Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện thảo luận về “quá độ đi lên Xã Hội Chủ Nghĩa” … Những người ủng hộ điều ấy (chắc cũng có ?) bị chỉ trích là không định được nội dung của Xã Hội Chủ Nghĩa. Những người chống lại điều ấy thì nói chung chung là chống lại một chuyện không có nội dung…
Vào giữa thập niên 80, khi bức tường Bá Linh còn chưa sụp đổ, tôi được xem một văn kiện của ban Khoa Giáo Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, trong đó, sau khi trao đổi với các nhà “khoa học” của các nước Xã Hội Chủ Nghĩa anh em, người ta đã đi đến nhiều nhận định, trong đó có một nhận định quan trọng đến từ các nhà “khoa học” Trung Quốc. Các vị này đã định ra một tiêu chuẩn quan trọng cho Xã Hội Chủ Nghĩa. Đó là: một xã hội chỉ bước lên được Xã Hội Chủ Nghĩa khi có lợi tức đầu người cao hơn 6000 Mỹ Kim (hối suất thập niên 80).
Như vậy việc quan trọng nhất để bước lên Xã Hội Chủ Nghĩa chính là làm cho kinh tế tăng trưởng, nâng cao sản xuất, tạo thêm phú hữu. Kinh nghiệm cho biết không có phương pháp nào làm được chuyện ấy hữu hiệu hơn Tư Bản Chủ Nghĩa. Chính Marx cũng đã để lại nhiều đoạn văn ca ngợi vai trò tích cực của Tư Bản Chủ Nghĩa. Tức là bài toán của Xã Hội Chủ Nghĩa không gì khác hơn là thực hiện tốt Tư Bản Chủ Nghĩa!
Karl Marx, 1875
Điều này đương nhiên là chưa đủ. Lý do vì phú hữu tạo ra được bởi Tư Bản Chủ Nghĩa có khuynh hướng tập trung trong tay những nhà tư bản, tức những người có vốn để đầu tư vào guồng máy sản xuất công nghiệp hay dịch vụ. Thật ra, xã hội tư bản có nhu cầu phân phối lợi tức ấy đến đa số dân chúng để cho họ có khả năng tiêu thụ, làm chạy kinh tế. Tuy nhiên, sự phân phối này có thể không được thích nghi. Mặt khác, sự phát triển của bộ máy tài chính, với khuynh hướng đầu cơ, thay vì giúp cho sản xuất, có thể tạo ra một khối tài sản “ảo” quan trọng, trồi sụt bất thường, gây thiệt hại cho người dân. Vì thế, thực hiện Xã Hội Chủ Nghĩa cũng là điều chế Tư Bản Chủ Nghĩa, một mặt để tránh những lạm dụng, mặt khác để tăng cường sự phân phối lợi tức nhiều hơn mức độ mà guồng máy Tư Bản tự nó cho phép. Một cách đơn giản, có thể nói Xã Hội Chủ Nghĩa trong thực tế áp dụng chỉ là Tư Bản Chủ Nghĩa với nhiều thuế má hơn một tí…
Trong trường hợp Việt Nam, tương lai của Xã Hội Chủ Nghĩa có thể trở thành hiện thực hay không? Rất khó, vì ba lý do :
– Người ta không thể bắt những tác nhân kinh tế đang nắm ưu thế trong xã hội, tự nguyện nhượng bộ, từ bỏ lợi nhuận của mình quá một mức tối thiểu nào đó. Muốn làm được việc ấy phải thông qua một thể chế dân chủ thực sự. Thật ra, ngay cả trong những thể chế dân chủ, điều này cũng gặp nhiều khó khăn. Đảng Cộng Sản Việt Nam có sinh hoạt dân chủ trong nội bộ của mình, nhưng đó chỉ là sự phân phối quyền lợi giữa những tác nhân ưu thắng, không phản ảnh quyền lợi của người dân.
– Bối cảnh khủng hoảng làm giảm bớt khả năng tự chủ của những quốc gia yếu kém về kinh tế như Việt Nam. Ảnh hưởng của các lân bang không bao giờ thuận lợi cho chiếu hướng xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa, tức chiều hướng làm giảm bớt lợi nhuận của người đầu tư.
– Lợi tức đầu người của Việt Nam còn quá thấp. Nếu tăng cường tái phân lợi tức ở một giai đoạn mà nền sản xuất còn quá yếu kém, thì sẽ có hại cho nỗ lực đầu tư, không thúc đẩy đúng mức việc làm ra phú hữu, khiến kinh tế trì trệ.
Marx từng viết trong Idéologie Allemande, rằng Xã Hội Chủ Nghĩa chính là làm thế nào để «một em bé mang tài năng của Mozart hoặc của Raphael, có thể thực sự trở thành Raphael hoặc Mozart ». Tức là Xã Hội Chủ Nghĩa cũng phải được định nghĩa bằng cứu cánh. Những tranh luận về phương tiện chỉ có ý nghĩa khi nó hướng vào cứu cánh này. Với điều kiện người ta chấp nhận thực sự thảo luận về những phương tiện ấy, thay vì chỉ nấp sau những khẩu hiệu cổ điển…
Nguyễn Hoài Vân