Ngày 25 tháng 7 vừa qua tôi cùng gia đình con trai đi nghỉ hè ở Cancún, México, 5 ngày. Đúng ra là đi cho con cháu vui và cũng để tạm quên “nhịp sống quanh ta” ít ngày.
Sau thủ tục an ninh gắt gao tại Phi trường Dulles, chúng tôi lên phi cơ rời vùng trời Washington nóng gần 100 đô F. lúc 9 giờ sáng cùng với hơn 100 hành khách của chuyến bay toàn là dân đi tìm những ngày vui tại một trong những bờ biển đẹp và nổi tiếng nhất thế giới.
Sau 3 giờ bay, phi cơ đáp xuống Phi trường Cancún trong nắng đẹp và gió mát với kẻ đến người đi tấp nập. Ngay cổng phi trường trên đường về khách sạn có tấm bảng lớn “WELCOME TO PARADISE”. “Địa đàng” cho những kẻ có tiền trên một đất nước đang phát triển với rất nhiều người nghèo.
Người ta gọi Cancún là “địa đàng” cũng có lý do vì nơi đây không có cảnh nghèo khó của loài người, và của cả xứ Mễ, không có những khuôn mặt ưu phiền vì cơm gạo hay hận thù vì chiến tranh, và không có tội ác, kể cả những tội ác ghê rợn liên quan đến ma túy đang làm ung thối nhiều thành phố Mễ về phiá Bắc, gần biên giới Hoa Kỳ.
Cancún là một thành phố xa hoa chỉ có những người Mễ may mắn có công ăn việc làm ở đây để phục vụ cho những du khách từ khắp nơi tới, mà đa số là từ Mỹ, ở đầy hàng trăm khách sạn sang trọng với hàng ngàn dịch vụ để moi tiền dân tứ xứ mà ai cũng vui cười, hạnh phúc. Nhưng cái đáng nói nhất ở đây, và cũng là lý do chính lội cuốn du khách tới đây là Cancún có bờ biển rất đẹp với nước biển rất xanh và bãi cát rất trắng. Các khách sạn sang trọng được xây cất dọc theo bờ biển đã dẫn nước biển vào những hồ bơi nhân tạo của khách sạn bên cạnh những hàng dừa và các “túp lều tranh” nên thơ tạo thành cảnh “địa đàng” với những người đẹp có thân hình vệ nữ trông rất “nhức mắt”.
Nhưng thôi, tả thêm nữa có thể lại bị vu cáo là ăn tiền của các công ty du lịch để quảng cáo cho Cancún. Tuy nhiên, phải nói thật là mục đích của tôi tới đây để tạm quên “nhịp sống quanh ta” ít ngày đã không đạt được. Cancún, cũng như tất cả các bãi biển nổi tiếng trên thế giới, không phải là nơi cho những người thích yên tĩnh và muốn tìm sự thanh thản cho tâm hồn.
Tôi không mang theo lap top, không dùng computer của khách sạn, nhưng vẫn không trốn tránh được những biến động xảy ra trên “thế giới bên ngoài”. Sau những giờ tắm biển và “tắm mắt”, ăn uống thoả thích, tối về phòng khách sạn mở ti-vi định xem đá bóng (chiếu suốt ngày đêm ở Mễ), nhưng những tin thời sự nóng bỏng từ khắp nơi vẫn ập tới.
Ngày 25 tháng 7, Anders Behring Breivik ra toà. Breivik là một người Na-uy 32 tuổi, Thứ Sáu tuần trước đã làm rung động đất nước nhỏ bé, an bình này ở Bắc Âu với chưa tới 5 triệu dân khi anh ta cho nổ một chiếc xe van chứa bom đậu bên ngoài toà nhà chính phủ ở trung tâm thủ đô Oslo, nơi đặt văn phòng thủ tướng và các bộ tư pháp, thương mại, dầu khí. Thủ tướng Stoltenberg không có mặt tại văn phòng, và không có ai trong toà nhà chính phủ tử nạn nhưng có bảy người ở bên ngoài thiệt mạng.
Theo cảnh sát Na-uy, sau khi cho nổ bom chứa trên chiếc xe van, Breivik đã lái một chiếc xe khác tới hòn đảo nhỏ Utoya cách Oslo 24 cây số, nơi đang có trại hè hàng năm của tổ chức thanh niên thuộc Đảng Lao Động Na-uy. Breivik đã xả súng bắn vào những người có mặt tại đây trong khoảng một giờ khiến 86 người chết. Cộng chung có 93 người chết (sau được rút xuống còn 76) và gần 100 người khác bị thương, vụ tàn sát được coi là thảm kịch lớn nhất của Na-uy kể từ Thế Chiến II.
Breivik đã đầu hàng cảnh sát, không kháng cự, và cho biết có hai tòng phạm nhưng có vẻ như anh ta đã hành động một mình. Na-uy không có án tử hình, và nếu bị xác nhận tất cả tội trạng bị truy tố, Breivik có thể bị ngồi tù tối đa là 21 năm.
Luật sư muốn dùng luận cứ “tâm thần bất định” để biện hộ cho Breivik, nhưng đầu óc anh ta lại không có vẻ điên khùng. Trái lại, Breivik đã nói trong những thông điệp trên Facebook và Twitter rằng truyền thống Âu Châu đang bị bao vây bởi hai lực lượng đồi bại: sự gia tăng số lượng di dân Hồi giáo không chấp nhận lối sống của người Âu, và thành phần quốc tế xã hội chủ nghĩa đa văn hoá với những chính trị gia phe tả đã tạo dễ dàng cho sự đảo ngược nền văn hoá Âu Châu. Có lẽ đó là lý do vì sao Breivik đã tấn công những mục tiêu liên hệ đến Đảng Lao Động đang cầm quyền ở Na-uy mà anh ta coi là thủ phạm chính tiếp tay phá hủy căn cước Na-uy và Âu Châu. Anh ta nói rằng đa số dân Na-uy và Âu Châu chống lại sự di dân Hồi giáo ồ ạt trong mấy thập niên vừa qua nhưng giới truyền thông dòng chính đã làm mọi cách để che giấu sự thật là vấn đề đã bắt đầu sôi sục. Breisik tiên đoán rằng sẽ có một cuộc “nội chiến văn hoá” xảy ra tại Âu Châu trong vòng 10 hay 15 năm với một liên minh rộng lớn để chống lại cuộc thánh chiến Jihad của Hồi giáo, và Âu Châu sẽ lại một lần nữa chìm trong máu lửa.
Tiên đoán của Breivik đúng hay sai chưa biết nhưng không lâu trước đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron đã công khai nhìn nhận chính sách đa văn hoá đối với di dân tại hai nước ấy đã thất bại, và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng đã cho áp dụng những biện pháp mới để kiểm soát di dân Hồi giáo.
Có lẽ phải chờ một thời gian để xem biến cố do Breivik gây ra tại Na-uy sẽ ảnh hưởng thế nào đến các nước Âu Châu khác, nhưng ngày đầu tiên của tôi tại “Địa đàng” đã bị ám ảnh bởi những khuôn mặt trẻ măng, nạn nhân của vụ thảm sát, những tương lai tươi sáng bất ngờ bị đứt đoạn do bạo động tại một nơi hàng năm phát ra những Giải Nobel Hoà Bình cao qúy, và giải này từ nay có bị đám mây mù của ngày 22.7 che phủ hay không.
Chính tại “Địa đàng” Cancún, qua tin về cuộc thảm sát ở Na-uy, tôi đã “khám phá” ra một điều chẳng có gì mới mẻ: con người vô tội là sinh vật dễ bị giết hại nhất, nhân danh những điều cao cả và vĩ đại.
Cũng trên màn ảnh truyền hình tại “Địa đàng” Cancún, lần đầu tiên tôi được thấy dung nhan cô bồi phòng Nafissatou Diallo, người đã giúp Ông Dominique Strauss-Kahn (DSK) nổi tiếng khắp thế giới như một “kẻ thù của phụ nữ” trong khi ông rất “yêu phụ nữ”. Chuyện gì đã thực sự xảy ra ngày 14.5 trong căn phòng khách sạn cực sang Sofitel ở New York chỉ có hai đương sự biết với nhau nhưng mỗi người lại nói một ngả. Diallo cáo buộc DSK dùng bạo lực cưỡng bức cô. DSK lại nói rằng quan hệ tình dục giữa hai người có sự đồng thuận. Nhóm luật sư đắt giá của DSK có vẻ đã thuyết phục được giới tư pháp ở New York nên thân chủ của họ đã được tại ngoại mà không cần tiền thế chân, chờ ngày ra toà, nhưng cũng đã thua thiệt nặng nề: mất chức chủ tịch Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đầy danh vọng quyền thế và tan tành giấc mơ trở thành tổng thống nước Pháp “tự do, bình đẳng, huynh đệ”. Trái lại, Diallo, 32 tuổi, không chồng, một con, di dân tới Mỹ từ Guinea, Tây Phi Châu, không có gì để mất. Cô ta xuất hiện trên màn ảnh truyền hình buộc tội nhà chính trị khả kính của nước Pháp đã hành động như một kẻ điên rồ và nói: “Tôi muốn công lý. Tôi muốn ông ta vào tù. Tôi muốn ông ta biết rằng có những nơi người ta không thể dùng tiền bạc và quyền lực khi làm những việc giống như thế này.” Cô bồi phòng này có giọng lưỡi như một chính trị gia hùng biện chứ không phải là một người lao động chân chính, “thấp cổ bé miệng”. Nhà chính khách lão thành và quyền thế của nước Pháp đã “gặp ma” sau những năm dài “đi đêm” xuôi rót.
Đủ loại biến cố xảy ra trên thế giới đã xuất hiện mỗi tối trên màn ảnh truyền hình trong phòng khách sạn ở “Địa đàng” Cancún, nhưng phi lý và khó tin nhất là chuyện siêu cường tư bản Hoa Kỳ có thể vỡ nợ nếu Quốc Hội và Bạch Cung không thoả thuận được với nhau trước ngày 2 tháng 8 để nâng cao cái “trần công nợ” và cắt giảm chi tiêu của quốc gia. Các nhà lãnh đạo của Hạ Viện (do Đảng Cộng Hoà kiểm soát) và Thượng Viện (do Đảng Dân Chủ nắm đa số) họp hành liên miên với Tổng thống Obama để điều đình đi đến đồng thuận cho một giải pháp chung, nhưng càng họp thì càng tranh cãi và không bên nào chịu nhượng bộ bên nào, khoảng cách càng lớn rộng thêm, thậm chí có lần Ông Obama đã giận dỗi bỏ ra khỏi phòng họp. Gần như mỗi ngày các bên đều lên tiếng đổ tội cho nhau trong lúc nợ quốc gia (công trái) đã lên tới hơn 14 ức (14 ngàn tỉ) đô-la, gần bằng tổng sản lượng quốc gia Mỹ, và tiền lời vẫn tăng lên vùn vụt mỗi giây, trong lúc dân Mỹ bất bình và cả thế giới cầm hơi thở lo sợ theo dõi, vì nước Mỹ mà vỡ nợ thì nhiều nước khác cũng sẽ vỡ nợ theo.
Cho đến lúc tôi lên phi cơ rời khỏi “Địa đàng” Cancún, ngày nước Mỹ vỡ nợ đã tới gần, lập trường hai bên vẫn chưa gần nhau thêm một ly nào. Phe Cộng Hoà chủ trương cắt giảm chi tiêu lớn và không tăng thuế, trong lúc phe Dân Chủ đề nghị tăng thuế nhà giàu đi đôi với cắt giảm vừa phải ngân sách quốc gia.
Thật ra, tôi không mường tượng được chuyện nước Mỹ “vỡ nợ” kinh khủng ra sao vì chuyện ấy chưa bao giờ xảy ra, nhưng chắc không thể so sánh được với kinh nghiệm “mất nước” mà tôi đã từng trải qua năm 1975. Tôi không có gì phải sợ. Vả lại, tôi nghĩ đây là thể thức sinh hoạt dân chủ, cuối cùng rồi hai phe cũng phải đi đến một giải pháp dung hoà để tránh tai họa cho nước Mỹ, dân Mỹ, và cả thế giới.
Trở về nhà, tôi mở Internet, ngồi suốt đêm để lọc ra những gì không trông đợi và đọc những gì cần đọc. Đây là một tai ách và cũng là một nhu cầu hàng ngày của thời đại truyền thông điện tử mà tôi đã cố quên đi trong 5 ngày ở “Địa đàng” Cancún.
Với những ưu tư không thể tránh, tôi đọc những bài liên quan đến Nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ vừa ra khỏi nhà tù ở Việt Nam và sang Mỹ không bao lâu. Mấy năm gần đây, trường hợp Trần Khải Thanh Thủy rất được giới hoạt động cho nhân quyền quốc tế đặc biệt quan tâm, và hoan nghênh việc bà được trả tự do và sang Mỹ. Nhưng bà đã là mục tiêu của vài sự đả kích trong cộng đồng người Việt, phần lớn là vì liên hệ của bà với Đảng Việt Tân. Tôi không rõ nội dung của mối liên hệ ấy, chỉ biết Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy là một người đã can đảm đứng lên đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam từ nhiều năm nay, đã mấy lần bị tù, bản thân bà cũng như gia đình đã chịu nhiều khổ đau do chính sách đàn áp dã man của CSVN. Bà đã được vài giải thưởng của các tổ chức nhân quyền của người Việt hải ngoại cũng như quốc tế. Tháng 9 năm ngoái, tại Đại Hội Văn Bút Quốc Tế (P.E.N. International) họp tại Tokyo, Bà Trần Khải Thanh Thủy đã được vinh danh và được dành cho một chiếc ghế trống trên đó có để chân dung và tiểu sử của bà.
Vào giữa tháng 7 vừa qua, Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã tới Hoa Thịnh Đốn và tiếp xúc với một số nhân vật trong giới lập pháp cũng như ngoại giao Mỹ. Trong dịp này, Bác sĩ Đặng Vũ Chấn có tổ chức một cuộc họp mặt tại tư gia để Nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ gặp gỡ cộng đồng người Việt Vùng Hoa Thịnh Đốn. Tôi có nhận được thư mời nhưng phải đi xa ngày hôm ấy nên rất tiếc đã bỏ lỡ cơ hội gặp Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, người mà tôi rất ngưỡng mộ qua sự dấn thân tranh đấu và những sáng tác văn học của bà, thách thức cả bộ máy đàn áp của bạo quyền.
Con đường đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam còn nhiều gian nan, và những người dấn thân vào cuộc còn phải chấp nhận nhiều hy sinh, đau khổ, trong đó có sự đánh phá của cả thù lẫn bạn. Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Lý, Thích Quảng Độ, Nguyễn Đan Quế…đều đang đi trên con đường ấy.
Viết đến đây tôi bỗng nhớ tới một người: Irina Zisman. Bà là ký giả ngoại quốc duy nhất có mặt trong phiên toà xử Bác sĩ Nguyễn Đan Quế vào cuối thập niên 1980 ở Sài-Gòn và bà đã tin tưởng mạnh mẽ rằng tự do sẽ sớm đến với dân tộc Việt Nam. Trở về Nga, cách mạng dân chủ dồn dập diễn ra, cả khối Đông Âu sụp đổ rồi đến Liên Sô tan rã, Irina càng tin rằng không bao lâu sẽ đến Việt Nam. Khi chế độ mới ở Nga cho phép tư nhân lập đài phát thanh, Bà Irina liền thuê làn sóng của Đài Mạc-tư-khoa mà trước đây bà từng là một phóng viên để lập ra Đài Tiếng Nói Tự Do từ Mạc-tư-khoa phát thanh về Việt Nam, cổ vũ cho tự do dân chủ.
Hành động hào hiệp, cao quý ấy của một người Nga yêu Việt Nam đã làm nức lòng người Việt ở trong nước và cả người Việt ở hải ngoại khi Bà Irina xuất hiện giới thiệu về hoạt động của Đài và gây quỹ nuôi Đài. Trong lúc ấy, Hà-Nội cũng bắt đầu sợ hãi và tức giận trước sự thách thức của Tiếng Nói Tự Do Từ Mạc-tư-khoa, và đã làm mọi cách để bịt mồm tiếng nói nguy hiểm ấy. Sang năm 1994, Tiếng Nói Tự Do Từ Mạc-tư-khoa phải ngưng hoạt động, do lệnh của chính quyền Nga và cũng vì không có sự yểm trợ tài chính cần thiết từ người Việt hải ngoại.
Trong thời gian Đài còn hoạt động, Bà Irina đã phải vay tiền để chi phí khiến mang một số nợ lớn với bọn xã hội đen tại Nga nên đã phải bán nhà để trả nợ, cả gia đình phải đi ở thuê, và còn bị mang tiếng xấu do một số người tung ra với ác ý.
Do định mệnh an bài, tôi đã có những gắn bó với Đài Tiếng Nói Tự Do Từ Mạc-tư-khoa từ lúc khởi đầu và chia sẻ những khó khăn với Irina trong nhiều năm qua. Trước khi tôi đi Cancún vài ngày, Irina gọi điện thoại hỏi thăm và cho biết trời Mạc-tư-khoa nóng quá mà nhà lại không có máy lạnh. Tôi nghe thật buồn và thương những người có lòng luôn chịu những bất công của đời, và của trời. Trong mấy ngày ở “Địa đàng” Cancún, tôi không ngớt nghĩ tới Irina, tới cuộc tranh đấu cho tự do còn nhiều gian nan ở Việt Nam.
Tôi tìm được vài đốm sáng ở cuối đường hầm khi trở về nhà, nhận được email của người cháu từ Sài-Gòn gửi sang, những dòng “Nhật Ký Yêu Nước” sôi nổi đến với tôi đều đều từ khi có những cuộc biểu tình diễn ra tại Hà-Nội và Sài-Gòn.
Tuổi trẻ Việt Nam đang cùng nhau đứng lên…
Sơn Tùng
31.7.2011