James Buchanan
Đầu năm 2013 một nhà kinh tế mới qua đời nhưng ít được báo chí ở Mỹ loan tin. Ông là một người đã tiên đoán tình trạng khiếm hụt ngân sách và nợ chồng chất gây tê liệt trong chính quyền và quốc hội từ hai năm nay; tháng tới lại sẽ tái diễn. Chỉ phân tích cách quyết định việc chi thu của quốc hội trong ngân sách quốc gia, James Buchanan đã báo trước là chính phủ liên bang sẽ càng ngày càng thiếu hụt, các món nợ công sẽ lên ngập đầu. Lý do chính là vì các đại biểu quốc hội phải lo đáp ứng những đòi hỏi của các cử tri đã giúp họ đắc cử, tiêu biểu là những nhóm quyền lợi riêng biệt (tư lợi, special interests). Các ý kiến của ông được đặt tên là Lý thuyết về Lựa chọn Tập thể (Public Choice Theory); ông được trao giải Nobel về Kinh tế học năm 1986 về những đóng góp này.
Buchanan thường được coi như một nhà kinh tế bảo thủ, vì ông chủ trương phải giảm bớt luật lệ và thu gọn vai trò của chính phủ đến mức tối thiểu. Nhưng ông cũng là người chủ trương nên đánh thuế di sản tới 100%, một điều mà giới bảo thủ kịch liệt chống, vì họ thấy suất thuế 35% đã là quá cao rồi! Buchanan lý luận rằng việc thừa hưởng di sản là trái với quy tắc bình đẳng trong cơ hội, vì những người hưởng di sản được chiếm địa vị ưu đãi so với người khác. Ông viết, “Bảo đảm một số quyền bình đẳng về cơ hội là triết lý căn bản của một xã hội tự do,” trong cuốn The Limits of Liberty, năm 1975 viết chung với Robert P. Tollison. Cho đến khi qua đời, thọ 93 tuổi, ông vẫn là một người suy nghĩ tự do và độc lập, mối quan tâm chính là ích lợi chung.
Người Việt Nam nên biết cách suy nghĩ của James Buchanan. Cách phân tích của ông có thể giúp chúng ta hiểu rõ nguyên ủy của nạn tham nhũng lan tràn hiện nay cũng như tình trạng đấu đá tranh quyền trong nội bộ đảng Cộng Sản.
Tất cả bắt nguồn từ những Lựa chọn Tập thể sai lầm ngay từ đầu.Trong cuốn “Bài toán về Thỏa thuận,” The Calculus of Consent, viết cùng Gordon Tullock năm 1962, Buchanan đặt tựa nhỏ: “Những Nền tảng Luận lý của Chế độ Dân Chủ Hiến định,” Logical Foundations of Constitutional Democracy.
Ông phân biệt hai cấp bậc của lựa chọn tập thể trong một quốc gia. Thứ nhất là ấn định các “luật chơi,” thứ hai là tham dự trong cuộc chơi, dựa trên các luật lệ “hiến định” đó. Lý thuyết Lựa chọn Tập thể buộc các mọi người phải chú ý nghiên cứu vai trò của nhà nước trong sinh hoạt kinh tế. Trong khi các nhà kinh tế khác chỉ lo tìm hiểu cách vận hành của cơ chế thị trường rồi đề nghị những giải pháp đáng được thi hành, Buchanan chú ý đến cơ chế chính trị, là nơi nắm quyền và được trao trách nhiệm áp dụng các chính sách kinh tế. Cho nên, phải dùng phương pháp kinh tế học soi sáng hành động của các nhà chính trị cũng như guồng máy công quyền; nhờ đó đặt ra các “luật chơi” nhằm bảo vệ các nguyên lý chung của cả xã hội như tự do, bình đẳng.
Bởi vì trong thực tế, các chính sách kinh tế đều chịu ảnh hưởng của những nhóm, những người nắm quyền quyết định, mọi người đều nhắm đến tư lợi. Trong kinh tế học người ta vẫn giả thiết là con người hành động vì tư lợi. Buchanan nhấn mạnh rằng những công chức và các đại biểu do dân bầu lên đều không phải sinh ra đã là những người vô vị lợi. Trong khi làm nhiệm vụ được mô tả là phục vụ công ích, họ cũng tự nhiên lo cho chính mình. Con người ai cũng muốn gia tăng quyền hành và lợi lộc. Các đại biểu quốc hội bao giờ cũng muốn được đắc cử và tái đắc cử. Cử tri và những người có thể ảnh hưởng trong việc bỏ phiếu cũng có những quyền lợi riêng. Bỏ quên giả thiết này thì sống trong ảo tưởng.
Do đó, việc đầu tiên của một hệ thống chính trị là ấn định các “luật chơi chung,” để ngăn ngừa không cho tư lợi lấn lướt, làm chệch hướng, có khi làm hại công ích. Một luật chơi căn bản là bảo vệ tính công bằng trong xã hội, quan trọng nhất là bảo đảm mọi người đều có cơ hội bình đẳng. Phải bảo vệ lợi ích chung của xã hội bằng cách vạch rõ ranh giới giữa công và tư; khi nào quyền lợi công và tư xung khắc thì phải đạt công ích lên trên tư lợi. Đó là những luật chơi căn bản mà một xã hội tự do dân chủ không thể thiếu được.
Phân tích theo lối của James Buchanan, chúng ta thấy đảng cộng sản đã “gian lận” ngay khi thiết lập các định chế làm “luật chơi” cho đời sống kinh tế. Thí dụ, họ đặt ra một luật chơi: “Đất, ruộng thuộc quyền sở hữu của toàn dân;” không một cá nhân hay một tập hợp nào được hưởng quyền sở hữu. Kèm theo, là một luật chơi thứ nhì: “Đảng Cộng sản lãnh đạo nhà nước và xã hội.”
Với hai “luật chơi” này, đảng Cộng sản đã gian lận, dành quyền thủ lợi tối đa cho những kẻ nắm quyền trong đảng. Gian lận, vì họ hô hào nông dân giết địa chủ, rồi biến đảng thành chủ nhân duy nhất của tất cả đất đai, ruộng, rừng, sông, biển. Họ nắm quyền ban phát, cho ai được phép sử dụng các tài nguyên đó, ai được dùng nhiều hơn ai, còn đảng đóng vai thu tô, thu thuế. Họ nắm quyền cho nên có thể trao đất, trao rừng, trao quặng mỏ cho người Trung Quốc khai thác, không cần biết dân Việt Nam muốn thế nào. Ngày xưa quyền của các địa chủ còn bị giới hạn. Quyền hành của ông địa chủ đời nay là tuyệt đối và vô giới hạn.
Ông địa chủ Đảng Cộng sản lại có quyền biến đổi giá trị của đất đai tùy thích, không theo một quy tắc giá cả nào theo lối kinh tế thị trường. Họ có thể chiếm lại một vùng đất ruộng của nông dân, đền bù với giá bồi hoàn rất rẻ, biện minh rằng đó là “thời giá” trong thị trường. Điều này có thể đúng, vì một thửa ruộng sinh lợi được bao nhiêu mỗi năm có thể kiểm chứng được. Nhưng ngay sau khi cướp đất hợp pháp rồi, với quyền hành vô hạn, họ biến mảnh đất thành khu công nghiệp, khu thương mại, cư trú hay du lịch. Trong chớp mắt, giá trị đất tăng lên hàng chục, hàng trăm, hay ngàn lần. Đọc những lời biện minh của đảng Cộng sản ở thành phố Đà Nẵng, chúng ta thấy lúc nào họ cũng biện minh rằng họ tính giá đất theo “thời giá” cả. Nhưng ai cũng biết các cán bộ nắm quyền lúc nào cũng nắm những pháp thuật biến đất thành vàng. Pháp thuật nào đã tạo ra giá trị gia tăng đó? Quyền. Ai được hưởng những giá trị gia tăng? Những kẻ nắm quyền.
Với những “luật chơi kinh tế” như vậy, cả guồng máy đảng cộng sản là một hệ thống chia chác quyền hành cho nhau, để kiếm lợi trên đất đai, rừng biển của dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản đã tước đoạt tài sản của quốc gia để cho một tập đoàn tham ô làm giầu. Ngay từ khi họ đặt ra những luật chơi kinh tế bắt toàn dân phải chấp nhận, không ai được từ chối. Giống như một chủ sòng bài có quyền bắt cả nước phải tham dự trò đen đỏ với họ, với một quy luật: “Chẵn thì tôi ăn, lẻ thì anh thua.” Chưa bao giờ có một vụ cờ gian bạc lận rộng lớn và kéo dài như thế.
Những phân tích của James Buchanan đã dẫn tới những cải tổ về luật chơi trong đời sống chính trị và kinh tế ở nước Mỹ. Ông yêu cầu mọi người phải đề phòng những xung khắc giữa tư lợi và công ích; khi trao quyền cho ông tổng thống, các đại biểu quốc hội hay các viên chức nhà nước, phải biết rằng họ đều có những quyền lợi riêng, không thể giả thiết là ai cũng chỉ nghĩ đến công ích. Chế độ cộng sản không quan tâm đến vấn đề này. Trước hết, chủ nghĩa cộng sản đặt trên một ảo tưởng. Trên lý thuyết, họ giả thiết là các người nắm quyền, từ giới lãnh đạo cho tới các cán bộ, sẽ thi hành các quyết định của đảng, không cán bộ nào nghĩ tới tư lợi cả. Họ đưa ra những cương lĩnh, những nghị quyết, chỉ tiêu, vân vân. Họ giả thiết các cán bộ sẽ thi hành những quy tắc hay khẩu hiệu trừu tượng đó; không bao giờ lo ngại để đề phòng là mọi người, mọi nhóm người đều chứa sẵn những động cơ riêng tư. Tất nhiên, giả thuyết đó sai lầm, hoàn toàn trái ngược với thực tế. Khi kết quả hoàn toàn trái ngược với các chỉ tiêu và khẩu hiệu, cả chế độ phải nói dối quẩn quanh, dối lẫn nhau và dối người ngoài, một tình trạng dối trá có hệ thống. Gốc rễ của chế độ tham nhũng, lạm quyền hiện nay là do một sai lầm căn bản, sai lầm nằm trong cốt lõi của hệ thống, ngay từ khi thiết lập các chế độ cộng sản đầu tiên.
Một chế độ đặt trên một giả thiết hoàn toàn trái ngược với bản tính con người, cuối cùng phải tan rã, như chúng ta đã chứng kiến ở Đông Âu và Nga xô.
Đáng lẽ ra khi các đảng cộng sản còn sống sót phải quay ngược đầu, bắt chước lối tư bản, gọi là kinh tế thị trường, thì những người cầm đầu phải chấp nhận một giả thiết thực tế, là trong phạm vi kinh tế mỗi người thường lo cho lợi ích của riêng mình trước hết. Nhưng để tiếp tục nắm quyền, họ vẫn giả bộ như không biết. Họ tiếp tục bảo vệ cái chủ nghĩa đầy ảo tưởng như cũ, vẫn coi lý thuyết Mác Lê Nin là kim chỉ nam. Đứng trước các hành động tham ô rừng rú, họ vẫn chỉ hô khẩu hiệu phải “cải tạo tư tưởng” các cán bộ. Họ không dám thay đổi cơ cấu để tác động ngay trên hành vi và thái độ của các cán bộ đang nắm quyền. Mà quyền hành của những người này thường vô giới hạn, hoặc chỉ giới hạn rất mơ hồ.
Quyền hạn mơ hồ cũng là một “luật chơi” căn bản của các chế độ cộng sản. Vì mỗi lãnh tụ, cho đến mỗi cán bộ, đều bất chấp các quy tắc hành chánh và pháp lý. Xưa nay, “luật chơi” của chế độ cộng sản là “không cần luật.” Các lãnh tụ cộng sản biết rằng khi nào luật lệ còn mơ hồ, lỏng lẻo, còn có thể thay đổi tùy tiện, thì họ còn có cơ hội thủ lợi.
Vì vậy, những nhà kinh doanh thành công, như Trần Huỳnh Duy Thức, cũng thấy không thể sống được trong một xã hội mà ngay trong bước đầu ấn định luật chơi kinh tế đã không công bằng, không ngay thẳng. Khi một nhà kinh doanh thành công như Trần Huỳnh Duy Thức lên tiếng đòi thay đổi luật chơi, anh cũng biết là anh sẽ phải vào tù.
Nhưng kẻ dùng gươm sẽ chết bằng gươm. Đảng Cộng sản bắt đầu tan rã khi chính những luật chơi họ đặt ra cũng quay ngược mũi dao, đâm vào chính họ. Chúng ta đang chứng kiến cảnh các lãnh tụ tranh giành nhau, cấu xé nhau, vì những luật chơi mơ hồ đang đưa tất cả vào bế tắc, sắp đến ngày tan rã.