Đã gần 40 năm sau ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản. Toàn quốc thống nhất, bị cai trị dưới chánh quyền độc tài của đảng Cộng Sản Việt Nam. Mỗi năm cứ đến ngày 30 tháng Tư là họ ồn ào kỷ niệm ngày vui đại thắng, ngày giải phóng miền Nam. Họ rầm rộ tuyên dương chiến thắng mùa xuân đánh cho Mỹ cút, đánh Ngụy nhào…Họ hô hào, rêu rao lại khẩu hiệu đánh “Đế Quốc Mỹ”, đánh “giặc Mỹ xâm lược” cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng xã hội chủ nghĩa…
Nhưng chánh quyền Cộng Sản Việt Nam đã trơ trẽn lờ đi lời nói của Lê Duẩn: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc…”*
Xin mời bạn đọc cùng tôi nhìn lại lịch sử, xem qua bản chất của chiến tranh Việt Nam mà Cộng Sản Bắc Việt hô hào, tuyên truyền là chiến tranh giải phóng miền Nam, đánh Đế Quốc Mỹ xâm lược để thống nhất đất nước …
唇亡齒寒
Thành ngữ “Môi Mất Răng Lạnh” có nguồn gốc ở văn hóa cổ đại Trung Hoa từ “Thần Vong Xỉ Hàn” 唇亡齒寒.
Qua ngàn năm lịch sử, văn hóa Trung Hoa du nhập vào Việt Nam đã mang đến với chúng ta câu tục ngữ quen thuộc “Môi Hở Răng Lạnh”. Nghe qua đẹp đẽ hiền lành như “bầu ơi thương lấy bí cùng” hay chan chứa tình thương đồng bào như “lá lành đùm lá rách. …nhiễu điều phủ lấy giá gương…” Nhưng câu “Môi Hở Răng Lạnh” đó có từ câu“Thần Vong Xỉ Hàn” khởi nguồn từ bài học hai nước Quắc, Ngu, đã gắn liền với chiến tranh, tang thương và đổ nát, đã mang chiến tranh đến đất nước Việt Nam: chiến tranh Pháp-Thanh trên đất Bắc Kỳ ở thế kỷ 19, và chiến tranh Việt Nam sau nầy ở thế kỷ 20.
Môi Hở Răng Lạnh hay “Thần Vong Xỉ Hàn” (môi mất răng lạnh) Nước Quắc mất nước Ngu cũng không tồn
Theo Tả Truyện, Hi Công ngũ niên, thì vào thời Xuân Thu bên Tàu Tấn Hiến Công (năm 654 TC) muốn thôn tính nước Quắc nhỏ giáp ranh xứ mình mới hỏi kế sách các cận thần. Tuân Tức bèn tâu: “Ta nên mượn đường nước Ngu đánh úp bất ngờ nước Quắc. Quốc vương nước Ngu là người thiển cận, ham lợi nhỏ, xin chúa công chỉ cần tặng hắn ngọc đẹp với ngựa báu thì hắn sẽ vui cho mượn đường”. Thấy Hiến Công còn do dự vì hai báu vật đó Tấn Hiến Công rất trân quí, Tuân Tức liền nói: “ Thế hình hai nước Ngu, Quắc như môi với răng tương trợ, chiếm xong nước Quắc, thì nước Ngu sẽ không tồn tại bao lâu. Hai thứ bảo vât đó chỉ tạm thời gởi ở nước Ngu mà thôi”.
Hiến Công bèn mang ngọc báu với tuấn mã đem tặng Ngu Công để mượn đường đánh Quắc. Vua nước Ngu thấy được hai báu vật đó lòng cả mừng nhận lấy, cho nước Tấn mượn đường đánh nước Quắc. Đại thần Cung Chi Kỳ cực lực can gián: “Lời rằng, thần vong xỉ hàn (môi mất răng lạnh), đó thật là thế hình hai nước Ngu và Quắc ngày nay, lỡ mà nước Quắc mất đi thì nước Ngu sẽ không còn. Không nên cho mượn đường đánh Quắc, việc nầy hệ trọng, xin chúa công xét lại”. Ham lợi tối mắt, vua Ngu không nghe lời ngay. Cho Tấn mượn đường, còn hứa sẽ không cử binh giúp nước Quắc.
Cung Chi Kỳ lặng lẽ dọn nhà trốn khỏi nước Ngu. Trước khi đi có nói lại: “Trong vòng một năm nước Ngu diệt vong”. Quả thật sau khi diệt xong nước Quắc, Tấn Hiến Công thôn tính luôn nước Ngu, thâu lại ngọc quí với tuấn mã.
Đó là Giả Đạo Phạt Quắc (假道伐虢), một trong 36 kế dùng trong cổ đại binh lược Trung Quốc, mà Tuân Tức bầy ra để Tấn Hiến Công là người dùng đầu tiên.
Mất nước, vua Ngu ân hận không nghe lời can của Cung Chi Kỳ: Thần vong xỉ hàn (môi mất răng lạnh) là thế hình hai nước Quắc Ngu. Không thể để mất nước Quắc, mà nước Ngu tồn tại được.
Thành ngữ “Thần Vong Xỉ Hàn” có lẽ khởi nguồn từ đó.
Thần Vong Xỉ Hàn Thanh triều can thiệp vào Bắc Kỳ và chiến tranh Pháp-Trung
Năm 1862 nhà Nguyễn bị ép phải ký hòa ước Nhâm Tuất nhượng ba tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp. Đến năm Đinh Mão 1867 (Tự Đức 20) thì mất luôn ba tỉnh miền Tây và Nam Kỳ hoàn toàn thuộc Pháp. Năm Quí Dậu 1873 Pháp đánh chiếm thành Hà Nội. Lão tướng Nguyễn Tri Phương bị thương, từ chối thuốc men, tuẩn tiết trên tàu Pháp. Năm 1874, triều đình Huế ký hòa ước Giáp Tuất, trong đó có điều nước Đại Nam độc lập (không thần phục nhà Thanh). Khi cần dẹp giăc cướp (chủ ý nói giặc cờ Đen) thì nước Pháp sẽ trợ giúp. Năm Nhâm Ngọ 1882, quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ hai. Hoàng Diệu tự ải tuẩn tiết với thành.
Bác bỏ đòi hỏi ngang ngược của đại tá Henri Rivière, vua Tự Đức phái ông Phan Thận Duật sang Thiên Tân cầu cứu với nhà Thanh 1882. Thật ra triều đình Huế vẩn thường sai sứ sang Tàu (các năm 1876, 1880) dù đã ký hòa ước Giáp Tuất 1874 với Pháp không còn thần phục nhà Thanh. Năm 1881 sứ Tàu có đến Huế, mục đích để biết thêm hiện tình nước Nam.
Việc đó đã nói lên cái u mê, tăm tối với thời cục của triều đình quan lại nhà Nguyễn. Nước Tàu lúc đó cũng rối ren không thua gì nước Nam (bị ép phải ký các điều ước năm 1842, 1843, 1844, 1858, 1860, 1861, 1876 bởi nhiều nước như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Nga và Phổ- Prussia, tiền thân của nước Đức ngày nay-). Tự mình không cứu nổi mình thì nhà Thanh còn giúp được ai?
Bị ám ảnh bởi bài học hai nước Quắc, Ngu, triều đình Mãn Thanh sợ mất Bắc kỳ, quân Pháp sẽ dùng đó làm hậu phương, bàn đạp để thôn tính Vân Nam qua ngã Lào Cai, sông Hồng, và Quảng Tây qua Lạng Sơn, Cao Bằng. Nên năm 1882 Thanh triều truyền quan Bố Chánh Vân Nam Đường Quýnh Súy và Tạ Kính Bưu, mang quân vượt biên giới tràn sang Bắc Kỳ, đóng ở Bắc Ninh và ở Sơn Tây. Quan bố chính Quảng Tây là Từ Diên Húc đem quân yểm trợ và phối hợp với lực lượng quân cờ Đen ở Bắc kỳ, án binh bất động, chờ Lý Hồng Chương điều đình với đại sứ Pháp Bourée (sau này với Đại Tá Fournier). Lý Hồng Chương chủ hòa, ông cho rằng nhà Thanh lúc đó binh yếu lương thiếu, duyên phòng trống rỗng. Ông cảnh cáo phe chủ chiến rằng thấy nguy phải thoái trước, để mà bảo toàn đại cục ( “兵單餉匱” binh đơn hướng quỹ, “海防空虛hải phòng không hư, “遇險而自退” ngộ hiểm nhi tự thối ,”和好大局” hòa hảo đại cục.) Bởi vậy khi Hoàng Kế Viêm điều đình với quân Cờ Đen tấn công quân Pháp, Lưu Vĩnh Phúc đã từ chối. Lúc nầy Lưu Vĩnh Phúc đã là tướng của nhà Thanh, sau khi giết Hoàng Sùng Anh (1875) là dư đảng của Ngô Côn, thủ lãnh quân Cờ Vàng, Lưu được Thanh triều chiêu an, trọng dụng. Lưu Vĩnh Phúc, thủ lãnh giăc Khách quân Cờ Đen vốn là dư đảng Thái Bình Thiên Quốc bên Tàu. Ông đã có mặt ở Bắc kỳ từ năm 1865. Sau khi giết được thủ lãnh người Mông (Bạch Miêu) chống phá triều Nguyễn, Lưu Vĩnh Phúc được vua Tự Đức chiêu an, phong hàm cửu phẩm bách hộ, hoành hành lưu vực sông Hồng, tới Lào Cai. Họ Lưu cũng được Hoàng Kế Viêm tin dùng. Sau khi giết được Trung Úy Francis Garnier, Lưu Vĩnh Phúc được vua Tự Đức phong Tam Tuyên Phó Đề Đốc.
Nhưng chánh phủ mới của Pháp bác bỏ điều ước sơ bộ 1882 (Lý Hồng Chương-Bourée ký vào cuối năm 1882) vì có khoản Pháp nhượng bắc ngạn sông Hồng cho nhà Thanh. Ngay sau đó, trong tháng 3 năm 1883, thành Nam Định mất, Hoàng Kế Viêm không giử nổi thành dưới hỏa lực pháo binh Pháp. Mất Nam Định coi như mất hẳn tam giác châu sông Hồng. Cái họa môi mất răng lạnh đã rành rành. Phe chủ chiến nhà Thanh (Tả Tông Đường, Tăng Kỷ Trạch) thắng thế. Nhà Thanh vội vã hạ chỉ Đường Cảnh Tung thuyết phục Lưu Vĩnh Phúc phối hợp với quân Nam, Hoàng Kế Viêm đánh Pháp. Tháng 5 năm 1883 Quí Mùi, Đại Tá Rivière bị quân Cờ Đen phục binh, giết chết ở Cầu Giấy, ngoại thành Hà Nội. Lưu Vĩnh Phúc được phong Tam Tuyên Đề Đốc. Mười năm trước 1873 chính tại Cầu Giấy nầy quân Cờ Đen cũng đã phục binh giết chết Trung Úy Garnier.
Trong khi đó Lý Hồng Chương vẫn ráo riết hòa đàm với người Pháp để cứu nước Tàu khỏi ách chiến tranh, tổn hao ngân khố. Năm 1884 điều ước Fournier được ký tại Thiên Tân, trong đó có khoản: Bắc kỳ thuộc Pháp, quân nhà Thanh phải rút khỏi Bắc Kỳ. Nhưng phe chủ chiến triều Thanh không chịu rút quân, vì bài học lịch sử, môi mất răng lạnh của hai nước Quắc, Ngu, thà đánh Pháp trên đất Việt vẫn lợi hơn đánh Pháp tại Vân Nam, Quảng Tây.
Vương Đức Bảng 王德榜 vừa được bổ làm Đề đốc tỉnh Quảng Tây năm 1884. Vương nguyên là bộ tướng của Tả Tôn Đường, phe chủ chiến, đã không cho triệt thoái quân Thanh đóng ở Việt Bắc như thỏa thuận trong điều ước Fournier, để xẩy ra trận chiến Bắc Lệ, sông Thương vào tháng 6 năm 1884, khởi mào cho chiến tranhThanh-Pháp.
Chiến lược gia Pháp lợi dụng chiến tranh ở Bắc kỳ để họ đánh tan tiềm lực hải quân nhà Thanh ở dọc duyên hải Hoa Nam. Họ dùng hỏa lực hùng hậu của hải quân đánh vào trọng điểm hải quân nhà Thanh tập trung ở Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến (Hạm Đội Phúc Kiến). Vào tháng 8, 1884, Pháp đã phá tan hạm đội tối tân bậc nhất của nhà Thanh lúc đó khi còn neo tại bến, cùng với hải quân công xưởng Phúc Châu (xưởng đóng tàu Mã Vĩ), và nhiều pháo đài dọc bờ biển từ Quảng Đông tới Thượng Hải. Hải quân Pháp cô lập luôn Hạm Đội Nam Dương.
Kết quả tai hại là nhà Thanh thua to, phải ký điều ước Thiên Tân 1885. Thảm họa mà Lý Hồng Chương đã tiên liệu, từng nhắc nhở Thanh triều chớ có phiêu lưu quân sự.
Quân lệnh tướng Douglas MacArthur và vận mệnh nước Việt Nam.
Sau hai quả bom nguyên tử ngày 6 tháng 8 năm 1945 và 8 tháng 8 năm 1945, đến ngày 15 tháng 8 năm 1945 thì Nhật Hoàng Hirohito tuyên bố chấm dứt chiến tranh, ra huấn lệnh quân Nhật đầu hàng quân Đồng Minh qua đài truyền thanh. Nhưng mãi đến ngày 2 tháng 9 năm 1945 Nhật Hoàng mới dâng hàng thư. Thế Chiến Thứ Hai chánh thức chấm dứt. Ngay sau đó tướng Douglas MacArthur, Tư Lệnh Tối Cao Lực Lượng Đồng Minh tại Á Châu ra lệnh giải giới quân Nhật. Trước đó ông có lệnh cấm quân Đồng Minh xâm phạm vùng quân Nhật chiếm đóng. Ông muốn tránh đổ máu vì e ngại quân Nhật ở tiền phương chưa nhận được lệnh đầu hàng.
Lợi dụng thời gian 2 tuần (15/8/1945-2/9/1945) lính Nhật buông súng, dân tình hoang mang, thành phố đồn bót không có võ trang phòng vệ, Hồ Chí Minh và Mặt Trận Việt Minh (đó là Đảng Cộng Sản Đông Dương) đã cướp chánh quyền (gọi là Cách Mạng Tháng Tám) ngày 19 tháng 8 năm 1945 ở ngoài Bắc. Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập dưới cờ đỏ sao vàng (2/9/1945), và thành lập Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời. Vua Bảo Đại thoái vị [i], nội các chánh phủ Trần Trọng Kim tan rã. Từ đó danh tiếng Hồ Chí Minh được truyền tụng trong dân gian từ Bắc chí Nam với cái tên trìu mến “cụ Hồ” [ii]. Từ đó Đảng Cộng Sản Đông Dương với chiêu bài Việt Minh đã ăn cướp lòng yêu nước của dân Việt, chánh thức độc tôn lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp khi quân Pháp thây lính Lư Hán, Tiêu Văn, ở ngoài Bắc và quân đội Anh quốc ở trong Nam, tái chiếm Đông Dương.
Hồ Chí Minh đã lợi dụng tình hình rối ren sau Thế Chiến Thứ Hai, trong lúc tướng MacArthur cấm động binh mà nắm lấy thời cơ mấy ngày thành phố không chủ để đoạt chiếm thiên hạ , đọc tuyên ngôn độc lập, thành lập chánh phủ, ép vua thoái vị.
Đáng giận thay vận mạng đất nước Việt Nam ở móc lịch sử tháng 8 năm 1945, ngay sau thế chiến, chỉ vì một quân lệnh nông nổi, chánh trị ấu trỉ, ngu xuẩn của tướng MacArthur, đã tạo cơ hội cho cộng sản cướp chánh quyền, dần dà đưa đất nước Việt Nam vào ách thống trị của đảng cộng sản.
Thần Vong Xỉ Hàn — “Lý Tưởng Tương Thông, Mạng Vận Tương Quan” và Chiến Tranh Việt Nam
Biên giới hai nước Việt Nam, Trung Quốc được lãnh tụ hai nước cộng sản mô tả như “núi liền núi, sông liền sông”, hay “Sơn Lâm Tương Liên 山林相連” tạo ra cái thế mà thành ngữ Trung Hoa tả như “ phụ xa tương y ” 輔車相依, hay “thần vong xỉ hàn “ 脣亡齒寒” (môi mất răng lạnh). Theo địa hình 2 nước thì môi phải là Việt Nam. Môi Việt Nam có hở hay mất mác thì răng Trung Quốc sẽ lạnh. Chiến tranh Pháp –Thanh 1883-1885, chiến tranh Việt Nam thời 1950-54, và 1964-75 Trung Quốc can thiệp là vì răng Trung Quốc lạnh. Nhưng mối quan hệ hiện đại giữa hai nước phức tạp nhiều hơn cái tương quan môi răng. Đó còn là “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, Hồ Chí Minh sang Tàu cầu viện trong các năm 1950, 1962, 1965, và Lê Duẫn vào năm 1965…Hơn nữa qua ngàn năm lịch sử, hai nước còn có “Văn Hóa Tương Thông, 文化相通” như Nho học, thể chế triều chánh, thi cử… đến cả các phong trào cách mạng canh tân như Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục… .Các tổ chức đảng phái như Quốc Dân Đảng, và nhất là Đảng Lao Động (Cộng Sản) Việt Nam đều từ mẫu mực đảng Cộng SảnTrung Quốc. Vận mạng đất nước Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20 nằm trong tham vọng của hai đảng cộng sản lãnh đạo hai nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Họ có “Lý Tưởng Tương đồng 理想相同, Lợi Ích Tương Quan 利益相關”. Đó là dã tâm của Hồ Chí Minh và đảng Lao Động (Cộng Sản) Việt Nam muốn thực thi chủ nghĩa cộng sản trên toàn cõi Việt Nam. Đó là thí điểm của mô hình cách mạng vô sản Trung Quốc, tham vọng Mao Trạch Đông. Việt Nam nằm trong bàn toán, nước cờ phát triển xuống Đông Nam Á. Trung Quốc lợi dụng Cộng Sản Việt Nam như Tấn mượn đường nước Ngu, mà toàn cõi bán đảo Ấn Hoa (Lào, Cambodge, Thái lan, Miến Điên) và biển Đông Nam Á là nước Quắc. Sau khi làm chủ biển Đông Nam Á, thì Việt Nam không đánh cũng mất “bất chiến nhi thắng” (Hồ Chí Minh và đảng Lao Động Việt Nam đã mắc mưu Trung Quốc “cố thượng binh phạt mưu, kì thứ phạt giao, kì thứ phạt binh, kì hạ công thành”rành rành với tuyên bố 1958 của Trung Quốc về lãnh hải nhưng đảng Lao Động Việt Nam vẫn ngu xuẩn u mê không ngửi được cái dã tâm của Mao). Để ngăn chặn làn sóng cộng sản, Mỹ có học thuyết Truman, “Containment” (Vây Chặn), và học thuyết Domino của Eisenhower. Lịch sử đã viết định mạng đất nước Việt Nam đã gắn liền với chánh trường, quan hệ của hai nước Liên Xô, Trung Quốc, nhất là diễn tiến chánh trị nội bộ Trung Quốc do Mao Trạch Đông sách động, cũng như tình hình thế giới sau Thế Chiến Thứ 2, xã hội và chánh sự Hoa Kỳ trong những năm 1950-1970, và quan hệ ngoại giao giữa hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ sau nầy. Khi Mỹ bang giao với Trung Quốc, thì thuyết “Domino” không còn tác dụng, vận mạng miền Nam Việt Nam đã nằm trong bài toán buôn bán của tên chánh khách xôi thịt Henry (Heinz) Alfred Kissinger.
Trước thềm chiến thắng cuộc chiến quốc-cộng ở Trung Quốc, tháng 8 năm 1949 Lưu Thiếu Kỳ bí mật đến Nga, gặp Statin ở Moscow để bàn về hiện tình cách mạng đang diễn ra ở Đông Á. Hai nước phân chia nổ lực phát triển cách mạng vô sản quốc tế, Đông Âu và Đông Á, đồng thuận về trách nhiệm chủ yếu của Trung Quốc là bành trướng chủ nghĩa cộng sản ở phương Đông. Cụ thể là giúp cách mạng vô sản chống thực dân Pháp, dành độc lập đang tiến hành ở Việt Nam. Chuyến đi của Lưu là để dọn đường cho Mao viếng thăm Moscow tháng giêng năm 1950. Trên chánh trường ngoại giao quốc tế, trung tuần tháng 1 năm 1950 Trung Quốc (CHNDTQ) là nước đầu tiên công nhận Viêt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, kế đó là Liên Xô.
Giải phóng quân Trung Quốc chiếm Thành Đô tháng 12 năm 1949, sau đó lần lượt kiểm soát hết vùng Hoa Nam tới Quảng Tây. Cuối năm 1949, Hoàng Văn Hoan đã có mặt ở Trung Quốc. La Quý Ba (Luo Guibo 羅貴波), đến Bắc Việt vào cuối tháng giêng 1950. Trước đó vài ngày, Hồ Chí Minh đã bí mật đến Trung Quốc xin viện trợ, được Lưu Thiếu Kỳ tiếp (Mao lúc đó ở Moscow, để hoàn chỉnh hiệp ước Sino-Soviet trong tháng 2, 1950) và Lưu lập Ủy Ban Đặc Biệt cứu xét yêu cầu của Việt Nam do Chu Đức (Zhu De 朱德 ) lãnh đạo. Tháng 2 năm 1950 Hồ Chí Minh từ Trung Quốc đến Moscow để xin viện trợ. Kết quả như đã được định trước. Viện trợ cho Việt Nam là “trách nhiệm quốc tế vinh quang” của Trung Quốc (phải hiểu đó là đảng Cộng Sản Trung Quốc có trách nhiệm LÃNH ĐẠO cách mạng vô sản ở Việt Nam và Đông Á). Hồ không nhận được gì từ Liên Xô. Thanh triều không thể để Pháp chiếm Bắc Kỳ, thì Mao cũng không thể để Pháp tái chiếm Bắc Kỳ đe dọa Hoa Nam. Trung Quốc viện trợ cho VNDCCH rất to tát và cấp bách quan trọng nhất có lẽ là “tổ cố vấn quân sự Trung Quốc, Chinese Military Advisory Group” (CMAG). Đứng đầu là danh tướng Trần Canh (陳賡- Chen Geng), Vi Quốc Thanh (韋國清-Wei Guoqing), Mai Gia Sanh (Mei JiaSheng -梅嘉生), Đặng Dật Phàm (Deng YiFan-鄧逸凡). Ngay sau khi thống nhất Trung Quốc, thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) tháng 10 năm 1949, Mao tuyên bố “… chỉ hoàn tất bước đầu của cuộc trường kỳ cách mạng”. Bước kế tiếp là thực thi mô hình cách mạng của Trung Quốc, tư tưởng Mao Trạch Đông như chiến tranh nhân dân, cải cách ruộng đất (Thổ Địa Cải Cách –土地改革), trưởng đoàn cố vấn ở Việt Nam là Zhang DeQun- Trương Đức Quần), giải phóng nông thôn để bao vây thành thị (tham vọng Mao còn đi ngoài Việt Nam, giải phóng nông thôn= Cộng sản nắm chánh quyền các nước chậm tiến; bao vây thành thì = cô lập đế quốc tư bản Mỹ, Tây Âu, bước đầu tiên là bán đảo Ấn Hoa, biển Đông Nam Á). Việt Nam là tiền đồn, là lửa thử vàng của chủ nghĩa cộng sản Á châu, kết tinh trong tư tưởng Mao Trạch Đông, giải phóng các nước thuộc địa, bán thuộc địa Á châu, đánh bại chủ nghĩa Đế Quốc, và chủ nghĩa xét lại sau nầy. Việt Nam còn là chặng đường mà đảng Cộng Sản Trung Quốc phải kinh qua để phát triển xuống biển Đông Nam Á.
Với tài liệu mới từ Trung Quốc, theo Qiang Zhai (翟强 Địch Cường) và Chen Jian (Trần Kiện) thì kế sách của Trần Canh “bao vây đồn lũy để diệt quân cứu viện” là chiến thuật dùng trong chiến dịch biên giới giải phóng Cao Bằng, Lạng Sơn. Trần Canh đã áp dụng Binh Pháp Tôn Tử [iii]. Để kiểm soát Cao Bằng, Lạng Sơn, Pháp cho đóng quân ở cứ điểm quan trọng dọc theo đường Thuộc Địa số 4. Trần Canh đề nghị đánh chiếm đồn nhỏ Đông Khê giửa Cao Bằng và Thất Khê , Lạng Sơn để cắt đứt đường liên lạc huyết mạch, và cô lập Cao Bằng. Ép Pháp phải hành quân đi xa đồn để tái chiếm Đông Khê. Lợi dụng địa hình cho phục binh mà diệt quân Pháp.
Ngày 13 tháng 10 năm 1950, vùng biên giới Cao Bằng Lạng Sơn được giải phóng, Việt Minh được tiếp viện trực tiếp từ hậu phương lớn là cả đại lục Trung Quốc. Không cần phải núp dưới chiêu bài Việt Minh, Hồ Chí Minh cho lột xác Việt Minh, công khai tổ chức đảng đoàn cộng sản Việt Nam dưới tên mới là Đảng Lao Động Việt Nam vào tháng 2 năm 1951 (tết Tân Mão, đại hội Đảng Cộng Sản Đông Dương lần 2).
Sau khi Stalin chết vào tháng 3, 1953, nội bộ đảng cộng sản Sô-viết có nhiều thanh trừng, tranh đoạt quyền hành mãi đến khi Khrushchev nắm quyền đệ nhất bí thư vào tháng 9 năm 1953, thì các chính sách cải cách kinh tế, sửa đổi chánh trị, hay “sửa sai”, nới tay chuyên chính, “sống chung hòa bình, dù không chung chánh hướng” được khởi động. Chánh sách đó hoàn toàn trái ngược lại đường lối bạo động cách mạng, chuyên chính thống trị, cực đoan không liên hiệp của Mao: “…Khi ta nói chủ nghĩa Đế Quốc ác ôn, phải biết bản chất đó không bao giờ thay đổi, bọn Đế Quốc sẽ không bao giờ bỏ đao đồ tể, bọn chúng sẽ không bao giờ thành Phật…” Mầm móng bất hòa Nga-Hoa manh nha từ đó. Trong Diễn Văn Mật đọc trước Đại Hội Đảng lần 20, tháng 2, 1956 Khrushchev vạch trần tội ác Stalin, lên án Stalin xây dựng văn hóa sùng bái cá nhân (thần thánh hóa lãnh tụ). Lo ngại thảm kịch đả đảo lảnh tụ ở Nga sẽ lan tràn sang Trung Quốc, để củng cố quyền lực tuyệt đối, tối cao của mình, Mao cực lực phản đối, bài xích “sống chung hòa bình, không chung chánh hướng” gán cho đó là chủ nghĩa xét lại, đồng hóa đó với với chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, luận điệu của tư sản. Vì lo sợ một chủ nghĩa xét lại ở Trung Quốc, lợi dụng tinh thần xây dựng của dân trí thức, nên vào tháng 5, năm 1956, Mao khởi xướng phong trào “Trăm hoa đua nở” (百花齊放,百家爭鳴, Bách Hoa Tề Phóng, Bách Gia Tranh Minh) [iv], lợi dụng lịch sử giai đoạn văn hóa hoàng kim Bách Gia Chư Tử thời Xuân Thu Chiến Quốc, để dấy động suy tư trong đầu tri thức, khởi dậy nguồn tư tưởng “phản động, xét lại”. (Mao cho tái diễn vụ án “Tập Đoàn Phản Cách Mạng Hồ Phong 胡風反革命集團” vào tháng 5 năm 1955. Thông tin bưng bít, tuyên truyền xuyên tạc chỉ có nạn nhân của vụ án đã trong tù mới biết “Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh” đó là cái bẫy). Khi chín mùi, Mao khởi động chiến dịch chống hữu khuynh cuối năm 1957 để mà diệt tận gốc, trăm ngàn trí thức, thường dân vô tội phải chết oan, tù đầy, quy mô đó còn tàn ác hơn trăm, ngàn lần vụ án Minh Sử nhà Thanh … Để củng cố quyền lực, Mao đã xử dụng nhiều lần cái mánh khóe chống chủ nghĩa xét lại trong suốt 27 năm trị vì, như sau này trong cách mạng văn hóa vô sản, và chiến tranh Việt Nam lần thứ hai.
Cuối năm 1957, Hồ Chí Minh công du các nước cộng sản có ghé Bắc Kinh, khi về thì phái Tố Hữu, Huy Cận và Hà Xuân Trừng đi học tập kinh nghiêm đánh hữu khuynh, xét lại bên Tàu. Khi họ về, đảng Lao Động tổ chức hai buổi học tập đánh “bọn phản động Giai Phẩm Nhân Văn” vào tháng 3 năm 1958 tại ấp Thái Hà.
Trong khi Hồ Chí Minh và đảng Lao động Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến đánh Pháp dành độc lập, thiết lập cơ cấu chủ nghĩa cộng sản ở miền Bắc, thi hành cải cách ruộng đất, đánh “bọn phản động Giai Phẩm Nhân Văn”, thì ở trong Nam Quốc Trưởng Bảo Đại, tuy nổi tiếng là phóng túng, ăn chơi… nhưng ông là người có kiến thức rộng rãi, óc tổ chức, hành chánh, đã lợi dụng thời cuộc vận động ngoại giao đòi hòa bình và độc lập cho Việt Nam. Như ngay sau khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 9 tháng 3 năm1945, vua Bảo Đại đã tuyên bố hủy bỏ Hoà ước 1884, ủy thác học giả Trần Trọng Kim thành lập nội các chánh phủ của một quốc gia độc lập- Đế Quốc Việt Nam (quá tiếc đã không có tổ chức quân đội, nên khi cộng sản cướp chánh quyền, chánh phủ Trần Trọng Kim phải giải tán). Ông biết Pháp không tin tưởng ông, nhưng ông cũng biết Pháp không có nhân tuyển, hay lựa chọn nào khác hơn “lá bài Bảo Đại” ( “giải pháp của Pháp” phải chọn “lá bài Bảo Đại”), một khi tình hình ở Việt Nam càng ngày càng bất lợi cho Pháp. Tình thế mới đã đem đến sức mạnh cho đòi hỏi của ông, buộc Pháp phải chấp nhận điều kiện mới.
Trải qua nhiều nội các, tan rồi hợp, mãi đến ngày 1 tháng 7 năm 1949 nội các do Thủ Tướng Bảo Đại (kiêm Quốc Trưởng) lại được thành lập. Kế đó là thành lập trường võ bị Đà Lạt (5/11/1950), trường Quân Y (7/8/1950), quân đội Quốc Gia Việt Nam …và cơ cấu tổ chức của một xã hội tự do như thể thức lập pháp, tư pháp, hành chánh, san định bộ luật lao động…quy luật nghiệp đoàn, phát minh, bản quyền…Giáo dục… kiến thiết…với tiền viện trợ của chánh phủ Mỹ (so sánh: Hồ Chí Minh đánh Pháp, thiết lập cơ cấu xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc với viện trợ của Trung Cộng). Nhưng người đời nhắc nhiều đến bản tánh của ông phúng túng, ham chơi…(giang san dễ đổi, bản tánh khó dời), chớ không hề nhắc đến sự đóng góp to lớn của ông cho đất nước Việt Nam, mà sau nầy ông Ngô Đình Diệm thừa hưởng trọn vẹn.
Tựu trung chánh phủ của Quốc Trưởng Bảo Đại đã thiết lập một quốc gia độc lập hợp pháp – Quốc Gia Việt Nam (thống nhất gồm Nam Kỳ Quốc, và Hoàng Triều Cương Thổ sau nầy 11-3-1955) -một cơ sở vững chắc cho nền Đệ Nhất Cộng Hòa .
Trinh Quốc Thuận, Ph.D.
CHÚ THÍCH
* Nguyên văn từ “Đêm Giửa Ban Ngày” Vũ Thư Hiên. Bản điện tử, trang 406 : “ Chế Lan Viên lấy hứng thú từ một bài nói chuyện nội bộ của Lê Duẩn, trong đó Lê Duẩn nói “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cả nhân loại,.…”
[i] Đài phát thanh đọc chiếu Vua Bảo Đại gởi quốc dân ngày 19 tháng 8 năm 1945 kêu gọi đoàn kết và vui lòng “làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ.” Nắm ngay cơ hội đó Chánh Phủ Nhân DânCách Mạng Lâm Thời (chủ tịch là Hồ Chí Minh) gởi điện tín yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. Bảo Đại thoái vị ngày 25 tháng 8 năm 1945, vui lòng làm công dân Vĩnh Thụy của một nước Việt Nam độc lập. Áp lực bên ngoài là Việt Minh, nhưng dàn dựng bên trong cái cục thoái vị là do Phạm Khắc Hòe, Đổng Lý Ngự Tiền Văn Phòng triều Nguyễn bấy giờ. Ông Hòe hết dùng lịch sử cách mạng Pháp 1789 (Cái chết của Louis XVI, hoàng hậu Marie Antoinette, 1793) để áp lực tinh thần vua Bảo Đại, lại dùng sấm ký ở Nghệ An “Đụn sơn phân giái (giới), Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sanh thánh” để chỉ ông Hồ, người Nam Đàn Nghệ An, là thánh nhân. Ý nhắc vua phải theo thiên ý để mà bảo toàn tánh mạng. Có lẽ “…Nam Đàn sanh thánh” là một trong những động cơ mà Nguyễn Tất Thành đã bán Cụ Phan Bội Châu cho Pháp, để dành lấy huyền thoại cho chính mình. Mong bô lão, dân cố cựu ở Nam Đàn Nghệ An cho biết thêm về gốc gác của câu sấm trên. Chớ còn Nguyễn Ái Quấc thì dân lão làng cố cựu trong Nam đều biết đó là tên của người miền Nam. Hồ Chí Minh, người Nghệ An, mà nhận mình là tác giả những văn bản chữ Pháp ký tên Nguyễn Ái Quấc thì chỉ lộ cái chân tướng tiếm xưng mà thôi.
[ii] Riêng trong miền Nam mặt thật của chế độ Cộng Sản Việt Nam chỉ non một năm sau 1975 là đã hoàn toàn lộ chân tướng, và huyền thoại Hồ Chí Minh thì ai nấy đều biết đó chỉ là truyện huyễn hoặc vẽ rắn thêm chân bởi đảng Cộng Sản Việt Nam, và chính tay Hồ Chí Minh trá hình dưới tên Trần Dân Tiên. Khoảng năm 1976 thì dân miền Nam thường mách nhau đem hình ông Hồ về lộng kiếng (liệng cống). Chỉ khổ cán bộ miền Bắc không biết tiếng lái miền Nam là đồ rác rưởi thì lộng kiếng -liệng cống.
[iii] Binh Pháp Tôn Tử: Phàm phép dùng binh… Không khó gì bằng quân tranh – dành lấy lợi thế (Mạc nan ư quân tranh-), cái khó đó là (quân tranh chi nan giả) là biến cong thành thẳng (dĩ vu vi trực ), lấy vạ thành lợi (dĩ hoạn vi lợi) …( Áp dụng Binh Pháp Tôn Tử của Trần Canh: Công đồn bót (ở Lạng Sơn, Cao Bằng) là chuyện khó, không nên làm (kì hạ công thành -công thành là hạ sách), nên phải ép quân Pháp sa vào tình cảnh phải bỏ đồn, hành quân xa để giải vây cho Đông Khê, mà sa vào phục binh của Việt Minh, biến cái khó công đồn , thành cái lợi phục kích (dĩ vu vi trực, dĩ hoạn vi lợi).
[iv] Có lẽ chính Mao đã lợi dụng lịch sử đang diễn ra ở Bắc Việt, nhận thức được cái ấm ức dồn nén trong lòng trí thức, văn nghệ sĩ mà khơi dậy phong trào “xét lại” ở Trung Quốc để thanh trừng.
Tháng 3, 1955, Trần Dần và Tử Phác phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu (Theo Thụy Khê thì Trần Dần, tây học, không chịu ảnh hưởng của Hồ Phong, sau chuyến đi Trung Quốc 1954).
Tháng Giêng năm 1956 Hoàng Cầm và Lê Đạt cho xuất bản Giai Phẩm Mùa Xuân.
Tháng 2 năm 1956, Giai Phẩm mùa Xuân bị tịch thu. Lê Đạt bị bắt, kiểm thảo. Trần Dần, Tử Phác bị tù. Tố Hữu triệu tập đại hội tuyên huấn toàn quốc (miền Bắc) để đánh Giai Phẩm Mùa Xuân.
Mãi đến giửa tháng 3 năm 1956 đợt chót của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc mới về nước. Đoàn cố vấn quân sự chắc hẳn đã báo cáo tình hình chánh trị, xã hội đang diễn ra ở Hà Nội lên Mao.
Rồi cuối tháng 5, 1956 Mao khởi động “Bách hoa đề phóng, bách gia tranh minh” để dấy động nguồn tư tưởng “xét lại”.