1- Các quyền lợi dân sự.
Phẩm chất của đời sống trong một xã hội tùy thuộc vào các tự do dân sự (civil liberties) và các quyền lợi dân sự (civil rights). Quyền tự do ngôn luận là một tự do dân sự trong khi quyền được đi bầu một cách tự do và dân chủ là một quyền lợi dân sự.
Chính quyền Hoa Kỳ được thiết lập trên căn bản của lý thuyết khế ước xã hội (the social contract theory) theo đó các quyền lợi căn bản được căn cứ vào ba yếu tố đời sống, tự do và tài sản (life, liberty, and property). Chính quyền có nhiệm vụ phải bảo vệ đời sống của người dân, bảo đảm nền tự do của người dân, chẳng hạn người dân không bị bắt bớ, giam cầm một cách vô cớ, không bị mua và bán bởi một người khác và người dân có quyền đi du lịch trong xứ hay ra ngoài xứ. Chính quyền cũng phải tôn trọng tài sản tư hữu của người dân, và các thành quả lao động của họ sẽ không bị chính quyền hay một người nào khác tước đoạt, dù cho chính quyền có thể đánh thuế hay giới hạn một phần tài sản cá nhân. Và để bảo đảm rằng người dân có tự do, người dân có quyền bỏ phiếu và tham dự vào các quyết định của chính quyền.
Vào thập niên 1960, phong trào đòi hỏi quyền lợi dân sự (the civil rights movement) đã giúp cho các quyền lợi dân sự mới được thêm vào trong luật pháp. Từ các năm này, người dân Hoa Kỳ không còn bị kỳ thị vì màu da, chủng tộc, giới tính, không bị kỳ thị trong công việc làm ăn và trong việc mua nhà hay xin nhà cư trú, và tất cả mọi người đều có quyền được phục vụ bình đẳng tại các nhà hàng, khách sạn hay tại các phương tiện công cộng.
Tuy nhiên các tự do dân sự không phải là tuyệt đối. Khi bảo đảm các quyền lợi của người dân, chính quyền có khi phải giảm bớt vài quyền lợi của một số người khác. Thí dụ khi Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành Tu Chính Án thứ 13, 14 và 15, chấp nhận các quyền lợi dân sự của các người da đen trước kia là nô lệ, thì chính quyền đồng thời đã bác bỏ quyền tư hữu nô lệ của các chủ đồn điền. Một thí dụ khác là việc thi hành nghĩa vụ quân sự đã giảm bớt quyền tự do của giới thanh niên.
Như vậy các tự do và các quyền lợi được coi là cần thiết cho phẩm chất của đời sống trong một xã hội và xã hội này được đặt căn bản trên nguyên tắc công lý dành cho mọi người (justice for all). Qua nhiều thập kỷ, các quan niệm về quyền lợi đã thay đổi và các mục tiêu của các chính sách về quyền lợi dân sự vẫn còn bị tranh luận và chưa được giải quyết thỏa đáng.
Các vấn đề đầu tiên mà các nhà khoa học chính trị và nhân viên chính quyền thảo luận về các quyền lợi dân sự, là các vấn đề kỳ thị (discrimination) và bất bình đẳng (inequality). Kỳ thị là cách đối xử không công bằng hay từ chối một số quyền lợi đối với một nhóm người nào bởi vì những người này thuộc về một lớp hay loại nào trong xã hội. Sự phân loại về kỳ thị có thể vì giới tính, chủng tộc, tôn giáo, tuổi tác, nguồn gốc thiểu số… Những người thường bị kỳ thị cóthể là các người Mỹ da đen, người gốc Mễ, người da đỏ, người Á châu, người Ả Rập, các phụ nữ, các người cao tuổi, các người đồng tính luyến ái và các người tàn tật. Trong lịch sử đã có nhiều loại người bị kỳ thị như người Aùi Nhĩ Lan, người Ý, người Do Thái hay người thuộc về một giáo phái. Các nạn nhân bị kỳ thị có thể xin luật pháp che chở bằng cách thưa kiện các kẻ đã vi phạm các quyền lợi dân sự của họ và sau đó đòi hỏi hệ thống chính trị phải thay đổi và các đạo luật mới được ban hành.
Khi nói về sự bình đẳng, người ta thường đề cập tới quan niệm bình đẳng trước pháp luật. Người dân một nước có được sự bình đẳng này khi chính quyền đối xử với mọi người như nhau, rồi sau đó, sự bình đẳng còn được cứu xét trên phương diện thương mại, trong các đời sống xã hội và văn hóa. Các chính sách của chính quyền mang lại sự bình đẳng cho người dân thường được cứu xét về hai mặt: bình đẳng về cơ hội và bình đẳng về hệ quả (outcome).
Bình đẳng về cơ hội có nghĩa là mọi người có cùng hoàn cảnh, cùng thời cơ trong đời sống hàng ngày và cuộc sống của họ không bị ảnh hưởng vì họ thuộc về một nhóm thiểu số hay một nhóm tôn giáo nào. Có bình đẳng trong cơ hội về thương mại khi các quyết định về công việc làm ăn không bị lệch lạc do chủng tộc, giới tính hay sự phân loại nào khác. Mọi người đều có may mắn như nhau khi xin việc làm. Sẽ có kỳ thị khi kết quả không giống nhau, chẳng hạn như khi nhiều người da trắng chiếm được nhiều công việc làm tốt lành hơn.
Trong thời gian qua, lịch sử và các thành kiến đã khiến cho một nhóm người nào đó dễ dàng thắng lợi trong cuộc tranh đua. Khi một cuộc tranh tài được tổ chức thì các người dự tranh cần được luyện tập như nhau, thế nhưng các người nô lệ da den, sau khi đã được giải phóng, đã có được các cơ hội về giáo dục, dinh dưỡng, gia cư, chăm sóc y tế… như những người da trắng không? Sự bình đẳng về hệ quả đòi hỏi sự giúp đỡ các nạn nhân đã bị kỳ thị, bị thiệt thòi trước kia, để họ có thể dự tranh một cách công bằng trong đời sống thường ngày và như vậy các chính sách về quyền lợi dân sự cần phải được thi hành sao cho có được các hệ quả bình đẳng về sau.
Các quyền lợi dân sự (civil rights) còn có thể được định nghĩa là các quyền lợi của công dân và tại Hoa Kỳ, các người da đen là sắc dân lớn nhất đã bị từ chối các quyền lợi dân sự trong hai thế kỷ bởi các chính quyền tiểu bang và liên bang. Nền dân chủ của Hoa Kỳ bao gồm hai quyền lợi căn bản, đó là sự bình đẳng về chính trị và sự bình đẳng về cơ hội. Khi viết ra Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, ông Thomas Jefferson đã xác nhận rằng mọi người được sinh ra bình đẳng (all men are created equal), điều này không có nghĩa là tất cả mọi người đều thông minh như nhau, có các khả năng giống nhau, có thể các thể chất giống nhau… mà chính là mọi người phải được đối xử như nhau theo luật pháp. Sự bình đẳng về cơ hội cũng không bảo đảm rằng tất cả mọi người đều thành công như nhau mà có nghĩa là họ phải có cùng các thời cơ thuận tiện để tranh đua ngoài xã hội.
Trong hai thế kỷ vừa qua, các người Mỹ da đen đã không có quyền đi bầu, không được hưởng nền giáo dục có phẩm chất, không có các cơ hội đồng đều trong công việc làm ăn. Sau khi thoát khỏi chế độ nô lệ nhờ cuộc Nội Chiến Nam Bắc Mỹ, các người da đen tuy đã được giải phóng nhưng đều bị giới hạn về quyền lợi, họ bị từ chối quyền đi bầu, không được học tại các trường học có trình độ cao, không được ăn trong các quán ăn và ngủ trong các khách sạn của người da trắng. Các đạo luật sau Nội Chiến đã mang lại các nguồn hy vọng cho những kẻ bị áp chế, đó là ba Tu Chính Án và các đạo luật đầu tiên về quyền lợi dân sự. Thế nhưng, các Tu Chính Án và đạo luật này chưa được thi hành nghiêm chỉnh.
2- Các quyền lợi dân sự bị chà đạp.
Vấn đề nô lệ đã gây nên sự chia rẽ tại Bắc Mỹ. Khi mới làm dân biểu trong Quốc Hội Hoa Kỳ vào năm 1847, ông Abraham Lincoln đã ủng hộ chương trình Wilmot Proviso theo đó chế độ nô lệ phải bị tiêu hủy tại các miền đất mà Hoa Kỳ chiếm được của Mễ Tây Cơ. 10 năm sau, vào năm 1857, đã xẩy ra cuộc tranh tụng đầu tiên về các quyền lợi của người Mỹ da đen, đó là vụ Dred Scott kiện Sanford. Dred Scott là một dân nô lệ sinh ra trong tiểu bang Missouri nhưng lại sinh sống tại cả hai tiểu bang là Illinois, nơi chế độ nô lệ bị cấm đoán và Minnesota, một miền đất được coi là tự do theo Đạo Luật Hòa Giải Missouri năm 1820 (the Missouri Compromise of 1820). Đạo luật này đã cấm chỉ chế độ nô lệ tại các miền đất mới, phía bắc con đường đông tây, là đường kéo dài của biên giới phía nam của tiểu bang Missouri.
Dred Scott nạp đơn kiện để đòi là một công dân tự do (a free citizen) bởi vì anh ta cư ngụ tại các miền đất tự do. Vụ án được đưa lên Tòa Án Tối Cao và sau các tháng trường tranh luận căng thẳng, Tòa Tối Cao đã bác đơn với 7 phiếu chống 2. Ý kiến viết ra của Tòa do vị chánh án Roger B. Taney, đã xác nhận rằng các người da đen, dù đã tự do hay còn nô lệ, không thể trở nên các công dân bởi vì họ không được Hiến Pháp coi là các công dân, và vì thế anh Scott không có quyền kiện trên Tòa Liên Bang. Tòa Tối Cao còn phán rằng Đạo Luật Hòa Giải năm 1820, đòi hỏi hủy bỏ chế độ nô lệ, bị coi là vi hiến và chế độ nô lệ thuộc về luật pháp của tiểu bang. Quyết định của Tòa Tối Cao về vụ án này đã làm căng thẳng thêm sự xung đột giữa hai miền Nam Bắc Mỹ và chỉ có cuộc Nội Chiến đẫm máu và hai Tu Chính Án sau đó mới lật ngược được quyết định của Tòa Tối Cao.
Ngày 01-01-1863, Tổng Thống Abraham Lincoln công bố Bản Tuyên Ngôn Giải Phóng Nô Lệ (the Emancipation Proclamation), và bản văn lịch sử này đã trả tự do cho 4 triệu người nô lệ da đen, đã tạo nên một hướng đi cho Tu Chính Án thứ 13 của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Tu Chính Án này được Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn vào ngày 18-12-1865, đã chấm dứt theo luật pháp chế độ nô lệ và còn cho các người nô lệ được giải phóng các quyền lợi công dân. Tu Chính Án thứ 13 đã tuyên bố rằng không một chế độ nô lệ nào, không một chế độ chủ tớ bắt buộc nào, có thể tồn tại trên lãnh thổ Hoa Kỳ, ngoại trừ trường hợp bị trừng phạt vì một trọng tội.
Các tiểu bang miền Nam vào thời kỳ Nội Chiến, đã phản ứng lại chương trình giải phóng nô lệ bằng các Điều Lệ Đen (the Black Codes) theo đó các người da đen bị xếp vào loại công dân hạng hai. Năm 1866, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thi hành Đạo Luật Đầu Tiên về Dân Quyền (the first Civil Rights Act) với nội dung là mọi công dân phải được hưởng các quyền lợi giống nhau, bình đẳng trước pháp luật và các quyền tài phán. Đạo luật này cho người da đen các quyền lợi mà các công dân da trắng được hưởng như về thừa kế, mua bán và chuyển nhượng các bất động sản và tài sản cá nhân, đồng thời xác định rằng các hành động kỳ thị sẽ bị trừng phạt. Hai năm sau đó, 1868, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua Tu Chính Án thứ 14 (the Fourteenth Amendment). Tu Chính Án này xác nhận rõ ràng về quyền công dân: mọi người, sinh trưởng hay nhập tịch tại Hoa Kỳ, và vì vậy chịu thẩm quyền của Hoa Kỳ, đều là các công dân của Hoa Kỳ và của tiểu bang mà họ cư ngụ. Tu Chính Án thứ 14 như vậy đã hứa hẹn với các người Mỹ da đen không những quyền công dân của Hoa Kỳ mà cả sự che chở công bằng về luật pháp (the equal protection of the laws). Thượng Nghị Sĩ Michigan là ông Jacob Howard, một người tranh đấu cho Tu Chính Án tại Quốc Hội, đã nói: Tu Chính Án này có chủ đích cho các người hèn kém nhất (the humblest) cùng các quyền lợi, cùng các bảo vệ trước luật pháp giống như đối với các người mạnh thế nhất, các người giàu có nhất, hay các người cao sang nhất.
Một điều khoản trong Tu Chính Án thứ 14 có ý nghĩa đặc biệt trong việc ngăn ngừa sự kỳ thị của các chính quyền tiểu bang, đã xác nhận như sau: không một tiểu bang nào được phép làm ra luật lệ hay áp dụng luật lệ để hạn chế hay miễn trừ các quyền lợi của các công dân Hoa Kỳ. Điều khoản này đã bị thử thách trong vụ án lò sát sinh năm 1873 (the Slaughterhouse case of 1873) qua đó, Tòa Tối Cao ủng hộ đạo luật của tiểu bang Louisiana đã dành độc quyền cho một người bán thịt của tiểu bang này. Các người mổ súc vật đã thưa kiện rằng họ không được bảo vệ đồng đều do Tu Chính Án thứ 14.
Tu Chính Án thứ 14 đã dẫn tới rất nhiều tranh luận về pháp lý và gần 100 năm về sau, vấn đề bảo vệ công bằng (equal protection) trước luật pháp đã trở nên trọng tâm của các phong trào mới đòi hỏi các quyền lợi dân sự.
Năm 1870, Quốc Hội Hoa Kỳ lại phê chuẩn Tu Chính Án thứ 15 qua đó xác nhận rằng quyền đi bầu của mọi công dân Hoa Kỳ không thể bị khước từ vì chủng tộc, màu da hay tình trạng nô lệ trước kia. Như vậy Tu Chính Án thứ 15 đã nhắm rõ ràng vào việc bảo đảm cho người Mỹ da đen và các người trước kia là nô lệ được quyền đi bầu. Tuy nhiên, nhiều tiểu bang đã tránh né Tu Chính Án này. Các Tu Chính Án và đạo luật kể trên của Quốc Hội chỉ có hiệu lực rất ít, phần lớn các điều khoản bị các Quốc Hội về sau kháng cáo, bị Tòa Tối Cao coi là vi hiến và bị các chính quyền không thi hành. Tòa Tối Cao và các chính quyền tiểu bang đôi khi còn ngăn cản việc cải tiến về các quyền lợi dân sự. Trong cuộc tranh cử Tổng Thống vào năm 1876, ứng cử viên dân chủ Samuel J. Tilden đã dẫn đầu nhưng các người cộng hòa đã dùng tới các phiếu cử tri đoàn (electoral votes) của ba tiểu bang miền Nam, nơi mà các người da đen không có quyền đi bầu. Sau đó một ủy ban điều tra được chỉ định do Quốc Hội đã xác nhận ông Rutherford B. Hayes đắc cử Tổng Thống. Từ đó, Tổng Thống Hayes và các người cộng hòa đã chấm dứt việc thi hành các chính sách về dân quyền, quân đội liên bang dùng vào việc duy trì các quyền lợi dân sự đã bị rút đi và các hoạt động liên bang bảo vệ dân quyền không còn tích cực nữa, đồng thời Tòa Án Tối Cao cũng hiếm khi áp dụng các đạo luật dân quyền. Đạo luật kỳ thị cấm đoán người da đen tại các khách sạn và nhà hàng được thi hành và các nhóm người da trắng bạo hành người da đen đã không bị trừng phạt. Người da đen không được pháp luật bảo vệ.
Trong khi các quyền lợi về luật pháp của người da đen không được tôn trọng thì chính các người da đen cũng bị sa lầy vào con đường luẩn quẩn của nghèo khó và nợ nần. Phần lớn các tiểu bang miền Nam sống về nghề nông và nông dân da đen phải vay lúa non, bị trói buộc vào mảnh đất sinh tồn và trong khi họ cố gắng tự lực và cải tiến trong xã hội thì lại bị một số người da trắng sách nhiễu, bạo hành và đe dọa. Năm 1871, một ủy ban thuộc Quốc Hội đã báo cáo rằng các vụ giết người da đen thường xẩy ra khiến cho khó có thể biết được chính xác con số nạn nhân. Tổ chức khủng bố da trắng dữ tợn nhất có tên là Ku Klux Klan, với các hội viên mặc áo trắng, chùm đầu bằng loại mũ nhọn màu trắng, có mục tiêu căn bản là duy trì ưu thế của người da trắng trên phần đất Hoa Kỳ. Hành động thường gặp của tổ chức KKK là đánh đập, bắn giết, đốt phá, đặt bom các nhà thờ và tư gia, và đối tượng của họ là các người da đen và người Do Thái.
Quyết định của Tòa Tối Cao đã khiến cho các đạo luật dân quyền đầu tiên không có hiệu lực và các chính quyền tiểu bang tiếp tục giới hạn các dân quyền mặc dù Đạo Luật Dân Quyền năm 1875 đã hứa hẹn với mọi công dân việc hưởng thụ đầy đủ và đồng đều tất cả các tiện nghi công cộng. Nhiều phương tiện luật pháp, chẳng hạn như các bài trắc nghiệm về học vấn (literacy tests), các loại thuế thân (poll taxes) đã được khai triển để ngăn cản các người da đen đi bầu cũng như điều khoản về ông nội (grandfather clauses) đã cấm người da đen đi bầu cử do ông nội của họ đã không được đi bầu trước kia, và do không có quyền bầu cử, người da đen dễ dàng bị kỳ thị và bị bóc lột bởi các chủ nhân, bởi các chính quyền địa phương.
Sau thời kỳ tái xây dựng (Reconstruction) chấm dứt và các đạo quân liên bang rút đi vào năm 1877, các người da trắng miền Nam bèn tìm cách duy trì ưu thế của ho,ỉ và các đạo luật Jim Crow ra đời, đã ngăn cách người da trắng và người da đen tại những nơi công cộng. Jump Jim Crow là một loại bài hát thời Trung Cổ, hát lên do các ca sĩ đã bôi mặt đen.
Kể từ khi các đạo luật Jim Crow được ban hành, việc kỳ thị coi như được hợp pháp hóa. Các luật lệ tiểu bang đòi hỏi rằng các người da đen không được tới những nơi dành cho người da trắng: trường học, rạp hát, khách sạn, công viên, nghĩa trang, xe cộ và các phương tiện công cộng khác. Nhà cư trú cũng bị kỳ thi do luật pháp và ngay cả những chỗ uống nước công cộng cũng bị phân biệt trắng đen. Tại mọi nơi, từ tiểu bang New York tới tiểu bang California, các người da đen đã không được phép vào các toa xe lửa, các rạp hát dành riêng cho người da trắng. Năm 1883, 5 vụ kiện về kỳ thị được đưa lên Tòa Án Tối Cao và Tòa này đã công bố rằng Đạo Luật Dân Quyền của năm 1875 là vi hiến. Tòa Tối Cao coi việc cấm kỳ thị theo Tu Chính Án thứ 14 chỉ thuộc về chính quyền tiểu bang, và bởi vì đường xe lửa, các rạp hát là các cơ sở tư nhân nên Quốc Hội không có quyền giới hạn sự kỳ thị tại những nơi này.
Năm 1896, một vụ án khác cũng làm duy trì các đạo luật kỳ thị. Anh Homer Plessy là người lai đen 1/8, lai trắng 7/8, đã mua một vé xe lửa tại New Orleans và ngồi vào toa chỉ dành cho người da trắng. Khi bị đuổi xuống, anh Plessy đã không tuân lệnh nên bị bắt và bị kết tội vi phạm luật lệ tiểu bang. Anh Plessy bèn đưa đơn kiện đạo luật Jim Crow của tiểu bang Louisiana là vi phạm điều khoản bảo vệ đồng đều của Tu Chính Án thứ 14. Tòa Tối Cao trong quyết định về vụ án Plessy v. Ferguson này, đã thiết lập nên một chủ thuyết tai tiếng (notorious), đó là chủ thuyết phân biệt nhưng bằng nhau (separate but equal doctrine). Theo Tòa Tối Cao, việc kỳ thị do đạo luật của tiểu bang bị coi là vi hiến khi nào không có các phương tiện công cộng bằng nhau (equal) dành cho người da trắng và người da đen. Vị chánh án chống đối trong vụ án Plessy v. Ferguson là quan tòa John Marshall Harlan, trước kia đã là một chủ nhân nuôi nô lệ, đã nói: Hiến Pháp của chúng ta không phân biệt màu sắc, không biết tới và cũng không dung thứ các giai cấp của người dân. Việc trá hình bằng các tiện nghi bằng nhau sẽ không thể đánh lừa người khác và cũng không thể dùng tha thứ các việc làm sai trái của ngày hôm nay. Dù cho có lời cảnh cáo của quan tòa Harlan, chủ thuyết tai tiếng kể trên đã tồn tại trong 60 năm.
Chủ thuyết phân biệt nhưng bằng nhau (the separate-but-equal doctrine) của Tòa Tối Cao đã khuyến khích các tiểu bang miền Nam thông qua nhiều đạo luật Jim Crow mới, gây phân biệt một cách kỳ thị sắc dân da đen tại tất cả các địa điểm công cộng, tại mọi sinh hoạt hàng ngày và đẩy người da đen xuống hàng công dân hạng hai. Để chiếm sự ưu thế dành cho người da trắng, đảng Dân Chủ tại các tiểu bang miền Nam cũng loại bớt người da đen trong các danh sách cử tri. Thí dụ vào năm 1896 tại tiểu bang Louisiana có 130,344 người da đen được đăng ký đi bầu, rồi do Hiến Pháp của tiểu bang bị duyệt xét lại, số người da đen đi bầu kể trên bị giảm xuống còn 5,000 người vào năm 1900 và còn 1,772 người vào năm 1916. Không những thế, đã có hàng ngàn vụ hành hình treo cổ (lynching) người da đen, hàng trăm ngàn vụ khủng bố và hăm dọa. Tòa Án Tối Cao vẫn duy trì chủ thuyết phân biệt, không xét tới các bất công. Ảnh hưởng của các vị đại biểu quốc hội của miền Nam đã quá lớn đến nỗi không một vị Tổng Thống Hoa Kỳ nào dám nói thẳng ra về các vụ hành hình treo cổ người da đen.
Sang thế kỷ 20, tình trạng kinh tế của Hoa Kỳ đã thay đổi. Kỹ nghệ dùng bông gòn tại miền Nam suy giảm. Đã có các đợt di dân của người da đen lên mạn bắc. Xã hội được cải tiến và đã ra đời 2 tổ chức bảo vệ các quyền lợi của người da đen, đó là Hiệp Hội Quốc Gia Tranh Đấu cho Sự Thăng Tiến của Người Da Màu NAACP (the National Association for the Advancement of Colored People) và Liên Hiệp Quốc Gia của các Đô Thị NUL (the National Urban League).
3- Hành động chống kỳ thị nơi học đường.
Năm 1909, các người da đen và một số người da trắng quan tâm tới dân quyền đã thành lập nên Hiệp Hội Quốc Gia Tranh Đấu cho sự Thăng Tiến của Người Da Màu NAACP. Trong số 60 nhân vật đầu tiên, có các ông Jane Addams – nhân viên xã hội, John Dewey – triết gia, William Dean Howells – tiểu thuyết gia, W.E.B. Du Bois – giáo sư Luật, và Luật Sư Clarence Darrow. Chủ trương của Hiệp Hội NAACP là làm cho dân chúng Hoa Kỳ hiểu rõ các vấn đề kỳ thị, tạo ra áp lực đối với Quốc Hội và khởi đầu nhiều hành động luật pháp tại các tòa án. Mục tiêu đầu tiên của Hiệp Hội là sự kỳ thị nơi học đường, đặc biệt tại các trường đại học.
Tới cuối thập niên 1930, một số vị chánh án Tòa Tối Cao cũng bắt đầu quan tâm tới các quyền lợi cá nhân và các tự do dân sự, dẫn đầu là quan tòa Hugo Black. Năm 1938, anh Lloyd Gaines là một sinh viên hợp lệ nhưng bị từ chối khi xin học Luật Khoa tại Đại Học Luật Missouri. Do tiểu bang Missouri không có đại học Luật dành cho người da đen nên Đại Học Missouri đã đề nghị trả học phí cho anh Gaines để theo học trường Luật trong các tiểu bang bên cạnh. Với sự giúp đỡ pháp lý của Hiệp Hội NAACP, anh Gaines đã đưa đơn kiện trường Luật vì đã vi phạm quyền được bảo vệ công bằng. Khi xét xử vụ án này, Tòa Tối Cao đã phê chuẩn và quan tòa Charles Evans Hughes đã nói rằng tiểu bang Missouri đã tạo nên một đặc quyền cho các sinh viên da trắng đồng thời từ chối các sinh viên da đen và như vậy tiểu bang Missouri được quyền chọn hoặc là lập thêm một đại học luật khoa dành cho các sinh viên da đen hay chấp nhận anh Gaines vào đại học như các sinh viên da trắng. Tiểu bang Missouri sau đó đành chịu thua và phải để anh Lloyd Gaines theo học trường Luật hiện đang sở hữu.
Thế Chiến thứ hai xẩy ra vào năm 1939 đã mở ra nhiều cơ hội kinh tế cho những người da đen. Kỹ nghệ quốc phòng bành trướng đã khiến cho nhiều người da đen từ miền nam di cư lên mạn bắc để tìm kiếm việc làm trong các cơ xưởng. Năm 1941, Tổng Thống Franklin Roosevelt ban hành Đạo Luật Hành Pháp 8802, cấm đoán việc kỳ thị chủng tộc trong các kỹ nghệ quốc phòng. Tổng Thống Harry S.Truman sau đó cũng ban hành Đạo Luật Hành Pháp 9981 chấm dứt việc kỳ thị chủng tộc trong quân đội.
Trong các thập niên 1930 và 1940, Tòa Án Tối Cao đã quan tâm nhiều hơn tới sự bất công dành cho các người da đen nhưng chủ thuyết phân biệt-nhưng-bằng nhau vẫn chưa bị bác bỏ. Việc chống kỳ thị chủng tộc tại các đại học và các cơ quan chính quyền đã ảnh hưởng tới một số người, đồng thời Hiệp Hội NAACP cho rằng sự kỳ thị trong ngành giáo dục tiểu học và trung học cần phải chấm dứt trước.
Vào năm 1951 tại thị xã Topeka thuộc tiểu bang Kansas, các đạo luật tiểu bang vẫn duy trì sự phân biệt chủng tộc tại các khách sạn, nhà hàng, rạp hát và trường học. Đã có 18 trường học dành cho các em học sinh da trắng và bốn trường của các em da đen. Một em gái da đen tên là Linda Carol Brown, lên 8 tuổi, mỗi ngày phải đi bộ 21 đoạn đường để tới trường da đen trong khi trường tiểu học da trắng chỉ cách nhà 7 đoạn. Sau nhiều đòi hỏi cải cách không được chú ý, chi bộ địa phương của Hiệp Hội Quốc Gia Tranh Đấu cho sự Thăng Tiến của Người Da Màu NAACP đã lựa chọn thị xã Topeka để đối đầu với các luật lệ kỳ thị của tiểu bang Kansas. Do sự trợ giúp của Hiệp Hội NAACP, cha của em gái da đen Linda Carol Brown là ông Oliver Brown đã đưa đơn kiện hoc khu vì các trường học kỳ thị đã vi phạm vào điều khoản bảo vệ công bằng của Tu Chính Án thứ 14. Vụ án được đưa lên Tòa Tối Cao và trình cho vị chánh án Thurgood Marshall, một cố vấn của Hiệp Hội NAACP. Tòa Tối Cao đã đồng lòng ủng hộ ông Brown và đồng thời xét lại vụ kiện Plessy v. Ferguson, bác bỏ chủ thuyết phân biệt-nhưng-bằng nhau. Vị Chánh Nhất Earl Warren đã nói: Chúng tôi kết luận rằng về phạm vi giáo dục, chủ thuyết “phân biệt nhưng bằng nhau” không có chỗ đứng. Phân biệt về các phương tiện giáo dục do bản chất đã là không công bằng. Vào năm sau, Tòa Tối Cao đã ra lệnh cho tất cả các học khu công lập phải hướng về sự hợp lẽ toàn bộ (full compliance) và chấm dứt nhanh sự kỳ thị.
Nhiệm vụ giám sát việc thay đổi này được giao cho các vị thẩm phán tòa liên bang của các tiểu bang, nơi duy trì các luật lệ kỳ thị. Một số học khu tuân hành ngay lệnh của Tòa Tối Cao nhưng cũng có nơi phản đối lệnh tòa bằng các chống đối, bạo động, đáng kể nhất là sự đối đầu tại Arkansas vào năm 1957. Vị Thống Đốc tiểu bang này là ông Orval Faubus, để làm vừa lòng các cử tri da trắng, đã gửi quân cảnh vệ quốc gia (national guard) dùng lưỡi lê cản trở 9 học sinh da đen không được theo học tại trường trung học Trung Tâm (Central High School) chỉ dành cho học sinh da trắng tại Little Rock, đồng thời các nhóm người kỳ thị da trắng vẫn đe dọa các học sinh da đen khiến cho Tổng Thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower phải gửi quân đội tới Little Rock để duy trì luật pháp, bảo vệ quyền lợi của các học sinh da đen được theo đuổi một nền giáo dục công bằng. Cũng vào thời gian này, Quốc Hội đã ban hành một đạo luật về dân quyền (civil rights law), cho chính phủ liên bang quyền loại bỏ một số hình thức kỳ thị trong việc ghi danh bầu cử. Đây là một đạo luật tương đối không đủ mạnh nhưng là một hành động dân quyền đầu tiên kể từ năm 1875.
4- Phong trào dân quyền.
Vào một buổi chiều thứ Năm, ngày 1 tháng 12 năm 1955, cô thợ may 43 tuổi người da đen tên là Rosa Parks bước lên một chiếc xe buýt tại trung tâm thương mại của thành phố Montgomery, tiểu bang Alabama. Cô Parks đã trả 10 xu tiền vé và vì mệt mỏi do số thực phẩm xách tay, cô đã ngồi vào hàng ghế giữa xe mà theo tập quán và theo luật lệ địa phương, chỉ dành cho người da trắng. Xe buýt tiếp tục chạy và ngừng tại các trạm. Số hành khách lên xe mỗi lúc một đông và đã có một số hành khách da đen phải đứng ở phía sau xe. Khi xe tới trước cửa rạp hát Đế Quốc (Empire Theater), lại có 6 hành khách da trắng bước lên xe buýt. Bác tài xế bèn hô lớn: các người da đen hãy dồn về phía sau. Ba người da đen bèn đứng lên, nhường chỗ cho những người mới lên nhưng cô Parks từ chối di chuyển. Sau này cô nhớ lại rằng không hiểu tại sao cô đã không đứng lên, không phải do cô có một chủ đích nào mà có lẽ vì quá mệt mỏi sau một buổi đi chợ. Trước cô hành khách da đen bất tuân lệnh này, bác tài xế bèn gọi cảnh sát. Cô Rosa Parks bị bắt, bị lăn tay và tống giam.
Việc chống đối sự kỳ thị về chỗ ngồi trên xe buýt của cô Parks không phải là lần đầu tiên xẩy ra. Đã có nhiều vụ tương tự với hậu quả không được ai chú ý, nhưng vào lần này, sự việc lại khác hẳn. Cô Rosa Parks hiện là thư ký của Hiệp Hội Quốc Gia Tranh Đấu cho Người Da Màu NAACP. Tin tức về việc bắt giam cô Park đã gây nên giận dữ trong cộng đồng 50,000 dân da đen tại địa phương và một nhóm 25 mục sư da đen đã hội họp với nhau tại nhà thờ Báp Tít trên đại lộ Dexter để bàn việc hậu thuẫn cho cô Parks.
Do được khuyến khích bởi quyết định vào năm 1954 của Tòa Tối Cao trong vụ án Brown kiện Học Khu của thành phố Topeka qua đó việc kỳ thị trong ngành giáo dục công lập bị coi là trái luật, nhiều mục sư da đen cho rằng đã tới lúc phải chống lại sự kỳ thị tại các phương tiện công cộng.
Sau nhiều cuộc bàn thảo, các mục sư này đồng ý là phải tổ chức một cuộc tẩy chay các xe buýt của thành phố Montgomery nhân ngày xét xử cô Rosa Parks. Do đa số người da đen cư ngụ tại những khu vực nghèo nàn, xa cách các đường xe buýt chính nên ít người da đen tin tưởng rằng việc tẩy chay sẽ thành công, nhưng nhờ các lời kêu gọi đoàn kết trên bục giảng của các mục sư tại nhiều nhà thờ địa phương, nhờ hoạt động của các nhóm tranh đấu cho dân quyền, cuộc tẩy chay đã thành công 90 phần trăm. Trong khi đó, cô Rosa Parks vẫn bị kết án và các luật sư của cô đã kháng cáo.
Vụ kết án cô Rosa Parks đã kết hợp được các cố gắng của tầng lớp người Mỹ da đen chống lại cả một hệ thống luật pháp chủ trương kỳ thị. Các mục sư da đen hô hào tiếp tục duy trì công tác tẩy chay cho tới khi nào ba đòi hỏi tương đối nhỏ mọn được đáp ứng, đó là các hành khách da đen phải được đối xử một cách lịch sự, các tài xế da đen phải được chỉ định lái xe trên các tuyến đường có nhiều hành khách da đen và chỗ ngồi trên xe buýt phải được đặt trên căn bản ai tới trước được phục vụ trước, với người da trắng bắt đầu từ đầu xe đi xuống và người da đen từ cuối xe đi lên. Các mục sư tranh đấu đồng thời cũng bầu ra một người lãnh đạo phong trào, đó là Mục Sư Tiến Sĩ Martin Luther King, Jr., 26 tuổi, tốt nghiệp từ trường Đại Học Morehouse ở Atlanta, trường Thần Học Crozer và Đại Học Boston. Nhóm mục sư tranh đấu hy vọng rằng nhờ sức học uyên bác và tài hùng biện, Mục Sư King có thể duy trì cuộc tẩy chay và thương thuyết khéo léo với cộng đồng người Mỹ da trắng, họ đâu có ngờ việc chọn lựa này đã đưa ra trước công luận nhà vô địch của thời đại về đấu tranh cho dân quyền.
Dưới sự lãnh đạo của Mục Sư King, cuộc tẩy chay hệ thống xe buýt vẫn tiếp tục khiến cho lợi tức của hãng xe này giảm đi 65 phần trăm trong khi các xe taxi do tài xế da đen lái đã chuyên chở hành khách da đen mà chỉ lấy 10 xu một chuyến. Công việc thương mại tại trung tâm thành phố Montgomery cũng bị thiệt hại vì cuộc tẩy chay đồng thời các bài rao giảng đầy sức lôi cuốn của Mục Sư King đã làm cho các người chống đối lên tinh thần. Việc tẩy chay do Mục Sư King hướng dẫn đã trở nên một sức mạnh hòa bình của cộng đồng người da đen không có quyền lực.
Khi rao giảng các lời dạy của Đức Chúa Jesus và nhờ nghiên cứu tư tưởng của Henry David Thoreau, nhờ tìm hiểu cuộc đời và các hành động của Mahatma Gandhi, người cha của nước Aán Độ độc lập, Mục Sư King đã khám phá ra tinh thần chống đối thụ động rồi áp dụng tinh thần này vào các vấn đề xã hội và chính trị. Phong trào tranh đấu cho các quyền lợi dân sự của Mục Sư King đã dùng tới cách bất tuân lệnh dân sự (civil disobedience) tức là cách cố ý vi phạm nhưng bất bạo động các luật lệ nào mà phong trào coi là bất công và đây là chiến thuật có mục đích gây nên sự chú ý của công luận tới các đạo luật kỳ thị.
Sau ba tháng hô hào công cuộc tẩy chay hệ thống xe buýt, Mục Sư King và 89 nhà hoạt động da đen khác bị đưa ra tòa vào tháng 3-1956 và bị kết tội vi phạm đạo luật cấm đoán tẩy chay của năm 1921. Các nhân vật kể trên đã kháng cáo. Vụ xét xử được ấn định vào ngày 13 tháng 11 năm 1956. Nhiều người đã tin rằng nếu các nhà hoạt động dân quyền thua kiện – và nhiều người đã tin chắc điều này – thì 11 tháng trường tranh đấu sẽ trở thành vô ích và chế độ kỳ thị của miền Nam vẫn sống còn, không hề bị thay đổi ! Nhân dịp này, Mục Sư King đã nói với các người theo phong trào: Đây có thể là giờ phút đen tối nhất trước khi trời sáng… chúng ta phải tiếp tục tiến tới với cùng một niềm tin!.
Sáng ngày 13-11-1956 khi bước vào tòa án, Mục Sư King gần như thất vọng. Vị quan tòa ngồi xử hôm nay vẫn là người đã kết án cô Rosa Parks gần một năm về trước. Lệnh tòa cấm đoán việc tẩy chay xe buýt hầu như chắc chắn. Mục Sư King ngồi nghe một cách lơ là các lời tranh luận về pháp lý của các luật sư biện hộ. Rồi khi tới gần trưa, một nhà báo đưa cho Mục Sư King một mẩu điện tín ghi rõ: Tòa Tối Cao đã xác nhận rằng việc kỳ thị về chỗ ngồi trên xe buýt bị coi là vi hiến.
Phong trào phản đối một cách bất bạo động của Mục Sư King để thức tỉnh lương tâm của hàng triệu người Mỹ đã có kết quả và đã khiến cho vị mục sư trẻ này trở nên một nhân vật nổi danh toàn quốc.
Năm 1957, Hiệp Hội Lãnh Đạo Giáo Dân Thiên Chúa Miền Nam SCLC (Southern Christian Leadership Conference) được thành lập dưới sự điều khiển của Mục Sư King và được đặt căn cứ tại Atlanta, Georgia, có mục đích phối hợp các hoạt động của nhiều nhóm dân quyền thuộc các địa phương khác nhau. Qua các hành động bất bạo động để khinh thường luật pháp bất công tại các tiểu bang miền Nam, Mục Sư King đã cảnh cáo các người da trắng chủ trương kỳ thị rằng chúng tôi sẽ làm các ông phải suy tàn bằng khả năng chịu đựng của chúng tôi. Sau hàng ngàn vụ đe dọa, cầm tù và khủng bố các người tranh đấu, Mục Sư King và các nhân vật lãnh đạo đã cố gắng làm sáng tỏ những sai trái về luật pháp, những bất công đã tồn tại hàng thế kỷ trên đất nước Hoa Kỳ. Đối với cộng đồng da đen, cuộc tranh đấu bất bạo động bị các người cấp tiến da đen như ông Malcom X coi là quá hèn yếu, không thích hợp, trong khi các người bảo thủ da đen lại coi là cấp tiến.
Cuộc tranh đấu đòi hỏi các quyền lợi dân sự của người da đen đã diễn ra không chỉ trên đường phố mà còn tại các tòa án và các cơ quan lập pháp. Quyết định của Tòa Tối Cao trong vụ án Brown kiện Học Khu của thành phố Topeka vào năm 1954, đã mở đầu cho việc bác bỏ các luật lệ kỳ thị của tiểu bang và địa phương. Tòa án đã phán quyết cấm chỉ việc kỳ thị tại các công viên, tại các bãi tắm biển công cộng, tại các trạm xe buýt và nhà hàng. Các nhóm dân quyền da đen cũng làm nhiều áp lực chính trị tại Quốc Hội khiến cho các đạo luật dân quyền mới được ban hành, không những mang lại các thay đổi trong lối sống xã hội như công việc làm ăn và cư trú, mà còn tạo ra các thay đổi chính trị nhờ đó Đạo Luật Dân Quyền Năm 1957 (the Civil Rights Act of 1957) được Quốc Hội thông qua. Đây là đạo luật lập pháp đầu tiên về dân quyền được chấp thuận kể từ năm 1875 và nhờ đó, một ủy ban dân quyền gồm 6 người, gọi tên là Phân Bộ Dân Quyền (the Civil Rights Division) được thành lập bên trong Bộ Tư Pháp để điều tra các vụ vi phạm dân quyền. Cũng kể từ nay, chính quyền liên bang đã xin các lệnh tòa đối với các vụ vi phạm quyền bầu cử. Sau đó Đạo Luật Dân Quyền Năm 1960 (the Civil Rights Act of 1960) liên quan tới các quyết định của Tòa Án Liên Bang. Tòa án đã cử ra các trọng tài liên bang (federal referees) để giúp đỡ các người da đen ghi danh và tham gia bầu cử. Đạo luật này cũng coi là trọng tội liên bang các bạo hành nào làm ngăn cản việc hợp nhất (integration) nơi trường học.
5- Tranh đấu cho Công Bằng.
Vào một ngày tháng 2 năm 1960, 6 sinh viên da đen học năm thứ nhất đại học tại Greensboro, North Carolina, đi vào cửa hàng F.W. Woolworth và ngồi tại khu bàn ăn. Tại miền Nam Hoa Kỳ, các người Mỹ da đen được quyền mua hàng trong cửa hiệu bách hóa nhưng bị cấm ăn tại khu bàn ăn, chỉ dành cho khách hàng da trắng, vì thế các người hầu bàn đã tránh phục vụ cho 4 sinh viên kể trên cho tới lúc cửa hàng Woolworth đóng cửa. Ngày hôm sau, các sinh viên này quay trở lại cùng với 25 người bạn, tất cả đã bị bắt giam. Tin tức về cách phản đối bất bạo động của các sinh viên da đen kể trên đã lan qua nhiều khuôn viên đại học khác. Cùng với sự khuyến khích của Mục Sư King và sự tiếp sức của Ủy Ban Phối Hợp Sinh Viên Bất Bạo Động SNCC (the Student Nonviolent Coordinating Committee) mới được thành lập, các cuộc biểu tình đã diễn ra tại khắp nơi trên nước Mỹ. Các sinh viên da đen và một số bạn da trắng đã thực hiện các hành động ngồi lì tại các quán ăn, ngủ lì (sleep-ins) tại phòng tiếp khách của các khách sạn, đi ra vô tại các hồ bơi và các bãi tắm kỳ thị. Nhiều người phản đối đã bị chế riễu, chửi bới, đánh đập, bắt giam… Các chương trình truyền hình đã trình chiếu cho dân chúng Hoa Kỳ và Thế Giới nhận rõ sự thực xấu xa của các hành động kỳ thị chủng tộc. Tới cuối năm 1960, 4 cửa hàng bách hóa lớn đồng ý chấm dứt việc kỳ thị và các cửa hàng thương mại khác sắp sửa làm theo.
Vào mùa xuân năm 1961, Đại Hội Bình Đẳng Chủng Tộc CORE (the Congress of Racial Equality), một tổ chức được thành lập từ năm 1942, đã gửi các nhóm gồm các người da đen và da trắng gọi là các người đi xe Tự Do (Freedom Riders) tới các bến xe buýt của nhiều tiểu bang miền Nam để trắc nghiệm việc thi hành lệnh tòa án cấm chỉ việc kỳ thị tại các phòng đợi. Một số hành khách tranh đấu này bị đánh đập, nhiều nhà hoạt động dân quyền tại miền Nam bị giết. Đã có các xáo trộn xẩy ra tại các khu gia cư nghèo nàn của người da đen khiến cho cuối cùng, Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy phải cử quân đội liên bang tới bảo vệ quyền đi xe tự do. Đồng thời vào tháng 9 năm đó, Ủy Ban Thương Mại Liên Bang (the Interstate Commerce Commission) cũng ra lệnh cấm chỉ việc kỳ thị chủng tộc tại các chuyến hàng và các trạm địa phương mà Ủy Ban này điều hành.
Sự rối loạn cũng xẩy ra tại thành phố Oxford, tiểu bang Mississippi khi vị thống đốc của tiểu bang này chống lệnh tòa, đã ngăn cản anh James Meridith, một cựu quân nhân không quân người da đen, không cho theo học tại Đại Học Mississippi tại Oxford. Tổng Thống John Kennedy phải gửi 16,000 quân cảnh vệ liên bang tới tái lập trật tự sau một đêm rối loạn với hai người bị giết, hàng chục người bị thương. Sau đó anh Meridith được quân đội đưa vào lớp học. Năm sau, Thống Đốc tiểu bang Alabama là ông George Wallace tuyên bố rằng ông sẽ đứng ở trước cửa trường học để ngăn cản cuộc hợp nhất các học sinh thuộc nhiều chủng tộc. Chính ông Wallace cũng cản hai sinh viên da đen không cho ghi danh vào đại học Alabama. Vào dịp này, Tổng Thống John Kennedy đã phải ra lệnh cho quân đội cảnh vệ Alabama đưa các sinh viên đi ghi danh.
Dưới sự chỉ đạo của Mục Sư King và các nhân vật cộng tác, người da đen tại hàng chục tiểu bang miền Nam nước Mỹ đã phải đối đầu một cách rất can đảm với mọi cách đe dọa, bạo hành và ngay cả sự chết.
Vào năm 1963, 100 năm sau ngày Tổng Thống Abraham Lincoln công bố bản văn Giải Phóng Nô Lệ, đã có 10,000 cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Tháng 4 năm đó tại thành phố Birmingham, tiểu bang Alabama, 2,500 người đã bị bắt do lệnh trực tiếp của viên giám đốc an ninh công cộng Eugene Bull Conner, một người da trắng kỳ thị rất cứng dắn, thường cầm trên tay một cây gậy lớn có khắc hàng chữ không bao giờ. Thêm vào đó còn có ông Medgar Evers, một thư ký của phong trào NAACP tại tiểu bang Mississippi bị bắn chết trước ngay cửa nhà, bốn em gái da đen theo học giáo lý ngày Chủ Nhật, bị chết cháy vì nhà thờ Birmingham bị nổ bom, 35 ngôi nhà thờ da đen bị phóng hỏa và còn có hàng trăm người hoạt động chống kỳ thị bị khủng bố. Vào đầu tháng 5 năm 1963 đó, đài truyền hình thường chiếu rõ cảnh đàn áp: các cảnh sát viên to lớn, hung hãn, đánh đập các phụ nữ đang quỳ gối, các con chó dữ tợn cắn xé quần áo của các người da đen không võ khí và các trẻ em da đen bị các vòi nước mạnh quật ngã trên mặt đường. Những hình ảnh này đã tạo nên cơn giận dữ và tiếng la của quốc tế. Tổng Thống John Kennedy trước hoàn cảnh bi đát này, đã phải nói: Chúng ta đang phải đối đầu với vấn đề luân lý… vừa cổ xưa như Thánh Kinh, vừa rõ ràng như Hiến Pháp Hoa Kỳ và Tổng Thống Kennedy kêu gọi sớm có một đạo luật dân quyền mới để xóa bỏ mọi kỳ thị chủng tộc tại các nơi công cộng.
Ngày 28-8-1963, Mục Sư Martin Luther King và một số nhà lãnh đạo dân quyền đã dẫn 250,000 người da đen và da trắng trong một cuộc diễn hành về thủ đô Washington vì công việc làm ăn và tự do (march on Washington for jobs and freedom). Tập trung trước Đài Kỷ Niệm Tổng Thống Abraham Lincoln, Mục Sư King đã nói về Tôi có một giấc mơ (I have a Dream) như sau: Tôi có một giấc mơ rằng một ngày nào đó, trên các ngọn đồi màu đỏ của tiểu bang Georgia, các người con của các kẻ nô lệ trước kia và các người con của các chủ nhân nô lệ trước kia, có thể ngồi chung với nhau tại chiếc bàn huynh đệ… Rằng 4 người con của tôi một ngày nào đó sẽ sống trên một quốc gia mà chúng không bị xem xét vì màu da mà bằng đức tính của chúng. Cuộc diễn hành hòa bình và bài diễn văn lịch sử, xuất sắc của Mục Sư King đã là cao điểm của phong trào đòi dân quyền cho người Mỹ da đen. Năm sau, 1964, Mục Sư Tiến Sĩ Martin Luther King Jr. được trao Giải Thưởng Nobel về Hòa Binh.
Cách bất tuân lệnh dân sự, cách chống đối mọi hình thức kỳ thị của người Mỹ da đen đã khiến cho vấn đề dân quyền được đưa lên hàng đầu. Trước cuộc tranh cử tổng thống năm 1960, 2 ứng cử viên John F. Kennedy và Richard M. Nixon đã phải đương đầu với một tình trạng khó xử về chính trị. Ông Nixon thuộc đảng Cộng Hòa, vì không muốn mất sự ủng hộ của các cử tri da trắng miền Nam, nên đã tránh né Mục Sư King trong khi ứng cử viên Kennedy lại tiếp xúc với bà King để tỏ bày sự ủng hộ. Chiến thuật này đã khiến cho ông Kennedy mất đi một số phiếu của người da trắng nhưng đa số các cộng đồng da đen thuộc miền Bắc đã làm lệch kết quả bầu cử về phía ông Kennedy.
Sau khi đắc cử, Tổng Thống Kennedy đã không bỏ rơi các người dân chủ miền Nam và đã cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của cả các người da trắng miền Nam lẫn các cộng đồng da đen miền Bắc vì cuộc tranh cử năm 1964. Tổng Thống Kennedy đã khuyên các nhà lãnh đạo da đen nên dùng tới các chiến thuật ít va chạm hơn và dồn nỗ lực vào việc ghi danh bầu cử cho các cử tri da đen, nhưng đã không có nhiều tiến bộ tại các tiểu bang miền Nam. Phong trào dân quyền tiếp tục đòi Tổng Thống Kennedy và các đại biểu Quốc Hội thuộc đảng Dân Chủ phải ủng hộ dân quyền hơn nữa trước khi có cuộc tranh cử năm 1964. Hàng ngàn lá thư kêu gọi dân quyền và kêu gọi chấm dứt các cảnh đàn áp của cảnh sát đã tới Quốc Hội và Tòa Bạch Cung. Qua bài diễn văn trên truyền hình, Tổng Thống Kennedy đã kêu gọi Quốc Hội nên sớm ban hành một đạo luật dân quyền.
Ngày 23-11-1963, Tổng Thống John F. Kennedy bị ám sát chết. Tổng Thống Lyndon Johnson tiếp tục trách nhiệm khuyến cáo Quốc Hội thông qua một đạo luật mới: Tại quốc gia này chúng ta đã nói đủ dài về dân quyền. Bây giờ là lúc phải viết ra một chương khác, và phải viết chương đó vào các sách luật pháp. Các thượng nghị sĩ miền Nam sau đó đã chống đối đạo luật bằng nhiều tháng tranh luận và đọc diễn từ nhưng cuối cùng, Đạo Luật Dân Quyền Năm 1964 (the Civil Rights Act of 1964) đã được Quốc Hội thông qua với sự ủng hộ của cả hai loại đại biểu Cộng Hòa và Dân Chủ. Đã có một số điều khoản (titles) được ghi trong đạo luật như sau:
– Cấm chỉ kỳ thị trong việc ghi danh bầu cử (điều khoản I)
– Đặt ra ngoài vòng pháp luật mọi sự kỳ thị tại các nơi công cộng như khách sạn, nhà hàng, rạp hát và các khán đài thể thao (điều khoản II).
– Giao vị Bộ Trưởng Tư Pháp quyền ngăn cấm kỳ thị tại các phương tiện công cộng và trường học.
– Các chương trình công và tư nào vi phạm kỳ thị sẽ bị giữ lại các ngân khoản của liên bang (điều khoản VI).
– Cấm chủ nhân tư và công đoàn kỳ thị về công việc làm vì các lý do chủng tộc, màu da, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia và giới tính (điều khoản VII).
– Nới rộng quyền hạn của Ủy Ban Dân Quyền, tạo ra cơ quan Dịch Vụ Liên Lạc Cộng Đồng (Community Relations Service) để hòa giải các tranh chấp về chủng tộc và thiết lập Ủy Ban Duy Trì sự Công Bằng về Cơ Hội Làm Việc (the Equal Employment Opportunity Commission)(điều khoản VI, X).
Đạo Luật Dân Quyền Năm 1964 đã làm vô hiệu các đạo luật kỳ thị của các tiểu bang, đã cấm kỳ thị tại các nơi tiện nghi công cộng kể cả khách sạn, nhà hàng, trạm săng, khán đài thể thao, rạp hát và tất cả các chương trình hoạt động nào nhận được ngân khoản của liên bang.
Mặc dù các đạo luật dân quyền năm 1957, 1960 và 1964 đã cho người da đen quyền đi bầu cử nhưng nhiều nhà tranh đấu cho dân quyền vẫn không tin tưởng rằng các đạo luật kể trên đã cho họ đầy đủ sự yểm trợ từ liên bang. Vì vậy vào tháng 2 năm 1965, Mục Sư King đã dẫn một đoàn người sẽ là các công dân đi bầu tới Tòa Đô Chính của thành phố Selma, thuộc tiểu bang Alabama. Đây là thành phố có dân số một nửa trắng, một nửa đen nhưng người da trắng lại chiếm 99 phần trăm danh sách bầu cử. Đoàn người da đen này đã bị đánh đập, một số bị nhốt tù. Khi một người chặt củi địa phương bị giết, Mục Sư King bèn kêu gọi các người ủng hộ tiến về thủ phủ của tiểu bang là thành phố Montgomery. Thống Đốc tiểu bang là ông George Wallace đã ra lệnh cho cảnh sát và binh lính cản trở đoàn diễn hành và vào ngày 7 tháng 3 năm đó, các đài truyền hình đã cho toàn quốc Hoa Kỳ nhìn rõ cảnh quân lính tiểu bang và cảnh sát dùng hơi cay, gậy gộc đánh gục các người đàn ông và đàn bà biểu tình không tự vệ. Hai ngày sau, một mục sư da trắng thuộc đạo Tin Lành Nhất Thể (Unitarian) tên là James J. Reeb, từ Boston xuống, cũng bị đánh chết tại Selma. Cảnh tàn nhẫn chiếu trên truyền hình đã khiến cho toàn dân Hoa Kỳ phải đau lòng, đã khiến cho Tổng Thống Johnson phải kêu gọi Quốc Hội sớm cải tiến các đạo luật bầu cử và phái quân đội tới bảo vệ đoàn diễn hành nhờ vậy, 25,000 người ủng hộ, cả đen lẫn trắng, đã theo chân Mục Sư King tiến vào thành phố Montgomery. Đây cũng là một thắng lợi bất bạo động của các người da đen.
Sau đó, Đạo Luật về Quyền Bầu Cử Năm 1965 (the Voting Rights Act of 1965) đã hủy bỏ các bài trắc nghiệm văn hóa (literacy tests) và cho quyền cơ quan ghi danh bầu cử liên bang tới các nơi nào còn kỳ thị. Đạo luật cũng đòi hỏi các luật lệ về bầu cử tiểu bang phải được sự chấp thuận của Bộ Tư Pháp. Nhờ đạo luật này, hàng triệu người da đen được quyền đăng ký đi bầu tại miền Nam. Họ trở thành một lực lượng chính trị hùng mạnh và đảng Dân Chủ từ thời kỳ đó đã liên hệ chặt chẽ với các ước vọng của người da đen đồng thời được sự ủng hộ của họ. Người da đen từ nay đã dự tranh vào các văn phòng địa phương và tiểu bang, là những nơi mà thời trước họ đã không có quyền bỏ phiếu. Nhiều người da đen đã trở nên các giám đốc, các thị trưởng của nhiều thành phố lớn.
Cuộc cách mạng về dân quyền do Mục Sư Martin Luther King, Jr. hướng dẫn đã đánh bại các đạo luật kỳ thị của miền Nam Hoa Kỳ, đã hướng về các quyền lợi chính trị và giáo dục, trong khi đó tại miền Bắc nước Mỹ, các người da đen vẫn còn bất mãn vì nạn thất nghiệp và cuộc sống tối tăm trong các khu nhà ổ chuột. Họ đổ lỗi cho sự kỳ thị về công việc làm và về nhà cư trú. Một loạt các vụ rối loạn đã xẩy ra vào mùa hè năm 1964 tại các thành phố miền Bắc mà không phải do cảnh sát da trắng đàn áp.
Sau khi biến cố tại thành phố Selma xẩy ra, đã có nhiều vụ rối loạn chủng tộc bộc phát tại thành phố Chicago và quận Watts thuộc thành phố Los Angeles. 3,100 người đã bị bắt sau 6 ngày bạo động và các vụ xáo trộn này, kèm theo là các vụ đốt nhà, hôi của, còn tiếp tục lan tràn qua 67 thành phố khác vào mùa hè năm 1967. Mục Sư King và các phụ tá của ông đã không thể khuyên các người da đen miền Bắc dùng tới phương thức bất bạo động. Trong khi đó, Hiệp Hội Lãnh Đạo Giáo Dân Thiên Chúa Miền Nam SCLC đã vận động chính quyền Hoa Kỳ tạo thêm công việc làm ăn và mở cửa chính sách gia cư cho các người da đen tại thành phố Chicago, nhưng kết quả chưa khả quan. Sự chống đối vẫn từ hai phía, và chính Mục Sư King cũng bị nhóm người da trắng phản đối, ném đá tại thị trấn Cicero thuộc vùng Chicago.
Mục Sư King đã kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ nên xét lại các ưu tiên của quốc gia, đòi hỏi một kế hoạch Marshall để chấm dứt nạn nghèo khó và kỳ thị trên đất nước Hoa Kỳ và ông đi tới kết luận rằng cuộc chiến tranh Việt Nam đã là trở ngại chính cho các tiến bộ xã hội. Các lời tuyên bố chống chiến tranh của Mục Sư King đã làm cho chính quyền Johnson xa cách ông, đồng thời chủ trương ôn hòa của ông cũng không được nhóm người da đen theo đường lối phân biệt (black separatism) ủng hộ. Vào mùa xuân năm 1968, Mục Sư King kêu gọi hàng trăm ngàn người nghèo thuộc mọi chủng tộc hãy kéo về Thủ Đô Washington nhân Cuộc Vận Động của Người Nghèo (the Poor People’s Campaign). Ngày 4 tháng 4 năm 1968, Mục Sư King tới thành phố Memphis, thuộc tiểu bang Tennessee để ủng hộ cuộc đình công của các công nhân đổ rác người da đen và tại đây, ông đã bị ám sát chết bởi tên James Earl Ray, một cựu tội phạm da trắng.
Cái chết bi thảm của nhà vận động dân quyền danh tiếng này đã gây nên một loạt rối loạn và chỉ trong một tuần lễ, bạo động đã xẩy ra tại 125 thành phố, giết oan 46 người, làm bị thương 3,500 người và gây thiệt hại 45 triệu Mỹ kim. Lần đầu tiên trong lịch sử của nước Mỹ, xe thiết giáp phải đi tuần trong Thủ Đô Washington để duy trì trật tự.
Sau khi các bạo động vì vụ ám sát Mục Sư King dịu bớt, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo Luật Mở Cửa Gia Cư của Năm 1968 (the Open Housing Act of 1968). Đạo luật này ngăn cấm mọi sự kỳ thị trong việc mua bán, thuê mướn nhà cửa. Chỉ các tư nhân mua bán hay thuê nhà mà không qua các nhân viên địa ốc mới không bị ràng buộc vì đạo luật này. Về sau, mọi kỳ thị về mua bán và thuê mướn bất động sản lại bị cấm đoán về kỳ thị vào năm 1988 bởi Đạo Luật về các Quyền Lợi Gia Cư (the Housing Rights Act).
6- Cuộc đời của Mục Sư Martin Luther King, Jr. (1929-68).
Mục Sư Martin Luther King, Jr. sinh ngày 15 tháng 1 năm 1929 tại thành phố Atlanta thuộc tiểu bang Georgia. Ông là người con thứ hai của ông Martin Luther King, Sr., một mục sư của nhà thờ Báp Tít Ebenezer tại Atlanta và bà Alberta Williams King, một giáo chức. Ông nội của muc sư King, Jr. cũng là mục sư của nhà thờ Ebenezer.
Khi còn trẻ, mục sư King đã là một học sinh xuất sắc nên được miễn học các lớp 9 và 12. Vào tuổi 15, ông đã theo Đại Học Morehouse tại Atlanta và cũng tại ngôi trường này, ông đã khâm phục vị Viện Trưởng là ông Benjamin E. Mays, một học giả nổi tiếng về tôn giáo của người da đen. Cũng do ảnh hưởng của Tiến Sĩ Mays mà ông quyết định trở nên một mục sư vào năm 18 tuổi.
Mục sư King tốt nghiệp Đại Học Morehouse vào năm 1948. Sau đó ông ghi danh vào trường Thần Học Crozer tại Chester, Pennsylvania. Là sinh viên đỗ đầu khóa năm 1951, mục sư King đã được học bổng để theo đuổi văn bằng Tiến Sĩ Thần Học tại Đại Học Boston rồi ra trường vào năm 1955. Tại Boston, mục sư King đã gặp Cô Coretta Scott, một sinh viên âm nhạc từ miền Marion thuộc tiểu bang Alabama. Họ thành hôn vào năm 1953, có 4 người con, 2 con trai là Martin Luther III và Dexter Scott, và 2 con gái là Yolanda Denise và Bernica Albertine.
Năm 1954, mục sư King cai quản nhà thờ Báp Tít nằm trên đại lộ Dexter của thành phố Montgomery, tiểu bang Alabama, rồi nhân cuộc tẩy chay hệ thống xe buýt kỳ thị, mục sư King được chọn đứng đầu Hiệp Hội Cải Tiến Montgomery (the Montgomery Improvement Association) vì khả năng hùng biện của ông. Trong bài phát biểu đầu tiên đề cập tới việc tẩy chay, mục sư King đã nói với các người bạn cùng theo đường lối tranh đấu: Đầu tiên, chúng ta là các công dân Hoa Kỳ… Tại đây, chúng ta bênh vực đường lối bất bạo động… Vũ khí duy nhất mà chúng ta có… là vũ khí phản đối… Sự rực rỡ của nền Dân Chủ Mỹ là quyền phản đối vì lẽ phải và mục sư King đã khuyên các người theo phong trào là phải bất bạo động mặc dù các khủng bố về tài sản và đời sống. Trong thời gian tranh đấu, chính ngôi nhà của ông đã bị đặt bom và gia đình ông bị hăm dọa nhiều lần.
Năm 1956, Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ đã ra lệnh cho thành phố Montgomery phải thi hành sự công bằng và hợp lẽ về các chỗ ngồi trên xe buýt. Cuộc tranh đấu chống kỳ thị chủng tộc của mục sư King đã khiến ông nổi danh toàn quốc và là một biểu tượng của các lực lượng da đen miền Nam rồi vào năm 1957, ông là người trẻ nhất nhận lãnh huy chương Spingarn, đây là phần thưởng hàng năm trao tặng cho người da đen xuất sắc do Hiệp Hội Quốc Gia Tranh Đấu cho sự Thăng Tiến của Người Da Màu NAACP.
Cùng với nhiều mục sư da đen khác, mục sư King đã thành lập nên Đại Hội Lãnh Đạo Giáo Dân Thiên Chúa Miền Nam SCLC (the Southern Christian Leadership Conference) vào năm 1957 để phát động phong trào chống đối kỳ thị chủng tộc rồi 3 năm sau, ông đã di chuyển về Atlanta và cùng với cha, trở nên mục sư quản nhiệm nhà thờ Báp Tít Ebenezer. Mục sư King là người dẫn đầu đạo quân bất bạo động tại thành phố Albany, Georgia. Ông đã bị tống giam vào năm 1963 nhân dịp tranh đấu chống kỳ thị tại các phương tiện công cộng ở Birmingham, Alabama.
Ngày 28 tháng 8 năm 1963, trước một đám đông 250,000 người tập trung tại Đài Kỷ Niệm Tổng Thống Abraham Lincoln, mục sư King đã hùng hồn nói về Tôi có một giấc mơ, qua đó ông đã định nghĩa căn bản luân lý của phong trào Dân Quyền.
Năm 1964, mục sư King là người trẻ nhất được trao Giải Thưởng Nobel về Hòa Bình và ông coi giải thưởng này không phải là một danh dự cá nhân mà còn là một đóng góp quốc tế vào phong trào bất bạo động tranh đấu cho dân quyền. Năm 1965, mục sư King đã dẫn các người da đen đi ghi danh bầu cử tại thành phố Selma, Alabama, rồi sau đó là cuộc diễn hành 5 ngày, tiến về thủ phủ Montgomery.
Sau cuộc tranh đầu cho dân quyền của các người Mỹ da đen tại miền Nam, mục sư King nghĩ tới việc cải thiện đời sống kinh tế của các người da đen miền Bắc. Năm 1966, mục sư King đặt một ban chỉ huy tranh đấu tại thành phố Chicago để phản đối chính sách của chính quyền địa phương kỳ thị người da đen về gia cư và công việc làm ăn. Do tin tưởng rằng tiền bạc và các nỗ lực dùng cho cuộc chiến tranh Việt Nam có thể được dùng để chống nghèo khó và kỳ thị, mục sư King đã lên án bạo lực của cuộc chiến. Lập trường này của mục sư King đã bị các nhân viên chính quyền thời đó chỉ trích.
Từ năm 1966, các người lãnh đạo Ủy Ban Phối Hợp Sinh Viên Bất Bạo Động SNCC (the Student Nonviolent Coordinating Committee) thiên về cách chống đối tích cực hơn, họ đã dùng tới khẩu hiệu Lực Lượng Đen (Black Power). Chủ trương bất bạo động của mục sư King đã không được nhóm người kể trên chấp thuận.
Mục sư King cho rằng sự nghèo khó cũng xấu xa như việc kỳ thị và chỉ có sự công bằng xã hội thực sự khi nào có cách phân phối lại tài sản, vì vậy ông dự trù một Cuộc Vận động của Người Nghèo (the Poor People’s Campaign) tiến về Thủ Đô Washington vào năm 1968 nhưng trước khi thực hiện được dự tính này, mục sư King đã bị ám sát chết bởi tên bắn sẻ James Earl Ray.
Cái chết của mục sư King đã làm chấn động toàn quốc Hoa Kỳ và đã gây nên một loạt các vụ rối loạn tại 125 thành phố. Thi hài của mục sư Martin Luther King Jr. được chôn tại Atlanta và trên mộ chí có ghi các lời cuối cùng trong bài diễn văn Tôi có một giấc mơ. Đó là hàng chữ: Cuối cùng là Tự Do/ Cuối cùng là Tự Do/ Cảm ơn Thượng Đế Tối Cao/ Cuối cùng là Tự Do.
Tác phẩm của Mục Sư Martin Luther King Jr. gồm các cuốn: Bước tới Tự Do: câu chuyện tại Montgomery (1958), Sức mạnh của tình yêu (1963), Tại sao chúng ta không thể chờ đợi (1964), Từ đây chúng ta đi tới đâu: xáo trộn hay cộng đồng (1967).
Sau khi đã qua đời, Mục Sư King được ân thưởng Huy Chương Tự Do của Tổng Thống Hoa Kỳ (the Presidential Medal of Freedom) vì cuộc tranh đấu của ông chống lại các bất công, rồi vào năm 1980, nơi sinh, nhà thờ và ngôi mộ của Mục Sư King đã trở thành Khu Lịch Sử Quốc Gia (National Historic Site). Vì danh dự của Mục Sư King, Quốc Hội Hoa Kỳ vào năm 1986 đã chấp thuận một ngày lễ quốc gia để tưởng nhớ, đó là ngày Thứ Hai, đầu tuần lễ thứ ba trong tháng Giêng mỗi năm.
Mục Sư Martin Luther King Jr. là Công Dân Thứ Hai của Hoa Kỳ có ngày sinh trở thành một ngày quốc lễ. Công Dân Thứ Nhất là ông George Washington, vị Tổng Thống đầu tiên và cũng là Người Cha của Đất Nước Hoa Kỳ.
Phạm Văn Tuấn