1. Bán đảo Triều Tiên sau Thế Chiến II
Sau khi đánh thắng Hải Quân Nga vào năm 1905, Nhật Bản bắt đầu chiếm đóng nước Triều Tiên, cai trị xứ sở này bằng một phương pháp thuộc địa rất hà khắc của người da vàng, khác hẳn đường lối bóc lột của bọn thực dân da trắng. Dân tộc Triều Tiên đã đấu tranh giành Độc Lập tại trong nước cũng như ngoài nước, tuy nhiên sự giải phóng Triều Tiên khỏi xiềng xích đô hộ đã không phải là kết quả của các cuộc đấu tranh đó, mà do chiến thắng quân sự của các siêu cường bên ngoài mang lại.
Vào thời gian cuối của Thế Chiến Thứ Hai, Liên Xô đã tuyên chiến với Nhật Bản vào ngày 08 tháng 8 năm 1945 rồi xua quân đánh chiếm Mãn Châu và Triều Tiên. Tới lúc này, do đã bị khô cạn tài nguyên chiến tranh, lực lượng quân sự Nhật Bản không còn phương tiện chống đỡ. Hai quả bom nguyên tử thả xuống đất Nhật vào hai ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945, đã đưa Nhật Bản tới quyết định phải đầu hàng không điều kiện vào ngày 15 tháng 8 năm 1945.
Hậu quả sau ngày Nhật Bản đầu hàng đã được các nước Đồng Minh bàn thảo. Tại Hội Nghị Cairo vào tháng 12 năm 1943, các nước Đồng Minh đã quyết định tước bỏ mọi phần đất mà Nhật Bản đã lấn chiếm sau năm 1894 do cách bành trướng thế lực quân sự. Hoa Kỳ, Anh Quốc và Trung Hoa cũng đồng ý tại Cairo rằng Triều Tiên sẽ là một quốc gia độc lập sau khi được giải phóng, sau chiến thắng của lực lượng quân sự Đồng Minh.
Tháng 2 năm 1945, Thống Chế Josef V. Stalin của Liên Xô đã đồng ý với Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt tại Hội Nghị Yalta về sự thiết lập một cách ủy trị quốc tế (an international trusteeship) dành cho Triều Tiên nhưng công thức xây dựng một chính quyền cho đất nước này thì vào lúc đó, đã chưa được bàn thảo chi tiết. Việc tràn quân qua Mãn Châu và Triều Tiên của Hồng Quân Liên Xô khiến cho toàn bộ bán đảo này rất dễ dàng bị đặt dưới quyền kiểm soát của thế lực Cộng Sản, nên Hoa Kỳ phải tìm kiếm ngay một giải pháp cho Triều Tiên. Do đó vào ngày 15 tháng 8 năm 1945, Tổng Thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã đề nghị với Thống Chế Stalin chia đôi Triều Tiên theo vĩ tuyến 38. Ngày hôm sau, Stalin nhận lời. Người Nga đã không muốn đối đầu với người Mỹ do việc chiếm trọn toàn thể bán đảo và vào thời điểm đó, Stalin cũng hy vọng là để đổi lại, Hoa Kỳ sẽ dành cho Liên Xô nửa phía bắc đảo Hokkaido của Nhật Bản.
Các bộ trưởng ngoại giao các nước Đồng Minh đã họp bàn tại Moscow vào ngày 7 tháng 12 năm 1945 và cùng quyết định thiết lập sự ủy trị (a trusteeship) trong 5 năm để một chính quyền lâm thời Triều Tiên chuẩn bị nền độc lập cho dân tộc họ. Các bộ trưởng này cũng thỏa thuận thành lập một ủy ban liên hợp Hoa Kỳ – Liên Xô (a joint US-Soviet commission) có mục đích là giúp đỡ Chính Phủ Dân Chủ Lâm Thời Triều Tiên (provisional Korean democratic government). Đề nghị về sự ủy trị này đã bị hầu như tất cả mọi người dân Triều Tiên chống đối, tuy thế các nhà lãnh tụ thuộc cả hai miền Bắc và Nam vĩ tuyến 38 cũng lập ra một “Ủy Hội Chuẩn Bị Thành Lập Quốc Gia” (the Preparatory Association for Establishing the Nation). Các đơn vị hành chánh đã được tạo thành từ cấp thấp tới cấp cao nhất để bảo đảm trật tự dân sự sau khi lực lượng cảnh sát và các nhà cai trị Nhật Bản rời đi.
Lực lượng quân sự Liên Xô khi đó đã tới Triều Tiên cùng với một nhóm rất đông những người Triều Tiên đã được huấn luyện kỹ càng về chủ nghĩa Cộng Sản. Trong nhiều năm, họ đã sống tại miền Tây Bá Lợi Á của Liên Xô hay lưu vong tại Trung Hoa. Một số người đã phục vụ trong Hồng Quân Liên Xô thời Thế Chiến Thứ Hai, một số nhân vật khác đã ở bên Lãnh Tụ Mao Trạch Đông trong giai đoạn Vạn Lý Trường Chinh. Tất cả những người phía Bắc này là những cán bộ Cộng Sản trung kiên, với một lòng hy sinh, tận tụy cho lý tưởng Cộng Sản quốc tế.
Tại phía Nam, người Hoa Kỳ đã lập nên Chính Phủ Quân Sự Hoa Kỳ (the US Army Military Government) và chỉ có bên mình một số nhỏ các người Triều Tiên đã từng hoạt động trong công cuộc chống Nhật Bản tại Hoa Kỳ, họ là những người xa quê hương trong nhiều năm, không nắm vững tình hình thực tế của đất nước, lại được đào tạo theo đường lối đấu tranh đại nghị, dân chủ, nhân bản, đồng thời Quân Đội Mỹ lại thiếu thốn rất nhiều về những người thông ngôn, thông dịch… trong khi chính sách của Chính Phủ Hoa Kỳ cũng không ổn đình, rõ ràng.
Lực lượng Liên Xô khi đó đã có đầy đủ cán bộ đào tạo vững vàng về mặt lý thuyết Cộng Sản nên người Liên Xô đã không trực tiếp nhúng tay vào cách khai triển chính trị và chính quyền, họ đã để cho chính các cán bộ Cộng Sản Triều Tiên vận động quần chúng vì thế chẳng bao lâu, việc kiểm soát Uỷ Hội Thành Lập Quốc Gia đã ở trong tay các người Cộng Sản và các cảm tình viên, khiến cho đối với dân tộc Triều Tiên, những người Cộng Sản đã đạt được “chính nghĩa giải phóng dân tộc” mà nhân dân Triều Tiên hằng mong đợi, và nhân dân miền Bắc Triều Tiên có ngờ đâu rằng trong suốt vài chục năm sau, họ vẫn triền miên chỉ là một nhóm nhân dân bị tuyên truyền bip bợm, hứa hẹn hấp dẫn trong khi trên thực tế, họ vẫn nghèo đói nhất châu Á và bị áp chế rất tinh vi và khoa học bởi “chế độ Công An trị”, cực kỳ tàn bạo không khác nào bọn Quân Phiệt Nhật Bản!
Ba năm chiếm đóng của lực lượng quân sự Hoa Kỳ tại miền Nam vĩ tuyến 38 của Triều Tiên chỉ mang lại sự không ổn định vì thiếu hẳn một chính sách rõ ràng về phía Hoa Kỳ, vì sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Liên Xô và vì sự phân hóa của nền chính trị nội bộ tại miền Nam Triều Tiên, trong khi Chính Phủ Quân Sự của miền Nam do Hoa Kỳ lập nên càng không lấy được lòng tin của dân chúng.
Hoa Kỳ đã duy trì liên lạc ngoại giao với Triều Đại Choson của Triều Tiên trong các năm từ 1882 tới 1905 nhưng vào thời đó, Triều Tiên chỉ là một quốc gia nhỏ bé, được ít người biết tới ngoại trừ vài nhà truyền giáo và vài thương nhân mạo hiểm. Vào giao đoạn Thế Chiến Thứ Hai, các nhà làm chính sách của Hoa Kỳ cũng chưa hiểu rõ vị trí chiến lược của bán đảo này. Sự bế tắc của Uỷ Ban Liên Hợp Hoa Kỳ – Liên Xô càng làm cho Hoa Kỳ bối rối, thêm vào đó là cảnh suy sụp dần dần của chính quyền Trung Hoa Quốc Dân Đảng do Tướng Tưởng Giới Thạch đứng đầu, đã khiến cho vào năm 1947, Nam Triều Tiên trở thành một phần đất duy nhất của miền Đông Bắc châu Á không ở trong vùng cộng sản kiểm soát.
Tư Lệnh lực lượng chiếm đóng Hoa Kỳ tại Triều Tiên thời bấy giờ là Trung Tướng John R. Hodge đã phải theo đuổi mục tiêu là nuôi dưỡng các điều kiện thuận lợi để sau này thiết lập một quốc gia tự do và độc lập. Tướng Hodge đã phải đương đầu với nhiều nhóm chính trị Triều Tiên đối kháng lẫn nhau của miền Nam.
Trước khi quân đội Hoa Kỳ đổ bộ lên đất Triều Tiên để tiếp thu sự đầu hàng của quân đội Nhật Bản thì tại bán đảo này, các người Cộng Sản Triều Tiên đã thành lập ra nhiều “Uỷ Ban Nhân Dân” (people ‘s committees) rồi các ủy ban nhỏ lại bầu ra “Uỷ Ban Nhân Dân Trung Ương” (the Central People ‘s Committee) và tới ngày 6 tháng 9 năm 1945, Uỷ Ban Nhân Dân Trung Ương đã công bố sẽ thành lập ra nước Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên (the Korean People ‘s Republic).
Mặt khác, số người Triều Tiên hải ngoại, phần lớn sống tại Trung Hoa, cũng tạo ra “Chính Phủ Lâm Thời Triều Tiên” (the Korean Provisional Government) tại thành phố Thượng Hải vào năm 1919 và tổ chức này đã hoạt động tại nhiều nơi ở Trung Hoa cho tới năm 1945. Đứng đầu Chính Phủ Lâm Thời này là ông Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee), Tổng Thống đầu tiên, và hai ông Thủ Tướng và Phó Thủ Tướng Kim Ku và Kim Kyu-sik. Lập trường của Hoa Kỳ thời bấy giờ là không công nhận cả hai chính phủ kể trên và trong vùng quân đội Hoa Kỳ chiếm đóng, Chính Phủ Quân Sự Hoa Kỳ đã ra lệnh giải tán các ủy ban nhân dân địa phương, đặt ra các luật lệ trực tiếp và cử các nhân viên quân sự quản trị mọi tầng lớp dân chúng, trong khi các nhân viên người Mỹ này lại không có kiến thức về Triều Tiên cũng như không có khả năng ngôn ngữ địa phương. Như thế Chính Phủ Quân Sự Hoa Kỳ đã phải đụng độ với Uỷ Ban Nhân Dân Trung Ương và Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên mà đằng sau chính là Đảng Cộng Sản Triều Tiên và đảng Cộng Sản này đã giành được sự hậu thuẫn của giới công nhân, sinh viên và nông dân. Hoàn cảnh chính trị tại Triều Tiên lại bị trầm trọng thêm vào tháng 12 năm 1945 khi việc “ủy trị” (a trusteeship) được công bố. Người dân Triều Tiên đã mong đợi một nền độc lập tức thì và thời gian ủy trị 5 năm (five-year trusteeship) đã làm cho họ thất vọng, khiến cho quân đội giải phóng Hoa Kỳ không còn được đón chào như trước.
2. Chính phủ của Miền Nam Triều Tiên
Vào đầu năm 1946, Chính Phủ Quân Sự Hoa Kỳ đã dựa vào lời khuyên và cố vấn của các phần tử bảo thủ, phần lớn là những nhà địa chủ và tư sản, rồi ủng hộ các nhân vật lưu vong và bảo thủ trở về nước nhưng từ tháng 5-1946 tới tháng 4-1947, do tình hình bắt buộc, Chính Phủ Quân Sự Hoa Kỳ đành chấp nhận sự liên hiệp (coalition) giữa phái hữu ôn hòa (the moderate right) đại diện bởi ông Kim Kyu-sik, Phó Thủ Tướng Chính Phủ Lâm Thời và phái tả ôn hòa (the moderate left) đứng đầu bởi ông Yo Un-hyong (hay Lyuh Woon Hyung), người cầm đầu Uỷ Ban Nhân Dân Trung Ương. Sự liên hiệp này đã không mang lại được tính đoàn kết mà chỉ là những trận đụng độ dữ dội không những về mặt ý thức hệ mà còn về các quan điểm trái ngược đối với cách ủy trị.
Vào tháng 12-1946, Chính Quyền Quân Sự Hoa Kỳ đã thiết lập Quốc Hội Lập Hiến Tạm Thời Nam Triều Tiên (the South Korean Interim Legislative Assembly) để viết ra các dự thảo luật, dùng làm căn bản cho các cải tổ chính trị, kinh tế và xã hội sau này. Quốc Hội Lập Hiến này đã gặp phải rất nhiều đối kháng. Các nhóm chính trị tả khuynh, tập hợp chung quanh đảng Công Nhân Nam Triều Tiên (the South Korean Workers ‘ Party) đã không tham gia, không cộng tác với Quốc Hội Lập Hiến trong khi đảng Dân Chủ Bảo Thủ (the Korean Democratic Party) được sự ủng hộ của các nhà buôn nhỏ và chủ đất, lại phản đối vì các lãnh tụ chính của họ không có mặt bên trong Quốc Hội. Phần lớn 45 nhân viên Quốc Hội Lập Hiến là những người bảo thủ, được chỉ định bởi ông Kim Kyu-sik và ông Phó Thủ Tướng này lại là nhân vật được Tướng John R. Hodge chọn ra để lãnh đạo chính trị mà trong thực tế, ông Kim này lại thiếu sức năng động và sự hậu thuẫn của các tầng lớp quần chúng và đảng phái.
Tình hình chính trị nội bộ của Nam Triều Tiên đã rối ren như vậy, nền kinh tế cũng rơi vào hoàn cảnh rất hỗn độn. Chính quyền thực dân Nhật Bản đã làm phát triển xứ Triều Tiên thành một bộ phận của đế quốc, liên kết với Nhật Bản và Mãn Châu. Việc chia đôi đất nước lại làm cho miền phía Nam của bán đảo lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Các kỹ nghệ nặng như các nhà máy hóa chất sản xuất phân bón, các cơ xưởng sắt thép… đều đã được đặt tại miền Bắc. Nhà máy điện được xây dựng trên bờ sông Áp Lục (Yalu river), nơi biên giới Triều Tiên – Mãn Châu, trong khi miền Nam chỉ có thể cung cấp 9 phần trăm tổng số điện năng cần dùng. Miền Bắc cũng giàu hơn về quặng mỏ và than đá trong khi miền Nam chỉ có nông nghiệp. Đồng thời đã ra đi từ Nam Triều Tiên 700 ngàn người Nhật khiến cho tại nơi đây thiếu hẳn các quản trị viên, chuyên viên và các nguồn tư bản. Tình trạng này đã dẫn đến các khoảng trống về quản lý và nguyên vật liệu, và nạn thất nghiệp rất cao.
Vào năm 1945, dân số Nam Triều Tiên là 16 triệu người, đã gia tăng 21 phần trăm vì số người từ các nước ngoài đổ về. Trước năm 1950, đã có hơn một triệu công nhân Triều Tiên hồi hương từ Nhật Bản, 120 ngàn người từ Mãn Châu và Trung Hoa, 1.8 triệu người từ miền Bắc di cư xuống miền Nam. Nhịp độ sinh sản hơn tử xuất vẫn tiếp tục với tỉ lệ 3.1 phần trăm. Các miền nông thôn không vui lòng chấp nhận các người mới đến khiến cho những kẻ dời cư dồn hết về thành phố Hán Thành (Seoul). Thực phẩm và các tiện nghi thiếu thốn, nạn lạm phát tăng vọt trong khi người Nhật Bản ra đi, đã để lại một số giấy bạc Yen khổng lồ, mới in xong.
Tới năm 1947, một nửa lực lượng lao động của Nam Triều Tiên bị thất nghiệp. Nguồn điện lực cung cấp từ miền Bắc bị cắt đứt, gây khó khăn cho đời sống tại miền Nam. Số người bất mãn, bị Cộng Sản xách động không phải là ít. Các vụ đình công và đòi hỏi xẩy ra thường xuyên cùng với các xáo trộn xã hội, các cuộc biểu tình chống chính sách của Chính Phủ Quân Sự Hoa Kỳ.
Trước hoàn cảnh rối tung này, Hoa Kỳ đã cung cấp một chương trình trợ giúp phát triển Nam Triều Tiên trị giá 500 triệu mỹ kim trong vòng 5 năm và cũng mang vấn đề Nam Triều Tiên ra trước Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 năm 1947. Tháng 11 năm đó, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (the UN General Assembly) đã chấp nhận lời đòi hỏi của Triều Tiên, chuẩn bị việc thành lập một chính phủ đoàn kết và độc lập cho toàn bán đảo Triều Tiên và việc rút lui quân đội chiếm đóng. Uỷ Ban Tạm Thời Liên Hiệp Quốc về Triều Tiên (the UN Temporary Commission on Korea) đã tới Nam Triều Tiên để giám sát cuộc bầu cử Quốc Hội Toàn Quốc (the National Assembly) được tổ chức vào tháng 5-1948. Tuy nhiên Liên Xô đã phản đối cách giải quyết của Liên Hiệp Quốc và từ chối không cho Uỷ Ban vào khu vực do Liên Xô kiểm soát tại miền Bắc. Như vậy sự phân cách giữa hai miền Nam và Bắc Triều Tiên càng ngày càng rộng lớn và khác biệt.
Các nhà ái quốc và chính trị của Nam Triều Tiên như vậy đã đứng trước hai chọn lựa: một đằng là nền độc lập tức thì của miền Nam trong khi chấp nhận quê hương bị chia cắt làm hai, đằng khác là sự thống nhất đất nước bằng cách cố gắng giải quyết các trở ngại nội bộ do thương thảo với miền Bắc cộng sản. Ông Lý Thừa Vãn theo đuổi lập trường thứ nhất trong khi hai ông Thủ Tướng Kim Ku và Phó Thủ Tướng Kim Kyu-sik lại chủ trương giải pháp thứ hai. Hai ông Kim này đã dẫn một nhóm người đi theo, tới Bình Nhưỡng (P ‘yongyang) vào tháng 4-1948 để tiếp xúc với các lãnh tụ cộng sản và tẩy chay cuộc bầu cử tổ chức vào tháng 5-1948, trong khi đó cánh khuynh tả ôn hòa đã gặp các xáo trộn sau khi lãnh tụ là ông Yo Un-hyuong đã bị ám sát vào tháng 7-1947.
Ngày 10 tháng 5 năm 1948, Quốc Hội của Nam Triều Tiên được bầu lên, đã chấp thuận một Hiến Pháp ấn định nhiệm kỳ Tổng Thống là 4 năm. Ông Lý Thừa Vãn trở thành nhân vật đứng đầu Quốc Hội. Dựa trên căn bản của Hiến Pháp, nước Cộng Hòa Triều Tiên (the Republic of Korea) được tuyên bố thành lập vào ngày 15 tháng 8 năm 1948 và ông Lý Thừa Vãn, 73 tuổi, trở thành Tổng Thống. Bốn ngày sau đó, miền Bắc Triều Tiên đã cắt hẳn điện lực dẫn xuống miền Nam và trong một tháng sau, tại miền Bắc cũng ra đời nước Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên (the People ‘s Republic of Korea) dưới quyền của Thủ Tướng Kim Nhật Thành.
Quân đội Nam Triều Tiên được thành lập vào tháng 9 năm 1948 nhưng cuộc nổi loạn Yosu-Sunch’on vào tháng 10 năm đó bởi các người cộng sản nằm vùng, đã làm cho Quân Đội này yếu hẳn đi, rồi tới ngày 29-6-1949, lực lượng chiếm đóng Hoa Kỳ chính thức rút lui khỏi Nam Triều Tiên, khiến cho miền đất này dễ dàng bị quân đội cộng sản miền Bắc tràn xuống. Vào buổi sáng ngày Chủ Nhật, 25-6-1950, bắt đầu cuộc “chiến tranh nóng” Triều Tiên, kéo dài trong 3 năm với tổn thất rất to lớn về cả hai phía.
3. Tiểu Sử ông Lý Thừa Vãn
Ông Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee, 1875-1965) sinh ra tại tỉnh Hwanghae vào ngày 26 tháng 4 năm 1875. Sau khi được hấp thụ nền giáo dục cổ điển truyền thống, ông đã theo học trường Methodist và tại nơi đây, ông học tiếng Anh. Vào năm 1896, ông Lý Thừa Vãn đã tham gia vào một nhóm chính trị để đấu tranh cho nền độc lập của Triều Tiên. Ông bị cầm tù từ năm 1898 tới năm 1904 vì đã dẫn đầu các cuộc biểu tình của sinh viên đòi độc lập. Ông cũng là tác giả cuốn sách “Tinh Thần Độc Lập” (the Spirit of Independence, 1904). Sau khi ra khỏi nhà tù, ông Lý Thừa Vãn đã qua Hoa Kỳ và theo học tại các Đại Học George Washington, Harvard và Princeton. Ông là người Triều Tiên đầu tiên đậu bằng Tiến Sĩ (Ph.D) của Đại Học Hoa Kỳ (Princeton) năm 1910. Sau đó ông đã trở về Triều Tiên trong một thời gian ngắn và chính quyền hà khắc của Nhật Bản đã khiến ông phải quay trở lại Hoa Kỳ vào năm 1912.
Ông Lý Thừa Vãn là Thủ Tướng của chính phủ lâm thời lưu vong tại thành phố Thượng Hải từ năm 1919 tới năm 1941. Ông trở lại Triều Tiên năm 1945 và đã xây dựng tại đây một tổ chức chính trị với sự yểm trợ của cảnh sát và những người chủ trương hành động mạnh. Sau khi nhiều lãnh tụ ôn hòa bị ám sát, đảng chính trị của ông thắng phiếu và ông được bầu làm Tổng Thống của Nam Triều Tiên vào năm 1948. Từ lúc này, ông đã theo đuổi một chính sách độc tài, thao túng Quốc Hội, đàn áp các đảng phái đối lập. Ông Lý Thừa Vãn được tái cử vào chức vụ Tổng Thống vào các năm 1952, 1956 và 1960 nhưng một tháng sau kỳ đắc cử lần chót, sự gian lận phiếu bầu đã khiến cho sinh viên biểu tình rầm rộ. Cuộc cách mạng sau khi đã gây ra nhiều tổn thất nặng nề vào tháng 4 năm 1960 đã khiến cho ông Lý Thừa Vãn phải từ chức. Ông đi tị nạn tại Hawaii, Hoa Kỳ, và rồi qua đời tại Honolulu vào ngày 19-7-1965.
4. Tiểu sử ông Kim Nhật Thành
Ông Kim Nhật Thành (Kim Il Sung, 1912-1994) tên thật là Kim Sung-ju, sinh ngày 15-4-1912 tại Ch’ilgol-dong, gần thành phố Bình Nhưỡng (P’yongyang), Triều Tiên. Cha của ông là một giáo chức. Trong thời gian ông Kim còn nhỏ, gia đình này đã dọn qua tỉnh Cát Lâm (Jilin, còn gọi là Kirin) thuộc Trung Hoa và tại đây, ông đã trở nên một đảng viên cộng sản Triều Tiên vào năm 1931. Trong các năm của thập niên 1930, ông đã dẫn đầu các cuộc kháng chiến vũ trang chống Nhật và mượn tên Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) của một chiến sĩ chống Nhật đã chết. Trong Thế Chiến Thứ Hai, ông Kim đã cầm đầu đoàn quân Triều Tiên nằm trong Hồng Quân Liên Xô để rồi sau đó đứng ra thành lập chính phủ cộng sản miền Bắc. Ông Kim Nhật Thành là lãnh tụ của Đảng Công Nhân Triều Tiên, Thủ Tướng đầu tiên của Bắc Triều Tiên và về sau là Chủ Tịch của nước Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên. Vào năm 1977, chính phủ Bắc Triều Tiên đã tuyên bố người con trai của ông Kim Nhật Thành là Kim Chính Nhật (Kim Chong-il) sẽ trở nên Chủ Tịch sau khi ông Kim qua đời.
Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên cho tới ngày nay vẫn còn là một xứ sở rất nghèo đói, lạc hậu và rất “bí ẩn” nên ít người hiểu rõ về miền đất này cũng như về các nhân vật lãnh đạo của miền Bắc Triều Tiên.
Phạm Văn Tuấn