Trong bài khảo luận này (gồm 3 phần), tôi sẽ trình bày một khía cạnh đặc biệt về tâm lý sợ hãi khi con người phải sống trong một xã hội khắt khe, hoặc phải đối phó với một chế độ độc tài toàn trị. Trước hết, để gợi ý, tôi xin đặt ra mấy câu hỏi như sau: Tại sao người đạo đức lại hay lo sợ, và ghét người vô đạo đức? Tại sao người có quyền thế lại sợ người yếu thế? Tại sao các lãnh tụ độc tài lại sợ dân, rồi tìm đủ mọi cách làm cho dân sợ? Để trả lời những câu hỏi trên, tôi sẽ đưa vài định lý về tâm trạng sợ hãi của con người. Những định lý này, nếu mới nghe, thì ta thấy có vẻ chướng tai vì nghịch lý, nhưng thực ra rất thuận lý nếu xét theo tâm trạng mỗi người.
I. Người đạo đức sợ hãi: từ “chữ Trinh” đến “chữ Trung”
1. “Chữ Trinh”
Ai cũng biết các cô gái điếm thuộc về hạng người lỳ lợm vì không bao giờ sợ mất “chữ trinh”. “Tay đã nhúng chàm” (tục ngữ) thì còn có gì đâu nữa mà sợ! Trái lại, các cô gái đạo đức coi “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” (tục ngữ) nên luôn luôn sợ hãi, và phải tránh những nơi cạm bẫy nguy hiểm. Chẳng hạn như cô gái sống trong cảnh “trang nghiêm, kín cổng, cao tường” thường được bố mẹ khuyên “không nên đi la cà ngoài đường vắng khi tối lửa tắt đèn”. Cô nào mải vui chơi không chịu nghe lời bố mẹ có thể rơi vào cảnh thương tâm và đau lòng, như hai câu ca dao sau đây đã nêu ra, để làm gương cho các cô chểnh mảng:
“Đêm qua ra đứng bờ đê,
Có thằng phải gió nó đè em ra”.
Sợ như vậy cũng phải, vì ở trên cõi đời này thiếu gì những “thằng phải gió” thèm thuồng “của quý”. Ngày xưa, các cụ cấm trai gái gần nhau cũng chỉ vì sợ con gái hư hỏng như sợ cháy nhà vậy, theo đúng câu tục ngữ “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Tuy câu khuyên răn này không hợp với nguyên tắc khoa học thông thường, nhưng ai nghe thấy cũng phải sợ. Vì thế, theo truyện Lục Văn Tiên, khi nàng ngồi trên xe thấy chàng đi tới, nàng vội vã xuống xe để tiếp chàng, chàng hoảng hốt vội la lối om sòm như trong cảnh cháy nhà:
“Khoan khoan ngồi đó chớ ra.
Nàng là phận gái, ta là phận trai.”
Các nước Ả Rập còn bảo vệ “chữ trinh” cẩn thận hơn nhiều. Các cô, cậu nào không biết “giữ mình” thì có thể mất mạng như chơi. Theo tục lệ “bảo vệ danh dự” (honour killing), nhiều bậc cha mẹ không ngần ngại lấy dao cắt cổ con gái, chỉ vì cô nàng không biết gìn giữ “đồ gia bảo”; rồi sau đó, anh em, họ hàng lại còn kéo nhau đi lùng bắt “thằng phải gió” để giết cho bằng được. Nghe ghê quá!
Trái lại, trong các xã hội Âu Mỹ, mạng sống con người rất là có giá, nhưng “chữ trinh” bị nạn hạ giá khủng khiếp. Vì vậy, ở trong các nước giàu có này, sự lo sợ “mất trinh”, cũng như sự thèm muốn “phá trinh”, không mãnh liệt bằng ở các nước hậu tiến. Theo nhận xét này, tôi xin đua ra một định lý tổng quát như sau:
Định Lý Tổng Quát Về Ảnh Hưởng Kinh Tế Đến Vấn Đề Trinh Tiết: Nước càng nghèo đói bao nhiêu, đời sống con người càng rẻ bấy nhiêu; trái lại, “chữ trinh” lại càng cao giá bấy nhiêu, và nỗi sợ hãi “mất trinh” cũng theo đà trở nên mãnh liệt hơn bấy nhiêu.
Tuy vậy, trong tất cả các nền văn hóa trên thế giới, dù “tiến bộ” (?) đến thế nào đi chăng nữa, mọi người thường tỏ vẻ khinh bỉ các cô gái điếm. Thực ra có biết đâu chính các cô gái điếm này đã có công củng cố nền đạo đức trong xã hội. Công lao tày trời của các cô gái điếm đã được nhà hiền triết nổi tiếng Bertrand Russell hết lời ca tụng như sau:
“Một khi tiết hạnh các cô gái nhà lành được coi là tối ư quan trọng, thì thể chế hôn nhân cần phải phụ bổ bằng một thể chế khác nữa – đó là thể chế mãi dâm. Thực ra, ta có thể coi thể chế mãi dâm đi liền với thế chế hôn nhân… Thiệt là tội nghiệp cho các cô gái điếm, đi đâu cũng bị thiên hạ khinh bỉ tuy rằng các cô đã cống hiến một dịch vụ hiển nhiên, và đã có công bảo vệ tiết hạnh các bà mẹ và các cô con gái…” [1]
Dù ông Russell đã mang cả bồ triết lý xã hội ra để thanh minh cho các cô gái “vô đạo đức”, nhưng có ai thèm nghe những lời tuyên bố kỳ cục này đâu. Vì thế, mọi người vẫn luôn luôn chê bai người “bán trôn nuôi miệng”, tuy rằng ở trong cõi đời này, nơi nào cũng vẫn thấy có những tay “anh hùng” sẵn sàng lăn xả vào “lỗ châu mai”, quyết tâm “bảo vệ tiết hạnh các bà mẹ và các cô gái nhà lành” mà không sợ bị “phục kích” bởi các “nội tướng”. Dù sao đi chăng nữa, “chối bỏ công lao các cô gái điếm” không nguy hiểm đến tính mạng bằng “chối bỏ công lao Bác”.
Bây giờ tôi xin tạm dựa vào chuyện trinh tiết đã được trình bày ở trên để đưa ra vài định lý căn bản về tâm lý sợ hãi theo lý thuyết phân tâm học Freudian mà tôi sẽ trình bày một cách đại cương trong phần sau [2]:
Định Lý 1: Phàm con người ta ở đời, ai cũng sợ bị trừng phạt vì vi phạm những điều cấm kỵ. Biện pháp trừng phạt càng khắt khe bao nhiêu, thì người ta lại càng sợ bấy nhiêu (ảnh hưởng của thực ngã – ego). Thí dụ: Phải can đảm lắm mới dám đòi giải thể Đảng Cộng Sản.
Định Lý 2: Trong thâm tâm, ai cũng thèm muốn vi phạm những điều cấm kỵ. Biện pháp trừng phạt càng khắt khe bao nhiêu, thì cường độ thèm muốn lại càng tăng lên bấy nhiêu (ảnh hưởng của thú ngã – id). Thí dụ: Thèm muốn sang nước “tư bản giãy chết” để “giãy chết” cùng với Bill Gates.
Định Lý 3: Ta thường nghiêm khắc phán xét những người vi phạm những điều cấm kỵ mà ta cho là linh thiêng. Điều cấm kỵ càng linh thiêng bao nhiêu, thì sự phán xét càng nghiêm khắc bấy nhiêu (ảnh hưởng của siêu ngã – superego). Thí dụ: Đứng trước chỗ “linh thiêng” như lăng “Bác” rồi mạ lỵ “công lao” của “Bác” thì quả là “điếc không sợ súng”.
Những định lý trình bày ở trên cho ta thấy tâm lý con người quả thật là nhiêu khê: Tại sao ta thích “ăn trái cấm” (sợ vi phạm điều cấm kỵ, đồng thời lại thèm vi phạm điều cấm kỵ)? Tại sao “trâu buộc lại ghét trâu ăn” (thèm vi phạm điều cấm kỵ, đồng thời lại ghét những người vi phạm điều cấm kỵ)? Để giải thích những hiện tượng “trái cẳng ngỗng” này, ta cần phải xét vài nét chánh trong lý thuyết mà Freud đã đưa ra.
Freud cho rằng nhân cách (personality) gồm có ba thành phần: thú ngã (id), thực ngã (ego), và siêu ngã (super-ego). Khi đứa trẻ mới sinh ra đời, nó chỉ biết phản ứng theo sự đòi hỏi của thú ngã, mà trọng tâm là thỏa mãn những thú tính (“tứ khoái”) để duy trì sự sinh tồn. Nếu một trong “tứ khoái” mà nó khao khát không được thỏa mãn, thì nó nổi cơn tức giận cực độ, biểu lộ bằng những tiếng gào thét hoặc rên rỉ. Tuy nhiên, trong một thời gian rất ngắn, nó thấy ngay rằng nó không có quyền lực vạn năng (omnipotence) để có thể bắt tất cả mọi người phải lập tức chạy đến phục vụ nó khi nó thèm muốn một điều gì. Để giảm thiểu nỗi lo sợ triền miên khi sự thèm muốn của nó không được bố mẹ đáp ứng tức thời, nó cần phải thích ứng với thực tế. Nhờ vậy, thực ngã của nó được phát triển, giúp nó tìm hiểu thú dục nào được thỏa mãn, lúc nào được thỏa mãn, và được thỏa mãn đến mức độ nào. Không những thế, nó cũng nhận thấy rằng nó phải phụ thuộc vào quyền thưởng phạt của cha mẹ, tức là nó phải sống theo khuôn mẫu đạo đức mà bố mẹ đã truyền lại cho nó. Những nguyên tắc đạo đức này được ghi sâu trong siêu ngã của nó, và được coi như “lương tâm” hướng dẫn đời sống nó trong xã hội. Ta cũng nên biết “lương tâm” có thể là “lương tâm” một tên công an quyết tâm bảo vệ “Bác và Đảng”, và “đạo đức” có thể là “đạo đức” của một tên cuống tín mang bom đi tiêu diệt những kẻ không biết thờ phụng đấng Alla!
Theo Freud, con người luôn luôn sống trong sự giằng co giữa ba thành phần của nhân cách đối nghịch với nhau. Người lành mạnh (mentally healthy) biết điều hòa ba thành phần này, tức là không để một thành phần nào lấn át các phần khác của bản ngã. Đôi khi ta gặp những trường hợp thiếu thăng bằng. Sau đây là 3 trường hợp lệnh lạc điển hình:
Trường Hợp (a): Thú ngã lấn át bản ngã – Đó là những người chỉ biết sống theo “tứ khoái” và nổi giận nếu những lạc thú này không được thỏa mãn; họ không nghĩ đến đạo đức, và cũng không cần biết hậu quả cho mình và những người xung quanh của mình.
Trường Hợp (b): Siêu ngã lấn át bản ngã – Đó là những người “đạo đức cùng mình”, sống một đời sống khắc khổ vì họ chỉ biết theo lệnh của “lương tâm”. “Lương tâm” bắt họ chết, thì họ sẵn sàng chết vì “lương tâm”, và giết người “vô đạo đức” thì họ sẵn sàng giết vì “lương tâm.”
Trường Hợp (c): Thực ngã lấn át bản ngã – Đó là những người rất “thực tế”, sống theo nguyên tắc “cơ hội chủ nghĩa”, “gió chiều nào, theo chiều đó”.
Ta đừng tưởng những người cộng sản sống theo thực ngã khi họ hành động theo lý thuyết Mác-Xít mà họ cho là một lý thuyết “khoa học”, đi sát với “thực tế”. Cái nguy hiểm là họ cố bám vào một thứ “thực tế” đã bị bóp méo bởi một quan điểm hẹp hòi của Các-Mác. Tiếc thay, “thực tế” thể hiện ra trong đời sống con người dưới muôn hình vạn trạng (multi-dimensional), làm sao ta có đủ minh mẫn để nhìn toàn diện “thực tế” được. Vì những lãnh tụ cộng sản luôn luôn nhìn thực tế một cách phiến diện như vậy, nên họ không giải quyết được những khó khăn trầm trọng cho đất nước.
Ở Việt Nam, sau những thất bại liên tiếp – từ chương trình cải cách ruộng đất cho đến chính sách quốc doanh và bao cấp – họ vẫn không dám nhìn vào thực tế để nhận ra nguồn gốc của sự thất bại. Suy luận theo kiểu Freudian, người cộng sản mù quáng vì thực ngã của họ suy nhược (weak ego), nên bị siêu ngã và thú ngã lấn át. Dưới áp lực của siêu ngã, lý thuyết Mác-Xít trở thành một tôn giáo, và người cộng sản trở thành những tín đồ cuồng tín, tự cho mình là người có “đạo đức cách mạng”, rồi tôn “Bác” lên thành một đức Bồ Tát! (Ta cũng nên biết, Các-Mác không đả động đến vấn đề đạo đức trong lý thuyết của ông; thực ra ông ta chỉ suy luận rằng giai cấp lao động là giai cấp “tiến bộ”, chứ không “đạo đức” hơn những giai cấp khác).
Đồng thời, dưới áp lực của thú ngã, người cộng sản bệnh hoạn lồng lộn như đàn thú dữ khi những điều mong muốn của họ không được thỏa mãn. Nói tóm lại, người cộng sản không được thực ngã hướng dẫn để nhìn thẳng vào thực tại, nên mới mơ tưởng xây dựng những “thiên đàng mù” dưới trần thế.
Bây giờ ta hiểu tại sao các tên lãnh đạo cộng sản ăn gian, nói dối: một đằng tin tưởng rồi tuyên bố những nguyên tắc đạo đức cao siêu (ảnh hưởng siêu ngã), một đằng lại hành động tàn ác và đê hèn hơn thú vật (ảnh hưởng thú ngã). Hai ảnh hưởng này nằm trong tiềm thức nên những tên lãnh tụ này không ý thức được hành động mâu thuẫn của họ. Nếu chúng ta chấp nhận giải thích theo lý thuyết Freudian như vậy, thì chúng ta sẽ không còn lên án tập đoàn lãnh đạo cộng sản là những tên “lường lọc, bịp bợm”. Có lẽ chúng ta nên tội nghiệp cho những người bị bệnh tâm thần trầm trọng, không biết thế nào là “gian manh”, thế nào là “trung thực”.
2. “Chữ Trung”
Nói đến trinh tiết và đạo đức mà không bàn qua về các đấng quân tử và những kẻ tiểu nhân thì thiệt là một điều thiếu sót. Quả thực, tôi thấy tâm trạng hai mẫu người này cũng ná ná như tâm trạng các cô gái nhà lành và các cô gái điếm. Theo sự hiểu biết của tôi về Khổng giáo, tôi thấy các ông quân tử Tàu ngày xưa cũng rất lo lắng “giữ mình”, như mấy cô gái nhà lành vậy. Tuy các vị Nho gia không sợ mất “chữ trinh”, nhưng lại rất sợ mất chữ “chữ trung” (Định Lý 1); và rất ghét những tên tiểu nhân không biết sống theo “chữ trung” (Định Lý 2); nhưng trong thâm tâm các bậc quân tử lại thèm địa vị kẻ tiểu nhân, chỉ vì cảm thấy những tên tiểu nhân có một đời sống quả là thảnh thơi hơn mình (Định Lý 3).
Vậy các đấng quân tử lo sợ và khổ sở như thế nào? Câu hỏi này đã được cụ Trần Trọng Kim trình bày rõ ràng khi giải thích thuyết Trung Dung như sau:
“Nhân tâm nghĩa là cái phần sáng suốt riêng của người ta, tuy là một phần thiên lý… nhưng thường hay bị vật dục làm bế tắc, hơi sai một ly là chếch lệch ngay,… hễ sai một ly là mất cái trung rồi, cho nên ta phải lo sợ, phải cố hết sức mà giữ nó không trệch lệch.” [3]
Vì “chữ trung” thiêng liêng và “đáng giá ngàn vàng” như vậy, nên Tử Tư (“cháu ngoan” của “Bác Khổng”) đã phán rằng:
“Đạo là cái chẳng nên rời xa giây phút nào, hễ rời ra được thì chẳng phải đạo nữa rồi. Vậy người quân tử răn đe và cẩn thận về những điều cho rõ [về lý thuyết Trung Dung], e sợ ở những điều mình chưa nghe chắc [về lý thuyết]… vì vậy người quân tử giữ gìn cẩn thận trong khi chỉ một mình mình đối với mình… [4]
Nói theo lối Xã Hội Chủ Nghĩa, nếu ta muốn trở thành một người quân tử và muốn giữ vững danh vị quân tử, thì ta phải tự phê bình kiểm thảo hàng ngày, không khác gì một cán bộ trung kiên muốn trở thành “cháu ngoan của Bác”. Ôi, đời sống của người quân tử quả thiệt là gian truân! Còn gì khổ hơn là tự mình tẩy não mình, tự mình mở rộng cửa lòng của mình để cho một tên công an vô hình lẻn vào kiểm soát đầu óc của mình từng giờ từng phút! Thế cho nên tìm ra được một đấng quân tử, hay một “cháu ngoan của Bác” quả là khó,… khó hơn là đi mò kim dưới đáy biển Đông. Cũng vì thế, ở trên cõi đời này, ta chỉ thấy đầy rẫy những tên “ngụy quân tử” giả nhân giả nghĩa, không khác gì những tên cán bộ “ngụy cách mạng”, nhân danh “tự do” để kìm kẹp dân lành, và nhân danh “công bằng xã hội” để bóc lột dân nghèo.
Trở lại vấn đề sợ hãi về chữ trung, tôi xin trình bày vắn tắt vài nhận xét tổng quát về nỗi sợ hãi vì muốn gìn giữ tinh thần quân tử như sau:
a. Các đấng quân tử chỉ có một nỗi lo sợ: sợ không theo đúng giáo điều mà các “Thánh Hiền” đã “sáng tác” những pho đạo lý, rồi bắt người đời phải triệt để tuân theo.
b. Những tên “ngụy quân tử” lại có hai nỗi lo sợ:
– sợ không đủ gian manh để che mắt thiên hạ, nên phải luôn luôn tìm đủ mọi cách cải tiến phương pháp lừa bịp;
– sợ người hiểu biết lật tẩy và lên án là đã đi ngược lại lời dạy của các “Thánh Hiền” (tuy rằng trong bụng coi “Thánh Hiền” như cỏ rác). “Học tập đạo đức theo gương Bác” là một lối lừa bịp nhân dân theo kiểu “lấy vải thưa che mắt thánh”.
c. Còn những kẻ tiểu nhân thì không sợ cái gì cả, nhất là không sợ người đời chê bai. Thế cho nên những kẻ tiểu nhân sống rất ư là “ung dung tự tại”, theo đúng câu châm ngôn “Ai chửi mặc ai, tiền thầy bỏ túi”, không khác gì các cán bộ thối nát bị nhân dân chửi sa sả vào mặt, thế mà vẫn “tỉnh bơ như người Hà Nội”.
GS Nguyễn Hữu Chi, Tiến sĩ Tâm Lý Chính Trị Học
Chú Thích:
[1] Bertrand Russell, Marriage and Morals (New York: Liverright Publishing Corporation, 1929), tr. 145-146
[2] Để có một khái niệm sơ đẳng về vấn đề này, xin đọc C. S. Hall, A Primer of Freudian Psychology (Cleveland: World Pubplishing Co., 1954). Muốn biết thêm, xin đọc những sách sau đây của Freud: A General Introduction to Psychoanalysis (Garden City, N. Y., Garden City Publishing Co., 1943), New Introductory Lectures of Psychoanalysis (New York: Norton, 1933), và An Outline of Psychology (New York: Norton, 1949).
[3] Trần Trọng Kim, Nho Giáo (Sài-gòn, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1971), tr. 39
[4] Phan Khoang, Trung Dung (Sài-gòn, Nhà Sách Mai Lĩnh, 1959), tr. 18, 844-885.