“Mệnh lệnh là mệnh lệnh,” người lính được bảo. “Luật là luật,” luật gia nói. Tuy nhiên, nghĩa vụ và luật pháp không yêu cầu người lính phải tuân thủ một mệnh lệnh mà anh ta biết là có mục tiêu phạm tội nặng hoặc nhẹ, trong khi luật gia—bởi những luật sư luật tự nhiên cuối cùng đã suy vong một trăm năm trước—thì không công nhận ngoại lệ nào như vậy đối với hiệu lực của pháp luật hoặc đối với sự tuân thủ của đối tượng của luật pháp. Luật có hiệu lực bởi vì nó là luật, và nó là luật nếu, như trong những trường hợp thông thường, nó có sức mạnh để chiếm ưu thế.
Quan điểm này về pháp luật và hiệu lực của nó (mà chúng ta gọi là lý thuyết thực chứng) đã khiến luật gia cũng như người dân trở nên không có khả năng tự vệ trước những pháp luật tùy tiện, độc ác, hoặc sai trái, bất kể chúng cực đoan đến đâu. Cuối cùng, lý thuyết thực chứng đồng nhất pháp luật với quyền lực; chỉ nơi nào có quyền lực thì mới có pháp luật.
Phút Thứ Hai
Đã có những nỗ lực nhằm bổ sung hoặc thay thế lý thuyết này bằng một lý thuyết khác: luật pháp là những gì mang lại lợi ích cho con người.
Tức là, sự tùy tiện, sự vi phạm hợp đồng, những hành vi bất hợp pháp—với điều kiện chúng chỉ có lợi cho con người—là luật pháp. Thực tế mà nói, điều này có nghĩa là bất cứ điều gì mà chính quyền nhà nước cho là có lợi cho con người thì đều là luật pháp, bao gồm mọi ý định chuyên quyền và độc đoán, sự trừng phạt không theo luật pháp hoặc quyết định tư pháp, sát hại người bệnh một cách vô pháp. Điều này có thể đồng nghĩa với việc tư lợi của nhà cầm quyền cũng được coi là lợi ích công. Như vậy, việc đặt ngang luật pháp với lợi ích giả định của con người đã biến một Rechtsstaat thành một nhà nước vô pháp.
Không, nó không có nghĩa là: Mọi thứ mang lại lợi ích cho con người thì đều là luật. Thay vào đó, trái lại: Chỉ những gì là lẽ phải mới mang lại lợi ích cho con người.
Phút Thứ Ba
Luật pháp là ý chí vì công lý. Công lý là: Đánh giá mà không liên quan đến cá nhân, đo lường tất cả theo cùng một tiêu chuẩn.
Nếu một người ca ngợi việc ám sát các đối thủ chính trị, hoặc ra lệnh sát hại người dân thuộc một chủng tộc khác, trong khi ban hành những hình phạt dã man và đê hèn nhất đối với những người có hành vi tương tự với những người ủng hộ anh ta, thì đây không phải công lý cũng không phải luật pháp.
Nếu pháp luật cố tình phản bội ý chí vì công lý—bằng cách, ví dụ, tùy tiện ban phát và bảo lưu các quyền con người—thì luật pháp đó thiếu hiệu lực, người dân không nợ nó sự tuân thủ, và các luật gia cũng phải có đủ cam đảm để phủ nhận tính pháp lý của nó.
Phút Thứ Tư
Dĩ nhiên, công lợi, cùng với công lý, là một mục tiêu của pháp luật. Và dĩ nhiên, tự thân luật pháp cũng có giá trị, ngay cả những pháp luật tồi: đó là giá trị bảo vệ pháp luật trước sự không chắc chắn. Và dĩ nhiên, do sự bất toàn của con người, ba giá trị của luật pháp —công lợi, an ninh pháp lý, và công lý—không phải luôn thống nhất một cách hài hòa trong pháp luật, và khi đó, cách duy nhất là cân nhắc xem những pháp luật tồi, có hại, hoặc bất công có được trao hiệu lực vì lợi ích của sự chắc chắn pháp lý, hay không được trao vì sự bất công hoặc tác hại xã hội của chúng. Tuy nhiên, điều này phải được khắc ghi trong ý thức của người dân cũng như của các luật gia: Có thể có những luật pháp bất công và có hại cho xã hội đến mức hiệu lực, bản thân tính pháp lý, phải phủ nhận chúng.
Phút Thứ Năm
Như vậy, có những nguyên tắc pháp luật còn hệ trọng hơn bất cứ văn bản pháp lý nào, do đó pháp luật nào xung đột với chúng thì không có hiệu lực. Người ta gọi những nguyên tắc đó là luật tự nhiên hoặc luật lý lẽ. Chắc chắn, chi tiết của chúng còn để ngỏ, nhưng công trình của hàng thế kỷ trên thực tế đã tạo nên một cốt lõi cứng rắn, và chúng đã được hưởng sự đồng thuận sâu rộng trong những cái gọi là tuyên ngôn về các quyền con người và các quyền dân sự mà chỉ những kẻ hoài nghi giáo điều mới có thể duy trì sự nghi ngờ về một số nguyên tắc trong số đó.
Trong ngôn ngữ của đức tin, những tư tưởng tương tự được ghi nhận trong hai câu Kinh Thánh. Trong đó viết rằng người hãy vâng lời những người có quyền lớn hơn,[1] nhưng cũng viết rằng người thà vâng lời Chúa hơn là vâng lời con người[2]—và đây không đơn giản là một điều ước phi thực tế, mà là một đề xuất pháp lý có giá trị. Căng thẳng giữa hai chỉ dẫn này không thể được giải quyết bằng một câu thứ ba, ví dụ câu: “Trả lại cho Caesar những gì của Caesar, và trả lại cho Chúa những gì là của Chúa.”[3] Bởi với chỉ dẫn này, ranh giới vẫn nằm trong mơ hồ. Hoặc đúng hơn, nó để lại giải pháp trong tiếng nói của Chúa, vốn chỉ lên tiếng với lương tâm của cá nhân trong trường hợp cụ thể.♦
Gustav Radbruch
Nguyễn Huy Hoàng biên dịch
Nguồn: Gustav Radbruch, “Five Minutes of Legal Philosophy (1945),” Oxford Journal of Legal Studies, Vol. 26, No. 1 (2006), pp. 13–15. DOI: 10.1093/ojls/gqi042[4]
Gustav Radbruch (1878–1949), bộ trưởng tư pháp Đức thời kỳ đầu Cộng hòa Weimar, là một trong những triết gia pháp lý có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20.
***
[1] Kinh Thánh, Hebrews 13:17.
[2] Ibid, Acts 5:29.
[3] Ibid, Mark 12:17.
[4] “Fünf Minuten Rechtsphilosophie,” được xuất bản lần đầu trong Rhein-Neckar-Zeitung (Heidelberg), 12 September 1945, in lại, inter alia, trong Gustav Radbruch, Gesamtausgabe (Collected Works), 20 vols, Arthur Kaufmann (ed.), vol. 3: Rechtsphilosophie III, Winfried Hassemer (ed.) (Heidelberg: C. F. Müller, 1990) 78–9; trong Radbruch, Rechtsphilosophie, Studienausgabe, Ralf Dreier and Stanley L. Paulson (eds) (Heidelberg: C. F. Müller, 2nd edn, 2003) 209–10, 234 (editors’ notes); trong Radbruch, Rechtsphilosophie, 4th–7th edns, Erik Wolf (ed.), 8th edn, Erik Wolf and Hans-Peter Schneider (eds) (Stuttgart: K. F. Koehler, 1950–73); và dưới nhan đề “Rechtsphilosophische Besinnung” trong Radbruch, Der Mensch im Recht, Fritz von Hippel (ed.) (Göttingen: Vandenhoeck & Ruprecht, 1957) 105–7. Bản dịch [tiếng Anh, của Bonnie Litschewski-Paulson và Stanley L. Paulson] được xuất bản dưới sự đồng ý của Bà Dorothea Kaufmann (Munich). © The Author 2006. Published by Oxford University Press. All rights reserved. For permissions, please e-mail: journals.permissions@oxfordjou