Với nợ công chiếm 51,7% GDP, mỗi người dân Việt Nam gánh gần 600 USD nợ nần, theo tạp chí The Economist trong bảng đồng hồ nợ toàn cầu.
Ý tưởng đồng hồ nợ không mới. Bất cứ ai đi đến quảng trường Thời đại ở New York đều có cơ hội chiêm ngưỡng chiếc đống hồ nợ của Mỹ. Lần này, Tờ The Economist cũng tạo một cái đồng hồ như thế nhưng chỉ khác là cho toàn thế giới.
Chiếc đồng hồ tính nợ thế giới do tờ báo này thống kê vẫn đang tích tắc không ngừng và cứ mỗi giây con số lại tăng thêm vài trăm nghìn USD.
Tính đến 17h30 chiều qua theo giờ Hà Nội, tổng số nợ toàn cầu mà đồng hồ đo được là 27.395 tỷ USD, sang đến 15h chiều nay đã lên đến 39.792 tỷ USD.
Đồng hồ đo nợ công toàn cầu của The Economist tính đến 15h chiều nay |
Theo bản đồ nợ của The Economist, trong năm 2010 con số nợ chi tiết của Việt Nam là 50.716.438.356 USD (50,7 tỷ USD), chiếm 51,7% GDP. Điều này có nghĩa là với dân số 87,6 triệu, mỗi người Việt Nam gánh 578,65 USD nợ công.
Cũng theo thống kê này, kể từ năm 2001 đến nay, số nợ trên đầu người của Việt Nam ngày càng tăng. Hồi 2001, tỷ lệ nợ công trên GDP tương đương 26,6% và nợ công đầu người chỉ là 106 USD.
Dự báo cho năm 2011 khả quan hơn khi mặc dù nợ công tăng thêm gần 6 tỷ USD, nhưng tỷ lệ so với GDP giảm xuống còn 50,9%. Tuy nhiên, vào lúc đó, nợ công đầu người là 638 USD.
Thống kê nợ công của Việt Nam năm 2009 |
Trong số các quốc gia được liệt vào hàng nợ cao, có Mỹ, Canada và các nước Tây Âu. Ví dụ, tại Pháp, mỗi người dân phải gánh gần 32.000 USD nợ công còn ở Hy Lạp, con số này là 34.000 USD. Thống kê của The Economist được tính toán dựa trên báo cáo hàng quý của các quốc gia, theo dõi 99% lượng GDP của toàn cầu.
Mới đây, IMF đưa ra cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp, nợ công cao và hệ thống ngân hàng yếu ớt sẽ là những mối nguy hại đối với sự thịnh vượng toàn cầu. “Nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ mở rộng 4,2% vào năm sau, thay vì 4,3% như trong dự báo cách đây ba tháng”, báo cáo cập nhật mới nhất của IMF viết. Tuy nhiên, dự báo cho năm nay lại được điều chỉnh tăng thêm 0,2% lên 4,8%.
Thanh Bình