“…không chừng xấu hổ nên được xem là một đức hạnh cần thiết nhất hiện nay. Trong chừng mực nào đó, có thể nói, người Việt Nam hiện nay nên được chia thành hai loại: Loại biết xấu hổ và loại không biết xấu hổ…”
Văn hoá giao tiếp của người Việt
Trong văn hoá Việt Nam, một trong những khía cạnh đáng chú ý nhất là văn hoá ứng xử. Trong văn hoá ứng xử, khía cạnh có nhiều đặc điểm tích cực, thường được khen ngợi nhất là tình gia đình và tình hàng xóm; khía cạnh thường bị xem là tiêu cực và có nhiều vấn đề nhất là văn hoá giao tiếp. Trong văn hoá giao tiếp, điều thường bị phê phán nhiều nhất cũng lại là những điều căn bản nhất: cách chào hỏi và cách nói cám ơn hay xin lỗi.
Trước hết, nói về chuyện cám ơn/xin lỗi. Đã có rất nhiều người viết về đề tài này. Hầu như ý kiến của ai cũng giống nhau: Người Việt, nhất là kể từ sau 1975, rất hiếm khi nói cám ơn hay xin lỗi. Nhờ người ta chỉ đường; nghe xong, lẳng lặng đi, không một lời cám ơn. Đi xe quẹt người khác, trừng mắt lên nhìn, rồi phóng đi, không một lời xin lỗi. Những chuyện như vậy diễn ra hàng ngày. Ở khắp nơi. Ngay cả giữa những người có ăn học.
Ngay cả việc chào hỏi của chúng ta cũng có vấn đề, thậm chí, vấn đề nghiêm trọng.
Còn nhớ, cách đây non mười năm, đứa em trai tôi từ Việt Nam sang Úc chơi. Mỗi sáng, hai anh em đi bộ dọc theo bờ biển gần nhà để tập thể dục. Những ngày đầu tiên, em tôi chú ý đến mấy điều: thứ nhất, cái đẹp đầy thanh bình của phong cảnh; thứ hai, sự dạn dĩ của chim chóc, chủ yếu là bồ câu và hải âu, lúc nào cũng quấn quýt quanh người đi dạo hay ngắm cảnh; và, thứ ba, sự thân mật của người Úc.
Trên quãng đường khoảng 3 cây số dọc theo bờ biển, trung bình cứ vài ba phút lại gặp một người đi bộ ngược chiều. Hầu như ai cũng nhoẻn miệng cười và nói “hello” hay “good morning”. Thỉnh thoảng có người còn hỏi thêm “Khoẻ không?” hay buông vài câu bâng quơ, kiểu “Hôm nay trời đẹp quá há!”.
Thằng em tôi, thoạt đầu, than: “Trả lời mỏi miệng quá!”, sau, nghĩ ngợi một lát, trầm trồ: “Người Úc dễ thương ghê!”; sau nữa, trầm ngâm so sánh: “Ở Việt Nam đâu có ai chào người lạ như vậy. Gặp người dân tộc thiểu số nữa thì đừng hòng!”.
Mà thật, bạn để ý xem, ở Việt Nam, đi đường, có ai chào ai không? Với người lạ, câu trả lời hầu như tuyệt đối: Không. Chúng ta chỉ chào người quen. Câu tục ngữ “tiếng chào cao hơn mâm cỗ” hầu như chỉ áp dụng cho người quen, trong làng xóm với nhau. Nhưng với người quen, chúng ta thường chỉ chào bằng ngôn ngữ thân thể (body language) hơn là ngôn ngữ bằng lời (verbal language): Chúng ta gật đầu, vẫy tay hay nhoẻn miệng cười. Là hết. Thân tình hơn, mới hỏi bâng quơ vài câu: “Anh/chị đi đâu đó?” hay “Đi đâu mà vội quá vậy?”. Vậy thôi.
Nói cách khác, liên quan đến khía cạnh này của văn hoá giao tiếp, chúng ta thiếu đến hai điều: Thứ nhất, chúng ta không có thói quen chào nhau, nhất là với người lạ. Thứ hai, chúng ta chưa có những công thức chào.
Về điểm thứ nhất, nhớ lại xem, hồi nhỏ, hầu như bố mẹ chúng ta chỉ dạy chúng ta chào khi có khách đến nhà hoặc khi đến nhà người khác. Và chỉ yêu cầu chúng ta chào người lớn, hoặc lớn tuổi hoặc lớn vai vế, hơn. Hầu như không ai dạy con cái cách chào người lạ hay với người nhỏ tuổi hơn mình.
Về điểm thứ hai, trong tiếng Việt, “chào hỏi” thường đi đôi với nhau, thành một từ, từ ghép. Trên thực tế, chúng ta thường dùng câu hỏi thay cho lời chào. Mà hỏi thì đa dạng vô cùng. Chúng thay đổi theo mức độ quen thân, theo hoàn cảnh, theo cảm hứng, v.v. Hệ quả là lời chào, ngay cả chào-hỏi, của chúng ta không được công thức hoá. Khác hẳn với các ngôn ngữ Tây phương. Ví dụ, với tiếng Anh hay tiếng Pháp, những lời chào hỏi hầu như thành công thức. Với ai, ở đâu, chúng ta cũng lặp đi lặp lại như vậy.
Đại khái:
Chào anh.
Chào chị. Chị khoẻ không?
Khoẻ, anh ạ. Cám ơn anh. Còn anh thì thế nào?
Tôi cũng khoẻ. Cám ơn chị.
Từ người thân đến kẻ sơ, từ người lớn đến trẻ em, từ ông tổng thống đến người bán hàng, gặp nhau, ở đâu người ta cũng đều nói thế. Những công thức chào hỏi như thế biến thành một thứ văn hoá, văn hoá giao tiếp.
Bởi vậy, tôi nghĩ, yếu tố đầu tiên của văn hoá là tính công thức. Văn hoá là sự đồng điệu thuận về ý nghĩa của một biểu trưng hay một giá trị nào đó trong cộng đồng. Để thể hiện hay đẩy mạnh sự đồng thuận ấy, công thức hoá là một biện pháp tốt nhất và hiệu quả nhất. Nhưng tâm lý con người thường e ngại trước tính công thức. Quá trình công thức hoá chỉ có thể thực hiện được bằng cưỡng chế, chủ yếu qua hệ thống giáo dục. Ở Tây phương, ít nhất qua tiếng Anh và tiếng Pháp mà tôi biết, những công thức chào hỏi vừa nêu là những bài học vỡ lòng cho cả người ngoại quốc lẫn trẻ em bản ngữ. Ai cũng phải học như thế. Công việc tiếp nhận các công thức giao tiếp được khởi sự ngay từ lúc người ta học ngôn ngữ.
Việc cưỡng chế trong quá trình tiếp nhận tính công thức trong văn hoá cần có một điều kiện khác nữa: đó là sự sùng bái. Văn hoá nào cũng bao gồm sự sùng bái. Nhiều học giả đã phân tích: tính sùng bái (cult) nằm ngay trong chữ văn hoá (culture), trở thành yếu tính của văn hoá. Nói cách khác, không có sùng bái sẽ không có văn hoá.
Trong văn hoá giao tiếp, sùng bái chủ yếu là sùng bái đối với hình mẫu của một con người văn minh và có văn hoá: Đó là một con người biết chào hỏi, biết nói cám ơn và nói xin lỗi như một cách thể hiện sự tự trọng.
Vâng, tôi xin nhắc lại: đó là sự thể hiện của lòng tự trọng.
Cám ơn hay xin lỗi, ngay cả về những chuyện, thành thực mà nói, không đáng, là cách bày tỏ sự kính trọng đối với người khác, qua đó, thể hiện sự tự kính trọng mình với tư cách là một người văn minh và có văn hoá. Nói cách khác, nếu trên đường đi, tôi hơi lấn hay đụng anh một chút, một chút thôi, tôi xin lỗi anh; đó không phải là tôi “sợ” anh, mà là vì tôi sợ tôi biến thành một con người thô lỗ. Xin lỗi, do đó, trở thành một cách tự bảo vệ mình, bảo vệ nhân phẩm của chính mình: Trong trường hợp này, nếu anh sừng sộ với tôi, anh thua tôi. Thua về độ văn minh và văn hoá.
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến một kỷ niệm lúc mới từ trại tị nạn ở Galang qua Pháp. Trong mấy tháng ở trại tị nạn, tôi cố gắng học thêm cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp: trong khi học tiếng, lúc nào cũng tự dặn dò mình phải học cả văn hoá giao tiếp ở xứ người, trong đó, điều quan trọng và cũng là điều căn bản nhất là biết chào hỏi, biết nói xin lỗi và cám ơn.
Đến Paris, những ngày đầu tiên sống trong trung tâm chuyển tiếp, lúc nào tôi cũng lẩm nhẩm trong miệng hai chữ “Merci” (cám ơn) và “Pardon” (xin lỗi) như một kiểu tự kỷ ám thị. Một lần, vào tiệm mua một tờ báo, trả tiền xong, quay ra, tôi hấp tấp vấp phải một phụ nữ vừa trờ tới từ phía sau. Bèn nhớ đến bài học, nhưng thay vì nói “xin lỗi”, tôi buộc miệng nói nhầm “cám ơn!”.
Bước đi được mấy bước, nhớ lại cái nhầm của mình, thẹn đỏ mặt, tôi bước đi thật nhanh. Để trốn.
Thẹn. Nhưng nếu không như vậy, biết bao giờ những điều mình học mới trở thành một phản xạ tự nhiên?
Khi nói văn hoá là những gì còn lại sau khi đã quên hết, có lẽ người ta cũng nhấn mạnh đến tính phản xạ ấy.
Phải không?
Ai là kẻ thù?
Trước hết, tôi xin lỗi là phải trích lại một lần nữa lời phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết về âm mưu phân hoá nội bộ chính phủ Mỹ được phát tán trên internet và đã được dẫn ra trong bài “Nguyễn Minh Triết bị mang lên đoạn đầu đài YouTube”:
“Trong cái cuộc họp đó [Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc], ngoài những cái ý kiến chung thì tôi có thêm một cái ý kiến: tôi hoan nghênh ông Ô-Ba-Ma. Ổng tuyên bố là ổng sẽ đóng cửa nhà tù Ga-Ta Na-Mô mà. Nhưng mà tôi nói rằng ông Ô-Ba-Ma ơi, vấn đề này là khó lắm đó. Tôi chúc ông phải nỗ lực để thực hiện cho bằng được cái này. Tôi nói mà tôi nhìn Ô-Ba-Ma tôi thấy ổng… ahhh (cười) cũng chăm chú lắm, cũng lắng nghe. Như thế là mình vừa động viên Ô-Ba-Ma, nhưng mà mình vừa muốn phân hoá cái… cái nội bộ của ổng… ahhh (cười)”.
Nghe lời phát biểu ấy, chúng ta – trong đó có tôi – dễ ngỡ chỉ là một lời tán phét của một người có dịp đi xa về ba hoa với bà con trong làng. Nhưng có lẽ ông Triết không đùa. Ông ba hoa nhưng ông không đùa. Điều ông nói có khi lại phản ánh một chính sách chung của cái đảng mà ông là một trong những người lãnh đạo tối cao.
Tôi nghĩ như thế khi đọc lời phát biểu của một người khác cũng rất có quyền lực trong đảng. Đó là ông Lê Đức Anh. Trong một cuộc phỏng vấn do VietnamNet thực hiện và được đưa lên mạng ngày 22-12-2009, có câu này rất đáng chú ý: “Vị Đại tướng cũng không quên lưu ý, chúng ta xác định tinh thần làm bạn với nhân dân các nước, nhưng nếu trong nội bộ các nước có thế lực xấu thì chúng ta nên tìm cách phân hoá”.
Xin lưu ý là, mặc dù đã về hưu từ lâu, nhưng theo giới thạo tin tại Việt Nam, Lê Đức Anh vẫn có rất nhiều thế lực ngầm, ảnh hưởng không ít đến các chính sách lớn cũng như vấn đề phân bổ nhân sự trong nội bộ đảng Cộng sản hiện nay. Có lẽ điều đó cũng dễ hiểu. Một người từng là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Phó bí thư Quân uỷ trung ương, Chủ tịch nước, Cố vấn Bộ chính trị như Lê Đức Anh không dễ gì cắt bỏ hết mọi ám ảnh về quyền lực. Không có gì lạ khi, mấy năm trước đây, báo chí hải ngoại từng loan tin về nhiều vụ tranh chấp quyền bính trong nội bộ đảng Cộng sản trong đó có bàn tay của Lê Đức Anh.
Ông Lê Đức Anh chỉ nói chung chung đến đối tượng của âm mưu phân hoá nội bộ là “các nước có thế lực xấu”. Ông Nguyễn Minh Triết thì nói thẳng: đó là Mỹ.
Mà thật ra, đảng cộng sản cũng không hề giấu giếm gì điều đó. Trong bản “Đề cương Tuyên truyền, chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động ‘Diễn tiến hoà bình’ trên lãnh vực tư tưởng, văn hoá” do Ban Tuyên giáo đảng Cộng sản ký ngày 25 tháng 6 năm 2009, tên nước Mỹ được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần như là một “thế lực xấu”.
Xin trích nguyên một đoạn chính như sau:
“Mỹ đã bộc lộ rõ ý đồ lợi dụng hợp tác giáo dục, đào tạo để chuyển hoá Việt Nam. Đến nay chỉ riêng Mỹ đã có 15 chương trình, dự án lớn có liên quan đến lĩnh vực giáo dục – đào tạo đang triển khai ở Việt Nam.
Ngân sách của chính phủ Mỹ dành cho các chương trình Fulbright Việt Nam tăng lên 4 triệu USD/năm, còn “Quỹ giáo dục Việt Nam” mỗi năm dành 5 triệu USD cấp cho 100 sinh viên Việt Nam học tại Mỹ, Đại sứ quán Mỹ ráo riết triển khai dự án “Góc Hoa Kỳ” nhằm quảng bá với lớp trẻ hình ảnh nước Mỹ, lối sống Mỹ. Các cơ quan hoạch định chiến lược của Mỹ đưa ra bản “lộ trình 4 bước”, trong đó bước 4 có nội dung các trường đại học Mỹ được khuyến khích mở các cơ sở tại Việt Nam”.
Trên báo chí, chúng ta thấy mấy năm gần đây, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ có vẻ như càng ngày càng tốt đẹp. Hai nước bàn chuyện hợp tác với nhau trong rất nhiều lãnh vực từ kinh tế đến y tế, từ khoa học đến giáo dục, từ chính trị đến cả chuyện quốc phòng. Con cháu các lãnh tụ Việt Nam vẫn ùn ùn kéo nhau sang Mỹ học tập. Vậy mà, tự trong thâm tâm, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn tiếp tục xem Mỹ là một kẻ thù, thậm chí là kẻ thù chính, còn nguy hiểm hơn cái kẻ thù sát ngay bên cạnh, thường xuyên lấn đất, cướp đảo, bắt bớ hãm hại ngư dân Việt Nam.
Không thể nào hiểu được.
Cần giáo dục về sự xấu hổ
Từ năm 1945, đặc biệt từ năm 1954, người Việt Nam, nhất là ở miền Bắc và sau đó, từ năm 1975, trong cả nước, không ngớt được/bị giáo dục về lòng tự hào… Tự hào về bốn hay năm ngàn năm văn hiến. Tự hào về tài đánh giặc, hết giặc Tống đến giặc Minh, giặc Thanh, giặc Chiêm, rồi cuối cùng, giặc Pháp và giặc Mỹ.
Ngoài ra, người Việt Nam còn tự hào về tài trí của mình, bao gồm cả tài văn chương, với những tên tuổi có thể làm lu mờ truyền thống lừng lẫy của thời Tiền Hán và Thịnh Đường bên Trung Quốc.
Tự hào. Lúc nào cũng tự hào. Sách viết về đất nước và con người Việt Nam lúc nào cũng ánh lên vẻ tự hào. Có những điều tự hào có thực và cũng có không ít những điều chỉ do tưởng tượng.
Câu nói “ra ngõ gặp anh hùng” hay “nhiều người ngoại quốc mơ ước sáng ngủ dậy thấy mình là người Việt Nam” được lặp lại lặp lại từ học đường đến các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tuy nhiên, theo tôi, đã đến lúc nên có chính sách giáo dục người Việt Nam về lòng xấu hổ.
Thật ra, nói “theo tôi” là một cách nói hơi cường điệu. Rõ ràng, tôi không phải là người đầu tiên và càng không phải là người duy nhất nói lên điều đó.
Trước, từ giữa thập niên 1980, đạo diễn Trần Văn Thuỷ đã nhấn mạnh vào nhu cầu giáo dục lòng xấu hổ. Trong cuốn phim tài liệu Chuyện tử tế nổi tiếng, Trần Văn Thuỷ đã so sánh việc giáo dục tại Nhật và tại Việt Nam: “Trong khi ở Nhật, một quốc gia tiến bộ và giàu mạnh nhất châu Á, trẻ em luôn được giáo dục là đất nước của họ rất nghèo tài nguyên và bị thua trận một cách nhục nhã, thì tại Việt Nam, một quốc gia thuộc loại lạc hậu và nghèo đói nhất trên thế giới, trẻ em lại luôn được giáo dục một cách đầy tự hào: tài nguyên thì giàu có, lịch sử thì trực rỡ, con người thì anh hùng, tài trí thì vô song, v.v.”.
Cũng trong thập niên 1980, sau “Chuyện tử tế” một tí, trong bài “Nhìn từ xa… Tổ quốc!”, nhà thơ Nguyễn Duy cũng nói đến hiện tượng “bội thực tự hào”, hơn nữa, “ngộ độc tự hào” của người Việt Nam. Ông chỉ ra những điều nghịch lý:
“Xứ sở nhân tình
Sao lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu
Nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng
Mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ đi kiện”
“Xứ sở thông minh
sao thật lắm trẻ con thất học
lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương”,
“Xứ sở thật thà
sao thật lắm thứ điếm
điếm biệt thự – điếm chợ – điếm vườn…
Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn”,
“Xứ sở cần cù
sao thật lắm Lãn Ông (lười biếng)
lắm mẹo lãn công”,
“Xứ sở bao dung
sao thật lắm thần dân lìa xứ
lắm cuộc chia li toe toét cười
Mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái goá
chen nhau sang nước người làm thuê”,
“Xứ sở kỷ cương
sao thật lắm vua
vua mánh – vua lừa – vua chôm – vua chỉa
vua không ngai – vua choai choai – vua nhỏ…
Lãnh chúa sứ quân san sát vùng cát cứ
lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa
Luật pháp như đùa như có như không có
một người đi chật cả con đường”.
Nhưng trên tất cả là nghịch lý trong tuyên truyền, lúc nào cũng “hát đồng ca”: “Ta là ta mà ta vẫn mê ta”, trong khi đó, trên thực tế, ai cũng biết:
“Thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ,
Ợ lên thum thủm cả tim gan”.
Tuy nhiên, xin lưu ý: Trần Văn Thuỷ và Nguyễn Duy không phải là những người đầu tiên phê phán bệnh tự hào và đặt vấn đề về nhu cầu giáo dục lòng xấu hổ.
Ngay từ đầu thế kỷ 20, các nhà nho cấp tiến đã nhận ra được điều đó. Trong các tác phẩm của mình, cả Phan Châu Trinh lẫn Phan Bội Châu đều nhiều lần nhấn mạnh đến cái ngu và cái hèn của người Việt Nam.
Hãy thử đọc lại đoạn văn này của Phan Châu Trinh: “Nhân dân nước Nam bây giờ, ngu xuẩn như trâu như ngựa, tha hồ cho người ràng trói, cho người đánh đập, có miệng mà không dám kêu, gần chết mà không dám than thở.” (Trích: Đặng Thai Mai, Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20. Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1974, tr. 85).
Việt Nam hiện nay là một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, trên rất nhiều phương diện, so với mặt bằng chung của thế giới cũng như so với chính tiềm năng và tiềm lực mà chúng ta có, có rất nhiều điều khiến chúng ta phải xấu hổ.
Cần xấu hổ về trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay vốn rất thấp không những so với thế giới mà còn so với cả các quốc gia láng giềng của chúng ta ở châu Á.
Cần xấu hổ về khoảng cách giàu nghèo phi lý và bất nhẫn giữa thành thị và nông thôn, giữa cán bộ và người lao động bình thường không có quyền thế và thân thế.
Cần xấu hổ về tinh thần vô kỷ luật, thậm chí, rất kém văn hoá nhan nhản khắp nơi, từ công tư sở đến ngoài đường phố, từ cách làm việc đến cách đi lại.
Cần xấu hổ về sự hoành hành của nạn tham nhũng ở mọi cấp.
Cần xấu hổ về những cách hành xử của nhà cầm quyền: nhu nhược đối với nước ngoài, đặc biệt với Trung Quốc, nhưng lại độc tài và tàn bạo ngay với những người tha thiết nhất đối với chủ quyền và sự toàn vẹn của Việt Nam.
Theo tôi, không chừng xấu hổ nên được xem là một đức hạnh cần thiết nhất hiện nay. Trong chừng mực nào đó, có thể nói, người Việt Nam hiện nay nên được chia thành hai loại: Loại biết xấu hổ và loại không biết xấu hổ.
Giận thay, chính những kẻ không biết xấu hổ ấy lại đang không ngừng rao giảng chân lý, công lý và đạo lý.
Nguyễn Hưng Quốc