Theo báo chí trong nước, chiều ngày 22 tháng 10 vừa qua, trong một phiên họp tại Quốc hội, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, có bài nói chuyện về tình hình quốc phòng và an ninh của đất nước, trong đó, ông liệt kê những thắng lợi của Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như biện hộ cho vai trò lãnh đạo của đảng trong sự nghiệp giữ nước. Ông nhấn mạnh: “Nếu mà mất Đảng, mất chế độ thì biển đảo cũng mất”.
Để khẳng định như vậy, ông Phùng Quang Thanh đưa ra hai lập luận chính:
Thứ nhất, sự lãnh đạo độc tôn của đảng sẽ mang lại ổn định trong xã hội và sự độc lập của đất nước. Ông lập luận: “Nếu mà trong nội bộ đất nước để xảy ra bạo loạn, biểu tình, ly khai, xảy ra tổ chức đối lập, để xảy ra lực lượng vũ trang đối lập (như một số nước đã có), mà lại phải dùng lực lượng chức năng trấn áp, để xảy ra thương vong, đổ máu thì bên ngoài sẽ lấy cớ vi phạm dân chủ, nhân quyền, dùng biện pháp này, biện pháp khác để bao vây, cấm vận, cô lập chính trị, chia rẽ nội bộ, thừa cơ đó lật đổ chế độ.”
Thứ hai, ông cho chính nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của đảng Cộng sản nên cho đến nay, Việt Nam mới vừa giữ được chủ quyền trên Biển Đông vừa duy trì được hoà bình cho đất nước. Ông cho biết trong mấy chục ngày Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 đến thềm lục địa Việt Nam, Bộ Chính trị đã có 12 phiên họp để bàn về kế sách đối phó. Kết quả là, sau đó, Trung Quốc cho kéo giàn khoan về nước và Biển Đông đã lặng sóng. Ông cũng nói thêm là các hòn đảo ở Trường Sa do bộ đội Việt Nam trấn giữ vẫn thuộc Việt Nam; các giếng khoan dầu ngoài khơi vẫn tiếp tục hoạt động và ngư dân vẫn tiếp tục đánh cá an toàn.
Những lập luận ấy, thật ra, hoàn toàn nguỵ biện.
Thứ nhất, liệu dân chủ hoá có dẫn đến hỗn loạn, từ đó, sự can thiệp của nước ngoài hay không? Câu trả lời rất rõ: Không. Cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, tất cả các chế độ cộng sản tại Nga và Đông Âu sụp đổ, không có nước nào lâm vào cảnh bạo loạn cả. Trừ Nga, tất cả các nước khác đều ngày một trở thành dân chủ hơn, và cùng với dân chủ, thịnh vượng hơn. Trong hai năm 2011 và 2012, các chế độ độc tài ở một số quốc gia Trung Đông và Bắc Phi lần lượt sụp đổ và dù gặp rất nhiều gập ghềnh và khúc khuỷu, con đường dân chủ hoá cũng càng lúc càng mạnh mẽ. Sự hỗn loạn chỉ có ở Syria và Libya nhưng ở cả hai nước này, sự hỗn loạn đến từ những nguyên nhân khác: sự phân hoá về chủng tộc và, đặc biệt, tôn giáo với sự tham gia của các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Ngay ở Á châu, từ mấy năm nay, Miến Điện cũng dần dần dân chủ hoá nhưng không gây nên bất cứ sự bất ổn nào. Bởi vậy, không có lý do gì để sợ khi chế độ Cộng sản sụp đổ, Việt Nam sẽ lâm vào khủng hoảng. Hơn nữa, khi sự thay đổi ấy xuất phát từ chính đảng Cộng sản với một lộ trình dân chủ hoá mạnh mẽ và rõ ràng, nguy cơ khủng hoảng càng giảm thiểu.
Thứ hai, liệu không còn đảng Cộng sản, biển đảo Việt Nam có bị mất? Câu trả lời cũng không.
Có hai lý do chính.
Một là, sự thật lịch sử trong mấy chục năm vừa qua chứng minh một điều ngược lại: chính chế độ cộng sản tại Việt Nam mới làm cho Việt Nam mất biển đảo vào tay Trung Quốc. Ai cũng biết công hàm Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958, trong đó, thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa). Ai cũng biết năm 1974, khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, chính những người lính Việt Nam Cộng Hoà ở miền Nam đã liều mình để bảo vệ đảo trong khi đó, ở miền Bắc, chính quyền do đảng Cộng sản lãnh đạo thì hoàn toàn im lặng. Ai cũng biết năm 1988, khi Trung Quốc đánh chiếm mấy bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, chính quyền Việt Nam chỉ phản ứng lấy lệ và cuối cùng, các bãi đá ấy đều lọt vào tay Trung Quốc. Ai cũng biết từ mấy năm nay, trước các hành động lấn chiếm ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, kể cả việc bắt bớ, thậm chí giết hại ngư dân Việt Nam trên Biển Đông, Việt Nam cũng chỉ phản ứng một cách rất “ngoại giao”. Phản ứng cho có để dân chúng khỏi lên án, vậy thôi. Nói chung, trước dã tâm xâm lấn biển đảo của Trung Quốc, chính quyền Việt Nam chưa hề chứng tỏ có một chiến lược đối phó nào cho thật rõ ràng trừ sự nhường nhịn. Hơn nữa, với những khẩu hiệu “4 tốt” và “16 chữ vàng”, dường như họ cũng không thấy hết nguy cơ đến từ Trung Quốc.
Hai là, tuyệt đối không có bằng chứng nào cho thấy một chế độ dân chủ sẽ trở thành yếu ớt hơn trong việc bảo vệ độc lập và chủ quyền của đất nước. Nếu không muốn nói, ngược lại. Chế độ dân chủ có hai mặt mạnh mà một chế độ độc tài không có: Thứ nhất là dễ có liên minh rộng rãi và vững chắc với các nước khác trên thế giới; và thứ hai là dễ nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dân chúng.
Nói tóm lại, lập luận “mất đảng, mất chế độ thì mất biển đảo” chỉ là một sự nguỵ biện. Nó không đúng. Nó chỉ biện hộ cho việc duy trì chế độ độc tài tại Việt Nam mà thôi.
Nguyễn Hưng Quốc