Cách đây mấy bữa, tôi có trao đổi với bạn hữu trên Facebook về tình hình kinh tế toàn cầu và chuyện Trung Quốc trong vòng một thập niên nữa có thể đuổi kịp Hoa Kỳ về tổng thu nhập nội địa (GDP).
Nói là có thể đuổi kịp về GDP thôi, chứ về thu nhập bình quân tính trên đầu người thì có lẽ một vạn mùa quýt nữa Trung Quốc cũng khó bắt kịp với số dân trên 1,3 tỷ người và hàng trăm triệu người ở vùng nông thôn và miền núi vẫn đang sống dưới mức nghèo khổ.
Theo Quỹ Tiện tệ Quốc tế, thu nhập đầu người (GDP per capita) của Trung Quốc trong năm 2010 là 4.382 USD, so với của Mỹ là 47.284 USD.
Hơn nữa, Hoa Kỳ là một quốc gia có các định chế dân chủ vững chắc, với một nền kinh tế năng động, sáng tạo và luôn tìm ra được chính sách thích ứng với hoàn cảnh, thậm chí với các cuộc khủng hoảng. Trong khi Trung Quốc duy trì một cơ chế kinh tế tư bản nửa vời, chịu áp lực chi phối quá mạnh mẽ bởi nhà nước độc quyền và vẫn còn chủ yếu dựa vào xuất khẩu, bên cạnh nguy cơ bất ổn về chính trị xã hội luôn hiện hữu.
Tranh biếm hoạ Ben Bernanke rải tiền trên thành phố Thượng Hải – Investletter.com
Trung Quốc hiện nay là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Trong bài “China: The new landlord of the U.S” trên CNNMoney, ngày 18 tháng 1 năm 2011, phân tích chủ đề này tác giả Paul R. La Monica cho biết Cục Ngân khố Hoa Kỳ thông báo Trung Quốc hiện sở hữu 895,6 tỷ đô la trái phiếu kho bạc Mỹ, có nghĩa là giảm từ 906,8 tỷ đô la so với một tháng trước đó và là sự suy giảm đầu tiên giá trị trái phiếu nợ của Trung Quốc kể từ tháng Sáu 2010. Trong một tháng mà giảm giá trị 11,2 tỷ đô la, quả là không nhỏ tý nào!
Trong cuộc mạn đàm trên Facebook tôi có nhắc lại nhận xét dí dỏm của một người bạn thân của tôi là Szymon Moldewhawer. Szymon Moldewhawer đã từng là Trưởng đại diện Văn phòng Thương mại của Mỹ tại Warsaw, Ba Lan.
Szymon Moldewhawer nói với tôi rằng, tớ đưa ra cho cậu một bức tranh đơn giản về chuyện nợ nần giữa Trung Quốc và Mỹ. Thế này nhé, một thằng Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, ví dụ 1 tỷ đô la. Nhưng hắn ta cóc thèm mang tiền từ Mỹ vào Trung Quốc mà lấy ngay tiền của Trung Quốc thông qua các tác vụ tài chính từ khoản Trung Quốc cho Mỹ vay qua việc mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Nên nhớ rằng, chính phủ Mỹ khi phát hành trái phiếu không phải lấy tiền chỉ để chi dụng cho các nhu cầu nội địa, mà dành đến 60% cho đầu tư ở nước ngoài. Số tiền này mang lại lợi nhuận lớn, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc tiềm tàng. Bây giờ ta có một phép tính số học của học sinh cấp 1: Ví dụ thằng Apple lấy tiền của Trung Quốc, tận dụng nhân công rẻ mạt của Trung Quốc, sản xuất ra một cái iPad cứ cho là 100 đô la chẳng hạn. Sản phẩm được xuất qua Mỹ và nhiều nước khác, bán với giá 500 đô la. Tiền lãi chảy hết vào túi thằng Mỹ. Thằng Trung Quốc nghèo hơn, cho thằng Mỹ giàu hơn vay tiền, còn thằng Mỹ thì láu cá kiếm lợi nhuận ngay trên lưng thằng cho vay, tớ hỏi cậu ai khôn hơn ai? Đây là tớ chưa nói tới việc thằng đi vay lại là cái thằng in ra đồng tiền đó. Chỉ cần nó phá giá một tý thôi, giá trị trái phiếu có thể mất đi vài trăm triệu đô la, nếu không nói đến vài tỷ, trong chốc lát!
Ông bạn tôi cười thích thú và thêm rằng, kinh doanh tiền tệ trên thế giới khó ai khôn ngoan và điếm đàng hơn tư bản Mỹ!
Không lâu sau cuộc chuyện trò trên đây, thực tế đã chứng minh điều người bạn tôi phác hoạ là đúng.
Vào tháng 10 năm ngoái Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (The Federal Reserve System), viết tắt là Fed (cũng có thể hiểu tương tự như Ngân hàng trung ương) đã thông báo một chương trình có biệt hiệu là QE2.
Đây là chính sách được gọi là nới lỏng định lượng, trong đó Fed công bố kế hoạch mua lại 600 tỷ đô la trái phiếu kho bạc dài hạn từ tháng 10 năm 2010, nhằm mục đích cung cấp vốn mới, hỗ trợ nền kinh tế các khoản tín dụng rẻ.
Ngay sau khi FED công bố, Trung Quốc đã cao giọng chỉ trích chương trình QE2 này.
Kế hoạch mua lại trái phiếu của Fed dẫn đến một đồng đô la yếu hơn và lãi suất cao hơn, do đó làm giảm giá trị trái phiếu kho bạc mà Trung Quốc đang nắm giữ, như chúng ta đã thấy ở trên.
Trong ngày thứ Tư, 27 tháng 4 năm 2011, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã ấn định tỷ lệ lãi suất nằm trong khoảng 0-0,25 phần trăm và tuyên bố giữ nguyên quyết định mua lại trái phiếu với tổng số tiền 600 tỷ đô la.
Giám đốc Fed, ông Ben Bernanke, tại buổi họp báo cùng ngày cho biết Ủy ban Thị trường Mở đã có quyết định đầu tiên cho việc duy trì chính sách tái đầu tư các quỹ từ chứng khoán.
Sau cuộc họp hai ngày trước đó, Fed kết luận rằng, “sự phục hồi kinh tế Mỹ đang ở tốc độ vừa phải, và tình hình thị trường lao động cải thiện dần dần”; “Sự gia tăng lạm phát, đặc biệt là việc tăng giá nguyên liệu trong thời gian gần đây, có vẻ như là quá độ. Tình hình thị trường bất động sản vẫn còn yếu”.
Quyết định về tỷ lệ lãi suất trên phù hợp với những gì các nhà phân tích đã dự đoán, và không gây ra phản ứng nào lớn. Tuy nhiên sự chú ý của thị trường trong khi chờ quyết định của Fed đã tập trung vào cái khác, cụ thể là, điều gì tiếp theo chương trình mua lại trái phiếu mà trên thực tế là in thêm tiền để bơm vào nền kinh tế 600 tỷ đô la.
Ông Bernanke nói thêm rằng, kết thúc chương trình mua lại trái phiếu dài hạn với giá trị 600 tỷ đô la vào tháng 6 này, Fed sẽ tiếp tục theo dõi khối lượng đầu tư vào trái phiếu kho bạc trong ánh sáng của các thông tin mới nhất, sẵn sàng điều chỉnh đầu tư trái phiếu ở mức tốt nhất nhằm bảo đảm việc làm tối đa trong nền kinh tế Hoa Kỳ và ổn định giá.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giám đốc Fed, Ben Bernanke, có mặt và kết thúc một cuộc họp báo.
Chưa biết phản ứng mới của Trung Quốc với quyết định mới của Fed. Tuy nhiên để ứng phó, Trung Quốc có thể phải bắt đầu bán trái phiếu nợ ra.
Ngoài ra, người ta cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa trái phiếu nợ của ngân hàng trung ương và có thể chuyển sang trái phiếu khu vực đồng euro, một ngoại tệ mạnh nhưng tính ổn định đang đặt trước nhiều dấu hỏi khi hàng loạt các nước khu vực đồng euro như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland… đang vật lộn với khủng hoảng nợ công.
Cũng có người tin rằng Trung Quốc đã sử dụng các đại lý tại Vương quốc Anh để vực giá trị kho bạc lên. Giá trị hàng hoá sẽ hiển thị trên các cổ phiếu của Vương quốc Anh, không phải của Trung Quốc.
Một câu đặt câu hỏi đặt ra là trong tương lai, nếu Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu kho bạc mới, thì Trung Quốc có tiếp tục mua nữa hay không?
Cái khổ nằm ở chỗ là Trung Quốc vẫn phải mua, vì Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng và lớn nhất của Trung Quốc, là “căn cứ địa” bảo đảm công việc làm cho hàng chục triệu, nếu không nó là hàng trăm triệu người lao động Trung Quốc. Một biến động lớn trên thị trường lao động sẽ là một thảm hoạ cho ổn định xã hội, điều mà các nhà lãnh đạo Bắc Kinh không bao giờ muốn xảy ra, bằng mọi giá.
Trong cuộc chơi khó khăn này, anh Mỹ có vẻ như được nước, tha hồ mè nheo, õng ẹo rằng, anh cho vay thì tôi mới có tiền trả hàng hoá, còn Trung Quốc dù rất khó chịu, phàn nàn anh Mỹ khôn thì vừa thôi, đừng quá đáng. Nhưng rồi cuối cùng Trung Quốc cũng phải đồng ý nếu cò kè được lãi suất cao hơn. Trừ phi anh Mỹ không muốn vay thêm!
Kiểu gì thì bác Sam nhà ta vẫn đứng ở thế lợi hơn.
Kết thúc bài báo đã dẫn trên CNNMoney, tác giả Paul R. La Monica nêu ra một câu ngạn ngữ xưa: “Nếu ngân hàng cho bạn vay một ngàn đô la, ngân hàng là ông chủ của bạn. Nhưng nếu ngân hàng cho bạn vay một triệu đô la, bạn sẽ là ông chủ của ngân hàng” (If the bank lends you a thousand dollars, the bank owns you. But if the bank lends you a million dollars, you own the bank).
Nghe ra có vẻ diễu cợt và hài hước quá!
Lê Diễn Đức [Nguon: RFA Blog]