Theo lời kể của một nhân chứng, thời gian Tết Mậu Thân, là cựu Sinh Viên Y Khoa Huế, Bác Sĩ Tôn Thất Sang, hiện sinh sống tại thành phố Sacramento, thì vào tháng 4, 1968, tại một bờ hào tre, cách sân chùa Tường Vân khoảng 200 mét, người ta tìm thấy “trong chiếc hố nhỏ, bề dài khoảng 3m, bề ngang khoảng 1m và bề cao khoảng 1m, bốn người ngoại quốc, ba đàn ông và một phụ nữ Ðức bị trói thúc ké, hai tay bị bẻ quặt ra sau lưng, bị siết chặt bằng dây điện thoại truyền tin. Khuôn mặt họ đều bị biến dạng. Thái dương trái là lỗ đạn vào, thái dương phải là lỗ đạn ra, nên bị phá ra toang hoác; mắt lồi hẳn ra ngoài!
Tiến Sĩ Uwe Siemon-Netto (trái) và Ký Giả Huy Phương trong một buổi phỏng vấn truyền hình. (Hình: Huy Phương cung cấp)
Ðường đi của viên đạn do chính kẻ luôn luôn rêu rao lấy lượng khoang hồng và nhân đạo làm nền tảng để xử thế, đã làm méo mó, biến dạng những khuôn mặt hiền hòa của các vị thầy chúng ta.”
Sau đó linh cữu của bốn vị này được quàn tại Tòa Viện Trưởng Viện Ðại Học Huế và sáng hôm sau, được phi cơ mang vào Sài Gòn, phi trường Tân Sơn Nhất. Nơi đây, phái đoàn Ðại Học Y Khoa Huế, và Ðại Học Y Khoa Sài Gòn chờ đón với vòng hoa phân ưu và biểu ngữ lên án Cộng Sản Bắc Việt đã ra tay thảm sát những người làm công việc y tế, chỉ biết phụng sự khoa học, phụng sự nhân loại. Linh cữu của bốn vị được đưa ra phi cơ về Ðức vào ngày 13 tháng 4, 1968 trên chiếc xe có bốn ngựa kéo, theo sau là 250 sinh viên Y Khoa Huế và Sài Gòn, đội đưa tang và đội quân danh dự của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sinh viên cầm biểu ngữ nói lên lòng biết ơn công lao của quí vị.
Sau đó tại sân Ðại Học Y khoa Huế, một bia tưởng niệm các GS, BS Krainick, Raymund Disher và ALois Altekoester…đã được xây lên để ghi ơn quý vị bác sĩ, giáo sư y khoa đã góp công xây dựng, đào tạo những bác sĩ tài năng và đã hy sinh đời mình cho lý tưởng phụng sự ngành y trên quê hương Việt Nam.
Năm 1975, sau khi Việt Cộng chiếm Huế, cũng như số phận bức tượng Tiếc Thương của Nguyễn Thanh Thu ở Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, họ đã đập bỏ bia tưởng niệm này, đem vất xuống hồ rau muống nằm giữa trường Y Khoa Huế và trường Cán Sự Ðiều Dưỡng.
Vậy mà CSVN và quê hương của các giáo sư y khoa người Ðức bị giết năm Mậu Thân đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23 tháng 9, 1975, đến nay, “quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện.”
Ðại diện cho kẻ ác, sát thủ bốn công dân người Ðức vào Tết Mậu Thân, các giới chức CSVN đã từng đến Ðức để cúi mình xin viện trợ và xin khai hóa là Thủ Tướng Võ Văn Kiệt (1993); Chủ Tịch Quốc Hội Nông Ðức Mạnh (1993); Thủ Tướng Phan Văn Khải (2001); Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh (2004); Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng (2008). Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Gia Khiêm (2010), và hai nước đã ký một số hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa.
Nước Ðức văn minh, quên hận thù, là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Ðức đã cung cấp trên 1 tỉ Euro cho các dự án ODA tại Việt Nam. Chính phủ Ðức một mặt vẫn duy trì các khoản viện trợ truyền thống, mặt khác mở ra một trương mục vay vốn mới là vốn vay phát triển. Ðức cam kết cung cấp 283.8 triệu Euro ODA cho Việt Nam trong năm 2011-2012, trong đó 257.5 triệu Euro vay ưu đãi và 26.3 triệu Euro viện trợ không hoàn lại.
Tiến Sĩ Uwe Siemon-Netto, người Ðức, là một phóng viên chiến trường Việt Nam, từ năm 1965 – 1969 tác gỉa bài viết “The Wrong Side Won” (Phe Tà Ðã Thắng), ông đã chứng kiến tội ác của Cộng Sản trong vụ thảm sát Mậu Thân, trong đó có một số đồng bào quen biết của ông là ba bác sĩ người Ðức và một bà vợ đã bị giết.
Trong một cuộc phỏng vấn của chúng tôi trên đài truyền hình SBTN, ông Uwe Siemon-Netto đã nhiều lần lặp đi lặp lại, là từ khi cấp chính quyền Cộng Sản Việt Nam tái lập bang giao với đất nước của ông, ông chưa nghe được một lời xin lỗi nào của thành phần chóp bu này về cái hành động cố ý giết chết ba vị giáo sư, bác sĩ và một người phụ nữ Ðức vào năm 1968, trong khi trong tay người này không có vũ khí, không chống lại họ và đang làm nhiệm vụ khai hóa cho một đất nước, đào tạo nhiều bác sĩ mà hiện nay có người đang lo chăm sóc sức khỏe cho những người dân dưới chế độ này.
Ở Việt Nam hiện nay có một chuyện rất nhỏ là chuyện một phụ nữ sinh sống ở Mỹ được báo chí gọi là “kiều nữ Hải Dương” bị báo chí Việt Nam làm tin giật gân vu oan là đã cưỡng dâm nhiều tài xế taxi. Bà đã nói: “Tôi nghĩ cứ để tòa án phân xử đúng, sai, lỗi tới đâu thì pháp luật xử lý tới đó. Tôi cũng không muốn làm khó ai, tôi cần một lời xin lỗi, mọi chuyện còn lại để pháp luật giải quyết.” Cuối cùng tòa án xử bà Phạm Thị Thanh Ngọc thua cuộc và “một lời xin lỗi” thì chẳng bao giờ có trong xã hội Cộng Sản hôm nay.
Ngay tại đám tang đang diễn ra ở Sài Gòn vào Tháng Tư của tù nhân lương tâm Ðinh Ðăng Ðịnh, gia đình của ông nói chính quyền nợ ông “một lời xin lỗi” vì ông vô tội, chứ không phải có tội mà được “đặc xá!”
Ðối với chuyện lớn, đảng Cộng Sản chưa biết mở miệng, làm sao những chuyện nhỏ được họ để mắt đến.
Trên thế giới đã có nhiều lời xin lỗi.
Thủ Tướng Tomiichi Murayama, năm 1995, đã nói lên lời xin lỗi của nước Nhật về những đau khổ mà quân đội Nhật đã gây ra cho các dân tộc Châu Á. Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe ngày 14 Tháng Ba cho biết ông buồn phiền trước nỗi đau mà các “phụ nữ giải sầu” cho quân đội Nhật phải chịu đựng trong thời chiến, và cam đoan rằng nước Nhật không hề có ý định giảm nhẹ lời xin lỗi.
Tổng Thống Nga Vladimir Putin ngỏ lời xin lỗi Ba Lan trong vụ thảm sát Katyn (1940), và cho chiếu vào giờ cao điểm trên đài truyền hình Nga phim của Wajda về lời tuyên bố này.
Ngày 23 Tháng Ba, cựu giám đốc Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Mỹ (NSA) giai đoạn 1999-2005, Tướng Michael Hayden, lên tiếng xin lỗi người dân Ðức vì những hậu quả liên quan vụ nghe lén của cơ quan này.
Thủ tướng Ðức Willy Brandt, năm 1970, trong một cử chỉ bất ngờ, gây xúc động mạnh, quỳ gối, chân thành, trước đài tưởng niệm ở khu Do Thái tại Warsaw, Ba Lan, thì người Ðức đã được đón tiếp nồng ấm trở lại ở Ðông Âu. Khi xây dựng ở trung tâm Berlin một đài tưởng niệm nạn nhân vụ diệt chủng người Do Thái thời Ðức Quốc Xã, thì nước Ðức đã không tự hạ mình chút nào mà còn được thế giới khen ngợi!
Không biết xin lỗi là đặc tính của một đứa trẻ cứng đầu, vô giáo dục và đối với một người trưởng thành là thái độ vô liêm sỉ. Vô liêm sỉ hơn nữa là họ ngửa bàn tay nhuốm máu đã giết người để xin xỏ, nhận quà từ thân nhân của người mình đã giết.
Là người Ðức, một dân tộc văn minh, ông Siemon-Netto than phiền rằng CSVN nhận viện trợ từ chính phủ ông mà không hề biết mở miệng nói một lời xin lỗi với dân tộc ông!
Còn chúng ta, những người Việt cả Nam lẫn Bắc, nạn nhân của chế độ tàn bạo, bất lương của Bắc Việt từ hơn nửa thế kỷ nay, trông mong hay hy vọng nỗi gì?
Huy Phương