Tại sao TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn chỉ bệnh cũ, thuốc cũ?
Hay vẫn chuyện anh bán thuốc dạo muốn đánh lừa người nhẹ dạ!
Trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 4 ngày 31.12.2011 với tư cách Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo toàn Đảng:
„Nếu Đảng ta không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên.“[1]
Chọn đúng ngày ông Táo về trời, Nguyễn Phú Trọng vừa kí Nghị quyết „NQ 12-NQ/TW“ ngày 16.1 công bố việc „Chính đốn Đảng“ theo quyết định của ội nghị Trung ương 4. Điểm 2 cho biết, thời gian tới các uỷ viên Bộ chính trị, Ban bí thư và Trung ương đảng sẽ xung phong công khai tự phê bình và phê bình:
„Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tiến hành kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến một số vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết này, đề ra biện pháp khắc phục.“ „[2]
Nhưng Điểm 5 của Nghị quyết lại cho biết, để thực hiện việc trên Ban Tuyên giáo phải tăng cường công tác „định hướng thông tin của Đảng“ các báo chí lề phải, đồng thời sẽ theo dõi và kiểm soát các trang Blog „có nội dung xấu“:
„Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền, phổ biến nội dung nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Trung ương, Bộ Chính trị về vấn đề này và kết quả thực hiện theo tiến độ chặt chẽ, kịp thời, tránh nhận thức sai lệch, hiểu nhầm, ngộ nhận; không để các thế lực thù địch, chống đối lợi dụng kích động, làm mất ổn định chính trị. Các cấp ủy, cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm quản lý, chấn chỉnh các cơ quan báo chí của mình, bảo đảm đúng định hướng thông tin của Đảng và Nhà nước. Tăng cường quản lý và chấn chỉnh các trang mạng và blog có nội dung xấu.“[3]
Vậy đảng viên và nhân dân nên hiểu quyết định của Nguyễn Phú Trọng như thế nào? Lần này ông Trọng làm thực hay vẫn làm giả, tuồng phường chèo mới khác cũ?
Nguyễn Phú Trọng xác nhận tình hình rất nghiêm trọng
“Chúng ta đã tiến hành thường xuyên, liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, với nhiều biện pháp, nhiều cuộc vận động,… song kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Các mặt khuyết điểm, yếu kém chưa khắc phục được bao nhiêu, có mặt còn phức tạp thêm, gây băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.“[4]
Trên đây là lời nhận định rất đúng về bức tranh vân cẩu xã hội XHCN ở VN của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 4 (26-31.12.2011) về tình trạng bất lực của các nghị quyết và biện pháp mà ĐCSVN đã thực hiện suốt nhiều thập niên qua trong việc chống các tệ trạng thoái hoá tư tưởng, đạo dức, tham nhũng… Sau 6 ngày thảo luận, trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (31.12) Nguyễn Phú Trọng còn xác nhận rõ tình trạng thoái hoá kinh niên và ngày một tồi tệ về mọi mặt „càng …nghiêm trọng hơn“, „kể cả ở cấp cao“:
„Vì sao công tác xây dựng Đảng được Trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu? Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng? Vướng mắc chính là ở chỗ nào?“[5]
Người đứng đầu Đảng còn liệt kê một loạt các chứng bệnh của chế độ độc tài toàn trị (nhưng không dám nêu tên) „chủ nghĩa cá nhân ích kỉ“, „cơi hội thực dụng“, „quan liêu, xa dân“, „nói không đi đôi với làm“, „kỉ cương, kỉ luật không nghiêm“, „buông lỏng các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng“, …[6]
Trong một xã hội dân chủ thực sự thì với sự thoái hoá đạo đức và biến chất khủng khiếp như vậy của các quan chức thì đảng cầm quyền, trong trường hợp này là ĐCSVN, đã bị nhân dân truất quyền từ lâu!
Các nhận định của Nguyễn Phú Trọng về sự tha hoá đạo đức và lối sống của đảng viên, cán bộ -nhất là ở cấp cao- và sự hoàn toàn bất lực của các biện pháp mà những người cầm đầu đảng đã đưa ra từ mấy thập kỉ qua là rất đúng. Nhưng đây không có gì mới, cũng không phải phát kiến riêng của Nguyễn Phú Trọng, mà nhiều đảng viên, chuyên viên, trí thức đã nêu ra cả hàng chục năm nay, đặc biệt từ khi đảng này cầm quyền độc quyền và càng trở nên tồi tệ từ khi chế độ độc đảng thực hiện kinh tế thị trường xã hội chũ nghĩa với kinh tế nhà nước làm chủ đạo.
Câu hỏi trung tâm ở đây là, sau khi đã bắt mạch, chẩn bệnh, nhận rõ các hiện tượng của căn bệnh, thì thầy lang Nguyễn Phú Trọng đã tìm được ra căn bệnh chưa? Nói cho đúng ra, ông Trọng có dám nhìn thẳng và nói thẳng căn bệnh để cho toa bốc thuốc hiệu nghiệm trị bệnh tận gốc? Ông Trọng muốn làm một lương y thật hay một lương y giả?
Vì các tệ trạng thoái hoá trầm trọng của các quan tham mà Nguyễn Phú Trọng nêu trong Hội nghị Trung ương 4 mới chỉ là hiện tượng, tức là cái ngọn, cái quả còn phần gốc, cái nhân thì Nguyễn Phú Trọng có tìm ra được không, hay biết nhưng không dám nói ra? Nguyễn Phú Trọng muốn làm chính khách có ý thức và tinh thần trách nhiệm cao, hay đang làm kẻ biển lận dở trò của anh bán thuốc giả ngoài phố đánh lừa những người nhẹ dạ qua đường mất tiền toi nhưng bệnh càng nguy kịch, tiền mất tật mang?
Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những giải pháp nào?
Trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 4 ngày 31.12.2011 Nguyễn Phú Trọng cho biết, để giải quyết các nguy cơ đang đe doạ sự tồn vong của chế độ, Trung ương đảng đã đưa ra 3 mục tiêu và cũng là nhiệm vụ căn bản để ngăn chặn tình trạng suy thoái đạo đức, tư cách, tham nhũng … ngày càng tồi tệ của cán bộ, nhất là ở cấp cao: „(1) Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị.“ [7]
Trong đó, vẫn theo ông Trọng, điểm 1 được coi là then chốt, tức là tìm cách ngăn chặn bọn quan tham ở cấp cao. Sau khi nêu rõ các căn bệnh của xã hội toàn trị như “chủ nghĩa cá nhân ích kỉ“, „cơi hội thực dụng“, „quan liêu, xa dân“, „nói không đi đôi với làm“, „kỉ cương, kỉ luật không nghiêm“, „buông lỏng các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng“, Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra các giải pháp giải quyết. Giải pháp ưu tiên ông Trọng đề cao là „tự phê bình và phê bình“ từ những người có chức vụ cao nhất trong Đảng, Chính phủ:
„Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu làm trước; tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa; tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại. „[8]
Nguyễn Phú Trọng cũng nói tới một số biện pháp khác cần áp dụng để ngăn chặn bọn quan tham là thực hành „nguyên tắc tập trung dân chủ“, „kiểm tra“, „giám sát của nhân dân, của báo chí, công luận“:
„Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, công luận. Có chế độ, chính sách hợp lý bảo đảm cho cán bộ, công chức có mức sống ổn định và có điều kiện giữ liêm, đồng thời chống đặc quyền, đặc lợi. „[9]
Nhưng mọi người đều biết, các giải pháp Nguyễn Phú Trọng đưa ra trong Hội nghị Trung ương 4 cũ như trái đất, nó là các nguyên tắc giáo dục rèn luyện đảng viên của ĐCSVN từ 1930 khi đảng này ra đời. Chính Nguyễn Phú Trọng cũng thừa nhận phương pháp tự phê bình và phê bình trong lúc đảng nắm độc quyền không dễ dàng. Không ai muốn tự chặt chân mình, tự trả lại tiền lấy từ tham nhũng. Vì có ai muốn tát mặt mình trước công chúng, nếu không phải là người làm tuồng tát giả vờ? Tới nay có Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước… nào dám công khai trước mặt đảng viên và nhân dân tự chửi mình, tự tố cáo tham nhũng, vô trách nhiệm của mình và xin từ chức? Có cán bộ cấp dưới nào dám phê bình Bí thư Huyện uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ? Có uỷ viên Trung ương đảng nào dám chỉ trích uỷ viên Bộ chính trị! Cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu vừa cho biết, khi được Nguyễn Phú Trọng hỏi ý kiến để tổ chức Hội nghị Trung ương 4, cũng đã xác nhận rằng, 13 năm trước Hội nghị Trung ương 6/2 (25.1-2.2.1999) khoá 8 cũng đã từng đưa ra giải pháp này nhưng bệnh đâu vẫn hoàn đấy và nay còn nguy kịch hơn.[10] Chính cựu Trưởng ban Tư tưởng (nay là Ban Tuyên giáo) Hữu Thọ khi nhận xét về giải pháp đòi các quan lớn tự phê bình và phê bình nghiêm túc do Nguyễn Phú Trọng nêu ra đã thuật lại các trò giả dối, thò lò nhiều mặt của các quan lớn trong việc tự phê bình từ trước tới nay:
„Nhưng điều nguy hiểm nhất của chúng ta hiện nay là sự thiếu trung thực. Trong các thứ giả thì “người giả” là nguy hiểm nhất.“[11]
Một vị khác cũng vạch thói đạo đức giả của bọn quan tham:
„Đa số đảng viên có quyền có chức trên diễn đàn thì dạy dỗ cán bộ nhân dân phải “học tấm tấm gương đạo đức Bác Hồ”, phải trong sạch, phấn đấu, cách mạng.v.v.. Dạy dỗ xong , bước xuống diễn đàn, họ lại biến thành con người khác : lo kiếm “dự án” để chia chác, bòn rút đất đai, công quỹ càng nhiều càng tốt, bất chấp đạo lý, kỷ cương phép nước để xây biệt thự “khủng” nơi này nơi khác, mua xe hơi, để có tiền gửi con đi học Anh, Mỹ.“[12]
Còn giải pháp dùng „tập trung dân chủ“ –cái xương sống trong cơ chế làm việc của ĐCS- để chống bệnh chủ nghĩa cá nhân ích kỉ và tham nhũng thì trong thực tế đang diễn ra tình trạng, khi thấy tiền bạc và lợi lộc các quan vội nắm lấy, quan càng cao thì ăn càng lớn; nhưng khi bị phát giác thì các quan tham phủi toàn bộ trách nhiệm và đổ trách nhiệm cho tập thể. Nghĩa là thực hiện „tập trung dân chủ“ trong chế độ độc đảng chính là cách khuyến khích và nuôi dưỡng chủ nghĩa cá nhân ích kỉ và chối bỏ trách nhiệm cá nhân!
Hai thí dụ điển hình và khủng khiếp nhất về cách lãnh đạo „tập trung dân chủ“ là vụ tham nhũng động trời PMU 18 liên quan tới nhiều quan lớn và chui cả vào gia đình của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh lúc đó. Nhiều quan tham đã xà xẻo, đục khoét hàng chục ngàn tỉ đồng các công trình xây dựng cầu, đường và các hạ tầng cơ sở. Trước Đại hội 10 (2006) họ tuyên bố sẽ thẳng tay trừng trị, bất kể người đó là ai. Nhưng sau Đại hội 10 khi họ nắm quyền hành thêm một nhiệm kì thì không có quan nào bị tù tội, ngược lại một số nhà báo tố tham nhũng PMU 18 lại bị bắt giam!
Trong vụ tập đoàn Vinashin các quan lớn ngay trong Bộ chính trị còn chứng tỏ thái độ vô trách nhiệm cùng cực. Mặc dầu đã có cả trên chục lần thanh tra và kiểm tra của nhiều cơ quan Đảng và Chính phủ, nhưng Vinashin đã làm ăn thua lỗ tới 86.000 tỉ đồng (4,5 tỉ USD). Chính Bộ chính trị đã xác nhận và quyết định sẽ đưa những người có trách nhiệm từ Thủ tướng tới các bộ trưởng ra xét xử, nhưng chỉ hai tháng trước Đại hội XI (1. 2011) 15 uỷ viên Bộ chính trị đã họp kín và trâng tráo quyết định tự tha bổng cho nhau. Không những thế nhiều người còn ngang ngược vẫn chia nhau giữ các ghế cao nhất ở trong Đảng, Nhà nước và Chính phủ thêm một nhiệm kì nữa. Ngoài ra còn cho Nguyễn Tấn Dũng ra trước Quốc hội giả vờ tự phê bình và nhận trách nhiệm! [13]
Các mánh lới và thủ đoạn cực kì trâng tráo của những người có quyền lực cao nhất đã sử dụng để trốn trách nhiệm và còn leo cao hơn, ngồi lâu hơn để hưởng bổng lộc nó bắt nguồn từ cơ chế tổ chức và điều hành của chế độ độc tài toàn trị, trong đó mọi việc đều theo tiêu chí vừa đá bóng vừa thổi còi! Cho nên ngày nào còn giữ nó thì chủ nghĩa cá nhân ích kỉ và tham nhũng còn tung hoành. Đây không phải là lời bôi xấu của người bên ngoài, mà chính là lời xác nhận của Hữu Thọ, cựu uỷ viên Trung ương đảng và nguyên Trưởng ban Tư tưởng:
„Khi chúng ta tập trung chống tham nhũng mà tham nhũng không bị đẩy lùi thì nên hiểu rằng, tham nhũng nằm ngay trong cơ chế, cơ cấu tổ chức của chúng ta chứ không phải nằm ngoài. Khi đã nằm ngay trong cơ chế, cơ cấu của anh thì nó hình thành một cơ chế bảo hộ, cơ chế dung dưỡng chứ không phải là cơ chế đẩy lùi.“[14]
Giữa thập niên 50 của thế kỉ trước tuy chế độ độc đảng chỉ vừa mới được hình thành ở miền Bắc, nhưng nhà thơ Phùng Quán khi ấy đã nhìn thấy thói dối trá, đạo đức giả, quan liêu, tham nhũng của các quan vừa tiếp thu miền Bắc cách đây gần 60 năm và cảnh báo các thế hệ sau:
” Thói dối trá, đạo đức giả, tệ quan liêu, tham nhũng, tuy ngày đó chỉ mới manh nha, nhưng tôi đã dự cảm sẽ là hiểm họa khôn lường đang rình phục Nhân Dân tôi, Đảng tôi; có nguy cơ làm băng hoại những gì thiêng liêng cao quý mà cả triệu người suốt thế kỷ qua không tiếc máu xương để tạo dựng, bảo vệ…” [15]
Các biện pháp khác được Nguyễn Phú Trọng sử dụng để chỉnh đốn Đảng là dùng các tổ chức quần chúng của đảng và hệ thống báo chí lề phải. Cụ thể ở đây là Mặt trận Tổ quốc và hệ thống báo, đài đặt dưới sự điều khiển của Ban Tuyên giáo Trung ương, đứng đầu là uỷ viên Bộ chính trị Đinh Thế Huynh, cánh tay mặt của ông Trọng. Trong khi Mặt trận Tổ quốc vẫn chỉ ngoan ngoãn làm cảnh, làm cây kiểng dân chủ cho các quan tham, thỉnh thoảng ra một vài bài phản biện giả vờ, còn phần chính chỉ vòi vĩnh và cầu xin các quan lớn cho thêm tiền. Việc này chính GS Tương Lai, một uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, cũng vừa lên tiếng công khai. Vì đang nằm bệnh viện nên ông đã nhờ một uỷ viên khác đọc bài tham luận của ông trước Hội nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc lần 4 khoá 7 (11.1.12) nhưng đã bị ngăn cản vì các quan lớn không muốn nghe lời nói thẳng. Cuối cùng ông đã phải nhờ các Blog độc lập phổ biến. Dưới đây là một đoạn trong bài của ông Lai nói về bệnh thích độc thoại của các quan:
„ Một chuyện xưa như quả đất là khi đã nắm quyền lực trong tay thường nảy sinh ra một thói quen khó khắc phục là không muốn nghe những lời trái ý mình, không muốn chia sẻ quyền lực cho ai ngoài mình và vây cánh của mình. Biểu hiện dễ thấy của thói quen đó là chỉ muốn độc thoại chứ không quen đối thoại. Thói quen đó tự cho mình đã biết tất cả, chân lý là đã có sẵn, chỉ cần rao giảng và áp đặt. Người ta gọi đấy là sự tha hoá của quyền lực.“[16]
Vì thế, nếu thành thực với chính mình, biết quí lòng tự trọng, biết giữ chữ tín với đảng viên và nhân dân thì Nguyễn Phú Trọng phải thấy rõ, nếu cứ tiếp tục dùng giải pháp lãnh đạo theo „tập trung dân chủ“ thì chính là khuyến khích bệnh cá nhân chủ nghĩa ích kỉ và nuôi tinh thần vô trách nhiệm từ trên xuống dưới; và phương pháp „tự phê bình và phê bình“ chỉ là gãi ghẻ ngoài da, thùng rỗng kêu to! Còn việc giao cho Mặt trận Tổ quốc làm phản biện và các báo, đài lề phải theo dõi các quan tham thì cũng chỉ như các cây kiểng dân chủ để các quan độc tài làm cảnh đánh lừa dư luận. Các việc này trong thời gian tới sẽ còn được phát động rầm rộ hơn nữa trong phong trào „chỉnh đốn Đảng“!
Những linh dược trị bệnh hiệu nghiệm bị nghiêm cấm
Các tệ trạng do các quan tham đang tạo ra những thảm hoạ cho dân tộc và đất nước đã diễn ra hàng ngày hàng giờ, hết năm này đến năm khác trên toàn quốc và ngày một trầm trọng đúng như người cầm đầu Đảng đã nhìn nhận trong Hội nghị Trung ương 4. Tuy nhiên Nguyễn Phú Trọng mới chỉ nêu ra các hiện tượng, cái ngọn, cái quả, nhưng ông đã tuyệt đối lờ đi không nói tới, hay không dám đả động đến cái gốc, cái nhân. Tại Hội nghị Trung ương 4 Nguyễn Phú Trọng cũng nhìn nhận, từ trước tới nay đã biết bao nhiêu nghị quyết, biện pháp rất hay ho được áp dụng, nhưng căn bệnh trầm trọng của xã hội vẫn không giải quyết được, nó trở thành bệnh kinh niên ngày thêm nguy kịch.
Tại sao các giải pháp đưa ra cho đến nay đều bất lực, „thậm chí ngày càng có chiếu hướng nghiêm trọng hơn“? Chính Nguyễn Phú Trọng trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 4 đã đặt câu hỏi này, và ông hỏi thêm: Vậy thì „vướng mắc chính ở chỗ nào“?[17] Nguyễn Phú Trọng chỉ dừng lại ở câu hỏi trung tâm này. Trong cả hai diễn văn bế khai mạc và bế mạc tổng cộng đọc cả tiếng đồng hồ nhưng người đứng đầu chế độ tuyệt đối không một lần nào trả lời về nguồn gốc, nguyên nhân giúp các quan tham đang làm giầu bất chính và biến đất nước thành địa ngục trần gian. Chả lẽ ông Trọng với học lực Tiến sĩ Chính trị học lại không nhìn ra sự việc? Vì trong ngành học này, các môn lịch sử chính trị thế giới và sự đối chiếu so sánh giữa các chế độ chính trị là các kiến thức căn bản được giảng dậy. Hay ông Trọng không giám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ nguyên nhân, cũng như quỉ Dracula sợ tỏi…?
Bất cứ một người nào có kiến thức sơ đẳng cũng thấy được là, sở dĩ các quan tham ăn bẩn, càng cao càng tham nhũng lớn, càng vô trách nhiệm nhiều, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân ích kỉ, tác phong đạo đức giả dối, đàn áp nhân dân và luồn cúi phương Bắc đều có nguồn gốc từ chế độ độc đảng. Quyền lực càng tuyệt đối thì lạm quyền càng khủng khiếp. Đây là kinh nghiệm lịch sử nhân loại và là qui luật chính trị! Chừng nào chế độ độc đảng vẫn được duy trì và bảo vệ thì bọn quan tham sẽ càng trở thành bất trị, các giải pháp đưa ra đều bất lực. Cứu đảng bằng cách khoá cửa, không cho dân mở miệng, không có báo chí độc lập, không có hoạt động của các chính đảng, không có cơ quan xét xử nghiêm minh thì chính là cách giết đảng. Khi ấy bọn quan tham cứ tự do tung hoành!
Nhưng Nguyễn Phú Trọng đã không dám nhìn thẳng sự thật này. Nguy hiểm hơn nữa là ông Trọng lại vẫn tìm cách ngăn cấm, chê bai, bôi nhọ những giải pháp đã từng được chứng minh trong lịch sử từ Tây sang Đông từ cổ chí kim là những linh dược chữa trị các căn bệnh do nạn độc tài cá nhân và độc đảng gây ra. Không những thế ông còn đang ra lệnh đàn áp, bắt giam, bịt miệng nhiều nhân sĩ và đảng viên tiến bộ dám đòi huỷ bỏ chế độ độc đảng!
Nhân loại đã từng là nạn nhân của độc tài cá nhân và đảng trị, trong đó các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều trong tay một người hay một đảng. Cho nên những kẻ có quyền đã lạm dụng quyền hành, coi tài sản chung là sở hữu riêng, coi sinh mạng dân như tôi tớ, nô lệ. Sau nhiều thế kỉ tranh đấu và kinh nghiệm xương máu, nhiều dân tộc đã tìm được chế độ chính trị thích hợp, tách ba quyền đó và giao cho ba cơ quan độc lập và bình đẳng trong việc điều hành và quản trị đất nước. Để đảm bảo mạnh hơn cho các quyền của công dân, báo chí đã trở nên đệ tứ quyền trong các xã hội dân chủ đa nguyên.
Nhân loại cũng đã nhận thức được kinh tế thị trường là một giải pháp thúc đẩy sáng kiến, phát minh, cạnh tranh, làm giầu cho xã hội. Nhưng kinh nghiệm xương máu của nhiều chế độ độc tài phong kiến vài thế kỉ trước ở Tây phương đã cho thấy, kinh tế thị trường trong một chế độ độc tài sẽ dẫn tới độc quyền, tạo lợi ích nhóm là nguồn gốc gây bóc lột và bất công xã hội, cá lớn nuốt cá bé như luật rừng xanh. Kinh nghiệm tranh đấu ở nhiều nước đã cho thấy rằng, mặt tốt của kinh tế thị trường chỉ nẩy nở trong một xã hội dân chủ thực sự, khi đó tính cạnh tranh kinh tế mới diễn ra lành mạnh, những tăng trưởng kinh tế mới được chia xẻ cho người dân, các bất công bị đẩy lùi và nhờ đó xã hội công bằng, nhân dân hạnh phúc và ổn định thực sự.
Những thành quả do kinh nghiệm xương máu và mồ hôi nước mắt này không phải của riêng một dân tộc nào mà là công lao của toàn nhân loại trải qua nhiều thế kỉ, từ Tây sang Đông, trong đó có cả VN. Vì đất nước chúng ta đã phải quằn quại gần 60 năm trong nạn độc tài và chế độ kinh tế thị trường định hướng XHCN với kinh tế nhà nước làm chủ đạo mà những hậu quả vô cùng tai hại của nó chính Nguyễn Phú Trọng đã phải xác nhận trong Hội nghị Trung ương 4. Nếu thực sự vì hạnh phúc của nhân dân và hưng thịnh của đất nước thì bất cứ người VN nào, nhất là những người đang cầm quyền, không được phép có thành kiến hay mặc cảm, không được phép đặt tự ái sai lầm; ngược lại phải thành tâm sáng suốt biết trân trọng các kinh nghiệm và thành quả tốt của nhân loại và ngay của chính hàng triệu người Việt các thế hệ trước đã hi sinh; từ đó can đảm rũ bỏ độc tài, cương quyết chuyển đất nước nhập cuộc với các dân tộc văn minh đi theo con đường dân chủ và phú cường thực sự!
Các lời kêu gọi chỉnh đốn Đảng của Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị Trung ương 4 tuy rất tha thiết, tưởng như rất nhiệt tâm và cương quyết. Nhưng nếu bình tâm phân tích kĩ lưỡng thì đúng lại là nói vậy mà không phải là vậy! Nói một đàng làm một nẻo! Nồi cơm đang khê cháy, muốn cứu nó thì phải tắt điện ngay, chứ không thể cứ ngồi than thở không còn cơm ăn và phải hít mùi than cháy! Nguyễn Phú Trọng và những người có quyền lực hiện nay lại đang làm như vậy!
Họ hô hào chính đốn Đảng để chấm dứt các tệ trạng xã hội do các quan tham đang gây ra, nhưng họ lại không dám chặn đứng nguyên nhân và cũng không dám dùng các phương pháp có hiệu quả để ngăn ngừa tệ trạng và trừng trị những quan tham. Cũng như một bác sĩ không có lương tâm và trách nhiệm thì không thể tìm ra được căn bệnh, không những thế còn cố ý không cho dùng các linh dược để cứu bệnh nhân! Đây lại chính là cách làm của Nguyễn Phú Trọng và một số người có quyền lực hiện nay.
Thật vậy, trong khi Nguyễn Phú Trọng hô hào chỉnh đốn đảng thì ông ta lại ngăn cấm các phương pháp hiệu nghiệm và rất cần thiết:Nguyên tắc phân quyền để ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập và bình đẳng vẫn hoàn toàn vắng bóng trong chế độ độc tài toàn trị, thành thử bệnh vừa đá bóng vừa thổi còi, chỉ tắm từ vai trở xuống, bắt con tép thả con cá xộp là cách suy nghĩ và hành động của những người có quyền. Một hệ thống báo chí độc lập và tự do cũng chưa bao giờ có trong chế độ toàn trị, tất cả các báo và đài đều độc quyền của Đảng. Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan cao nhất phụ trách thông tin, thay vì thông tin chính xác lại chỉ tìm cách „định hướng dư luận“, nghĩa là cấm đăng tin bất lợi và chỉ đưa tin tô hồng. Báo chí một chiều như thế nên các quan tham mới thả cửa lạm quyền. Việc các cựu và đương kim Tổng bí thư và các uỷ viện Bộ chính trị trắng trợn phủ nhận trách nhiệm trong vụ PMU 18 và Vinashin mới đây, cũng như vụ các quan nhỏ ở Tiên lãng, Hải phòng hiện nay đạp lên luật pháp, tịch thu và phá hoại tài sản của nông dân đẩy họ tới đường cùng chính là thái độ hành xử của bọn cường hào ác bá đỏ từ trên xuống dưới trong chế độ toàn trị!
Các tổ chức dân sự độc lập hoàn toàn bị cấm như các nghiệp đoàn, các hội đoàn văn hoá, khoa học, tôn giáo, xã hội. Thậm chí vài năm trước chính Nguyễn Tấn Dũng còn kí Quyết định cấm chuyên viên và nhân sĩ công khai viết phản biện! Cho nên chỉ còn các hội đoàn tay sai như Mặt trận Tổ quốc, Công doàn, Đoàn thanh niên, phụ nữ và vài hội tôn giáo lập ra làm cây kiểng! Không những thế các đảng chính trị cũng bị nghiêm cấm, các cuộc biểu tình bị ngăn chặn…
Phải thấy được và thừa nhận thành quả của nhân loại là, hệ thống tam quyền phân lập, báo chí độc lập tự dọ, các tổ chức dân sự và chính đảng độc lập và tự do hoạt động là nền tảng tối cần thiết nếu muốn có một xã hội văn minh lành mạnh thực sự. Vì các hệ thống này là tai mắt, tiếng nói phản biện nghiêm túc, cơ quan chế tài và là vũ khí sắc bén để ngăn ngừa, trừng trị các quan tham và các lợi ích nhóm. Trong một chế độ dân chủ đa nguyên và pháp trị thực sự thì các hệ thống này vừa tạo ra cạnh tranh lành mạnh vừa là những cơ quan kiểm soát lẫn nhau. Nhờ đó thúc đẩy xã hội phát triển không ngừng, đồng thời có thể uốn nắn kịp thời và hữu hiệu các tệ trạng trong xã hội.
***
Từ hơn hai thập niên qua mấy chục nước đã tìm cách tự thoát khỏi chế độ độc tài toàn trị CS và đang trở thành các xã hội dân chủ, văn minh và người dân hạnh phúc. Hiện nay nhiều nước ở Trung đông cũng đang tìm cách thoát li các chế độ độc tài cá nhân. Tại Miến điện cũng có nhiều tín hiệu tích cực biết ý thức tự khoát khỏi chế độ độc tài quân phiệt để đưa nước thoát khỏi lệ thuộc Bắc kinh và muốn đi chung con đường tiến bộ của nhân loại. Các dân tộc đang bước vào kỉ nguyên toàn cầu hoá với thông tin điện tử phá vỡ mọi hàng rào bưng bít, liên hệ giữa con người và giữa các dân tộc cực kì nhanh chóng; các liên hệ kinh tế, tài chánh và chính trị giữa các nước và giữa các khu vực ngày càng trở nên liên đới chặt chẽ. Trong thời đại mới này, mặc dầu vẫn có lúc có nơi các cuộc đứng lên đòi dân chủ tự do của nhân dân có thể bị trắc trở, nhưng nhìn toàn bộ thì tiến trình dân chủ hoá trên thế giới không thể đảo lộn được, trong đó có VN chúng ta.
Nhưng nhóm cầm đầu chế độ toàn trị ở VN đang tìm cách lội ngược giòng! Họ vẫn quay lưng với thực tế, vô cảm với những bức xúc của nhân dân! Gần một năm Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư, nhưng ông đã đang tìm mọi cách cột chặt đất nước vào độc đảng. Tại Đại hội 11 ông ban bố Cương lĩnh Chính trị 2011 cực kì phản động và lạc hậu không khác Cương lĩnh Chính trị 1991. Tại Hội nghị Trung ương 2 (7.2011) Nguyễn Phú Trọng tuyên bố sửa đổi Hiến pháp nhưng lại dựng lên nhiều rào cản để ĐCS tiếp tục độc quyền. Hội nghị Trung ương 3 (10.2011) đưa ra chủ trương tái cơ cấu kinh tế, nhưng hệ thống Kinh tế nhà nước sai lầm và trở thành quả tạ cho nhân dân, nhưng là con bò sữa cho các quan tham lại được Nguyễn Tấn Dũng vẫn cố gắng duy trì. Nguy hiểm nữa là, trong chuyến thăm Trung quốc tháng 10.2011 của ông Trọng và chuyến thăm Hà nội của Tập Cận Bình (12.2011) đã cho thấy, Hà nội vẫn cột chặt vào Bắc kinh cả về cả ý thức hệ lẫn kinh tế thương mại. Lệ thuộc từ đầu tới bụng thì đừng nói tới độc lập và bảo vệ chủ quyền![18]
Tuy trong Hội nghị Trung ương 4 Nguyễn Phú Trọng kết án thái độ nói không đi đôi với làm của nhiều người lãnh đạo. Nhưng những gì ông Trọng nói cũng hoàn toàn đối nghịch với việc làm của ông. Dẫn chứng cụ thể nhất gần đây là các công việc chuẩn bị tiến hành„chính đốn Đảng“ trong các tuần tới. Chỉ ít ngày sau khi ra quyết định chính đốn đảng, thanh lọc bọn quan tham và dân chủ hoá nội bộ đảng thì nhiều nhân vật thân cận của Nguyễn Phú Trọng đang giữ những vai trò chủ chốt trong các ngành tư tưởng, công an và tổ chức lại đang ráo riết làm ngược lại. Chỉ hai tuần sau Hội nghị Trung ương 4, tại Hội nghị Tổng kết công tác Tuyên giáo toàn quốc vào giữa tháng 1.2012 uỷ viên Bộ chính trị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đã ra chỉ thị trong năm 2012 phải định hướng dư luận theo ý muốn độc đoán của nhóm lãnh đạo trong những công tác quan trọng:
„Tập trung chỉ đạo bảo đảm định hướng chính trị, định hướng tư tưởng trong việc thực hiện các chính sách đối ngoại, quốc phòng, an ninh và sửa đổi bổ sung Hiến pháp, Luật Biển,….“[19]
Cũng trong hội nghị này Lê Hồng Anh, uỷ viên Bộ chính trị Thường trực Ban bí thư và nguyên Bộ trưởng Công an, đã ra lệnh theo dõi tâm trạng của đảng viên, các tầng lớp nhân dân và phải kịp thời ra tay trấn áp các cuộc đấu tranh đòi dân chủ, độc lập và quyền sống của nhân dân:
„Chủ động và thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng nắm vững các định hướng tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tập trung vào các sự kiện lớn, những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những bức xúc, nổi cộm trong xã hội, tránh bị động, bất ngờ. Chủ động, nhạy bén, sắc sảo, linh hoạt trong đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hoà bình”, các hoạt động chống phá dưới nhiều hình thức của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. „ [20]
Trong khi ấy tại một cuộc Hội thảo khoa học ở Hà nội ngày 10.1.2012 uỷ viên Bộ chính trị bộ trưởng Công an tướng Trần Đại Quang vẫn lồng lộn ra lệnh:“ Phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Công an Nhân dan“ [21]
Sau khi chuẩn bị các biện pháp răn đe và đàn áp cả đảng viên lẫn nhân dân, tất nhiên sẽ đến lượt sắp sửa cho trình diễn những vở tuồng „tự phê bình và phê bình“ của một số người ở cấp cao. Việc này đã được uỷ viên Bộ chính trị Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa chính thức cho biết trong Hội nghị Cán bộ toàn quốc vừa được tổ chức cũng vào giữa tháng 1:
“Chỉ đạo tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp Trung ương phải gương mẫu làm trước để tạo niềm tin”. [22]
Như thế người ta có thể tiên liệu là, vào đầu tháng 2 nhân dịp kỉ niệm 82 năm thành lập Đảng các tuồng khóc ròng, khóc thống thiết như ở Bắc Hàn mới đây sẽ diễn ra ở VN!
Như vậy chỉ tính riêng mới một năm làm Tổng bí thư, nhưng ông Trọng đã làm nhiều việc rất trái ngược nhau: Lập Cương lĩnh Chính trị phản động, độc tài, bảo vệ độc quyền kinh tế nhà nước cho các quan tham, nay lại rao giảng mở phong trào chống chủ nghĩa cá nhân ích kỉ, chống tham nhũng! Tuyên bố thực hiện dân chủ thực sự, nhưng lại đàn áp người yêu nước và theo lệnh của Bắc kinh cấm dân biểu tình!
Gần đây ở trong và ngoài nước ngày càng nhiều trí thức, chuyên viên, nhà báo có tên tuổi đã công khai vạch rõ và báo động các thủ đoạn lừa dối nhân dân của Nguyễn Phú Trọng và những người cầm đầu chế độ trong chủ trương „chỉnh đốn Đảng“. Ngày càng nhiều cán bộ cao cấp, tướng lãnh và đảng viên tiến bộ biết quí tự trọng cũng đã phản tỉnh và nhập cuộc. Họ cảnh báo nghiêm khắc, nếu những người cầm đầu Đảng vẫn không chịu thành khẩn thay đổi toàn diện tận gốc, bỏ lỡ cơ hội một lần nữa là tiếp tục cố tình khinh thường nhân dân và phải nhận các hậu quả không lường được!
Thời gian qua nhiều trí thức đã gửi thư và kiến nghị chung tới nhóm cầm đầu để phản đối về những cuộc đàn áp thô bạo và cảnh báo nghiêm khắc về nạn độc tài, tham nhũng và lệ thuộc Bắc kinh. Nhưng cho tới nay những phản đối và đòi hỏi chính đáng đều không được đếm xỉa. Thái độ ngạo mạn khinh dân này đã được GS Nguyễn Huệ Chi, một trí thức có uy tín trong nước, diễn tả trong bài phỏng vấn với đài BBC gần đây phản ảnh rất trung thực quan điểm chung của nhiều giới:
“Chúng tôi viết để cho thấy rằng, 85 triệu dân ở trong nước không phải là những con bò, mà là những con người. Họ biết sống, họ biết suy nghĩ và họ biết quyền của họ. Chứ còn hiện nay, chúng tôi bị đối xử hơn những con bò”[23]
Nguyễn Phú Trọng và những người cầm đầu chế độ độc tài toàn trị cần phải nghiêm túc hiểu đúng thông điệp này. Hoặc các ông muốn đi vào lịch sử dân tộc bằng cửa chính được mọi người kính nể, hay phải đi cửa hậu với sự kết án muôn đời! Nếu cứ giữ thái độ miệng quan trôn trẻ, tiếp tục giở các trò phường chèo người cũ khoác áo mới, hay các thủ đoạn con cáo khoác lông cừu sẽ không thể còn đánh lừa được ai và chẳng còn ai sợ. Thời gian đang đứng về phía nhân dân, đi đầu là thanh niên và trí thức yêu nước, kể cả những đảng viên tiến bộ biết quí tự trọng!
TS Âu Dương Thệ
Ghi Chú:
[1] . Nguyễn Phú Trọng, diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (HNTU), Cộng sản (CS) 31.12.11
[2] . NQ 12-NQ/TW 16.1.12 , CS 17.1.12
[3] . Như trên
[4] . Nguyễn Phú Trọng, diễn văn khai mạc HNTU 4, CS 26.12.11
[5] . Nguyễn Phú Trọng, diễn văn bế mạc HNTU 4, CS 31.12.11
[6] . Như trên
[7] . Như trên
[8] . Như trên
[9] . Như trên
[10] . Lê Khả Phiêu, Muốn Đảng mạnh phải loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, Quân đội Nhân dân 29.12.11; BBC4.1.12
[11] . Hữu Thọ, Vai trò giám sát của báo chí, Tiền phong 12.1.12
[12] . Ngô Minh, chỉnh hay đốn, Blog Nguyễn Quang Lập 11.1.12
[13] . Âu Dương Thệ, 2011: Lãnh đạo đánh mất chữ tín với đảng viên và nhân dân ! http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2012/adt412.htm
[14] . Hữu Thọ, như trên. Đọc thêm Hoàng Tuỵ, Tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống, Viet-Studies
[15] . Khai từ-Trăng Hoàng cung- Phùng Quán, sự tích bài thơ „Chống tham ô, lãnh phí“ của nhà thơ Phùng Quán, Quê choá 16.1.12
[16] . Tương Lai, bài phát biểu (chuyển) tại Hội nghị 4. của Mặt trận Tổ quốc (7) 11.112, Bauxite VN (BVN) 13.1.12
[17] . Nguyễn Phú Trọng, diễn văn bế mạc HNTU 4, CS 31.12.11
[18] . Âu Dương Thệ, như trên
[19] . CS 14.1.12
[20] . CS 13.1.12
[21] . Công an Nhân dân 11.1.12
[22] . Tô Huy Rứa, diễn văn bế mạc Hội nghị Cán bộ toàn quốc 2012, Tạp chí Xây đựng đảng, 11.1.12
[23] . Nguyễn Huệ Chi, Thông điệp đằng sau thư gửi Chủ tịch nước, BVN 1.1.12; và BBC 31.12.11
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2011/12/111231_prof_nguyen_hue_chi.shtml