Tổ chức có tên là Thăng Tiến Giáo Dục Cho Học Sinh Mỹ Gốc Việt Miên Lào, gọi tắt là NAFEA, thường mở hội nghị giáo dục thường niên tại nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ trong hơn hai thập niên qua, hiện đang tái nhóm hai ngày tại trụ sở của Hiệp Hội Giáo Dục Hoa Kỳ ở Washington DC.
Giao diện trang mạng của NAFEA – Tổ chức Thăng Tiến Giáo Dục Cho Học Sinh Mỹ Gốc Việt Miên Lào
Mục đích của tổ chức
TS Nguyễn Lâm Kim Oanh: Tôi là giám đốc điều hành Chương Trình Ngôn Ngữ Chiến Lược cho hệ thống đại học California Universitiy, cũng là ủy viên giáo dục của học khu Garden Grove. Hiện bây giờ tôi là phó chủ tịch của hội NAFEA.
Từ thập niên 90 cho đến đầu thập niên 2000, chúng tôi được rất nhiều sự tài trợ của chính phủ liên bang, lúc đó dưới thời tổng thống Clinton. Trước đó thì vấn đề giáo dục song ngữ rất mạnh. Tới thời tổng thống Bush thì tất cả các chương trình giúp cho người thiểu số bị cắt giảm nhiều. Chúng tôi cũng cố gắng để duy trì hội này vì đây là hội duy nhất mà phối hợp nỗ lực của di dân ba quốc gia có chung lịch sử là Đông Nam Á.
Năm nay chúng tôi gầy dựng buổi họp với mục đích nhìn lại ba mươi lăm năm quá khứ, xem đã trải qua những chặng đường nào, và dựa trên những nghiên cứu giáo dục thì còn những khó khăn nào, để suy nghĩ lại và ghi nhận những gì cần phải làm, cần phải tiến tới, đưa những ghi nhận đó vào một đề nghị để trình lên quốc hội.
Để khi những chương trình giáo dục hoặc xã hội mà liên quan tới nhóm người Đông Nam Á thì chúng tôi muốn rằng họ phải có những dữ kiện này để giúp cho họ trong vấn đề soạn chính sách có ảnh hưởng đến người Mỹ gốc Đông Nam Á.
Thành quả đạt được
Thanh Trúc: Từ 1999 đến giờ là 2010, trải qua những chặng đường vừa nghiên cứu vừa học hỏi vừa thăng tiến, những khó khăn nào cần phải vượt qua, những thuận lợi nào đạt được trong nền giáo dục dành cho ba dân tộc Lào, Cambodia và Việt Nam?
TS Nguyễn Lâm Kim Oanh: Trước hết chúng tôi xin chia sẻ một vài nỗ lực được coi như là thành công.
Thứ nhất, trong Census, lúc trước họ chỉ để là Asian, rồi sau đó họ chia ra các nhóm Á Châu nhưng mà không phân biệt Việt Miên Lào. Thì trong Census sau này, bắt đầu họ phải đề rõ ra, khi chọn vào người Mỹ gốc gì thì có Việt Miên Lào rõ ràng.
Thứ hai nữa là họ có chương trình tài trợ cho người Đông Nam Á tích cực tham gia vào guồng máy chính trị qua vấn đề ghi danh đi bầu, họ có những ngân khoản riêng cho nhóm người Đông Nam Á.
Thứ ba, trong các tài liệu nghiên cứu về giáo dục, bây giờ khi mà chính phủ liên bang và chính phủ tiểu bang ghi nhận sức học của học sinh thì họ cũng phải chia ra, tức là không phải gom tất cả Đông Nam Á vào Á Châu mà phải có điểm riêng của Đông Nam Á hoặc là Việt Miên Lào. Như vậy mới thấy rõ rằng, mặc dầu có một số những tiến triển thăng tiến của học sinh gốc Đông Nam Á, nhưng cũng còn rất nhiều học sinh đang gặp trở ngại và cần được giúp đỡ.
Thì khi chia ra như vậy, gọi là “Desegregation of Data”, chia dữ kiện chia điểm của các em ra từng nhóm thì mới thấy rõ là so với các nhóm Mỹ gốc Á Châu khác như Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật, thì người Đông Nam Á sự thành công trên đường học vấn chưa bằng, do đó vẫn cần sự tài trợ của chính phủ.
Những khó khăn của học sinh gốc Đông Nam Á
Thanh Trúc: Thưa, chưa bằng là như thế nào, số các em học hết lớp Mười Hai ít hơn, số vào đại học ít hơn, số sinh viên lên cao học ít hơn, đi về nghiên cứu ít hơn?
TS Nguyễn Lâm Kim Oanh: Nói chung, điểm khác biệt lớn nhất giữa người Mỹ gốc Đông Nam Á với các nhóm Á Châu khác là vẫn gặp trở ngại về ngôn ngữ và văn hóa.
Chúng ta là những nhóm di dân và tị nạn, đến sau so với những người kia, trong gia đình tiếng mẹ đẻ vẫn còn dùng nhiều. Các em vẫn gặp trở ngại trong những năm đầu tiên đi học dù nhiều em sanh ra ở Mỹ nhưng mà đi học vẫn gặp trở ngại ngôn ngữ, do đó cần những chương trình đặc biệt.
Thứ hai, mặc dầu số học sinh ra trường trung học khá cao, tương đương với các nhóm Á Châu khác, nhưng sự thành đạt ở cấp đại học lại kém là vì không có năng khiếu viết vững. Bên này nói không chưa đủ, phải có năng khiếu viết.
Các em từ khắp nơi về sinh hoạt mang tên Hội Nghị Lãnh Đạo Thanh Niên Trẻ Người Mỹ Gốc Việt. RFA photo
Thứ ba, ở sự phát triển khả năng lãnh đạo, Leadership Development, mình không có những tổ chức, không có những cơ quan để giúp các em gốc Việt Miên Lào có năng khiếu lãnh đạo để ra đời, khi đi làm thì dễ thăng tiến hơn.Các nhóm như người Mỹ gốc Hoa và Nhật có những tổ chức giúp phát triển khà năng ăn nói trước công chúng, làm những presentations, những thông thường trong môi trường làm việc vì có người nâng đỡ.
Đông Nam Á chúng ta thành công ở mức thấp. Trong mức chuyên môn về kỹ thuật thì mình thành công, nhưng lên Management,về lãnh đạo điều hành, thì hầu như rất hiếm. Mình bị chận ngang ở đó.
Thanh Trúc: Chính phủ liên bang và chính phủ của những địa phương đánh giá công việc, nỗ lực thăng tiến giáo dục mà NAFEA thực hiện cho học sinh Mỹ gốc Việt Miên Lào ra sao?
TS Nguyễn Lâm Kim Oanh: Khi chúng tôi tổ chức những buổi hội thảo thì các nhân viên giáo dục cũng như xã hội có thể dùng tiền từ những cơ quan của họ để góp mặt trong những buổi họp này để học hỏi, thâu thập cũng như trao đổi tài liệu với những người cùng ngành khác mà cũng phục vụ người gốc Đông Nam Á.
Chúng tôi không nhận được tiền trực tiếp từ chính phủ liên bang. Hiện chúng tôi gặp sự khó khăn về việc tổ chức các buổi hội thảo, vì tiền của chính phủ liên bang cho các cơ quan bị cắt giảm. Sự trợ giúp lớn nhất chúng tôi nhận được là từ National Education Association, Hiệp Hội Giáo Chức Quốc Gia của Hoa Kỳ. Theo sự đánh giá thì họ vẫn coi đây là tổ chức quan trọng vì đây là tổ chức duy nhất mà gom được tiếng nói của cộng đồng Đông Nam Á tại Hoa Kỳ.
Hội nghị năm nay
Thanh Trúc: Tại sao mỗi lần tổ chức một sinh hoạt hằng năm hoặc cách năm thì thường là đến từng tiểu bang?
TS Nguyễn Lâm Kim Oanh: Chúng tôi đi nhiều tiểu bang là vì không những vận động để giúp sự thăng tiến trong phương diện giáo dục mà còn về xã hội và cộng đồng. Khi đi như vậy, chúng tôi hy vọng lôi kéo được một số những cơ quan từ trong cộng đồng ở ngay tại đó tahm dự. Vì những cơ quan trong cộng đồng như là community base đó, họ không có nhiều ngân khoản để đi xa.
Thường chúng tôi lựa những nơi nào mà có những cộng đồng Đông Nam Á lớn và có sự tham gia có tiếng nói của họ. Chúng tôi đem những tiếng nói đó hợp cùng với những cơ quan khác để có cùng sự tranh đấu cho nhau.
Thanh Trúc: Xin cho biết chương trình và những Workshops của hội nghị năm nay?
TS Nguyễn Lâm Kim Oanh: Chủ đề của buổi họp năm 2010 này là “Ba Mươi Lăm Năm Nhìn Lại”, qua lăng kính của nghiên cứu giáo dục, lãnh đạo cũng như tranh đấu cho quyền lợi của nhóm người Mỹ gốc Đông Nam Á.
Chúng tôi có bốn đề tài chính. Một là nói về nhu cầu của cộng đồng. Chúng ta đã đạt được gì, còn gặp trở ngại gì. Sẽ có những người đứng đầu những tổ chức lo cho người Đông Nam Á, thuộc nhiều tiểu bang khác nhau, sẽ trình bày và từ đó chúng tôi đúc kết lại vấn đề cộng đồng.
Đề tài thứ hai, là những vấn đề từ lớp Mẫu Giáo tới lớp Mười Hai, hiện tại gốc Đông Nam Á gặp khó khăn gì, cần trợ giúp thế nào nói về thành phần giáo chức cũng như học sinh.
Đề tài thứ ba nói về cấp đại học, sinh viên Đông Nam Á có những thành tích gì. Đặc biệt sẽ nói đến vấn đề làm thế nào để có thêm sinh viên vào ngành sư phạm, để khi đi dạy là Role Model, những người gương mẫu giúp cho học sinh Đông Nam Á tạo mối liên hệ, mối tương quan tốt giữa gia đình, học đường và cộng đồng, nhất là cộng đồng Đông Nam Á.
Đề tài thứ tư, nói về tiến trình của người tị nạn Đông Nam Á, muốn duy trì và phát triển tiếng mẹ đẻ, đã có những nỗ lực nào, đã đạt được gì.
Rất may mắn trong sự hợp tác với các cộng đồng Đông Nam Á khác chúng tôi có một giáo sư chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ tiếng Cam Bốt, có những người dạy các đại học ở các vùng khác mà đang nghiên cứu về vấn đề xã hội của các nhóm Đông Nam Á đến trình bày.
Thanh Trúc: Xin cám ơn giáo sư Nguyễn Lâm Kim Oanh và xin chúc hội nghị thành công.
Thanh Trúc [RFA]
2010-10-24