LƯU NGUYỄN ĐẠT: “Ý Niệm Thơ Văn Nhân Bản, Nhân Nghĩa, Nhân Phẩm”
Thưa Quý Vị, Quý Bạn
Thật là một vinh hạnh cho tôi được gặp lại quý vị, quý bạn tại Viện Việt Học, nơi mà tôi rất quý mến nhờ cảm tình mà GS Nguyễn Khắc Hoạch đã dành cho tôi trong quá khứ, gần 60 năm trước đây, nay được nối lại bằng sự tiếp đón nồng hậu của Hội Đồng Điều Hành Viện Việt Học.
Xin cảm ơn Viện Việt Học, Xin cảm ơn TP Phạm Văn Hàm, Chủ Tịch Hội Ái Hữu Luật Khoa, Nam Cali. Xin cảm ơn LS Nguyễn Hữu Thống, LS Hồng Vân, Hội Luật Gia VN đã tới từ San Jose. Xin cảm ơn Ban Tổ Chức. Và nhất là, xin cảm ơn quý Đồng Nghiệp, Quý Bạn Hiền, những tâm hồn hiếu khách, trọng văn đã vui lòng tham dự đông đủ Buổi Ra mắt Sách hôm nay.
Xin cảm ơn nắng ấm Nam Cali mà 40 năm trước đây vợ chồng, con cái chúng tôi đã bước chân tới Vùng Đất Hứa, nơi mà tôi tạo dựng và để lại Bức Tượng Hand of Hope, Bàn Tay Hy Vọng tại Khu Tiếp Cư Trại Marine Camp Pendleton, San Clemente, CA.
Niềm hy vọng đó hôm nay vẫn tồn tại trong câu chuyện chia sẻ với Quý Vị, Quý Bạn khi chúng ta đề cặp tới “Ý Niệm Thơ Văn Nhân bản, Nhân Nghĩa, Nhân Phẩm” của hai tác giả Lưu Nguyễn Đạt & Huỳnh Thục Vy.
Thưa Quý Vị, Quý Bạn,
Thế nào là “Nhân Bản, Nhân Nghĩa, Nhân Phẩm”?
Trước hết, Nhân Bản” là sự hiện hữu đúng bản ngã, ý trí và đức độ của con người chủ thể một cuộc sống chân chính;
“Nhân nghĩa” là cách thể hiện đúng đức nhân trong cung cách cư xử thích hợp, thuận hoà, công bằng, nhân từ giữa cá nhân với cá nhân; giữa cá nhân với cộng đồng. Trong “Nhân Nghĩa” có Nhân Tâm, Nhân Hoà.
Còn “Nhân Phẩm” là phẩm chất, giá trị, danh dự, lương tâm và đạo đức hướng thượng của con người tự trọng.
Theo quan niệm trên, Chế độ CSVN chỉ thắng chúng ta bằng bạo lực, lừa lọc và gian xảo nên không hề được coi là kẻ “Thắng Cuộc”. Trước toàn dân và dòng lịch sử đích thực, CSVN chỉ là một chế độ tiếm quyền, cướp nước, nên có không có chính danh; lại không có chính nghĩa vì suốt 70 năm qua họ từng coi rẻ, miệt thị, áp bức, sách nhiễu, sát hại người dân dưới mọi hình thức. Họ còn xoá nhoà địa danh, hải phận và quốc hồn Việt Nam; xoá nhoà căn cước và phẩm giá người Dân Việt. Họ hoàn toàn thất nhân tâm và không hề thực sự chủ trương nhân hoà. Cái “Hoà Hợp, Hoà Giải Dân Tộc” của họ nặng mùi bịp bợm, kiểu “Nghị Quyết 36”, trá hình “Cải Tạo”.
Phản ứng chính đáng của chúng ta, thành phần tỵ nạn lưu vong và dân oan tỵ nạn trong nước là tranh đấu, là chống đối CSVN. Nhưng chúng ta không thể “Chống Cộng” chỉ bằng bạo lực, bằng khủng bố trả đũa, bằng gian xảo, vu khống chụp mũ như ngưòi CS, vì chúng ta không thể ác ôn bằng họ. Và nhất là chúng ta không nỡ, không đành lòng phạm pháp và sai quấy như người CS.
Sức mạnh của chúng ta là tranh đấu cho lẽ phải, tức bênh vực và bảo trọng sự thật; bênh vực và bảo trọng cung cách nhân bản, thể hiện qua nhân nghĩa, nhân phẩm.
Sức mạnh thực sự của chúng ta là “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.
Thưa Quý Vị, Quý Bạn: ý niệm nhân bản, nhân nghĩa, nhân phẩm đó cũng là cốt tủy và hy vọng của HUỲNH THỤC VY, qua NHẬN ĐỊNH SỰ THẬT, TỰ DO VÀ NHÂN QUYỀN.
Qua tác phẩm này, chúng ta sẽ thấy tâm hồn của một nữ anh thư trẻ, một công dân Việt tuy bị bạo quyền CSVN sách nhiễu, phương hại, mà vẫn miệt mài dấn thân tranh đấu cho lý tưởng nhân bản, nhân nghĩa, nhân phẩm.
Đối với Huỳnh Thục Vy, người dân không thể mãi mãi là dân oan, là nô dân bị “pháp quyền” [rule by law] hay luật rừng đảng phiệt CSVN thống trị; mà phải là đối tác và đối tượng của nền pháp trị [rule of law] mà mọi pháp thể phải thượng tôn luật pháp, mà người dân vừa có quyền, vừa có trách nhiệm.
Do đó chỉ có sự thật mới giúp người dân lĩnh hội cung cách và vị trí của mình trong xã hội; chỉ có sự thật mới giúp định hướng quốc sách kinh bang tế thế, an dân, cứu nước một cách đích thực.
Đối với Huỳnh Thục Vy, người dân chỉ đạt được tự do, khi vượt thoát sợ hãi, vượt bỏ an toàn giả tạo a tòng thể chế đảng phiệt.
Vậy “Muốn có một nền dân chủ thì phải có trước hết những người dân chủ…hiểu rõ tầm quan trọng của tự do cá nhân và sự đa nguyên của xã hội.”
Huỳnh Thục Vy nhận định một cách sáng suốt, hợp tình, hợp lý: “Có lẽ công bằng không đẹp đẽ như lòng nhân ái, cũng không sáng giá như trí tuệ, nhưng nó lại có thể giúp chúng ta yên tâm sống một cách tự do trong xã hội mà không sợ bị ngược đãi.”
Cuối cùng, nhân phẩm, giá trị, danh dự, lương tâm và đạo đức hướng thượng của con người mới là chính yếu, mới là tối thượng. Theo Huỳnh Thục Vy, “Dân chủ-tự do có thể là mục tiêu của cả một đời người, cả một thế hệ…Nhưng…Nó chỉ là phương tiện để đạt đến một cái đích to lớn và vĩnh cửu: sự phồn thịnh của quốc gia và sự thăng tiến mọi mặt của dân tộc…của nhân loại.”
Thưa Quý Vị, Quý Bạn: ý niệm nhân bản, nhân nghĩa, nhân phẩm đó cũng là cốt tủy và hy vọng của LƯU NGUYỄN ĐẠT, DÒNG THƠ 50 NĂM;
Bên cạnh thi phẩm song ngữ LỜI CỦA CÁT, PAROLES DE SABLE, DÒNG THƠ 50 NĂM gồm 8 thi phẩm với gần 700 bài thơ đã lần lượt quy tụ và phát huy một nhân sinh quan và mộtộ vũ trụ quan trong đó sự đoàn tụ và chia lìa; mất mát và thấy lại là những trạng thái lưỡng thể song hành.
Do đó, đối với Lưu Nguyễn Đạt, thơ thể hiện trào lực tìm kiếm nhân bản của chính mình, tìm kiếm đối tác và đối tượng của một cuộc hành trình đoàn tụ hiện sinh nhân bản.
Thơ là mạch cảm xúc sáng tạo bổ túc cho lý trí hạn hẹp, bế tắc. Từ đó thơ là hy vọng tái tạo ngay trong đổ vỡ, mất mát; là niềm tin của kẻ thất vọng; là mặc khải tư do của tù nhân lương tâm. Như mạch sống của những con song khô cạn, bỗng hồi lực tìm ra biển cả.
Thơ cũng là đam mê chữ nghĩa. Thật vậy, thơ có khả năng soi sáng và đột phá ngôn ngữ tới đáy cùng của dấu hiệu, vì thi ngữ có xu hướng tái tạo mặt chữ khi chữ nghịa khô cằn hay sáo mòn. Thơ sẵn sàng rửa sạch những con chữ bị ô uế bởi chính huấn nhiễm độc, bởi tuyên truyền nhục mạ.
Sứ mạng của thơ là tẩy xoá, tháo gỡ mọi mục nát, tăm tối, mù loà trong cuộc sống hằng ngày để khoác lên ngôn từ những tấm áo tao nhã, đa dạng, và từ đó khơi mào thứ ánh sáng tái tạo màu nhiệm ngay trong tâm tưởng con người khao khát hy vọng và lẽ sống cao đẹp.
Vậy, thơ chính là âm hưởng vang vọng cuộc hành trình thiên-nhân-địa, mà con người là trục nối giữa đất và trời; giữa hà tì và tuyệt đối; giữa đổ vỡ và nguyên vẹn; giữa bất toại và lý tưởng tuyệt mỹ của con người hồi hướng, hồi tâm.
Thơ tôn vinh ân ái, tình người, tình đất nước, tình thiên nhiên ở một nhiệt độ, một vị say hướng thượng, cao quý nhất. Tôi đã dành cả một thi phẩm lấy tên CA TỤNG NIỆM để xác định thơ tự tại ngay trong lời ca tụng những ý niệm cao đẹp, ca tụng sức mãnh liệt mầu nhiệm của tình yêu và hạnh phúc, của lẽ phải nhân hoà.
Thơ sẵn có ngay tâm thức của độc giả, của những ai có dịp gần gũi, đối diện dòng thơ, như một ánh lửa, một chất say tự tại, có thể bộc phát khi có cơ hội, và cũng vụt tắt khi không còn người nuôi dưỡng nó.
Thưa Quý Vị, Quý bạn:
Văn học nghệ thuật, vốn là khía cạnh sáng tạo của văn hóa, tiêu biểu cho sự chuyển biến của tư tưởng và cảm xúc, trong không gian và thời gian, để đạt tới một mức độ thăng bằng giữa nhân sinh quan và vũ trụ quan. Như vậy, dù tư tưởng và cảm xúc con người có thay đổi với đà tiến hoá của lịch sử và nhu cầu của cuộc sống, lẽ sinh tồn vẫn cho phép con người hướng về sự bảo toàn của nhân phẩm và hạnh phúc con người, dù là tạm bợ, dù là tương đối.
“Có” nhân phẩm và hạnh phúc trong đời sống phải được coi là một trạng thái bình thường, hoặc một cứu cánh tất nhiên. Ngược lại, “mất” nhân phẩm và “thiếu” hạnh phúc là một khiếm khuyết trầm trọng, một tình trạng bấp bênh, không thể kéo dài mãi mãi.
Vực sâu của những hà tì, những thiếu sót đó phải được bù đắp bằng những trào lực tiếp ứng thành khẩn, những ước vọng và yêu sách chính đáng.
Con người ắt sẽ có hạnh phúc khi ánh sáng đạo đức cốt lõi của tư tưởng nhân bản được khai triển đúng mức. Khi con người chân chính quyết tâm tạo dựng và bảo tồn một xã hội nhân bản, nhân hoà, có nhân nghĩa, nhân phẩm.
Xin trân thành cảm ơn Quý Vị, Quý Bạn.
TS LS Lưu Nguyễn Đạt
Ra Mắt Sách tại Viện Việt Học
Westminster, California
27 tháng 12 năm 2015