Tại một số địa phương trên thế giới hiện nay vẫn còn áp dụng một thứ luật lệ truyền thống khắc nghiệt theo kiểu “mắt đền mắt-răng đền răng” [œil pour œil, dent pour dent],[1] hay theo kiểu thường nghe là “mạng đền mạng” nữa. Bất cứ ai làm cho người khác chết vì lý do gì thì cũng phải đền mạng y như vậy.
Một số nhà báo Ấn Ðộ tọa kháng phản đối luật “Sharia” hồi năm 2009. (SAM PANTHAKY/AFP/Getty Images)
Ông Chánh Án Saoud bin Suleiman al-Youssef của Saudi Arabia vừa tuyên án một tội phạm của nước này là phải chịu để cho bệnh viện, giải phẫu cắt đứt dây thần kinh cột sống để thành bại liệt, vì y mang tội, trong một cuộc tấn công bằng vũ khí, đã làm cho một nạn nhân tên là Abdul-Aziz al-Mutairi, 22 tuổi bị tổn thương thần kinh và trở thành bại liệt.
Trong thế giới Hồi Giáo, trộm cắp bị gia hình phải chặt bàn tay, phải chăng người ta quan niệm bàn tay đó phải chịu trách nhiệm vì nó đã cầm lấy vật ăn cắp. Trên Internet, chúng ta đã xem những hình ảnh man rợ tại Iran, nhân danh đấng Mohammad, người ta đã thi hành bản án dành cho một đứa trẻ mới 8 tuổi, vì tội ăn cắp vặt trong một khu chợ, phải chịu để bàn tay dưới một bánh xe vận tải để nó cán qua, vì đó là bàn tay ăn cắp.
Họ nhân danh gì nơi tôn giáo để biện minh cho những tội ác ghê tởm như vậy. Trong khi một viên tỉnh trưởng có thể ăn cắp của công, nhũng lạm, sống xa hoa, được bảo vệ bởi cường quyền, thì một người dân đói rách ăn cắp một ổ bánh mì có thể bị nhục hình. Cũng trong xã hội Hồi Giáo, đàn ông có quyền lấy nhiều vợ nhưng đàn bà chỉ được lấy một chồng, do đó đàn ông không có tội ngoại tình. Trái lại, đàn bà ngoại tình sẽ bị đem ra nơi công cộng để mọi người ném đá đến chết.
Mới đầu chúng ta tưởng những vụ án này chỉ xảy ra trong thế giới Hồi Giáo, nhưng thực sự lối xử án này cũng xảy ra nhiều nơi trên thế giới, nhất là Á Châu.
Không cần đến tòa án, cũng không nhân danh tôn giáo nào, cũng với lối trừng phạt độc ác kiểu thời Trung Cổ, một người Việt, Nguyễn Thọ Ðắc, ở tỉnh Vĩnh Long, sau khi đi ăn đám cưới về, nghe chuyện cháu gọi mình bằng cậu là Nguyễn Thị Mỹ Huyền, học sinh lớp 5 tiểu học, ăn cắp tiền của bà ngoại, đã xử án bằng cách đặt tay cháu lên tấm thớt và chặt đứt ba ngón tay!
Ở Ấn Ðộ, sau vụ một thiếu nữ bị hiếp dâm tập thể trên xe bus, đảng Quốc Ðại cầm quyền đang soạn luật mới cho tội phạm hiếp dâm, gồm án phạt tối đa là 30 năm và dùng hóa chất gây liệt dương cho thủ phạm. Nghĩa là vật để dùng gây tội phải được trừ khử như bàn tay em bé ăn cắp bị “phán xét” dưới bánh xe vận tải ở trên. Nếu luật pháp xử theo lối này thì kẻ hiếp dâm đáng phải bị cắt “tang vật” (vật khí gây tội) hơn là chỉ làm cho nó hết ngo ngoe thôi.
Một tòa án Nam Hàn ngày 3 tháng 1 vừa qua đã ra lệnh áp dụng biện pháp thiến bằng hóa chất đối với một kẻ bị kết tội ấu dâm tái phạm, trong một phán quyết đầu tiên thuộc loại này tại quốc gia Ðông Á, theo hãng Tân Hoa Xã. Với phán quyết của tòa án quận Nam Seoul, một người đàn ông 31 tuổi họ Pyo sẽ bị kết án 15 năm tù và phải qua quá trình điều trị bắt buộc nhằm ức chế ham muốn sinh lý. Pyo, người mà tòa cho là “mất khả năng tự chủ,” đã bị kết tội hiếp dâm năm trẻ vị thành niên trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2011 đến tháng 5 năm 2012. Y đã đe dọa phát tán những đoạn phim quay cảnh hiếp dâm lên Internet.
Phán quyết của tòa cho biết: “Việc điều trị bằng thuốc men sẽ làm giảm những tưởng tượng và ham muốn tình dục thái quá của bị cáo.”
Những người chỉ trích bản án lại cho rằng việc sử dụng biện pháp “thiến” bằng hóa chất là vi phạm nhân quyền của tội phạm tình dục.
Phải chăng xử án theo kiểu này là để cho thủ phạm biết nỗi đau đớn mà mình đã đem lại cho người khác, “cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác” (kỷ sở bất dục vật thi ư nhân).
Theo kiểu trừng phạt “mắt đền mắt, răng đền răng” này, có độc giả đề nghị nên lấy màng nhĩ của một ông đại tá bộ đội Việt Cộng ở Ninh Thuận để thay thế cho một em bé lối xóm, vừa bị ông đánh thủng màng nhĩ, sau khi đọc bản tin này trên báo chí trong nước.
Nhưng theo Phúc Âm: Mt 5, 38-42 Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe bảo: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng.’ Còn Thầy, Thầy bảo các con: Ðừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ.”
Ðể chống lại những vụ án “mạng đền mạng” kiểu trên sách vở kể lại một vụ án thời cổ như sau: “Một hôm, có một người thợ xây đang ở trên giàn giáo cao bị sẩy chân rơi xuống, chẳng may lại trúng ngay một người đang đi bộ ngang qua phía dưới. Anh thợ chỉ bị thương nhẹ, trong khi người khách bộ hành thì chấn thương đầu, hôn mê rồi chết. Chiếu theo một loại luật của miền này, gia đình nạn nhân đưa nội vụ ra tòa đòi anh thợ hồ phải đền mạng. Vị quan tòa vốn từ lâu đã thấy những cái vô lý trong bộ luật của địa phương, nhưng truyền thống và hủ tục xưa nay rất khó thay đổi. Cuối cùng, để cứu người thợ xây oan ức, ông tuyên án: ‘Gia đình nạn nhân đòi ‘mạng đổi mạng’ theo truyền thống là chính đáng, nhưng tôi thấy phải nói rõ rằng: Nếu anh ta đã giết người nhà của các ông bằng cách nào, thì các ông cũng phải giết anh ta đúng bằng cách ấy, nghĩa là một người trong gia đình các ông phải trèo lên giàn giáo, nhảy xuống đúng vào đầu anh thợ xây đang đi phía dưới…”
Còn theo ý bạn, bạn nghĩ sao? Liệu chúng ta có thể lùa tất cả chúng xuống biển như chúng đã lùa con cái, họ hàng, đồng bào của chúng ta xuống biển ngày trước không?
Huy Phương
[1] «œil pour œil, dent pour dent»/loi du talion. Le Droit moderne occidental n’applique plus la Loi du talion en matière criminelle. Elle est considérée comme relevant plus de la vengeance privée que de la justice. En principe, les peines prononcées aujourd’hui servent à punir le coupable, mais elles sont doublées d’une volonté de préparer le condamné à sa réinsertion dans la société après une période de réadaptation. Parallèlement, en matière civile, le concept de dommages-intérêts constitue la réparation financière, à laquelle peut prétendre la personne ayant subi un préjudice moral et/ou une atteinte dans son patrimoine. [Việt Thức ghi thêm]