Đại sứ cho rằng, quan hệ 2 nước sẽ có những tiến triển trong nhiều lãnh vực.
Xin chào ngài đại sứ. Được biết ông làm việc ở Việt Nam cũng khá lâu. Ông có cảm nhận như thế nào về sự thay đổi của Việt Nam về kinh tế, xã hội trong thời gian làm việc ở đây? (Lê Trung Kiên, 34 tuổi, Hà Nội)
Ảnh: Nguyễn Hưng.
– Tôi thấy hân hạnh được làm tại Việt Nam. Tôi đã ở đây được hơn 3 năm qua từ tháng 8/2007. Trong thời gian đó chúng ta đã chứng kiến một số thay đổi đặc biệt trong lãnh vực kinh tế, xã hội. Quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam đã diễn ra tương đối tốt và chính phủ đã ban hành một số chính sách tạo điều kiện cho người Việt Nam có điều kiện sống tốt hơn, sung túc hơn.
Từ năm 2001, kể từ khi hiệp định thương mại song phương có hiệu lực thì hoạt động thương mại Việt Nam và thế giới đã bùng nổ. Tôi cho rằng, bước lớn tiếp theo của Việt Nam sau thời điểm đó là việc Việt Nam gia nhập WTO. Các hoạt động thương mại của Việt Nam đã tăng vọt.
Hiện nay chúng tôi đang trong quá trình đàm phán với Việt Nam về hiệp định đầu tư song phương và tôi tin điều đó sẽ cải thiện đáng kể môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Gần đây, Việt Nam cũng đã ra tuyên bố sẽ trở thành đối tác đàm phán hiệp định xuyên Thái Bình Dương và hiệp định thương mại tự do ở quy mô tiểu khu vực, bao gồm 9 thành viên tiềm năng. Hiệp định này gọi là hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương bao gồm Hoa Kỳ và một số nước phát triển trong khu vực. Hơn 3 năm qua, ngày càng có nhiều công ty Hoa Kỳ bày tỏ sự quan tâm muốn làm việc và đầu tư ở Việt Nam. Tôi mong rằng, trong thời gian tới sẽ có nhiều phái đoàn thương mại và các nhà đầu tư tiềm năng tìm hiểu cơ hội làm ăn ở Việt Nam trong bối cảnh môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy Việt Nam có những vấn đề cần được giải quyết. Gần đây Việt Nam đã đưa ra một số biện pháp nhằm kiểm soát giá cả, hạn chế nhập khẩu và an toàn sản phẩm. Chúng tôi cho rằng đó không phải là phương thức tốt và chúng tôi đang cố gắng thảo luận với Việt Nam về những quy định này.
Ảnh: Nguyễn Hưng.
Mặc dù hiện nay chúng tôi còn có một số vấn đề cần giải quyết với chính phủ Việt Nam song về lâu và dài chúng tôi thấy mọi việc đang có triển vọng. Tôi tin rằng ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đầu tư tốt.
Trong thời gian ở đây, tôi có dịp được đi nhiều địa phương Việt Nam và gặp gỡ người dân mọi tầng lớp. Tôi đã thấy rằng người Việt Nam có quyền tự do lựa chọn công việc, tự do chọn người lập gia đình cũng như chọn trường học cho con cái của họ. Tôi cho rằng một số biện pháp chính phủ Việt Nam thực hiện trong việc phòng chống bệnh tật, HIV, cúm đã tạo điều kiện sức khỏe tốt nhất cho người dân.
Nhưng giống như với khía cạnh kinh tế, chúng tôi cũng có những vấn đề cần thảo luận với Việt Nam đặc biệt những cách diễn giải khác nhau về quyền bày tỏ ý kiến. Chúng tôi hy vọng sẽ có những cuộc đối thoại với chính phủ Việt Nam.
Tóm lại mặc dù có những khác biệt, nhưng nhìn chung bối cảnh kinh tế, xã hội ở Việt Nam là tích cực.
– Theo dự đoán của đại sứ thì khoảng bao nhiêu năm nữa Việt Nam và Mỹ sẽ trở thành quan hệ đối tác chiến lược? (Phan Anh, 27 tuổi, Hà Nội)
– Tôi cũng không biết nữa, nhưng chúng tôi cũng đang thảo luận với Việt Nam để đưa mối quan hệ tiến theo hướng quan hệ chiến lược càng sớm càng tốt.
– Ông có thể cho biết một số bước đi cụ thể của Mỹ trong việc khai triển thực hiện tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ rằng, Mỹ sẽ quay trở lại Đông Nam Á? (Viet Nguyen, 44 tuổi, Hà Nội)
– Tất nhiên rồi, thực tế là với việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ thăm châu Á đầu tiên là thể hiện mối quan tâm của chúng tôi đối với châu Á. Chúng tôi đã tham gia diễn đàn khu vực ASEAN, ký hiệp định hợp tác thân thiện với Việt Nam. Ngoại trưởng Hillary Clinton tới Việt Nam hai lần trong năm nay.
Ngoại trưởng cũng đã và đang làm việc về sáng kiến tiểu vùng sông Mekong với các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và thể hiện mong muốn của chúng tôi trở thành đối tác bạn bè của các nước châu Á. Những ví dụ như vậy có thể liệt kê rất nhiều nhưng trên đây là những ví dụ cụ thể. Hoa Kỳ là cường quốc trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục đóng vai trò này trong khu vực.
– Trước tiên tôi cảm ơn những gì ông đã làm cho quan hệ mọi mặt tốt đẹp giữa Việt Nam với Mỹ. Riêng phần an ninh hàng hải trên biển trong khu vực các nước ASEAN, Mỹ sẽ làm thế nào để tình hình ở đây an toàn cho các quốc gia này. (David Nguyen, 30 tuổi, HN)
– Tôi tin rằng việc phát triển quan hệ quân sự với các nước trong khu vực là rất quan trọng đối với Hoa Kỳ, đối với việc cải thiện hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Cả Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đều cho rằng an ninh hàng hải rất quan trọng đối với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ tin rằng tự do hàng hải ở vùng biển Đông Nam Á và trên thế giới là rất quan trọng. Chúng tôi mong các tranh chấp được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, xây dựng lòng tin và dựa trên luật biển quốc tế, trong đó có DOC.
Các bên liên quan cần ngồi lại để bàn về các quan điểm khác biệt. Các tuyên bố chủ quyền trên biển cần dựa trên các cơ sở lãnh thổ trên đất liền.
Chúng tôi cam kết tiếp tục làm việc với các nước ASEAN và các đối tác trong các cuộc hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng và Hội nghị cấp cao Đông Á, các cơ chế song phương và đa phương để bàn về các vấn đề an ninh trong khu vực.
– Ngài đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam trong chiến lược quay lại Châu Á của Mỹ mà báo chí gần đây đề cập? (Dương Văn Nhựt, 42 tuổi, Sài Gòn)
Ảnh: Nguyễn Hưng.
– Việt Nam có một năm tuyệt vời trên vị trí là chủ tịch ASEAN. Trong năm qua, Việt Nam đã tổ chức được hội nghị ADMM đầu tiên cũng như Việt Nam đã tạo được sự đồng thuận của các nước ASEAN trong việc mời Hoa Kỳ và Nga tham dự hội nghị cấp cao Đông Á. Chúng tôi tin rằng là một đất nước Việt Nam vững mạnh và phồn vinh, độc lập thì sẽ có vai trò quan trọng trong sự phát triển khu vực và thế giới và chúng tôi mong sẽ hợp tác với Việt Nam trong một loạt vấn đề.
– Thưa đại sứ, theo ngài sau 3 năm công tác ở Việt Nam, ngài thấy đất nước và con người Việt Nam có cái nhìn như thế nào về nước Mỹ và nhân dân Mỹ? Ngài thấy trách nhiệm của Mỹ trong việc giúp Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển kinh tế trong thời gian tới như thế nào? Xin cảm ơn ngài đại sứ (Xuân Dung, 44 tuổi, Hà Nội)
– Tôi tin rằng, người dân châu Á mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác tốt trong phát triển kinh tế, duy trì an ninh khu vực và là đối tác thương mại tốt với các nước trong khu vực.
Về những vấn đề gọi là di sản chiến tranh, Ngoại trưởng Clinton cũng nói rõ trong những phát biểu của mình được đưa ra trong dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, chúng ta không quên quá khứ song chúng ta sẽ hướng tới và cùng làm việc để có một tương lai tốt đẹp hơn.
Việt Nam đã hợp tác với Hoa Kỳ trong các hoạt động tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh và gần đây chúng ta đã đạt được thoả thuận trong việc hỗ trợ kỹ thuật cho việc tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh. Chúng tôi đã và đang làm việc với nhiều NGOs cũng như chính phủ Việt Nam trong việc rà phá bom mìn chưa nổ trong chiến tranh và chúng tôi cung cấp 46 triệu USD cho việc này.
Chúng tôi đã và đang làm việc với chính phủ Việt Nam để giải quyết vấn đề ô nhiễm dioxin trong khu vực sân bay Đà Nẵng và hy vọng công việc thực tế kéo dài trong 3 năm sẽ bắt đầu trong năm tới.
Trong dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ hai nước, cả hai bên nhất trí đã đi được chặng đường rất dài trong thời gian qua và đồng ý trong việc xây dựng quan hệ mạnh mẽ trong tương lai.
– Xin ông cho biết về các chính sách của Mỹ đối với các nạn nhân bị nhiễm chất độc dioxin do chiến tranh gây ra?(Nguyen, 25 tuổi, Jimmy)
– Chúng tôi tin rằng dioxin là một chất ô nhiễm hữu cơ dai dẳng. Theo công ước Liên Hợp Quốc và trong khuôn khổ hỗ trợ nhân đạo, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để giải quyết ô nhiễm dioxin. Chúng tôi đã tham gia khuôn khổ hợp tác đa phương để giải quyết vấn đề này và chính phủ Việt Nam đã đề nghị chúng tôi giải quyết ô nhiễm tại Đà Nẵng.
Hoa Kỳ tin rằng việc chăm sóc những người khuyết tật mà không phân biệt nguyên nhân gây khuyết tật là vấn đề nhân đạo mà chúng tôi cần tham gia. Hoa Kỳ đã cung cấp 46 triệu USD để hỗ trợ những người khuyết tật không phân biệt nguyên nhân.
Chúng tôi tin rằng đây là một vấn đề sức khỏe y tế cộng đồng nên chúng tôi không chỉ tài trợ người khuyết tật có công ăn việc làm hay phục hồi chức năng mà còn giúp Việt Nam xây dựng hệ thống các cơ sở y tế phục vụ cho người khuyết tật, không phân biệt nguyên nhân.
– Tôi còn nghe nói rất nhiều người dân Mỹ được bồi thường sau chiến tranh. Nhưng những người Việt Nam đấu tranh vì chất độc da cam mà các công ty Mỹ đã rải ở chiến trường miền nam Việt Nam vẫn chưa được giải quyết thoả đáng. Cá nhân ông nghĩ gì về vấn đề này??? (Hoàng Chính, 34 tuổi, Hà Nội)
– Tôi đã đề cập đến những vấn đề về tài trợ nhân đạo trong việc giải quyết ô nhiễm dioxin và đã có những sự tài trợ cho những người khuyết tật mà không phân biệt nguyên nhân gây ra khuyết tật. Tôi biết rằng có một vụ kiện về dioxin và tòa án đã ra quyết định của họ. Tôi không biết có thể nói gì thêm về vấn đề này.
– Chào Đại sứ, ông cho biết khi nào thì nhân dân miền Trung có thể xin visa vào Mỹ tại văn phòng ở Đà Nẵng? (Le Thanh Binh, 37 tuổi, Đà Nẵng)
Ảnh: Nguyễn Hưng.
– Rất cám ơn câu hỏi của bạn. Đó là câu hỏi tuyệt vời. Chúng tôi đã nhận được sự cho phép của chính phủ Việt Nam để mở lãnh sự quán tại Đà Nẵng. Hiện nay, Hoa Kỳ có những hạn chế về ngân sách. Vì thế khi nào ngân sách được thông qua để mở lãnh sự tại Đà Nẵng thì chúng tôi sẽ làm, nhưng chúng tôi chưa thể dự đoán được chính xác thời điểm.
– Xin Ngài cho biết tương lai việc hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ? (Trần Bình Định, 34 tuổi, Ninh Bình)
– Tôi cho rằng mối quan hệ quốc phòng của chúng tôi với Việt Nam đã được cải thiện một cách kịp thời và nhanh chóng. Trong vài năm qua, hai bên đã trao đổi một loạt chuyến thăm cấp cao trong đó có chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam tới Washington và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đến Việt Nam. Chúng ta đã đồng ý hợp tác trong nhiều lãnh vực khác nhau trong đó các lãnh vực chủ yếu bao gồm: hoạt động gìn giữ hòa bình, hoạt động đào tạo quân y, hợp tác tìm kiếm người mất tích, hợp tác đào tạo tiếng Anh, tìm kiếm cứu nạn.
Chúng ta cũng đồng ý cùng nhau làm việc tài trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Hai bên cũng có cơ chế tiến hành các cuộc đối thoại định kỳ về các vấn đề chính trị, an ninh, quốc phòng cũng như tiến hành các cuộc đối thoại song phương giữa quân đội, hải quân, không quân hai nước. Tôi tin rằng qua những cuộc đối thoại như vậy với tốc độ chấp nhận được đối với cả hai nước, chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng và đưa vào chiều sâu mối quan hệ quốc phòng hai bên. Chúng tôi cũng hợp tác với Việt Nam trên các diễn đàn đa phương khác thông qua ADMM+ hay qua hội nghị đối thoại Shangri-la cũng như các cơ chế đa phương khác. Và tôi mong đợi sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước chúng ta.
– Xin chào ngài đại sứ, tôi đang là du học sinh tại Seattle. Hàng năm tôi đều quay lại Việt Nam vào mùa hè để thăm gia đình và bạn bè. Tôi đã đi học được 4 năm cũng có nghĩa là tôi đã phải xin visa đến 4-5 lần. Tôi cảm thấy rất bất tiện mỗi năm xin visa lại như thế. Không biết trong tương lai gần, đại sứ quán có chính sách cấp VISA dài hạn như là 5 năm không? (Duc Pham, 19 tuổi, Seattle, WA)
– Vâng, đó là câu hỏi tuyệt vời. Cám ơn bạn đã đưa ra câu hỏi đó. Visa hay thị thực được cấp trên nguyên tắc tương trợ. Chính phủ Việt Nam cấp visa cho công dân Mỹ như thế nào thì chính phủ Hoa Kỳ cấp visa cho công dân Việt Nam như vậy.
Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn rằng không có lý do gì mỗi năm lại phải xin visa một lần. Với các định chế như vậy, đại sứ quán Mỹ phải làm nhiều việc hơn khi cấp visa cho đương đơn Việt Nam và chính phủ Việt Nam phải làm nhiều việc hơn khi cấp visa cho đương đơn Hoa Kỳ.
Mùa hè năm nay chúng tôi đã đối thoại với chính phủ Việt Nam về vấn đề lãnh sự và chúng tôi đã nêu vấn đề visa với chính phủ Việt Nam. Chúng tôi thông báo với Việt Nam rằng chúng tôi sẵn sàng điều chỉnh hình thức visa và cấp visa 5 năm cho sinh viên Việt Nam ngay ngày mai nếu chính phủ Việt Nam cấp visa 5 năm cho sinh viên Mỹ. Và đó là lập trường của chúng tôi. Chúng tôi sẽ thảo luận với chính phủ Việt Nam về visa vào tuần này và tuần sau. Tôi hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ đọc được câu trả lời này của tôi và sẽ có hành động đáp lại.
– Thưa Đại sứ, thực tế cho thấy ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Việt được cử giữ những trọng trách trong cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ tại Việt Nam cũng như ở các cơ quan công quyền của Mỹ. Phải chăng Mỹ đang có chủ trương “Việt hóa” mối quan hệ Mỹ Việt? Chủ trương này thời gian tới ra sao trong viễn cảnh về một tương lai của mối quan hệ chiến lược giữa hai nước? (Đức Thiện, 30 tuổi, 126 Hoàng Quốc Việt – Hà Nội – Việt Nam)
– Ngành ngoại giao Hoa Kỳ tiếp nhận nhân viên không phân biệt đối xử về mặt chủng tộc, màu da, tôn giáo hay xu hướng tình dục. Đôi khi có những viên chức ngoại giao Hoa Kỳ nói tiếng Việt rất tốt và phần lớn những người đó là người Mỹ gốc Việt. Nhưng chúng tôi không có chính sách cụ thể đưa nhiều người Mỹ gốc Việt vào làm việc tại Việt Nam.
Về vấn đề mối quan hệ chiến lược hai nước, đây là vấn đề Ngoại trưởng Clinton đề cập trong chuyến thăm Việt Nam và chúng tôi dự kiến tiếp tục làm việc về vấn đề này với chính phủ Việt Nam.
– Chào Ngài đại sứ! Tôi là một sinh viên người Việt, tôi rất quan tâm đến việc du học tại đất nước của ngài. Mặc dù vậy, học lực của tôi lại không khá lắm và kinh tế gia đình lại gặp khó khăn. Có cách nào để tôi có thể có được một học bổng hay sự tài trợ về tài chính từ nước Mỹ để đến theo học không? Cám ơn Ngài. (Tran Duong, 19 tuổi, Lâm Đồng)
– Vâng, có những cách mà tôi tin bạn có thể tìm được sự tài trợ về mặt tài chính để du học tại Hoa Kỳ, nhưng tôi cho rằng bạn trước hết phải chú ý đến việc học hành của bạn ở Việt Nam trước.
Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam, gồm Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Lãnh sự quán tại Sài Gòn, đều có bộ phận gọi là Trung tâm giáo dục Hoa Kỳ. Và nhiệm vụ của bộ phận này là giúp các sinh viên Việt Nam tìm kiếm được trường học tại Hoa Kỳ đã được giám định cũng như tìm kiếm nguồn học bổng hoặc tài trợ về tài chính để học tại Hoa Kỳ.
Dịch vụ của Trung tâm giáo dục đó là miễn phí và dành cho mọi đối tượng sinh viên Việt Nam. Tôi hy vọng thông tin đó hữu ích cho bạn.
– Tôi xin hỏi lý do tại sao những năm gần đây vấn đề du học sang Mỹ ngày càng thắt chặt, điều đó đã khiến không ít người trong đó có tôi phải hủy bỏ kế hoạch tương lai du học của mình, mặc dù có thành tích học tập tại Việt Nam tương đối tốt. (Nguyễn Quốc Thành, 33 tuổi, Hà Nội)
– Tôi không đồng ý với ý kiến của bạn. Tôi không nghĩ rằng tình hình du học với sinh viên Việt Nam trong những năm qua ngày càng thắt chặt. Kể từ khi tôi tới Việt Nam, số lượng sinh viên Việt Nam học tập tại Hoa Kỳ tăng tới 3 lần. Hiện nay có trên 13.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ. Việt Nam nằm trong danh sách 10 nước hàng đầu có sinh viên du học tại Hoa Kỳ. Vì vậy nên ít nhất hơn 13.000 sinh viên Việt Nam không nghĩ rằng tình hình du học của họ bị thắt chặt.
– Tôi xin đặt câu hỏi, Mỹ có thể giúp tăng số sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ lên thành nước thứ ba có số sinh viên theo học đông nhất tại Mỹ? Biện pháp gì cho mục tiêu này khi nhu cầu của Việt Nam là rất lớn nhưng khó khăn về kinh phí theo học. (Tran Le, 28 tuổi, Hà Nội)
– Tôi rất muốn làm cho Việt Nam không chỉ là nước thứ ba mà là nước hàng đầu có số sinh viên theo học tại Hoa Kỳ. Tôi cũng muốn nói rằng việc chọn địa điểm du học là tùy thuộc vào sinh viên Việt Nam. Tôi đồng ý rằng, đôi khi các sinh viên gặp khó khăn khi tìm kiếm tài trợ du học ở nước ngoài, không chỉ ở Hoa Kỳ.
Như tôi đã đề cập trong câu hỏi trước, đại sứ quán và lãnh sự quán Hoa Kỳ có trung tâm giáo dục Hoa Kỳ, là nơi cung cấp tin tức về tài trợ và học bổng, và sẽ hữu ích cho sinh viên tìm học bổng du học tại Hoa Kỳ.
Và cũng có các doanh nghiệp Hoa Kỳ cung cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, vì thế bạn có thể liên lạc phòng thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội và Sài Gòn để tìm kiếm học bổng mà họ cung cấp cho sinh viên Việt Nam.
Hoa Kỳ có chương trình Fulbright là chương trình hàng năm đưa khoảng 30 sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ, quỹ VEF đưa khoảng 50 – 70 sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ. Và bạn cũng không nên quên các chương trình tài trợ du học của chính phủ Việt Nam.
Theo tôi biết Việt Nam cung cấp học bổng hàng năm cho khoảng 100 sinh viên sang Hoa Kỳ. Bạn có thể liên lạc với Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam và các trường đại học để tìm hiểu thêm về các chương trình này.
– Chương trình học bổng Fulbright dành cho sinh viên Việt Nam rất thành công trong những năm gần đây. Ông muốn các Fulbrighter học tập từ Mỹ trở về Việt Nam sẽ đóng góp được gì hay mang lại những đổi thay tích cực nào cho đất nước chúng tôi? Ông có muốn nói điều gì với họ không? Xin cảm ơn Đại sứ! (Trịnh Hồng Ngọc, 27 tuổi, 59A Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
– Vâng tôi rất muốn họ quay trở lại và đóng góp vào quá trình phát triển của Việt Nam. Khi chúng tôi cấp visa du học, chúng tôi luôn mong đợi người được nhận visa sẽ quay trở lại Việt Nam và đóng góp vào quá trình phát triển của Việt Nam. Chúng tôi luôn giữ liên lạc với các cựu sinh viên của Fulbright và chúng tôi giúp họ trong việc thành lập các trang web của họ cũng như tổ chức các cuộc gặp định kỳ hàng năm để tạo cơ hội kết nối, trao đổi thông tin về các cơ hội việc làm cũng như các cách thức để đóng góp phát triển xã hội Việt Nam.
Tôi đã gặp nhiều cựu sinh vủa Fulbright. Sau khi quay trở về Việt Nam họ đang làm việc trong chính phủ Việt Nam và họ tự hào không chỉ thành công trong việc du học mà còn quay trở lại và đóng góp cho chính phủ Việt Nam thành công trong quá trình phát triển kinh tế.
– Tôi rất quý trọng và mến phục ông Bill Clinton. Tôi có một cây thuốc dân tốc qua nghiên cứu có thể cải thiện bệnh mạnh vành của ông, duy trì được kết quả đặt stent và làm cho những lòng mạch nơi khác đã và đang hẹp dần rộng ra, sạch đi. Tôi muốn biếu để ống ta cải thiện sức khỏe, sống lâu hơn. Bác sĩ Hoàng Sầm Giảng viên chính Đại học Y – Dược Thái nguyên. 0913256913. (Bác Sĩ Hoàng Sầm, 57 tuổi, Đại học y dược Thái nguyên)
Ảnh: Nguyễn Hưng.
– Trước hết rất cám ơn anh về đề nghị này và chúng tôi sẽ chuyển đề nghị đó đến ông Clinton. Như anh cũng biết gần đây cựu tổng thống Clinton đã đến thăm Việt Nam. Khi tôi gặp ông ấy tôi thấy ông ấy khá khỏe mạnh.
Như anh cũng biết cựu tổng thống trải qua cuộc phẫu thuật đặt stent nhưng cuộc phẫu thuật đó đã thành công và ông ấy sống vui khỏe. Nhưng tôi cũng sẽ chuyển đề nghị này cho ông ấy khi lần tới ông ấy thăm Việt Nam, và xem ông ấy có quan tâm không.
– Xin được kính chào ngài, tôi xin được hỏi: Nước Mỹ là cường quốc nhưng vẫn chưa phải là nhà đầu tư xứng tầm tại Việt Nam. Có phải là do Việt Nam có nhiều rào cản hơn so với các nước khác có cùng lợi thế, hay vấn đề đất đai khó khăn hoặc hạ tầng quá kém nên không hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ? (Nguyen Thanh Hieu, 35 tuổi, Tay ho, ha noi)
– Rất cảm ơn bạn, đấy là một câu hỏi rất thú vị. Các công ty Hoa Kỳ rất quan tâm đến khả năng đầu tư tại Việt Nam. Quyết định đầu tư là quyết định trong kinh doanh và được đưa ra dựa trên nhiều yếu tố khác nhau. Đôi khi quyết định đó đưa ra bởi do có quá nhiều rào cản đối với đầu tư trong một số lĩnh vực. Trong những trường hợp khác có thể do môi trường đầu tư không thích hợp. Và trong số các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định đầu tư có thể liên quan đến vấn đề thời gian để thành lập doanh nghiệp, hay vấn đề khả năng mua đất của doanh nghiệp hay mức độ ổn định của chính sách thuế hoặc mức độ ổn định của các chính sách kinh tế qui mô. Tôi không rõ cụ thể yếu tố nào nhưng đó cũng là lý do chúng tôi tiếp tục làm việc với chính phủ Việt Nam và tiếp tục đưa đề xuất để cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam.
– Xin Đại sứ cho biết, Mỹ có thể giúp gì Việt Nam trong việc giải quyết các vấn nạn hàng nhái, hàng giả và bảo vệ bản quyền, giữ cho hoạt động thương mại được lành mạnh theo đúng thỏa thuận chung với WTO và song phương, ví dụ với Mỹ? (Trọng Hoàn, 48 tuổi, Viện Nghiên cứu Thương Mại, 17 Yết Kiêu, Hà Nội)
– Tôi thường nhận được câu hỏi như vậy từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Khuôn khổ pháp luật để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay vẫn đang được phát triển. Chúng tôi đã và đang làm việc với chính phủ Việt Nam để tăng cường các biện pháp chế tài, để tăng cường ngăn chặn hình thức vi phạm bản quyền.
Mặc dù vậy các quy định pháp luật hiện vẫn ở trên mức độ giấy tờ, việc thực thi trên thực tế là rất quan trọng. Chúng tôi mong muốn việc thực thi các quy định, pháp luật hiện nay sẽ được cải thiện ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, những nghệ sĩ, người viết chương trình máy tính hay trong lĩnh vực sáng tạo đều có tài sản trí tuệ cần được bảo vệ. Vì vậy tôi mong muốn tất cả những người Việt Nam có tài sản trí tuệ và lo ngại về vấn đề bảo vệ quyền tài sản trí tuệ của họ hãy viết thư gửi cho các đại biểu Quốc hội Việt Nam hoặc cơ quan trách nhiệm và đề nghị họ thực thi tốt hơn các quy định về bảo vệ tài sản trí tuệ.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng có ảnh hưởng nhất định với chính phủ Việt Nam nhưng khi người dân Việt Nam viết thư cho các chính khách Việt Nam thì các chính khách Việt Nam sẽ lắng nghe lời kêu gọi đó hơn là từ người nước ngoài. Chúc may mắn!
– Vai trò của Hoa Kỳ trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông hiện nay? (Hoang Cuong, 38 tuổi, Sài Gòn)
– Hoa Kỳ không đưa ra những quan điểm về vấn đề sở hữu hay đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông. Quan điểm chính của chúng tôi là chúng tôi muốn mọi vấn đề về chủ quyền được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình và không sử dụng bạo lực. Chúng tôi tin rằng tất cả các bên liên quan cần ngồi lại và cùng nhau thảo luận đòi hỏi của các bên. Chúng tôi tin rằng tất cả các yêu cầu về chủ quyền cần được giải quyết trong khuôn khổ phát luật quốc tế trong đó có luật biển. Chúng tôi ủng hộ các luật quốc tế trong đó có quy định của luật quốc tế về quyền tự do hàng hải.
Ảnh: Nguyễn Hưng.
Chúng tôi tin tưởng ở các biện pháp xây dựng lòng tin trong đó có tuyên bố của các bên liên quan về vấn đề Biển Đông và hy vọng các văn bản đó được phát triển thành bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Clinton đã nói rõ các nguyên tắc này và Bộ trưởng Quốc phòng Gates cũng đưa ra tuyên bố tương tự và đó cũng là nguyên tắc chúng tôi đưa ra trong vòng 30 năm qua không muốn nói là dài hơn.
– Xin hỏi ông nhận định thế nào về tình tình biển Đông, khi Trung Quốc tuyên bố yêu sách hình lưỡi bò. (Nguyễn Ngọc Hân, 28 tuổi, Sài Gòn)
– Tôi không muốn nhắc lại phần đã trả lời của câu hỏi trước. Quan điểm của Hoa Kỳ là không đứng về phía nào trong tranh chấp này. Phần trả lời câu hỏi trước sẽ áp dụng cho tất cả các tranh chấp tại khu vực này.
– Liệu năm 2011 tổng thống Hoa Kỳ có sang thăm Việt Nam hay không? Việt Nam trong chính sách của Hoa Kỳ như thế nao? (Đào Ngọc Phú, 25 tuổi, Sài Gòn)
– Tôi biết chắc rằng năm 2011 Tổng thống Obama sẽ tới thăm châu Á. Tổng thống sẽ tới Jakarta để dự hội nghị cấp cao Đông Á, còn các địa điểm khác mà Tổng thống sẽ tới thăm trong chuyến công du đó vẫn chưa được xác định. Tôi hy vọng rằng Tổng thống Obama sẽ tới Việt Nam. Tôi và người kế nhiệm sẽ nỗ lực làm việc để tổng thống có thể tới thăm Việt Nam.
Về câu hỏi thứ hai của bạn, tôi tin rằng Việt Nam có thể là đối tác rất tốt của Hoa Kỳ trong thời gian tới. Chúng tôi tin rằng một đất nước Việt Nam vững mạnh, phồn vinh và độc lập sẽ đóng vai trò ngày càng có ý nghĩa trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Vì vậy, chúng tôi mong sẽ tiếp tục làm việc để mở rộng, củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác giữa hai nước.
– Ông có cho rằng một Việt Nam cường thịnh là mong muốn của Mỹ hay không? (Thanh Hà, 49 tuổi, Hà Nội)
– Vâng, chắc chắn đó là sự mong muốn của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn một nước Việt Nam cường thịnh và độc lập. Chúng tôi tin rằng đó là điều tốt đẹp đối với Việt Nam, Hoa Kỳ, khu vực và thế giới.
– Chào ngài. Trong tương lai gần, nếu được lựa chọn lĩnh vực quan hệ phát triển mang tính chất đột phá của Việt Nam – Hoa Kỳ, xin ngài cho biết ngài sẽ chọn lĩnh vực nào? (Nguyễn Viết Ngọc, 29 tuổi, Hà Nội)
– Chắc chắn tôi sẽ chọn lĩnh vực giáo dục và tôi mong muốn được thấy ở Việt Nam các trường đại học tư nhân sẽ được tạo điều kiện để phát triển. Trong phần đầu của cuộc trò chuyện hôm nay thì tôi cũng đề cập khác biệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về nhân quyền và một số lĩnh vực khác. Đây là những lĩnh vực khó khăn và nhạy cảm nhưng cũng sẽ rất hữu ích nếu chúng ta đạt được những đột phá trong lĩnh vực này.
– Chào ông đại sứ, xin gửi đến ông và gia đình những lời chúc tốt đẹp nhất và cảm ơn ông đã dành thời gian phỏng vấn. Tôi nhìn những bức ảnh ông cười trông rất giống ông già Noel. Chương trình đón Giáng sinh sắp tới của ông thế nào? (Hải Minh, 23 tuổi, Hà Nội)
– Tôi dự định sẽ đón kỳ Giáng sinh sắp tới cùng gia đình của tôi tại đây, ở đất nước của các bạn. Vào khoảng giữa tháng giêng năm tới, có lẽ tôi sẽ phải tạm biệt các bạn vì một nhiệm kỳ của tôi đã kết thúc.
Theo VnExpress