật, Sơn Tây. Giới blogger nổi sóng: “Cũng một chính quyền độc tài nhốt Lưu Hiểu Ba nay ca ngợi nhà văn theo chính quyền”. Blogger Tiểu Hồng: “Cũng một ủy ban Nobel hai năm trước xúc phạm chính quyền Trung Quốc hai năm sau xúc phạm nhân dân Trung Quốc! Chỉ trích chính nhằm vào con người hai mặt của Mạc Ngôn. Tháng Mười năm 2009 tại hội chợ sách ở Frankfurt, Ðức, Mạc Ngôn đọc diễn văn “Văn nghệ phải đứng ngoài chính trị” nhưng khi chính quyền CSTQ ra lệnh tẩy chay buổi diễn thuyết trong hội chợ của hai nhà văn Ðại Thanh và Bạch Linh, Mạc Ngôn bỏ ra ngoài nói rằng ông ta “không có sự lựa chọn nào khác”. Tháng Mười Hai, năm 2009 khi Lưu Hiểu Ba bị tuyên án 11 năm tù, Mạc Ngôn không có lời bàn. Rõ mặt bồi bút nhất là Tháng Sáu năm 2012, Mạc Ngôn gia nhập chương trình của nhà nước kêu gọi các nhà văn nổi tiếng phát hành lại bản “Bài nói chuyện của Mao Trạch Ðông năm 1942 ở Vân Nam về văn chương nghệ thuật” kỷ niệm 70 năm cuốn sách ô uế đã bị các nhà văn tẩy chay năm 1976 (năm Mao Trạch Ðông chết) và nhất là sau năm thảm sát quảng trường Thiên An Môn 1989.
Lời phê bình nặng nhất trên mạng dành cho nhà văn Mặc Ngôn là “liệu ông ta có can đảm đứng cạnh ‘chiếc ghế trống’ (tượng trưng cho Lưu Hiểu Ba) khi nhận giải ngày 10 Tháng Mười Hai năm 2012?”
Câu thách thức này cũng đáng dành cho Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển!
Việt Nguyên
One Comment
hovietquang72
Tôi đã đọc một phần các tác phẩm của Mạc Ngôn, Ý kiên cá nhân tôi cho rằng:
– Chưa đủ tầm để nhận giải thưởng Nobel văn học: Văn chương bình thường, chủ yếu là hiện thực (do công tác dịch thuật chăng?)
– Có thể do yếu tố khác tác động (chính trị chăng..?)
Tóm lại nếu so với các tác phẩm đoạt giải (khác nhận giải)., như Trăm năm cô đơn chẳng hạn thì nhà văn Mạc Ngôn còn kém xa lắm
Cảm ơn!