Sau hơn 97 năm sống với cuộc đời gian truân nhiều hơn an nhàn của một người phải ở vậy nuôi con một mình từ năm qua 20 tuổi, Mẹ tôi đã xa tôi vĩnh viễn vào lúc 14 giờ 22 ngày 18 tháng 09 năm 2012, nhằm ngày Mồng Ba tháng Tám năm Nhâm Thìn tại thành phố biển Virginia Beach, tiểu bang Virginia.
Bà đã ra đi rất nhẹ nhàng trước mặt cháu út, Phạm Vũ Văn Chương và cậu mợ của cháu, ÔB Vũ Đức Tiên và Đỗ Thị Ngọc Lan cùng người Y tá được gửi đến chăm sóc cho Bà.
Tôi, người con duy nhất đã không có diễm phúc được nghe hơi thở sau cùng của Bà trên cõi nhân gian, sau hơn tuần lễ ở bên cạnh Bà vì phải trở về Springfield, cách xa hơn 3 giờ lái xe, để lo chuyện hậu sự cho Bà.
Người con trai đầu của tôi, Phạm Vũ Cao Nguyên, đã tình nguyện chăm sóc cho Bà trong suốt 6 năm hơn vì Cháu biết hơn tất cả mọi người trong gia đình về y khoa và những tiêu chuẩn nuôi một bệnh nhân phải lọc máu để sống.
Cho đến khi lọc máu không được nữa vì mạch tim đã co lại trước ngày Bà qua đời gần 1 năm, các Bác sỹ quyết định chuyển qua lọc cơ thể bằng “nước có pha các lọai thuốc đặc biệt”. Đến đây thì buộc lòng cháu Chương phải ghé vai vào giúp Bà, 8 giờ mỗi ngày chỉ để điều hành và theo dõi máy lọc nước để Bà có thể sống thêm!
Chứng kiến cảnh hai cháu chăm sóc Bà mà tôi nhiều phen phải cắn răng sống vui nhưng ruột thì như đã cắt ra từng khúc. Khi tôi ngỏ ý đưa Mẹ tôi về ở với tôi để chia bớt gành nặng cho các con tôi, cháu Nguyên quyết liệt từ chối và cháu Chương cũng không muốn bố mẹ xen vào vì sợ sẽ lâm vào tình trạng “lợn lành chữa thành lợn què”!
Không chỉ có chuyện thuốc men hay lọc máu và lọc nước mà Mẹ tôi còn được 2 đứa cháu trai giúp đỡ từ A đến Z, như 2 người y tá coi bệnh nhân trong nhà thương.
Mẹ các cháu cũng không thể ngờ được là hai anh con trai, một cả và một út, lại có thể làm được những chuyện của những nữ y tá trong Nursing home!
Mẹ tôi thật may mắn và vợ chồng tôi cũng thật có phước. Nhưng rồi có lúc tôi đã nghĩ ra những lý do khiến hai anh con trai của tôi, tuy vất vả và đôi khi không nén được sự bực bội khi Bà không muốn ăn hay uống, đã kiên nhẫn vuốt ve, chiều chuộng để Bà phải cố ăn để sống.
Đây chính là câu chuyện tôi muốn kể với quý vị, những người đọc bài viết này về sợi dây ràng buộc rất kỳ diệu giữa Bà và hai đứa cháu, một anh Đích tôn và một anh Cháu út.
Anh cháu Đích tôn, khi còn tấm bé đã sống với Bà một thời gian khá dài vì được Bà chiều chuộng mua cho đủ thứ, muốn gì có nấy. Anh này mê say thú vật, nhất là các lọai cá, chim và chó nên thường bị các đứa trẻ lối xóm “dụ khị” bán cho cả dế đá với giá cắt cổ 500 đồng một con!
Nhưng tiền đâu mà anh này có? Từ “ngân hàng Bà” ra cả.
Sự gắn bó giữa hai bà cháu leo lên tận cấp Đại học khi cậu cháu Đích tôn trưởng thành. Giữa 5 đứa cháu, Bà thương cậu này nhất. Có đồng hột nào dành dụm được Bà lại tìm cơ hội giúi cho nên túi cậu lúc nào cũng rủng rỉnh.
Sự chiều chuộng của Bà dành cho cậu cháu Trưởng bao giờ cũng “vượt cấp” hơn mọi đứa cháu khác vì dường như đối với Bà thì “cái gì cũng phải ưu tiên dành cho thằng cháu đầu lòng”!
Đối với cậu cháu Út cũng có vài nét được Bà nội quan tâm đặc biệt. Khi các anh các chị cắp sách đến trường thì cậu hãy còn là baby nên ở nhà với Bà suốt ngày. Bà ăn cái gì thì cho cháu ăn cái ấy nên cậu biết ăn đủ mọi giống từ tấm bé.
Giống như anh lớn, cậu này ưa nói chuyện nhỏ nhẹ với Bà nên Bà dễ nghe lọt tai. Chẳng hạn như khi Bà không muốn ăn thì cậu cháu Út bảo: “Bà phải ăn thì mới sống được chứ, Bà có sợ chết không mà Bà lại không muốn ăn nữa. Bà có thương cháu thì Bà ăn đi, cháu buồn ngủ lắm rồi đó Bà ơi”!
Có lần tôi nghe cậu “kể chuyện của hai Bà cháu” khi cậu còn bé cho Bà nghe để hai Bà cháu cùng cười sằng sặc.
Cậu út có một đắc tính thích nấu các món ăn Ý và Pháp học được từ các nhà hàng hay trong các Cooking Show. Khi Bà còn sức khỏe, hai Bà cháu thường “nhâm nhi” các món ăn do cậu Út nấu rất hợp ý nhau, một đặc tính không có ở các đứa cháu khác nên hai bà cháu thích ở bên nhau.
Vì vậy, khi giúp Bà đi lọc máu rồi lọc nước và rất nhiều lần hai anh em thay phiên nhau ngủ ở nhà Thương khi Bà phải nhập viện, tôi cũng chỉ nghe thấy “những tiếng than” trong một thời gian ngắn rồi mọi chuyện Bà-Cháu lại đâu vào đấy!
Nhưng nếu khi lớn tuổi Mẹ tôi tìm được hạnh phúc của gia đình thì khi còn trẻ, sau khi sinh ra tôi, Bà lại phải sống cô đơn trong thời gian dài đằng đẳng trên 70 năm, sau khi Bố tôi bỏ nhà đi theo tiếng gọi của “kháng chiến với Việt Minh”!
Tôi chỉ được hai Bà cô kể “Bố anh đi đánh nhau với Tây rồi không thấy về nữa”. Riêng Mẹ tôi thì tuyệt nhiên Bà không kể cho tôi nghe gì về chuyện “đi kháng chiến” của Bố tôi.
Bà chỉ bảo “có biết là đi đâu mà củng chẳng có tin tức gì”!
Bà bác Khiêm, chị ruột của Bố tôi thì kể rằng, khi hai chị em chia tay nhau ở vùng Thái Nguyên, Bà đi vào trong Nam và Bố tôi ở lại với dân quân rồi không thấy tin tức gì nữa.
Mẹ tôi ở lại quê nhà làng Thủy Nhai, bên cạnh làng Hành Thiện, Tỉnh Nam Định nổi tiếng có nhiều người đỗ đạt thành tài ở miền Bắc và là quê hương của Trường Chinh Đặng Xuân Khu, từng có thời là Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng tôi cũng chả muốn thăm dò xem liệu Bố tôi có đi theo kháng chiến với đám thanh niên làng Hành Thiện không?
Tôi chỉ biết rằng, kể từ ngày Bố tôi bỏ lại người vợ trẻ ra đi, Mẹ tôi đã phải làm đủ mọi nghề để sống và nuôi con vì không thể nương tựa vào ai. Bà đã đi nhổ mạ và cấy lúa thuê cho nhà có ruộng để lấy thóc mà sống. Chờ đến mùa gặt lúa, Bà đi buôn đủ mọi lọai hàng từ đậu phụ đến bánh kẹo và hàng xén mua từ Nam Định về bán cho dân làng. Nhưng bà không sành sỏi việc buôn bán như hai Bà cô bên chồng nên cứ nghèo mãi.
Hai mẹ con tôi sống chung trong một ngôi nhà với ông bà Nội, nhưng không bao giờ tôi nghe Bà than thở hay bất mãn tại vì Bố tôi đã nghe theo chúng bạn bỏ nhà đi kháng chiến biệt tăm.
Tôi biết Bà đã nhiều lần phải gạt nước mắt khi gửi tôi ở nhà với Chú Ba, một người bà con bên ngoại để đi làm xa vì Bà biết nếu ở nhà thì cả hai mẹ con sẽ chết đói như chúng tôi đã nhiều phen vượt qua năm Ất Dậu 1945.
Cuộc đời đơn côi của hai mẹ con tôi tiếp tục kéo dài cho đến tận Cuộc di cư vào miền Nam năm 1954. Khi tôi trưởng thành đi làm Công chức thì cuộc sống đạm bạc của Bà vẫn vậy.
Bà là một người có sức chịu đựng và nhịn nhục phi thường, ngay cả khi gặp khó khăn về kinh tế và Bà chưa bao giờ đòi hỏi một sự “trả ơn và trả nợ” của tôi, dù khi có lúc tôi dư dả tài chính.
Bà cũng chả thèm để ý đến chuyện tôi viết báo hay hay dở hoặc xuất hiện chỗ này, đi nói chuyện chỗ kia. Nếu có ai “méc” Bà mới thấy tôi xuất hiện trên TV hay nghe tôi nói trên Đài Phát thanh thì bà cũng chỉ bảo: “Bố nó chỉ thích làm vậy thôi, chả biết có được đồng nào không?”
Tôi nghĩ Bà đã quen sống với “cảnh một mình” quá lâu nên rất thích sống bên hai đứa cháu để không bị ràng buộc với nhiều người.
Chả thế mà mỗi lần tôi ngỏ ý muốn Bà rời Virginia Beach về ở với vợ chồng tôi thì Bà bảo “thôi, ở với chúng nó dễ chịu hơn”.
Quả đúng như thế. Bà đã sống rất hạnh phúc bên hai đưa cháu, một đầu và một út hơn 6 năm trời, cho đến ngày ra đi vào lúc quá trưa ngày 18 tháng 09 năm 2012.
Và ở giữa hơn 2,190 ngày này Bà đã thường xuyên được các con các cháu và chắt khác đến thăm viếng cùng sự ân cần hỏi thăm của nhiều người trong họ và thân hữu của gia đình chúng tôi.
Dù sự ra đi không có ngày trở lại của Mẹ tôi đã chia cắt chúng tôi, nhưng tôi lại rất vui mừng là Bà đã tìm được hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa, đấng đã sinh và và cứu chuộc Bà.
Tôi cũng vô cùng biết ơn sự hy sinh vô bờ bến của Bà đã nuôi tôi khôn lớn trong hoàn cảnh gian nan của “một mẹ một con” để cho tôi may mắn được thành danh như ngày nay.
Khi Bà sinh ra tôi là người con duy nhất, nhưng khi nằm xuống thì Bà đã để lại cho dòng họ chúng tôi một người con dâu hiếu thảo Vũ Thị Lan Hương, 5 cháu nội, 4 cháu dâu, rể và 6 đứa chắt với nhiều tương lai hứa hẹn như khi Bà còn sống.
Vĩnh biệt Mẹ và xin Mẹ tha thứ cho tất cả những lỗi lầm của con.
Phạm Trần
viết ngày Mẹ qua đời