NUSA DUA, Indonesia (WSJ) – Ngoại Trưởng Mỹ Hillary R. Clinton nói Hoa Kỳ sẽ tham dự sâu xa hơn ở khu vực Ðông Nam Á để giúp đỡ các nước nghèo nhất của vùng này.
Ngoại Trưởng Mỹ Hillary R. Clinton phát biểu trong cuộc họp với đại biểu của 4 nước thuộc vùng hạ lưu sông Mekong hôm Thứ Sáu ở Nusa Dua, Indonesia.
(Hình: Saul Loeb/AFP/Getty Images)
Lời tuyên bố của bà Clinton đưa ra vào lúc giới lãnh đạo của khu vực tìm cách dàn xếp một chuyện mà họ hy vọng sẽ đem đến tiến bộ ở một trong những điểm nóng của Á Châu: Bắc Hàn.
Tiếp xúc bên lề cuộc họp hàng năm của diễn đàn ASEAN ở Bali hôm Thứ Sáu, các chuyên viên thương thuyết của Bắc Hàn và Nam Hàn đồng ý chuẩn bị chương trình quay lại bàn hội nghị “6 bên” nhằm chấm dứt chương trình võ khí nguyên tử của Bắc Hàn. Tuy nhiên, giới ngoại giao không diễn tả làm sao họ có thể giải quyết nhiều điểm bất đồng đã làm cho các cuộc đàm phán bế tắc từ năm 2009 đến nay.
Về phần bà Clinton, bà tuyên bố ủng hộ cho các động thái làm giảm căng thẳng ở cả bán đảo Triều Tiên và Biển Ðông, nơi đang tranh chấp căng thẳng giữa Việt Nam, Trung Quốc, Phi Luật Tân và một số nước khác.
Bà khuyên các nước nên hợp tác với nhau để giải quyết tranh chấp nhưng tránh phê bình trực tiếp Trung Quốc và cũng tránh nói mạnh mẽ đến quyền lợi của Mỹ ở vùng biển này từng làm Trung Quốc tức giận.
Bà Clinton, dịp này dành phần lớn thời gian để cổ võ cho một ưu tiên khác được mệnh danh là “Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong” (Lower Mekong Initiative) mà bà từng nêu ra từ năm 2009 nhằm thúc đẩy phát triển ở khu vực nghèo nhất ở Ðông Nam Á. Một số người tin rằng đây là các nước Mỹ gia tăng ảnh hưởng một cách êm ả.
Sáng kiến nhằm giúp 4 nước thuộc hạ lưu sông Mekong gồm Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam, cải thiện môi trường và hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như cải thiện giáo dục và y tế.
Hôm Thứ Sáu, bà Clinton muốn nới rộng kế hoạch khi loan báo ngoài Hoa Kỳ, sẽ còn có Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB), Liên Hiệp Âu Châu và các tổ chức khác, sẽ cùng góp sức giúp cho chương trình này.
Kế hoạch gồm rất nhiều kế hoạch lớn nhỏ khác nhau, từ các cuộc nghiên cứu thực nghiệm tổ chức ở Lào, làm thế nào chế được các bếp lò tốt hơn để giảm bớt thiệt hại môi trường, đến các chương trình chống làm thuốc tây giả, sửa chữa đường sá, trường học, y viện ở khu vực.
“Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong phản ảnh sự cam kết của Hoa Kỳ đối với đời sống của người dân các nước của quí vị và sự thành công về lâu về dài của đất nước quí vị.” Bà nói với đại biểu của các nước tiểu vùng Mekong họp mặt riêng bên lề cuộc họp ASEAN ở Bali. “Chúng tôi ủng hộ quí vị trong nỗ lực xây dựng nền tảng vững chãi hơn cho sự thịnh vượng và tiến bộ và chúng tôi mong được tiếp tục cộng tác với quí vị như các đối tác và bằng hữu cho những năm tháng trước mặt.”
Cuộc tiếp xúc này không “nổi bật” như những đề tài khác thảo luận ở Bali nhưng những cố gắng được nhìn thấy như một phần quan trọng của Hoa Kỳ muốn xây dựng lại niềm tin của các nước hạ lưu Mekong vốn có quan hệ truyền thống chặt chẽ với Trung Quốc.
Ian Stoney, một chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á ở Singapore cho rằng ông không biết những nỗ lực của Mỹ có bao nhiêu tác dụng khi mà năm nay, Hoa Kỳ chỉ viện trợ cho kế hoạch được $200 triệu USD. Ông nói: “Tôi không tin Trung Quốc ngồi đấy mà nhìn Mỹ (hành động) vì bây giờ không phải chỉ có họ (Trung Quốc) là kẻ múa may ở đó.”
Một số phân tích gia bình luận rằng Hoa kỳ hy vọng lợi dụng được mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với một số nước trong khu vực. Nhiều nước chống đối Trung Quốc xây một hệ thống đập thủy điện rất lớn ở thượng lưu sông Mekong, làm thiệt hại nặng cho các nước ở hạ lưu.
Trong khi đó, dân ở các nước từ Miến Ðiện sang Thái Lan, Cam Bốt, Lào và Việt Nam than phiền hàng hóa Trung Quốc tràn ngập các nước họ bán với giá rẻ nhưng phẩm chất rất tồi và nhiều khi độc hại trong khi giết chết các nhà sản xuất và kinh doanh địa phương.
“Chúng tôi gửi một thông điệp rất rõ đến người dân các nước Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Việt Nam là chúng tôi đầu tư vào sự an lành của quí vị và tiếp tục tiến bộ.” Bà Clinton nói.
NGUỒN: NVO