An Dương Vương là nhân vật trong truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thủy – một câu chuyện cổ rất phổ biến ở nước Việt Nam ta. Nó không chỉ được kể trong dân gian mà còn được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Thường mỗi khi giảng văn cho học trò, các thầy cô giáo bám rất sát vào sách hướng dẫn giảng dạy để nêu bật chủ đề cảnh giác với âm mưu xâm lược của thế lực ngoại bang.
Truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thuỷ kể về tình yêu trong trắng của một đôi trai gái là Trọng Thuỷ người phương Bắc và cô gái Mỵ Châu người nước Việt hay là kể về sự mất cảnh giác của An Dương Vương đối với mưu sâu kế hiểm của Triệu Đà. Câu chuyện viết về vấn đề của tình yêu hay là vấn đề của thế sự chính trị? Đối với tình yêu, tận cùng của nó là khao khát hoà hợp. Còn đối với chính trị, tận cùng của nó là khao khát tiêu diệt. Câu chuyện truyền thuyết này đụng đến cả hai vấn đề đó. Lâu nay có một số nhà nghiên cứu đã cố gắng đi sâu phân tích mâu thuẫn tình yêu của Mỵ Châu và Trọng Thuỷ với vận mệnh của nhà nước Âu Lạc mà người đứng đầu là vua cha An Dương Vương. Mặc dầu đã được phân tích giảng giải khá kỹ nhưng người nghe từ trước đến nay chưa bao giờ cảm thấy hài lòng.
Tìm hiểu truyền thuyết An Dương Vương nếu chỉ dừng lại trong ý nghĩa cảnh giác với âm mưu xâm lược của thế lực ngoại bang thì sẽ không thể hiểu nội dung thông điệp của câu chuyện trọn vẹn. Cách hiểu đó mới dừng ở tầng nghĩa ngoài vỏ của câu chuyện mà thôi. Bởi vì đối với một tác phẩm văn học dân gian như truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thuỷ, tự trong tận cùng sâu thẳm của nó còn chứa đựng một yếu tố cực kỳ quan trọng mà người đọc không thể dễ dàng nhận ra được ngay. Vấn đề sâu xa nhất và cốt lõi nhất của truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thuỷ là vấn đề giữa An Dương Vương đối với những kẻ thức giả ngày xưa, nay có thể còn gọi là tầng lớp trí thức. Tầng lớp trí thức ở đây chính là con Rùa vàng. Khi nào mà An Dương Vương nghe Rùa Vàng thì sẽ chiến thắng và thành công trong mọi thứ. Còn khi nào mà An Dương Vương không nghe Rùa Vàng thì sẽ thất bại. Nghe Rùa Vàng thì dẹp được âm binh của quan quân vua Hùng đời trước là con gà trắng thành tinh, xây được thành cao hình xoáy trôn ốc, làm được nỏ thần bắn một phát giặc chết hàng vạn tên… Nhưng khi mà An Dương Vương quên lời dặn của Rùa Vàng không sửa sang đức độ sinh thói ăn chơi thì bị con rể là Trọng Thuỷ ăn cắp lẫy nỏ, chủ quan khinh thường kẻ địch rồi dẫn đến mất thành, lâm vào cảnh nước mất nhà tan…
An Dương Vương trong lịch sử tên thật là Vương Thục Phán, ông là người Tày quê ở Cao Bằng. Ông đã thống nhất hai nước Âu Việt của người Tày và Lạc Việt của người Kinh thành một nước gọi là Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa. Hiện nay ở ngoại thành Hà Nội vẫn còn dấu tích của Loa Thành ngày xưa. Mặc dù đó là chuyện của lịch sử nhưng nó lại liên quan đến truyền thuyết, muốn hiểu tận cùng các tầng nghĩa của truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thuỷ không thể không xét đến các yêu tố Tày được nói đến trong câu chuyện. Ở đây cụ thể là yếu tố con Rùa Vàng (Thần Kim Quy) – thức giả ưu tú nhất, tinh hoa nhất (elite nhất). Con rùa vàng chứ không phải rùa thường, có nghĩa thức giả ở đây là thức giả ưu tú, chứ không phải là những thức giả bình thường vốn số đông. Trong quan niệm của người Tày, rùa là con vật linh thiêng, thông minh và có trí tuệ nhất. Rùa được ví như là tầng lớp trí thức chân chính, là những thức giả của xã hội. An Dương Vương đã bao lần xây thành lên rồi lại bị đổ nhưng nhờ có Rùa Vàng đến bày kế cho liền xây xong. Giúp vua xây xong thành rồi, trước khi ra về Rùa Vàng còn tháo chiếc móng của mình đưa cho vua để làm lẫy nỏ. An Dương Vương làm theo, chiếc nỏ rất hiệu nghiệm đó gọi là nỏ thần. Mấy lần giặc Triệu Đà kéo sang đều bị đánh tan…
Con rùa cũng được kể trong một số truyện cổ khác của người Tày, nó luôn thông tỏ mọi chuyện trời đất quỷ thần như chuyện Chàng mồ côi, Hươu và Rùa… Ở chuyện Chàng mồ côi trong một lần Pửt Luông (Ngọc Hoàng) mời tất cả muôn loài dưới hạ giới lên trời để gặp thì rùa đã biết trước mưu mô của Pửt Luông sẽ bỏ thuốc câm cho hạ giới bị câm hết để không còn ai nói xấu Pửt Luông được nữa. Bữa đó đang đi trên quãng dốc lên trời thì đụng một cây to đổ nằm chắn ngang đường. Các loài thú chân dài đều bước qua được, chỉ riêng mình rùa chân ngắn nên cứ lạch bạch mãi không thể bước qua. Thấy vậy con người liền giúp, nâng rùa bước sang. Rùa cảm kích trước tấm lòng của con người mới trả ơn bằng cách bảo cho con người biết hôm nay Pửt Luông sẽ bỏ thuốc câm và dặn con người lên đến trên đó khi nào rùa bảo thì nhớ phải ngậm miệng lại. Quả thật khi tất cả muôn loài dưới hạ giới đã đến tập trung đông đủ Pửt Luông liền hạ lệnh bỏ thuốc câm. Kể từ đó muôn loài ở hạ giới đều bị câm. Rùa vì há miệng ra nói cho người biết nên bị thuốc bay vào miệng cũng bị câm nốt. Chỉ riêng con người được rùa bảo rồi nên đã ngậm miệng từ trước không bị câm. Khi trở về hạ giới rùa ân hận viết lên bụng mình mấy chữ “Pửt Luông bỏ thuốc câm”. Mấy chữ đó ngày nay vẫn còn thấy in trên ngực rùa. Hay là truyện Hươu và Rùa cũng vậy, nhờ trí thông minh sẵn có của mình nên trong cuộc thi chạy rùa đã thắng hươu…
Như vậy nếu đứng từ quan niệm của người Tày để lý giải truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thuỷ sẽ hợp lý và có sức thuyết phục hơn cách của một số người vẫn lý giải lâu nay. Chính vì do An Dương Vương không nghe lời khuyên của Rùa Vàng, cả tin vào việc cầu thân của Triệu Đà cho con trai là Trọng Thủy sang ở rể nên đã để mất cái lẫy nỏ thần rất linh nghiệm. Tất cả mọi vấn đề mấu chốt của câu chuyện chỉ xoay quanh chi tiết chiếc lẫy nỏ. Đó là chính là điều tâm huyết nhất và cũng là tấc lòng trung cao nhất của một thức giả đối với quốc gia. Bởi vì An Dương Vương không nghe lời Rùa Vàng, tức là không nghe lời của thức giả ưu tú Rùa Vàng cho nên đã bị thất bại thảm hại trước mưu kế sâu hiểm của Triệu Đà dẫn đến cảnh nước mất nhà tan. An Dương Vương để mất Loa Thành chạy ra bờ biển, tuốt gươm chém đầu con gái mình là Mỵ Châu, thảm kịch đau đớn đó do ông tự gây ra. Mối hận nước và hận nhà ấy của ông sẽ không bao giờ gột sạch.
Hàm ý của câu chuyện nhằm chê trách An Dương Vương nhưng cũng nhắc nhở chung cho tất cả những ai khi trị vì đất nước. Minh triết sâu sắc của truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thuỷ là ở chỗ khi người đứng đầu quốc gia xem nhẹ lời của những người thức giả chân chính, tức là xa rời những tinh hoa của trí tuệ của nhân dân thì lập tức sẽ chuốc lấy bại vong. Mỵ Châu Trọng Thuỷ là một truyền thuyết dân gian về thế sự và tình yêu hay vào bậc nhất, giá trị của nó luôn sáng ngời như ngọc.
Dương Thuấn
Hà Nội, tháng 10-2010
(Nguồn: Báo Văn nghệ số 50 – 11 tháng 12, 2010)