Một sinh viên đứng trên bục cao trong tang lễ Hồ Diệu Bang ngày 24 tháng Tư 1989, phát biểu: Đồng chí Hồ Diệu Bang vừa qua đời. Ông là một lãnh đạo trong sạch. Ông không có một chương mục ngân hàng ở nước ngoài. Con cái ông không thăng quan tiến chức chỉ vì cha là lãnh đạo đảng Cộng Sản. Hôm qua chúng ta nói về minzhu, dân chủ. Vậy minzhu nghĩa là gì? Min là “nhân dân” và Zhu là “làm chủ”. Chúng tôi muốn nhận trách nhiệm làm chủ !
Lời phát biểu của anh được đáp lại bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt của hàng trăm ngàn người như được ghi lại trong cuốn phim tài liệu nổi tiếng The Gate of Heavenly Peace của Long Bow Group.
Và đó cũng là một trong hàng loạt các hoạt động của phong trào dân chủ Trung Quốc đã kéo dài suốt bảy tuần lễ tại quảng trường Thiên An Môn. Kết quả, một thiên hùng ca được viết bằng máu của nhiều ngàn sinh viên Trung Quốc yêu dân chủ và được thế giới biết đến hôm nay và mãi mãi về sau như Tàn Sát Thiên An Môn. Một điều cần lưu ý, nguyện vọng của nhân dân bị đáp lại bằng máu chẳng phải chỉ phát xuất từ quan điểm Cộng Sản cứu cánh biện minh phương tiện thôi mà còn là đặc tính riêng của văn hóa Trung Quốc. Ngay từ 1926, Lỗ Tấn đã phát biểu “Thỉnh nguyện lên chính phủ xảy ra tại mọi nước. Điều đó không cần thiết phải kết quả bằng cái chết, ngoại trừ, dĩ nhiên tại Trung Quốc”.
Lý tưởng Cộng Sản được Marx, Engel và các môn đệ ở Trung Quốc điểm tô như một thiên đàng tuyệt hảo, có khả năng thỏa mãn mọi nhu cầu của loài người tự giác. Lý thuyết đó cuốn hút hàng triệu nông dân Trung Quốc nghèo khó bỏ gia đình, vợ con, ruộng vườn, đi theo Mao Trạch Đông tìm chân lý. Từ vỏn vẹn 12 đại biểu đại diện cho 57 đảng viên cả nước trong đại hội thành lập đảng 1921 tại Thượng Hải, đảng Cộng Sản Trung Quốc có trên 10 triệu trong đại hội lần thứ Tám vào 1956, chưa tính số đảng viên bị giết trong thời kỳ nội chiến và trong chiến tranh chống Nhật.
Tuy nhiên, sau khi tóm thâu toàn lục địa Trung Hoa, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã lộ nguyên hình là một đảng độc tài toàn trị, chăn dân chẳng khác gì chăn trâu ngựa. Thiên đàng đâu không thấy, chỉ có một chế độ nô lệ mới ra đời trong địa ngục trần gian Trung Quốc. Giới lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc đã phản bội khát vọng của nhân dân, bỏ chết đói nhiều chục triệu người qua các chính sách kinh tế vô cùng ngu xuẩn trong những năm từ 1958 đến 1961, và sáng sớm ngày 5 tháng Sáu 1989 đã tàn sát thêm nhiều ngàn thanh niên Trung Quốc vô tội.
Trong lúc phong trào Thiên An Môn 1989 là một thiên hùng ca về khát vọng dân chủ tự do của con người sẽ mãi mãi được hát lên trên khắp địa cầu, nguyên nhân, diễn tiến và hậu quả thảm khốc của biến cố đã để lại những bài học hữu ích cho các phong trào sinh viên dân chủ thế giới, đặc biệt đối với các phong trào sinh viên dân chủ tại các quốc gia có hoàn cảnh chính trị tương tự như Trung Quốc trong những ngày trước mắt.
Trước hết cần sơ lược những diễn biến chính của phong trào Thiên An Môn. Tại Trung Quốc, các buổi tập hợp nhằm mục đích biểu dương sức mạnh quần chúng đã trở thành một tập quán lâu đời. Có thể vì nhiều lần và có nội dung trùng hợp, nhất là trong thời “Cách Mạng Văn Hóa” nên các biến cố thường được gọi bằng ngày tháng mà biến cố đó phát sinh thay vì nguyên nhân tạo nên biến cố. Ví dụ, Phong Trào 4 tháng Năm để nhắc nhở cuộc nổi dậy chống đế quốc qua các hiệp ước bất bình đẳng do sinh viên Bắc Kinh phát động ngày 4 tháng Năm 1919 hay biến cố 5 tháng Tư với hàng trăm ngàn người tập trung để kỷ niệm một năm ngày cố Thủ Tương Chu Ân Lai qua đời. Biến cố 4 tháng Sáu, hay còn được báo chí quốc tế gọi là biến cố Thiên An Môn, diễn ra từ 14 tháng Tư đến 5 tháng Sáu 1989, được quan tâm nhiều nhất, không những vì phong trào kéo dài nhiều tuần lễ, số người chết cao, được hàng ngàn nhà báo quốc tế theo dõi mà còn gây tác dụng mạnh mẽ đối với vị thế chính trị của Trung Quốc trong bang giao quốc tế.
Biến cố Thiên An Môn phát sinh sau khi cựu Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang, nguyên là một lãnh tụ Cộng Sản có khuynh hướng cải cách ôn hòa, qua đời sáng sớm 15 tháng Tư 1989. Sáng hôm đó, hàng trăm ngàn người thuộc nhiều giới, trong đó có các đảng viên Cộng Sản trẻ, các nhóm Cộng Sản có khuynh hướng cải cách, các nhóm Cộng Sản thuộc phe đệ tứ tập trung để thương tiếc cựu tổng bí thư và phản đối chính sách trung ương tập quyền của đảng, đòi hỏi các cải cách chính trị, kinh tế. Trong những ngày đầu này sinh viên chưa thực sự tham gia mặc dầu có một số đã có mặt, trong đó có Chai Ling, người sẽ đóng vai trò quan trọng trong nhiều tuần sau đó. Ngày 15 tháng Tư cũng là ngày sinh nhật của cô sinh viên 23 tuổi này và như cô ta nhìn lại sau này: “Phong trào là một biểu lộ ý thức dân chủ tự nhiên của người dân và sinh viên”.
Sau tuần lễ đầu không có một lãnh tụ nào nổi bật và cũng không có mục đích cụ thể, sáng 17 tháng Tư, ba ngàn sinh viên từ Đại Học Bắc Kinh tiến về quảng trường Thiên An Môn, và tiếp theo sau, nhiều ngàn sinh viên khác từ Đại Học Thanh Hoa (Tsinghua) nỗi tiếng cũng tham gia cuộc biểu dương lực lượng. Cuộc biểu tình nhận được sự ủng hộ của các trường đại học khác ở Bắc Kinh và bắt đầu lan tràn sang các thành phố khác.
Ngày 19 tháng Tư, một liên hiệp sinh viên các trường đại học tại Bắc Kinh ra đời. Ba ngày sau, sinh viên tham dự lễ tưởng niệm cựu Tổng Bí Thư Hồ Diệu Bang tại Nhân Dân Đại Sảnh. Vào thời điểm này, một bản thỉnh nguyện bảy điểm được sinh viên công bố, gồm (1) Khẳng định quan điểm dân chủ và tự do của cố Tổng Bí Thư Hồ Diệu Bang; (2) thừa nhận chiến dịch chống sa đọa tinh thần và giải phóng tư sản là sai lầm; (3) công khai hóa lợi tức của các lãnh đạo nhà nước và gia đình họ; (4) chấm dứt việc ngăn cấm báo chí tư nhân và cho phép tự do ngôn luận; (5) tăng ngân sách giáo dục và tăng lương cho trí thức; (6) chấm dứt hạn chế biểu tình tại Bắc Kinh; (7) tổ chức các cuộc tuyển cử dân chủ để thay thế các viên chức chính phủ đã thực hiện các quyết định sai lầm. Ngoài ra, các lãnh tụ phong trào Thiên An Môn còn đòi hỏi các phương tiện truyền thông nhà nước phải công bố các yêu sách của họ cho dân chúng biết.
Ngày 26 tháng Tư, tờ Nhân Dân Nhật Báo trong bài bình luận đã tố cáo “một nhóm nhỏ âm mưu” tạo sự xáo động nhằm lật đổ đảng Cộng Sản và hệ thống xã hội chủ nghĩa. Sinh viên đã phản ứng bằng một cuộc biểu dương lực lượng của 40 trường đại học để phản đối nội dung của bài bình luận trên báo Nhân Dân. Ngày 13 tháng Năm sinh viên bắt đầu cuộc tuyệt thực trước Nhân Dân Đại Sảnh, trụ sở của Ủy Ban Thường Trực Hội Đồng Đại Biểu Nhân Dân. Hơn một ngàn người tham gia chiến dịch này. Trong lúc đó, nhiều ngàn sinh viên khác bao vây khu Trung Nam Hải, trụ sở của các cơ quan nhà nước. Tại cả hai nơi, các lãnh tụ sinh viên yêu cầu chính phủ phải công bố bản thỉnh nguyện bảy điểm. Các lực lượng công an phòng vệ giải tán bằng gậy gộc. Sinh viên phản ứng bằng cách kêu gọi đình công, bãi trường. Cả Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương lẫn Thủ Tướng Lý Bằng đều có gặp sinh viên để tìm cách chấm dứt cuộc tuyệt thực nhưng không có kết quả. Trong các lãnh đạo đảng, Triệu Tử Dương có khuynh hướng mềm dẻo, trong lúc Lý Bằng và Đặng Tiểu Bình thiên về các phương pháp cứng rắn. Đặng Tiểu Bình trong một phiên họp mật của trung ương đảng đã cảnh giác một mối đe dọa thực sự đang xảy ra. Mặc dù vị trí nhà nước của họ Đặng tương đối thấp so với các lãnh đạo khác, y lại là Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương và là người có quyết định ban hành luật quân sự nhân danh các lãnh đạo nhà nước, phần lớn chỉ có tính cách lễ nghi.
Trong lúc cuộc tuyệt thực đang tiến hành, ngày 15 tháng Năm, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Liên Xô Mikhail Gorbachev đến Bắc Kinh trong ngày đầu của chuyến viếng thăm cực kỳ quan trọng giữa hai nước. Đây là chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên trong 30 năm và hy vọng sẽ tái lập mối quan hệ ngoại giao vốn bị rạn nứt từ thời Nikita Khrushchev. Hơn một ngàn đại diện báo chí quốc tế, trong đó rất đông do chính nhà nước Trung Quốc mời, để tường thuật chuyến viếng thăm của Mikhail Gorbachev. Luật quân sự được ban hành ngày 20 tháng Năm. Ngày 24 tháng Năm, Tổng Hành Dinh Bảo Vệ Quảng Trường Thiên An Môn được thành lập và sinh viên bậc cao học Chai Ling được bầu làm Tổng Chỉ Huy. Một bức tượng Nữ Thần Tự Do cao mười mét được dựng lên vào tuần lễ sau đó.
Lúc 5 giờ chiều ngày 2 tháng Sáu, Lưu Hiểu Ba và hai người khác bắt đầu tuyệt thực. Trường hợp Lưu Hiểu Ba rất đặc biệt vì khi mới bắt đầu xảy ra vụ Thiên An Môn ông còn ở New York. Như ông trả lời trong một cuộc phỏng vấn truyền hình sau đó, các hình ảnh trên TV Mỹ đã có tác dụng sâu sắc vào nhận thức của ông và ngày 26 tháng Tư, ông quyết định trở lại Trung Quốc qua ngả Tokyo. Ngày 2 tháng Sáu, Trung Ương Đảng dứt khoát đồng ý dọn sạch quảng đường Thiên An Môn bằng võ lực. Ngày 3 tháng Sáu, các đơn vị Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc bắt đầu tấn công vào quảng trường. Binh đoàn 27 được báo chí ghi nhận là chủ chốt gây thương vong cho sinh viên và dân chúng. Vào lúc 5 giờ 40 sáng 4 tháng Sáu, quảng trường Thiên An Môn nằm trong tay kiểm soát của quân đội. Số người bị giết được ước tính khác nhau tuy theo nguồn tin. Tình báo của NATO ước lượng 7 ngàn người bị giết trong lúc tin của Liên Xô có khoảng 10 ngàn và theo tin của cơ quan Hồng Thập Tự Trung Quốc có 5 ngàn người bị giết và 30 ngàn bị thương.
Dưới các chế độ Cộng Sản những cuộc thảm sát thường không được tiết lộ ra ngoài. Các chính sách kinh tế sai lầm tệ hại của Mao dẫn đến hàng nhiều chục triệu người dân vô tội chết oan, chết đói cũng không được thế giới biết đến một cách chi tiết. Cuộc Tàn Sát Thiên An Môn là biến cố được các hãng truyền hình ghi nhận nhiều nhất và đã có tác hại trầm trọng đến uy tín chính trị của đảng và nhà nước Cộng Sản Trung Quốc trong bang giao quốc tế một thời gian khá dài vì hai lý do. (1) Các cơ sở truyền thông quốc tế đến Trung Quốc như một trùng hợp ngẫu nhiên để đưa tin về chuyến viếng thăm Trung Quốc của Tổng Bí Thư Liên Xô Michail Gorbachev nhưng lại có cơ hội hiếm hoi ghi nhận các hậu quả của biến cố Thiên An Môn, và (2) các hãng truyền thông truyền hình của đảng trong lúc chỉ trích cuộc biểu tình qua các tin tức, phóng sự truyền hình đã vô tình tiếp tay giúp loan tin đến các tầng lớp quần chúng và kích động quần chúng tham gia biểu tình.
Dù gây một tiếng vang lớn, phong trào Thiên An Môn của sinh viên Trung Quốc đã không đạt được mục đích như đã đề ra trong tuyên bố bảy điểm và để lại cho các phong trào dân chủ trẻ thế giới nói chung và tại các quốc gia Cộng Sản nói riêng những bài học cần thiết:
1. Đoàn kết nội bộ: Theo ký giả Robert Gifford của đài BBC nhận xét nhân dịp đánh dấu 10 năm Tàn Sát Thiên An Môn, một trong những lý do dẫn đến sự thất bại của phong trào Thiên An Môn là sự thiếu đoàn kết trong lãnh đạo phong trào sinh viên. Phần lớn các lãnh tụ sinh viên tham gia một cách tự phát cuộc biểu tình chỉ vì bất mãn trước tình trạng lạc hậu kinh tế, tham nhũng xã hội và độc tài chính trị nhưng không có một nghị trình rõ ràng cần phải làm gì để chuyển hóa một tập thể đầy cảm tính sang một phong trào có tổ chức. Sự chia rẽ không những vì quan điểm mà còn cục bộ đến mức theo mỗi trường, mỗi khoa, mỗi nhóm đã diễn ra rất sâu sắc trong hàng ngũ lãnh đạo phong trào.
2. Ý thức về dân chủ: Tất cả sinh viên Trung Quốc trong lứa tuổi hai mươi trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, ở đó các lý thuyết dân chủ hoàn toàn không được giảng dạy đừng nói chi đến việc ứng dụng vào một hoàn cảnh xã hội đa văn hóa vô cùng phức tạp như Trung Quốc. Bản thân của những lãnh tụ sinh viên chẳng những không phải phát xuất từ thành phần chống đảng mà còn được rèn huấn bằng lý luận Cộng Sản. Cha mẹ của Chai Ling, lãnh tụ hàng đầu của phong trào là đảng viên Cộng Sản và bản thân cô là thành viên của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Ương.
3. Phong trào kéo dài quá lâu nhưng không thực hiện các biện pháp có tính quyết định: Các lãnh tụ sinh viên lẽ ra ngay từ đầu phải đặt chỗ dựa vững chắc trong lòng nhân dân, tìm mọi cách nối kết với các phong trào lao động, nhưng theo nhiều nguồn tin quốc tế, họ đã tỏ ra do dự không chịu sự hợp tác đấu tranh với tầng lớp công nhân. Thái độ thiếu dứt khoát và tầm nhìn chiến lược quá giới hạn của sinh viên đã dẫn phong trào đến chỗ bế tắc. Căn cứ vào lời phát biểu của các lãnh tụ sinh viên, dù vụ tàn sát Thiên An Môn không diễn ra, phong trào Thiên An Môn sớm muộn cũng tự giải tán. Tác giả Eddie Chang trong tác phẩm Standoff at Tiananmen mô tả tâm trạng tuyệt vọng của các lãnh tụ sinh viên trong những ngày cuối trước khi cuộc tàn sát xảy ra như trường hợp Chai Ling: “Ngoại trừ những khi thật cần để phát biểu để sinh viên lên tinh thần, Chai Ling ít khi xuất hiện và giao phó hết công việc cho phụ tá của cô”.
Đó là chưa kể các khó khăn về thông tin, vệ sinh, thực phẩm, nước uống, y tế, trật tự trong quảng trường bao la với nhiều trăm ngàn người tập trung suốt nhiều tuần lễ.
Vào thời điểm 1989, phần lớn những khó khăn đó là những khó khăn khách quan bị quy định bởi hoàn cảnh xã hội, ý thức chính trị và giới hạn thông tin tại Trung Quốc.
Nếu biến cố Thiên An Môn xảy ra hôm nay, những khó khăn đó chắc chắn sẽ được vượt qua khá dễ dàng bởi vì, về mặt chủ quan thế hệ trẻ ngày nay có một nhận thức dân chủ rõ ràng và vững chắc, và về mặt khách quan thế giới đã chuyển mình sang một thời đại thông tin rộng mở mà không nhà nước nào, không một kỹ thuật nào có khả năng bưng bít được hoàn toàn, kể cả tại Trung Quốc. Cuộc cách mạng tin học bùng nổ đầu thập niên 1990 đã giúp mang con người không phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn, khác biệt về tôn giáo đến gần nhau trong một căn nhà. Trái đất mỗi ngày một nhỏ dần. Những hàng rào ngăn cách giữa người và người đã bị giới hạn nhiều. Nhân loại ngày nay cần được sống trong một xã hội mở, không bị bao bọc trong bốn bức tường độc tôn hay độc tài.
Một số nhà phân tích tình hình Trung Quốc cho rằng những gì đang xảy ra tại Quảng Trường Tahrir ở Cairo không thể xảy tại Quảng Trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh như giới lãnh đạo Trung Quốc đang lo lắng quá xa. Xin đừng quên, trước ngày Thiên An Môn bùng nổ 1989 không ai nghĩ biến cố đó có thể xảy ra. Các lãnh đạo nhà nước Trung Quốc được Đặng Tiểu Bình đưa lên trong giai đoạn đó như Triệu Tử Dương, Lý Bằng là những chuyên viên có đầu óc thực dụng. Chính sách bốn hiện đại hóa đang chứng tỏ thành công. Nền kinh tế Trung Quốc đang bước vào thời kỳ phát triển thứ hai với các kết quả vượt kế hoạch dự trù. Hệ thống tập thể hóa nông nghiệp đã bị xóa bỏ. Công nghiệp tư doanh phát triển một cách nhanh chóng. Giá cả hàng hóa không còn bị quy định bởi nhà nước mà theo nhu cầu thị trường. Nhưng tất cả những phát triển đó đã không đáp ứng được đòi hỏi của thế hệ thanh niên đã tiến xa hơn thực tế xã hội.
Sau ngày thảm sát Thiên An Môn tháng Sáu 1989, một nhà văn Trung Quốc dấu tên đã viết những lời tưởng niệm và dán lên bức tường Thiên An Môn chưa khô hết máu, trong đó có đoạn: “Chúng tôi vững tin tưởng rằng, sẽ có một ngày khi chúng tôi có thể hát bài hát vui mừng và chiến thắng cho những người đã chết hôm qua, cho những người đang chết hôm nay, và sẽ chết ngày mai, và cho những người gặp nhau đây rồi vĩnh biệt hôm sau.”
Đúng vậy, phong trào Thiên An Môn bùng nổ và đã bị dập tắt nhưng chắc chắn một Thiên An Môn khác đang được hình thành tại Trung Quốc bởi vì khát vọng tự do dân chủ là ngọn lửa thiêng âm thầm cháy trong lòng người dù đang sống ở đâu trên mặt đất này. Nơi nào có độc tài đảng trị nơi đó sẽ có cách mạng dân chủ. Không ai biết thời điểm nào một cách mạng sẽ diễn ra nhưng không thể phủ nhận hay trốn tránh quy luật xã hội đó.
Nếu biến cố Thiên An Môn xảy ra hôm nay, ý thức dân chủ trong thệ hệ trẻ Trung Quốc đã trưởng thành cộng với các phương tiên thông tin đang có, cuộc tranh đấu sẽ không dừng lại ở những điều thỉnh nguyện suông mà có thể dẫn đến sự sụp đổ toàn bộ hay ít nhất làm thay đổi căn bản cơ chế chính trị tại Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ ngăn chận Internet như họ đã ngăn chận Twitter, Facebook, Flickr, Youtube, Blogspot v.v. nhân dịp kỷ niệm 20 năm Tàn Sát Thiên An Môn cách đây hai năm, nhưng phe dân chủ vẫn còn rất nhiều cách để thông tin trong nội địa cũng như chuyển và nhận tin từ nước ngoài. Một chuyên viên kỹ thuật Trung Quốc dấu tên khi được hỏi những gì sẽ xảy ra nếu biến cố Thiên An Môn đang diễn tiến hôm nay, đã thừa nhận rằng với số lượng người được nối kết vào Internet mỗi ngày tăng hàng triệu, việc chận đứng toàn bộ và lâu dài không phải là chuyện dễ dàng.
Một bằng chứng điển hình, theo The Wall Street Journal Asia phát hành hôm 31 tháng Giêng 2011, chính phủ Trung Quốc chặn hai chữ Egypt và Cairo từ các nguồn tìm kiếm internet. Hành động trẻ con đó của giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc cho thấy họ luôn sống trong bất an, bị động và luôn nằm trong thế thủ hơn là thế công. Hơn ai hết, giới lãnh đạo Trung Quốc biết vị trí của họ là vị trí của một quốc gia bị bao vây, bởi vì chung quanh họ hầu hết là kẻ thù, không chỉ thù kinh tế, chính trị mà cả về văn hóa, lịch sử, địa lý. Ngoài ra, Trung Quốc ngày nay không phải là một quốc gia đang phát triển, không có gì để mất như hai chục năm trước mà là một cường quốc, dù muốn hay không, họ cũng phải đóng vai trò cường quốc với tất cả trách nhiệm quốc tế để bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc. Nếu không, một khi phong trào dân chủ thế giới qua đi, Mỹ sẽ xuất hiện trên trường quốc tế như một cường quốc có lợi nhất, ngay cả còn mạnh hơn một nước Mỹ sau thế chiến thứ hai.
Và cho dù chế độ có thể ngăn chận được thông tin trong lục địa Trung Quốc, Bắc Kinh cũng không thể làm gì được để ngăn chận thông tin quốc tế được truyền đi qua hàng trăm phương tiện internet nhanh nhất và có tác dụng tạo nên một làn sóng công phẫn trên phạm vi toàn thế giới. Sinh viên Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc sẽ không cô đơn như 1989 mà cả nhân loại sẽ đứng về phía họ. Hàng trăm cuộc biểu tình trước các tòa đại sứ Trung Quốc ở nước ngoài sẽ tạo nên một áp lực quốc tế thường trực không kém gì tại lục địa Trung Hoa. Thượng Nghị Sĩ John McCain phát biểu trên CNN tuần này “Chúng ta không thể chấp nhận một Tiananmen Square xảy ra tại Cairo”. Điều đó có nghĩa nếu Thiên An Môn xảy ra hôm nay, giới lãnh đạo Mỹ, vì cả hai lý do nhân đạo cũng như kinh tế, sẽ không đứng bàng quan nhìn hàng ngàn thanh niên vô tội bị nghiền nát dưới lằn xích sắt như đã diễn ra trong 1989.
Giống như cơ chế nhà nước tư bản là hệ quả khoa học của cuộc cách mạng kỹ nghệ vào thế kỷ 18, các chế độ dân chủ mở rộng ngày nay là hệ quả khoa học của một nền kinh tế đang được toàn cầu hóa. Ánh sáng tự do đang rọi vào những nơi mà trước đây không mấy ai quan tâm đến như Tunisia, Sudan, Yemen, Morocco và lần lượt sẽ đến nhiều nơi khác đang sống dưới chế độ độc tài.
Trần Trung Đạo
Tham Khảo:
1. Documentary film: The Gate of Heavenly Peace – Transcript©1995, Long Bow Group Inc.
2. Eddie Cheng, Standoff At Tiananmen (Sensys Corp.: March 2009).
3. Rob Gifford, “Student division leads Tiananmen failure,” BBC Special Report 1999.
4. Turmoil At Tiananmen: A Study Of U.S. Press Coverage of The Beijing Spring of 1989 (The Joan Shorenstein Barone Center on the Press, Politics and Public Policy, John F. Kennedy School of Government, Harvard University, 1992).
5. Wikipedia tiếng Việt “Sự Kiện Thiên An Môn”
6. Wikipedia tiếng Anh, “Tiananmen Square protests of 1989”
7. Geremie Barmé, “Beijing Days, Beijing Nights,” từ The Pro-Democracy Protests In China: Reports From The Provinces. ed. Jonathan Unger (East Gate Book: 1991).
8. chinasupport.net
9. Robin Munro, “The Bloody Road to Tiananmen,” The Nation, June 2, 2009.