Hồ Trường An Nói Chuyện Với Văn Thi Sĩ Lưu Nguyễn Đạt
8. HỒ TRƯỜNG AN: Thuở ở Sài Gòn Anh có giao thiệp với các văn nghệ sĩ không? Nếu có, xin Anh cho biết những ai? Bộ môn nghệ thuật nào mà họ đeo đưổi?
LƯU NGUYỄN ĐẠT: Về nghề làm báo, viết lách thì tôi rất gần gũi với Vũ Tài Lục. Ông ta là một “mọt sách”. Trong thẻ kiểm tra, ở chỗ ghi nghề nghiệp, Vũ Tài Lục khai: “Đọc Sách”. Ông ta đọc nhiều thật: sách Pháp Ngữ, Anh Ngữ, Hán Ngữ, Nhật Ngữ, và cả những tài liệu bằng Tiếng Ý, lẫn Tiếng Đức, đều được mua về, đặt mọi nơi trên gian nhà gỗ hai từng, ọp ẹp, không đủ sức chứa và đỡ cả mấy tấn sách đó. Ông phải đổi nhà để có thêm chỗ chứa sách quý của ông.
Tôi cũng được quen biết nhà bỉnh sách Đỗ Long Vân của Đại Học Huế, sau khi ông từ Pháp về nước trong thập niên 60. Tôi thích nhất hiện tượng “nước ẩn” trong thơ Hồ Xuân Hương, mà ông chuyên chú điều nghiên. Có lẽ tôi bị ảnh hưởng về tư tưởng và ngôn ngữ đó khi tôi đặt tên cho thi phẩm đầu tay của tôi là Vùng Cao Nước Ẩn. Xin tưởng niệm linh hồn người hiền Đỗ Long Vân của nền văn học giao thời.
Cũng trong những tình cờ của giao hữu, vào những năm 1966 tới 1970, tôi được biết tới Nhà Biên Khảo Triết học Phạm Công Thiện và Nhà Thơ điên-mà-không-điên Bùi Giáng. Tôi có tặng Phạm Công Thiện một cuốn sách của Gaston Bachelard, mà chúng tôi đều thích.
Còn Bùi Giáng thì tôi đã từng nghe ông lè nhè vừa uống bia, vừa đọc thơ mình, và sau này tôi đã dành cho ông những nét trân trọng nhất, dưới đề tài “Thơ Bùi Giáng: từ phá thể sang hội nhập”, trong tập Văn Luận mà tôi viết về các tác giả tôi thường quý trọng. Lý do ngầm mà tôi chọn viết về Bùi Giáng cũng là vì ông cùng tôi trọn vẹn với mối tình văn học chung: Gérard de Nerval. Bùi Giáng dịch thơ và truyện của Nerval. Còn tôi thì dùng trường ký Le Voyage en Orient của Nerval để làm luận án Tiến Sĩ năm 1981, tại Michigan State University, với đề tài: Au centre du vertige nervalien: Le Voyage en Orient et la Mise en Abyme
Về nghệ thuật tạo hình, tôi rất thân với Trịnh Cung. Anh ta đã đề nghị Hội Họa Sĩ Trẻ mời tôi làm Tổng Thư Ký, khi Mai Chửng làm Chủ Tịch, Trinh Cung làm Phó Chủ Tịch (1973), có lẽ vì tôi chuyên về Lịch Sử Mỹ Thuật (Histoire de l’Art) và cũng vì Hội Họa Sĩ Trẻ lúc đó cần một luật sư soạn và đăng ký Nội Quy của Hội. Tôi đã nhận làm những công việc này. Nhưng tôi phải đặc biệt biết ơn Trịnh Cung vì trong những năm 1967-68, khi tôi còn dạy học tại trường Lycée Yersin, Trịnh Cung lên Đà-Lạt chơi, thấy căn nhà chúng tôi rộng rãi, bèn hứa, gần như cam kết, sẽ lên triển lãm tranh vào mùa Xuân năm sau. Gần đến ngày hứa hẹn, tôi đã gửi thư mời khách tới thưởng ngoạn, thì tranh bạn mình vẫn xa lánh tận đâu đâu. Bất đắc dĩ, tôi phải ngả khung gỗ ra vẽ (và từ đó tôi chuyên vẽ trên mặt gỗ) để kịp triển lãm thay thế ông bạn quý họ Trịnh: đó là cuộc triển lãm đầu tiên của tôi tại Trung Tâm Văn Hoá Việt Mỹ ĐàLạt, rồi tại trường Yersin, rồi Trung Tâm Văn Hoá Việt Mỹ Sài Gòn.
Sau đó tôi tiếp tục gửi tranh sang Pháp, và khi di cư sang Hoa Kỳ, tiếp tục triển lãm tại các Tiểu Bang California, Michigan, Virginia v.v., đến nay cả mấy trăm bức tranh, mấy chục bức tượng. Đàn Ngựa trong tranh Trịnh Cung đã chở người họa sĩ đó tới gặp tôi, rồi lại chở ông đi xa mất hút. Đó cũng là một kỳ duyên văn nghệ chăng? Khi chúng tôi khép sơ cửa ngõ ra đi khỏi căn nhà bên Gia Định vào đầu tháng Tư 1975, tôi đã để lại đó cả mấy chục bức tranh tôi vẽ, mấy chục bức tranh bạn Hoạ Sĩ Trẻ vẽ, trong đó có rất nhiều tranh của Nguyễn Trung và cả của Trịnh Cung. Phấn màu xin trả về cát bụi lịch sử.
Lưu Nguyễn Đạt — Hồ Trường An — Trịnh Công Sơn
Trong số các nhạc sĩ tôi quen thân vào những năm 60, 70, đặc biệt có Trịnh Công Sơn. Anh trở nên gần gũi với vợ chồng chúng tôi, vì anh đã lấy cớ quen biết tôi để làm quen với cô nữ sinh Lycée Yersin, P.T.L, em gái của Phùng Thị Hạnh. Trịnh Công Sơn đã lấy cảm hứng từ môi hồng P.T.L. để viết và tặng đúng ngày sinh nhật của Nàng cả tập nhạc Như Cánh Vạc Bay. Những năm tháng đó, chúng tôi quý Trịnh Công Sơn qua tiếng hát đứt ruột, với lời lẽ sâu sắc, bàng bạc tình người, xót xa nỗi đau dân tộc. Tôi cũng từng đóng phim Đất Khổ với anh và Nhạc Sĩ Vũ Thành An, có lẽ cũng vì nỗi xót xa thân phận người dân Việt chìm đắm trong cuộc chiến tương tàn.
Nhưng tôi đành phải nhận định rằng người nhạc sĩ họ Trịnh đã phản lại những gì ông nói, những gì ông ca tụng. Sau quốc nạn 1975, ông đã tuyệt nhiên im lặng, tuyệt nhiên quên hẳn tiếng nhạc khóc người của ông, đã nhắm mắt, bịt miệng, bịt tai không cần biết tới những hành động khủng bố dã man của các “đồng chí Xã Hội Chủ Nghĩa” khi họ triệt để cải tạo, bỏ tù, sát hại ngàn ngàn quân cán chính VNCH; không cần biết tới toàn dân Miền Nam bị uy hiếp, đầy đọa, bỏ đói; không cần biết tới cả ngàn ngàn người chết trôi giữa lòng Biển Thái Bình, hoặc qua tay hải tặc, cả ngàn ngàn người chết vội vàng trong rừng hoang, núi hiểm khi họ liều lĩnh bỏ nhà, bỏ cửa ra đi tìm lại tự do, tìm lại nhân phẩm, tìm đủ miếng ăn, miếng uống.
Ông đã phản lại và ruồng bỏ chính ông, phản lại và ruồng bỏ lý tưởng nhân bản mà chúng ta tưởng ông yêu chuộng trước đây. Chắc ông ta cũng không sung sướng gì khi ở trong tư thế phù thịnh đó, hoặc vì thời cuộc áp bức mà phải kết nhập, “an phận” như vậy. Thôi hãy để lịch sử phê phán ông.
[…]
HỒ TRƯỜNG AN: Xin cảm ơn Anh Lưu Nguyễn Đạt.
Hồ Trường An
Hồ Trường An Nói Chuyện Với Văn Thi Sĩ Lưu Nguyễn Đạt