Gần đây, được đọc một bài “Quà Giáng Sinh” của anh Nguyễn Tường Tâm thật dễ thương về hiện-tượng “Tây Ba Lô” ở trên thế-giới, một hiện-tượng bị hiểu lầm khá phổ-biến ở VN hôm nay, tôi không khỏi nhớ đến những ngày lang thang thời sinh-viên của mình.
Vốn là cách đây đã gần 50 năm, vào năm 1962, tôi được một cái học-bổng khá lớn để đi Nhật học và thu thập tài-liệu cho một luận-án tiến-sĩ của tôi về văn-học Nhật-bản thời trung-đại (Đề-tài luận-án của tôi hồi đó được quyết-định là viết về Takamura Monogatari, một truyện tình giữa hai anh em nhà Takamura—hơi loạn-luân nhưng rất hiện-đại—có từ mạt-thời Heian [Bình-an] vào thế-kỷ XII).
Trên đường đi Nhật từ Mỹ, tôi ghé qua Pháp thăm một số bạn bè và họ hàng, sau đó sang Đức (Đại-học Munich) rồi đi Áo (Đại-học Vienna) để trau dồi thêm tiếng Đức và học về “Vergleichende Literatur” (Văn-học tỷ giảo Âu-châu).
Cité Universitaire
Chặng đầu không có vấn-đề gì vì mọi sự đã được thu xếp từ Mỹ, từ vé máy bay đi các nước đến tiền ghi danh, đóng học-phí và tiền ăn ở cho hai đại-học München (= Munich) ở Đức và Wien (= Vienna) ở Áo.
Đặt chân tới Pháp, tôi không ngỡ ngàng gì vì tôi học trường Pháp từ nhỏ ở trong nước nên không đến nỗi ngọng, tự mình xoay sở được vì người ta đã có châm-ngôn “Đường đi nước bước là ở miệng mình,” ngụ ý là cái gì không biết thì nếu có miệng cũng hỏi ra được. Đến Pháp, cảm-tưởng nổi bật nhất của tôi là như về nhà đối với một người Tây-học như tôi: Đi đâu tôi cũng nhận ra những hình ảnh thân quen, nào là Arc de Triomphe (“Khải-hoàn-môn”) trên đường Champs Elysées đến Tour Eiffel rồi Panthéon, Sorbonne (tức Đại-học Paris), nhà thờ Notre Dame… Vào bảo-tàng-viện Louvre cũng thấy không lạ lẫm gì với những hình ảnh nổi tiếng như tranh Madonna cười mỉm chi của Leonardo da Vinci (mà khi học trong sách Pháp được biết dưới tên Pháp-hóa là Léonard de Vinci) hay bức tượng Pietà nổi tiếng của Michelangelo, những tranh của Courbet (“L’Enterrement à Ornans,” Chôn cất ở Ornans), Millet (“Le Semeur,” Người Gieo Hạt, “Les Glaneuses,” Những Người Mót Lúa) hoặc các tượng “Người ném đĩa” (“Le Discobole”), Vénus de Milo của Hy Lạp dù như sự hiểu biết của tôi hồi đó về mỹ-thuật Tây-phương chưa thể nói là phong phú gì v.v. Sở dĩ vậy là vì tôi đã từng được xem đi xem lại những tranh tượng đó trong sách giáo-khoa ở Trung-học ngày tôi còn ngồi mòn đũng quần ở Lycée Chasseloup-Laubat ở Sài-gòn. Tóm lại, cứ như về quê vậy!
Chuyện ở Pháp thì còn nhiều, tuy-nhiên vì có quá nhiều người Việt biết chuyện ở xứ này rồi nên có lẽ tôi chỉ xin kể đôi ba chuyện vặt vãnh thêm thôi. Thuở đó, không ai là không biết những bài thơ Cung Trầm Tưởng được Phạm Duy phổ nhạc. Do đó nên tôi cũng phải mò đến vài nơi để xem “ga Lyon đèn vàng” là như thế nào, “vườn Luxembourg” ra làm sao mà lắm người mê dù như tôi không hề có “người em tóc đỏ” nào để mà hôn, để mà “đền em một tháng trời gần / đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi…”
Nhưng đến những nơi như ga Lyon, “Gare du Nord” hay là vùng Les Halles nổi tiếng anh chị cũng là để được nghe về những chuyện mà ta có thể gọi được là chuyện dã-sử của người An-nam-mít ở Pháp. Tỷ như chuyện An-nam ta đánh nhau với Rệp, rồi để trị Rệp một lần cho chót (“une fois pour toutes”) An-nam ta cũng bắt một anh Rệp đầu têu, đem về rạch bụng anh ta, lôi ruột anh ta ra rồi cho anh ta ôm ruột rà về nhà. Chết thì không chết nhưng sau đó không thấy Rệp nào dám gây sự với Mít nữa. (Đúng ra những chuyện như thế này, tôi không nên kể trong thời-đại “politically correct” như ngày hôm nay, nhưng thôi, đã nói là hồi-ký thì những ký-ức như thế này chỉ là có trên giấy mà thôi—làm gì có chuyện thật như thế, tôi không hề được chứng-kiến mấy chuyện đó.)
Hoặc về sau tôi cũng được biết là trong nghề “strip tease” (“chuổng cời giỡn”) của VN ta ở Pháp có một cô đào rất nổi tiếng, bí-danh “Chonamquan” (“Chợ Nam-quan”?), đặc-biệt được các đấng mày râu tây và ta thích lắm, nhất là màn múa quạt của cô ta, khi hở khi kín dùng quạt để “che chỗ đó”! “Chonamquan” đưa điệu múa quạt của mình lên đến trình độ nghệ-thuật nên về sau hình của cô được in thành một cuốn sách nhỏ trong sưu-tập “La métaphysique du strip-tease” (“Hình-nhi-thượng-học về màn chuổng cời giỡn”). Xong cũng vì có nghề này mà bên cạnh đó lại còn có một nghề lạ nữa, dành riêng cho đàn ông, mà tôi không được quyền nói ra ở đây (sợ trẻ vị thành-niên mà đọc lén thấy thì rất bất tiện cho tôi, một người mang danh nhà giáo).
Thời-gian này, tôi không đến nỗi phải ngủ bụi, ngủ bờ ở Paris vì đã có sẵn mấy cháu họ và vài người bạn ở Maison de l’Indochine trong Cité Universitaire mà tôi có thể đến ngủ trọ, ngủ ké được. Ăn cũng ăn cơm trợ cấp ở trong nhà ăn của Cité mặc dù tôi không là sinh-viên ở Pháp lúc bấy giờ (nhưng các anh em bạn lúc nào cũng sẵn cung-cấp cho ticket). Còn nếu ra tỉnh thì cũng có thể ghé qua tiệm cơm ở đường Monges (có Sứ-quán trợ cấp) ở Quận 5, Quartier Latin của sinh-viên. Tóm lại, tôi hội-nhập khá dễ dàng với các sinh-viên VN đi học ở Pháp hồi đó, không có gì xa cách cả.
Duy chỉ có một lần đang ở Maison de l’Indochine, tôi bỗng thấy một cặp Việt-Âu khá đẹp đôi đi vào. Anh ta nhỏ con thôi, lùn nữa là khác nhưng trông khá tuấn tú còn cô bạn anh rất xinh nhưng cũng nhỏ con như anh. Họ đến gần tôi mới biết là họ không nói tiếng Pháp với nhau mà lại nói tiếng Đức. Không hiểu sao, tôi lại lân la làm quen được. Nhưng chỉ sau vài câu trao đổi là tôi đã bị thách thức. Biết tôi ở Mỹ sang lại còn nói chuyện triết-học hiện-sinh, anh liền quay ra “quay” tôi đến nơi đến chốn: “Anh hiểu thế nào là hiện-sinh? Tại sao buồn nôn? v.v.” Làm tôi cũng hơi bối rối. Hồi còn học ở Philo, tức chuẩn-bị cho Tú-tài đôi ở Sài-gòn, tôi cũng được ông thầy Pierre Ansart nói sơ qua về thuyết hiện-sinh thời-thượng ở Pháp thời bấy giờ, nào là Sartre, Camus bên cạnh những Merleau-Ponty, Emmanuel Mounier v.v. Nhưng chỉ là thoáng qua thôi, đâu đã được đọc gì từ nguyên-bản đâu. Sang Mỹ, ở Princeton, những giờ rảnh rỗi ngoài giờ học cật-lực cho các môn chính, tôi thỉnh thoảng cũng vào thư-viện lấy sách tiếng Pháp đọc, những tiểu-thuyết thời-thượng như Bonjour Tristesse của Françoise Sagan hay L’étranger của Camus còn L’Etre et le Néant của Sartre thì chỉ cầm lên, đọc vài trang là bỏ xuống liền. Nghĩa là rất “spotty,” không quy-củ gì cả! Do đó khi gặp câu hỏi của anh bạn kia, tôi không khỏi bối rối. Nhưng không lẽ ngậm miệng, cụp đuôi nên cuối cùng tôi cũng cố gắng trả lời được anh, trình bầy vấn-để, đưa được ra ý-kiến của mình mà có lẽ cũng không đến nỗi tệ lắm (tôi không cho chủ-nghĩa hiện-sinh là một triết-lý đầy đủ mà xem đó chỉ là một thái-độ sống thôi). Chúng tôi chia tay sau đó và ấn-tượng của tôi là sao lại có thể có một cặp đẹp đôi như vậy. (Nhiều năm sau, tôi nghĩ lại, có thể đó đã là anh Võ Văn Ái và cô bồ Đức của anh, nhất là sau này tôi được biết là anh có một thời-gian đi học ở Đức và lại học đúng ngành triết.)
“Bist du Japaner?”
Tôi thích văn thơ từ nhỏ nên khi sang Mỹ, hễ có dịp là tôi đi làm một ông đại-sứ con về văn-minh, văn-hóa hay lịch-sử VN. Song vì tài-liệu không có sẵn bao nhiêu nên tôi thường phải dịch văn, và nhất là thơ, VN sang tiếng Anh trước khi đi trình bầy. Chẳng mấy lúc, tôi có một tập thơ dịch nho nhỏ để khi cần thì lôi ra, vừa ngâm vừa đọc, cho Mỹ “sợ chơi.” Không chỉ dịch thơ từ tiếng Việt sang tiếng Anh, nhất là thơ Thế Lữ mà tôi mê từ lúc mới 5-6 tuổi, tôi còn thích dịch thơ ngoại-quốc sang tiếng Việt nữa—trước hết là để kiểm-soát trình-độ ngoại-ngữ của mình, hai là để thử tài dịch của mình và ba là để… khỏi quên tiếng Việt. Nhưng tôi tự hẹn là nhất định không dịch thơ Pháp, thơ Mỹ, thơ Anh và nhất là thơ Tàu. Tại sao? Tại vì, theo lối suy nghĩ của tôi hồi đó, ở VN có quá nhiều người giỏi hay ít nhất cũng có khả-năng dịch mấy thứ tiếng đó rồi. Tại sao phải đi dịch thêm một bài như “Nguyệt lạc, ô đề sương mãn thiên” (“Phong-kiều dạ-bạc” của Trương Kế) trong khi có hàng chục người đã thử tài vào đó rồi, với những bản dịch thật hay như của Trần Trọng Kim hay Tản Đà rồi? Do đó mà tôi đi học tiếng Đức, rồi về sau, tiếng Nhật, để mong giới-thiệu những nền văn-minh và văn thơ mà ở VN chưa mấy người biết đến.
Đó là lý-do tại sao những ngày ở Princeton, tôi đi học tiếng Đức, thường vào lúc 7 giờ sáng, trời rét (mùa Đông) căm căm mà vẫn phải dậy lết đến lớp. Nhưng một điều lạ tôi khám-phá ra, đó là chính vì phải dậy sớm nên đầu óc minh mẫn, chưa có “thức ăn” gì khác ở trong đầu nên học (sinh-ngữ) rất dễ vô.
Đó cũng là lý-do tại sao tôi lại tìm cách mò sang Đức để học thêm tiếng Đức. Những ngày ở Munich của tôi là những ngày thần tiên. Thần tiên vì vào một môi-trường ngôn ngữ mới, mình không có chọn lựa nào khác ngoài việc phải nói tiếng Đức suốt ngày. Thần tiên vì là một sinh-viên ngoại-quốc, mình gặp rất nhiều bạn cũng đến từ các nước khác, đến để học tiếng Đức nên đồng cảnh-ngộ, rất dễ thông-cảm với nhau. Tỷ như ở Đức thì ngày đêm sáng tối, bữa cơm nào cũng có “Kartoffel” (“khoai tây”) cả. Ăn một hai bữa thì vui, ăn ngày này qua ngày khác thì bắt đầu chán và hết vui. Thậm chí có một hôm anh bạn người Ý của tôi giơ tay lên trời than: “Tao không hiểu trước khi ông Columbus sang Mỹ-châu đem khoai tây về thì người dân xứ này ăn cái quái gì?”
Thần tiên nữa là vì cái gì đối với mình cũng mới. Sản-phẩm của một nền giáo-dục Pháp-Mỹ và VN, tôi xa lạ với lịch-sử và truyền-thống Germanic mà nước Đức là tiêu-biểu. Có sang học ở Đức mới biết người Đức tự xem mình là trung-tâm của Âu-châu, là gạch nối giữa Đông (tức Nga cộng Đông-Âu) và Tây (tức Pháp, Anh, Bỉ, Hòa-lan) cũng như giữa Bắc-Âu và các nước La-tinh như Ý, Y-pha-nho, Bồ-đào-nha. Do đó, họ tự-hào là những người hiểu biết hết cả Đông-Tây-Nam-Bắc và họ hãnh-diện về những tác-phẩm dịch của họ. Họ cho rằng Shakespeare dịch sang tiếng Đức bởi August Wilhelm von Schlegel có khi còn hay hơn cả nguyên-bản nữa, tiểu-thuyết và thơ Nga dịch sang tiếng Đức cũng vậy và rằng họ hiểu mỹ-thuật Ý, mỹ-thuật Hy-lạp còn hơn cả người bản-xứ. (Tuy-nhiên, anh bạn Ý của tôi thì cho rằng khi gặp mấy người Đức mà vỗ ngực, khoe khoang như thế thì người Ý lại có cách trả lời rất thích hợp. Họ chả cãi lại làm chi, chỉ cần chụm năm đầu ngón tay lại vẫy vẫy mấy cái là xong, có nghĩa là: “Thôi đi bồ, bịp vừa phải thôi chứ!”) Mặt khác, nó cũng có điều gì không hoàn-toàn sai trong cái tự-hào đó của người Đức: Ta hãy thử xem mấy bản dịch thơ Tàu sang tiếng Đức, có bài tuyệt diệu, hay thơ Ba-tư của Hafiz (thế-kỷ XIV) do Goethe chuyển ngữ sang tiếng nước ông, ta sẽ thấy liền là họ không ngoa. Hoặc nếu ta biết là anh em Schlegel đóng một vai trò then chốt trong việc dựng ra ngành Ấn-độ-học ở Đức thì ta chắc cũng phải khâm phục cái học-thuật của Đức, nhất là về ngành ngôn-ngữ-học lịch-sử, trong thế-kỷ XIX. (Một chi-tiết đáng nhắc: Trương Vĩnh Ký là người Việt độc-nhất được một bộ bách khoa từ-điển của Đức công-nhận ngay từ hồi đó, từ cuối thế-kỷ XIX, là một nhà thông thái—un savant–của nhân-loại.)
Chính trong cái không-khí dịch-thuật được đề cao đó mà tôi nổi hứng dịch tập thơ Hebraische Gesänge (“Những bài ca Do-thái”) của Else Lasker-Schüler, một nữ-thi-sĩ thật trong sáng và tuyệt diệu, sang tiếng Anh (Rất tiếc là năm 75 khi chạy khỏi VN, tôi đã để mất tập thơ này). Kể cũng lạ, hồi đó ở Mỹ thì tôi là sinh-viên ngoại-quốc nhưng sang Đức người ta lại coi tôi là sinh-viên (cũng “ngoại-quốc” nhưng đến từ) Mỹ thành thử trong những buổi họp mặt văn nghệ, nhiều khi tôi lại bị các bạn học Mỹ đẩy tôi ra hát dân-ca Mỹ như “Old Man River,” “Jamaica Farewell” hay cả “Summertime” (trong nhạc-kịch Porgy and Bess của Gershwin), đại diện cho nhóm ở Mỹ. Đó có lẽ là một trong những biểu-hiện sớm nhất trong kinh-nghiệm của tôi về hiện-tượng “globalization” (“toàn-cầu-hóa”) trong đó những tính-cách dân-tộc bị hòa lẫn vào trong một thế-giới không còn phân-biệt ranh giới rõ ràng nữa.
Thần tiên nữa là ở đây, tôi được học về văn-minh, văn-hóa Đức. Được học về Expressionismus (“Biểu-hiện chủ-nghĩa”), Die Blaue Reiter (Nhóm hội-họa “Những người kỵ mã xanh”), v.v. trong các phong trào hội-họa cận-hiện-đại ở Đức trong thập niên 1930 (về sau bị Hitler coi là “rác rưởi”), nhân đó đi thăm các bảo-tàng-viện như Alte Pinakothek v.v.
Thần tiên không kém là những lần đi núi. Theo họ trèo lên đến đỉnh núi mấy nghìn thước, trời lạnh buốt dù là đang hè, họ vẫn rủ nhau cởi trần truồng ra xuống suối tắm, mình đi theo cũng đành phải “nhập gia tùy tục” đứng ngay dưới chỗ nước đá vừa tan xong mà tắm. Đến khi dùng cái gì, như cái kẹo chẳng hạn, mà vất giấy bọc kẹo xuống đất là người hướng dẫn bắt phải lồm cồm bò xuống núi lượm lại, rồi lấy dao đào một cái hố chôn xuống đó chứ không được quyền xả rác ở trên núi. Trên đường về, đi qua các làng ở vùng Bayern (Bavaria) trong mùi cứt bò ấm áp thấy mấy ngôi nhà xinh xinh, ngăn nắp (Đức mà!) với kiểu đặc-thù ở vùng này: ngoài nhà có gắn những thanh gỗ chéo và ở ban-công thường có mấy chậu hoa nở đủ màu.
Thần tiên cuối cùng là nhiều khi ở trong tỉnh, chiều đến đi chơi với các bạn vào các “biergarten” (“vườn bán/uống bia,” nghĩa là rất lớn chứ không phải chỉ là một tiệm nhỏ con con), gặp con gái Đức chúng hỏi: “Bist du Japaner?” (“Anh có phải là Nhật không?”) vì sau Thế-chiến II, người Đức vẫn còn rất thân thiện với người Nhật trong các giống Á-đông bởi họ là đồng-minh trong chiến-tranh và cũng cùng thua Mỹ. Khi mình trả lời: “Nein, nein. Ich bin kein Japaner, ich bin Vietnamesischer.” Họ vẫn bảo: “Das macht nicht.” (“Không sao!”) rồi gọi tôi lại, cho ngồi trên đùi (bởi hồi đó tôi còn khá nhỏ con), mời uống bia. Bia đen, bia vàng, đủ cả! Khổ nỗi, tôi tửu-lượng rất kém nên chỉ uống được vài hụm đã sặc sụa.
Nhưng vui nhất là đang khi uống, thỉnh thoảng họ lại khóa tay mình lại nơi khuỷu tay, rung rinh cả bày đưa người sang bên trái, đưa người sang bên phải rồi hát những bài rượu như: “In München stet’s ein Hofbräuhaus, ein, zwei Süffel” (“Ở Munich có một tửu-đường trong cung, với một, hai anh bí tỉ”)
Song bên cạnh cái vui cũng có cái buồn, cái ngậm ngùi. Chính vì đến Munich nên tôi mới được nghe và biết tường-tận hơn về lịch-sử phong trào Đức Quốc-xã thời Hitler. “Kristallnacht”—Đêm nhóm Nazi đi đập phá các cơ-sở của người Do-thái—là bắt đầu từ đây, khai màn cho sự đi lùng bắt Do-thái trên khắp nước dẫn đến biết bao sự kỳ-thị, bất công… và cuối cùng dẫn đến cả những lò thiêu hàng triệu người Do-thái sau đó (ở Dachau, Buchenwald, Auschwitz hay còn gọi là Oswiencim trong tiếng Ba-lan, v.v.). Sau chiến-tranh, một sự công-bằng nào đó đã được tái-lập qua các phiên tòa xử các tội-đồ giết người Do-thái, vì “tội ác chiến-tranh” (“war crimes”) hay còn gọi là “trọng-tội chống lại nhân-loại” (“crimes against humanity”), ở Nürnberg (Nuremberg) không xa Munich bao xa.
Nhưng cũng ở đây lại vươn lên hy-vọng. Vì trong cuộc chiến, Munich bị bom tàn phá đến gần như không còn một viên gạch. Nhưng sau khi hòa-bình lập lại, chính người dân Munich lại đi lượm lại từng viên đá, từng cục gạch vỡ vụn ra để xây dựng lại những di-tích thành cổ hay nhà thờ theo đúng mẫu kiến-trúc xưa.
Ở nhà xưa của Beethoven
Sau Munich, tôi đi sang Áo học thêm ở Universität Wien, lấy một khóa tiếng Đức cao-cấp ở Đại-học Vienna. Ở đây, tôi được chỉ-định đến ở số nhà 7 Trautsohngasse, không xa Đại-học mấy, đi bộ được. Đến nơi mới khám-phá ra rằng đây là một địa-chỉ ngày xưa nhạc-sĩ lừng danh Beethoven đã từng ở, nên ngoài cửa có tấm bảng đồng đen ghi lại như một di-tích lịch-sử của xứ này. Bây giờ căn nhà cổ xưa này đã thành một căn nhà trọ do một đôi vợ chồng già lo và chia các phòng ra cho sinh-viên ở. Tôi do đó cũng được một phòng, ở cạnh một sinh-viên Pháp, cháu gọi George Taboulet, tác-giả cuốn sách nổi tiếng La geste française en Indochine (“Sự-nghiệp oanh-liệt của Pháp ở Đông-dương”), bằng cậu hay chú gì đó. Ở gần nhau, chúng tôi nói tiếng Pháp với nhau, và tôi chỉ còn nhớ được một nhận-định khá sắc sảo của anh: “La France et le Vietnam, nous sommes comme un couple divorcé. On n’est plus ensemble mais on ne s’oublie pas.” (“Pháp với VN, mình như một đôi vợ chồng ly dị, mình không còn ở với nhau nữa nhưng quên thì không quên được.”) Còn bà chủ nhà thì khi nói chuyện với tôi, thấy tôi biết nhiều. lại còn nói tiếng Pháp, tiếng Đức bên cạnh tiếng Anh nữa nên có một hôm bà khen tôi: “Sie sind ein echte Weltbürger” (“Ông đúng là một công-dân thế-giới thứ thiệt”). Ở tuổi 25 mà đã được khen như thế, phải nói thật là tôi cũng hơi nở mũi.
Ở đây, tôi cũng gặp nhiều bạn đến từ nhiều quốc gia. Xinh nhất và dễ thương nhất, và có lẽ cũng có cảm-tình với tôi, là một cô Ba-lan chừng 18-20 thôi. Mặc dầu cô đến từ một nước Cộng-sản (lúc bấy giờ Ba-lan còn CS) nhưng khi nói chuyện với tôi, cô ít khi mang chuyện chính-trị vào. Duy chỉ có một lần cô buột miệng hỏi tôi về Hồ Chí Minh. Được dịp, tôi tuôn ra một tràng tố-cáo ông ta. Sau đó, chúng tôi vẫn chuyện trò với nhau nhưng có vẻ cô cũng hơi dè dặt một chút.
Ở Vienna, tôi cũng rất thích. Phần vì hồi đó tôi còn đang ở trong tình-trạng muốn được biết tối-đa về ngôn ngữ và văn-minh, văn-hóa Đức (Áo cũng nói tiếng Đức và nằm trong khu-vực văn-hóa Đức). Nên ngoài giờ học, tôi chịu khó đi lang thang thám hiểm các nơi chung quanh cái thành phố đã có hồi làm thủ-đô lẫy lừng của một đế-quốc mang tên Đế-quốc Áo-Hung (Austro-Hungarian Empire) dưới thời triều-đại Habsburg. Vienna cũng có vinh-dự là thành-phố đã hai lần chặn sự tiến-công của Hồi-giáo (1529 và 1689) tìm cách tràn sang Âu-châu, cũng tương-tự như Đại-Việt dưới đời nhà Trần ba lần chặn bước tiến của Mông-cổ xuống Đông-Nam-Á vậy.
Song ta cũng không nên quên: Hitler chính là người Áo, gốc gác là một anh họa-sĩ không mấy thành công nên đổ hết hận thù vào một giống dân khác, người Do-thái, như anh ta viết trong tiểu-sử/tuyên-ngôn của anh, cuốn sách mang tên Mein Kampf (“Cuộc chiến-đấu của tôi”). Với một ý-chí sắt đá và với sự tiếp tay của những bộ-hạ chỉ biết mù quáng làm theo chỉ-thị, khiếp đảm trước cái oai-phong của tên thượng-sĩ chủ mình, Hitler đã lên nắm được (hay đúng hơn là “cướp được”) chính-quyền được ở Đức để rồi đem sáp-nhập quê hương của mình vào với Đức (qua một biến-cố gọi là “Anschluss”), thực-hiện cái mộng ngàn đời của dân Teutonic muốn được thấy cả khối thống nhất trong một quốc gia, dưới một chính-quyền mạnh. (Đây cũng là giấc mơ mà Hà-nội đã bán cho dân-chúng VN, để chúng ta điêu đứng như ngày nay.) Sau Thế-chiến II, Áo cũng như Đức bị chia ra làm bốn khu-vực dưới quyền kiểm-soát của bốn cường-quốc: Anh, Pháp, Mỹ, Nga. Bên phía các đồng-minh thì chả bao lâu, họ cho chính-quyền Áo được cai quản trở lại nhưng phải đến nhiều năm sau, trước khi tôi sang Áo một chút, Nga mới chịu trả lại cho Áo chủ-quyền trên khu-vực Nga chiếm đóng sau khi buộc Áo phải cam-kết trung-lập—một cái giá cũng không đến nỗi quá đắt cho nền độc-lập, thống nhất và chủ-quyền của một quốc gia. Nhưng vì khu Nga quản-trị cũng mới về trong tay của người Áo nên tôi cũng có dịp thỉnh thoảng đi sang khu Nga chiếm đóng trước đó để thấy: chỉ trong vòng có chừng 15 năm (từ 1945 đến 1960) mà cả khu đã xập xệ so với khu các cường-quốc Tây-phương (Mỹ, Anh, Pháp) cai quản.
Vienna là một thành phố đầy ắp lịch-sử. Lịch-sử âm-nhạc đã đành với những tên tuổi như Mozart (mà trong tiếng Đức đọc là “Mô-txác-t” chứ không phải “Mô-da” như ta quen đọc theo tiếng Pháp), Beethoven, Schubert, Franz Lehar (tác-giả The Merry Widow), Strauss v.v. Ở ngay giữa Công-viên Thành phố (Stadtpark) có tượng Mozart và tượng Schubert, tượng Richard Strauss, tác-giả của bài valse bất hủ The Blue Danube (“Dòng sông xanh,” lời Việt của Phạm Duy mà Thái Thanh cũng đã từng gởi lên không-trung trong một giọng hát cao vút, “vượt thời-gian”).
Nhưng đến Vienna cũng là để thất vọng khi ra xem “dòng sông xanh.” Không hiểu thời Strauss, sông Donau (tên tiếng Đức của sông Danube) có xanh thật không chứ hồi tôi đi học ở Vienna (và cả về sau này khi tôi trở lại hơn một lần ở Vienna), dòng Donau (đọc “Đô-nao”) đã hết xanh từ lâu rồi. Nước đục ngầu, chuyên chở nhiều phù-sa nên hơi giống nước sông Seine ở Paris, và nhiều chỗ nước cống hay nước thải (của các nhà máy gần đó) còn đổ ra nên còn hôi thối nữa là khác. (Năm sau sang Nhật, tôi cũng thấy hiện-tượng ô-nhiễm môi-trường này trong những con sông ở Nhật, như ở Osaka, chẳng hạn, làm cho một tiếng chuông đầu cảnh cáo về vấn-đề này, cuốn Silent Spring của Rachel Carson, viết từ đầu thập niên 1950, đã trở nên một tiếng nói tiên-tri.)
Nhưng bỏ ra ngoài một vài kỷ-niệm bất ưng đó, Vienna là một thành-phố có rất nhiều di-tích lịch-sử để xem. Cung vua của triều-đại Habsburg đã hẳn, trong đó có nhà nuôi, chăn và huấn luyện ngựa Lippizzaner nổi tiếng khắp thế-giới, chưa kể đến các bảo-tàng-viện (Albertina Museum) và Vienna Choir Boys, ban đồng-ca nhi-đồng của nhà thờ lớn Stephansdom (St. Stephen’s Cathedral), với những giọng hát thiên-thần. Đi ra ngoài thành phố một chút cũng có những lâu-đài thật đáng xem như Schőnbrunn, được coi như cạnh-tranh với Versailles của Pháp.
Còn ở thành phố thì chỉ cần đi lang thang chung quanh vùng Ringstrasse (“Đường Vòng”) là đủ hết ngày này qua ngày khác một cách rất thích thú. Và hiển-nhiên, ta cũng không thể quên được những tiệm bánh (“die Konditorei”) ngon tuyệt trần-gian (“out of this world”) của đất thần-kinh này.
Cuối khóa học, tôi hẹn ông anh tôi, lúc bấy giờ đang làm ở Ban Việt-ngữ Đài BBC, sang chơi với tôi để hai anh em đánh một vòng sang Ý trước khi về Pháp. Không ngờ đây là mở đầu cho một giai-đoạn hai anh em chúng tôi trở nên “tây (hay nói đúng hơn là ‘ta’) ba-lô” bất đắc dĩ trong một chuyến đi để đời, ngủ bụi ngủ bờ trong một chuyến mạo-hiểm không tính trước qua ba nước. Song đó sẽ là đề-tài của bài sau, xin hạ-hồi phân giải.
Nguyễn Ngọc Bích
Viết xong trong hai ngày 26 và 27/XII/2010
Khu Đồng Xuân
Bang Trinh Nữ, Hoa Kỳ Quốc