Mùa hè năm 1979, Hợi và tôi nổi hứng đi Madrid học tiếng Y-pha-nho. Sang đến nơi, chẳng bao lâu tôi ngã bệnh, bị khớp xương đau nhức kinh hồn nên nhiều bữa phải nằm nhà, không đi đâu được. Viết cũng không nổi nên có lần phải nhờ nhà tôi viết hộ bài để nộp cho thầy. Những lúc buồn tình như vậy tôi chỉ còn một thú vui là đọc sách. Nhưng tôi cũng cố đọc sách tiếng Y-pha-nho để cho mùa hè không uổng phí. Vớ được một cuốn sách của Marcel Cohen viết về Paul Valéry, nhà thơ Pháp, trong đó có bài “Le cimetière marin,” Nghĩa-địa dưới biển, một bài thơ dài được xem là tuyệt-tác của Valéry nhưng rất khó dịch. (Trong khoảng 5-6 bản dịch của bài thơ này sang tiếng Anh, tôi thấy chỉ có một bản là nghe được còn phần lớn là rất kém. Thế mới biết là trong hai tiếng gần nhau như tiếng Pháp và tiếng Anh mà còn có vấn-đề khó chuyển từ tiếng này sang tiếng kia như vậy.)
Song có điều lạ ở tôi là, càng bị bịnh nặng thì hình như khả-năng dịch của tôi lại càng vượt trội hơn hẳn ngày thường–một trạng-thái mà có người mô-tả là tôi trong những lúc đó như “bị mắc dịch”–nên tôi đã dịch xong bài thơ của Valéry một cách khá lưu loát với đoạn đầu như sau:
LE CIMETIÈRE MARIN
Ce toit tranquille, où marchent des colombes,
Entre les pins palpite, entre les tombes;
Midi le juste y compose de feux
La mer, la mer, toujours recommencée!
O récompense après une pensée
Qu’un long regard sur le calme des dieux!
NGHĨA-ĐỊA DƯỚI BIỂN
Cái mái hiền hòa, nơi bồ-câu trắng dạo,
Giữa các hàng thông thở, giữa những mồ hoang;
Trời vừa đúng ngọ nên ở đây rực lửa
Biển, biển khơi, để mới mãi vẫn biển khơi!
Ôi phần thưởng sau một hồi dài suy tưởng:
Nhìn thật lâu vào vắng lặng của thần tiên!
Những hình ảnh thật đẹp và nên thơ nhưng thử hỏi, ai đã hiểu được hết ý của Valéry trong bài? Cũng may là, theo Cohen, đã có lần chính Valéry vào một lớp học, hình như ở Collège de France thì phải, để nghe một ông thầy giảng về thơ của ông. Ông thầy giảng không chắc đã đúng ý của Valéry nhưng lại chính Valéry cho rằng người đọc, nghĩa là ông thầy kia, có toàn-quyền hiểu theo ý của ông ta. Tóm lại, bài thơ có thể có hơn một ý-nghĩa: một ý-nghĩa riêng đối với tác-giả nhưng cũng không ai cấm nó có thể có một ý-nghĩa khác đối với một người thứ hai, một độc-giả chẳng hạn. Bài thơ phong phú chính vì thế.
Là thơ mới chính là nằm ở đó. Thơ cổ-điển của Pháp, chẳng hạn, ý-nghĩa rất rõ:
Et rose, elle a vécu ce que vit une rose:
L’espace d’un matin!
Hồng-hoa, nàng đã sống như hồng-hoa đã sống:
Vừa đúng một sớm mai!
Nhưng đến Gérard de Nerval, bắt đầu chữ nghĩa đã khó hiểu. Nếu thơ của Baudelaire còn rõ nghĩa thì đến Mallarmé phải nói là không còn ai dám chắc mình hiểu hết ý ông muốn nói gì. Nhưng tính thơ, tính nhạc trong thơ của ông thì không ai phủ-nhận được.
Như bài “L’après-midi d’un faune”:
Ces nymphes, je les veux perpétuer!
Si clair,
Leur incarnat léger qu’il voltige dans l’air
Assoupi de sommeils touffus.
Aimai-je un rêve?
“Mấy nữ-thần ấy, tôi muốn họ sống mãi!”
Song đẹp thì có đẹp nhưng khó mà ai hiểu hết. Vì sao? Bởi đó chẳng qua chỉ là một “giấc mơ” (“un rêve”).
Bởi đó chỉ là một “giấc mơ” nên khi Debussy làm thành nhạc dựa trên bài thơ này, bài Prélude à L’après-midi d’un faune, ông đã sáng-tác một thứ nhạc được gọi là “impressionistic,” theo trường-phái ấn-tượng bắt đầu với một đoạn sáo vi vu mà Pierre Boulez xem đây là khởi đầu của “nhạc hiện-đại.”
Tôi có đang lạc đề không khi tôi được yêu-cầu nói về tập thơ LỜI CỦA CÁT / PAROLES DE SABLE của anh Lưu Nguyễn Đạt? Thưa, có lẽ không đến nỗi. Bởi tập thơ của anh ra mắt ngày hôm nay là thơ song ngữ, một hiện-tượng tương-đối hiếm hoi. Nhưng không lạ bởi anh là sản-phẩm của hai nền văn-hóa khi còn ở Việt-nam, Pháp và Việt. Sang đến Mỹ, anh vẫn theo đuổi mối tình ngôn ngữ của anh là nghiên cứu về văn-chương Pháp để lấy bằng Tiến-sĩ về ngành này. Làm tôi nhớ đến một Vũ Khắc Khoan, khi sang Minnesota, không những đi dạy tiếng Pháp mà cuối đời còn quay ra làm thơ toàn bằng tiếng Pháp. Cũng không lạ bởi Việt-Nam ta cũng đã có truyền-thống làm thơ song-ngữ từ xa xưa. Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến… đều là những nhà thơ lưu loát trong hai thứ tiếng. Đến quyển Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương cũng là một tập thơ song ngữ Hán-Nôm. Chỉ khác trong trường-hợp mấy người này thì là tiếng Hán và tiếng Nôm, trường-hợp anh Lưu Nguyễn Đạt thì là tiếng Pháp và tiếng Việt.
Người ta kể Nguyễn Khuyến nhiều khi làm thơ Nôm rồi lại dịch thành thơ chữ Hán và ngược lại. Anh Đạt như vậy cũng đã có tiền-lệ nhưng trong cuộc phỏng vấn anh dành cho Thanh Trúc trên đài SBTN Washington, anh phủ-nhận đó là những bài thơ dịch qua lại… dù như đối diện mỗi bài thơ tiếng Pháp của anh thì lại có một bài thơ tiếng Việt với đầu đề gần giống hệt bản tiếng Pháp, và ngược lại. Đọc vào trong đó, ta lại có cảm-tưởng là hai bài thơ song song đó cũng đến từ một nguồn cảm-hứng.
Thế tại sao anh lại không chịu nhận đó là những bài thơ dịch qua lại? Theo tôi nghĩ, anh trả lời như vậy là vì anh muốn giữ cái “intégrité,” cái chất trọn vẹn của mỗi ngôn ngữ, của mỗi bài thơ. Mỗi bài thơ như vậy trong tập thơ của anh là một bài tự-tại, nó không cần phải dựa vào tiếng nào hay yếu-tố nào khác cả. Nó thành công hay thất bại là trên hai chân của nó, nói một cách bóng bảy—dù như thơ, hiển-nhiên rồi, đâu có chân. Và nếu mỗi bài thơ như vậy có riêng cái “intégrité” của nó thì tự nó cũng sẽ có thể gây cảm-hứng cho một nhạc-sĩ đem bài ấy ra phổ nhạc hay dựa vào đó mà có thể làm thành một bài nhạc cho nhạc-cụ, chứ không nhất thiết phổ lời thơ.
Tóm lại, như Debussy đã biến thơ của Mallarmé thành nhạc giao hưởng, biết đâu đó! Ít nhất, cho đến nay cũng đã có một số nhạc-sĩ cảm hứng đủ để phổ nhạc thơ của Lưu Nguyễn Đạt như Triệu Vinh, Hoàng Thiện Căn v.v.
Và cứ thế, nhạc và thơ có thể dựa vào nhau, leo lên lưng của nhau để đẩy thơ, đẩy nhạc Việt-nam đi tới, đóng góp thêm phần phong phú vào văn nghệ hiện-đại của người Việt hải-ngoại, của người Việt tự do sống ngoài vòng kiềm tỏa của một chế-độ khắc khe, ngu xuẩn như ở quê nhà, làm què cụt đi sức sáng-tạo của những tài-năng ở trong nước. Và chỉ khi nào văn nghệ của chúng ta tiến lên, bắt kịp được phần nào với thế-giới như tập thơ ra mắt hôm nay, LỜI CỦA CÁT / PAROLES DE SABLE của anh Lưu Nguyễn Đạt thì ta mới mong nở mặt nở mày được với nhân-loại.
Tôi nói vậy không nhằm ca tụng một người bạn cho bằng tôi muốn khuyến khích những tác-phẩm đứng đắn tương-tự để khi có dịp đi dự những hội-nghị quốc-tế về văn-học, tỷ như những hội-nghị của Văn-bút Quốc-tế, thì ta còn có cái gì để trao đổi với các bạn văn trên khắp địa-cầu.
Cho tới nay, tôi mới chỉ thấy lác đác trước năm 75 có Vũ Hoàng Chương mang thơ dịch của mình sang tiếng Anh tiếng Pháp đi dự Văn-bút Quốc-tế và một tuyển-tập truyện ngắn VN do Văn-bút Việt-nam dịch sang tiếng Anh, và sau 75 đôi ba nỗ lực rời rạc đem văn-học của mình đi trao đổi với người trong những bản dịch chuẩn (như tuyển-tập War and Exile, A Vietnamese Anthology do Văn-bút Miền Đông mang đi Đại-hội Văn-bút Quốc-tế ở Montreal năm 1989 hay tuyển-tập ra cùng năm của Văn-bút VN ở Gia-nã-đại dịch sang hai thứ tiếng, Anh và Pháp).
Ở Thụy-sĩ, nhà thơ Nguyễn Hoàng Bảo Việt có cả thơ của anh dịch sang tiếng Nga, tiếng Ba-lan, tiếng Nhật. Thơ Việt-nam được trình bầy rộng rãi nhất ở Văn-bút Quốc-tế có lẽ chỉ có thơ Hoa Địa Ngục của anh Nguyễn Chí Thiện, là được dịch và trình bầy trong các tiếng Anh, Pháp, Đức, Tiệp ở Praha, Mallorca v.v.
Riêng cá-nhân tôi rất mong Anh Lưu Nguyễn Đạt, trong một ngày không xa, đem LỜI CỦA CÁT / PAROLES DE SABLE của mình đi trao đổi với các văn-thi-sĩ của thế-giới.
Nguyễn Ngọc Bích
Khu Đồng Xuân, Bang Trinh Nữ,
Hoa Kỳ Quốc Đêm 22/XI/2014