Việt Nam chúng ta còn có phong tục “Tháng giêng là tháng ăn chơi. Tháng 2 chơi hội tháng 3 chơi đình”. Chơi nhiều thế thì chúng ta đã nghèo càng vĩnh viễn nghèo. Ngày nay, có một bộ phận không nhỏ dường như đang hình thành hoặc bứt phá truyền thống cũ để làm nên sở thích mới.
Cải cách ăn Tết đâu phải là quên lãng tổ tiên
Chào đón năm mới không chỉ là một sự kiện gia đình hay xã hội, mà đó là sự kiện của vũ trụ, chào đón một vòng quay mới của tạo hóa, một vòng quay như thể, hệ điều khiển sẽ dẫn dắt vạn vật và con người bước vào một chu kỳ mới. Người Việt dựng những cây nêu, mang hoa quả vào đền chùa dâng hiến, thắp hương cũng là để cúi tạ những thế lực thiêng liêng và trời đất, đó là cái gốc lập trình cho vũ trụ cũng như mọi người.
Nhìn nước phải thấy nguồn, giống như triết gia Aristote viết: “Càng học ít càng buồn. Dù uống nước trong chẳng thấy được nguồn“.
Người Việt xa xưa tuy học chưa nhiều, đa số là tiểu nông, nhưng người ta vẫn nhận biết nguồn gốc của mình: Trước hết là trời – đất, còn gọi là “con tạo xoay vần,” là máy cái tạo ra con người, cũng như xã hội loài người. Người Việt nói “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Như vậy có nghĩa là, dù cho cha mẹ có sinh con cái, thì đó chỉ là da thịt. Còn bản tính của con người, mã gien của linh hồn, là cái được lập trình để điều khiển thân xác, phải là của Đấng tạo hóa.
Ví dụ đơn giản, con người như chiếc đài, nhưng nó thu được âm thanh nào là do có trạm thu phát máy cái đặt tại trung tâm, còn tự thân chiếc đài, nó chẳng thể phát ra bất cứ bài hát nào. Tạo hóa là trung tâm thu phát kênh thông tin linh hồn. Còn con người chỉ là chiếc đài thôi.
Mới đây, các nhà khoa học có một phát hiện rằng: Mã gien của con người mang dự báo về cuộc đời sinh – tử của nó, mã gien đó rõ ràng được lập trình trước. Và hiện nay, số liệu mà các nhà khoa học, dù chỉ mới manh nha phát hiện đã có độ chính xác hơn 77%.
Sau máy chủ là đến các máy trung, người Việt rất coi trọng bàn thờ tổ tiên ông bà trong ngày tết. Vì tâm linh của người Việt chú mục vào “bái vật giáo”, nên chủ yếu thờ cúng bằng lễ vật. Người Việt dâng tất cả những gì ngon nhất, quí nhất, đẹp nhất lên bàn thờ để thờ cúng tổ tiên ông bà. Và cả xã hội có một phương ngôn rất “quyết tâm chính trị” rằng: “Đói quanh năm, no 3 ngày tết”.
Điều này không chỉ có nghĩa, 3 ngày tết được no, mà là dù đói quanh năm cũng không thể nghèo hèn và cẩu thả nhịn đói qua ngày đến mức không có lễ vật dâng lên bàn thờ cho tổ tiên. Dâng lên bàn thờ để cúng bái giá trị dâng hiến siêu hình, còn phẩm vật vẫn còn lại, ông bà ăn hương hoa, còn con cháu được ăn thực phẩm thật.
Tết là một truyền thống trọng đại có từ ngàn đời, giờ bỗng chốc chúng ta muốn “cải cách” ư? Cải cách có nghĩa là không tôn trọng tổ tiên ông bà? Điều này chúng ta sẽ có một câu trả lời thật rõ ràng, chẳng chút nào vướng bận băn khoăn cả, rằng: Dù chúng ta có cải cách lối ăn Tết thì bàn thờ tổ tiên ông bà vẫn còn đó, chúng ta vẫn hương khói hoa quả như xưa, thì có gì gọi là lãng quên ông bà hay truyền thống?
Vậy thì lý do cải cách là gì? Xã hội ta là xã hội tiểu nông và tam nông, ngay đến bây giờ chúng ta vẫn còn hơn 80% dân số làm nông nghiệp. Vì thế trong nhiều thế kỷ nông nghiệp, mang nặng đầu óc tiểu nông, chúng ta đã hình thành nên những truyền thống thâm căn cố đế tiểu nông. Đó là những truyền thống được sinh ra và gìn giữ trong nghèo nàn và lạc hậu.
Giờ đây, khẩu hiệu của chúng ta là xây dựng xã hội công bằng, bác ái, dân chủ, tự do, bình đẳng, tiên tiến, văn minh. Chẳng lẽ chúng ta lại không phải xây dựng những nét văn hóa thời đại mới, cũng như những truyền thống mới? Văn hóa và truyền thống không có sẵn mà nó được kế thừa xây dựng mỗi ngày.
Chẳng hạn, ngày xưa làm gì có xe đạp, nhưng ngày nay có xe đạp nên chúng ta hình thành văn hóa đi xe đạp. Những cô thôn nữ quê mùa ngày nay còn phóng xe máy đi chợ, họ hình thành văn hóa đi xe máy, thử hỏi bà và mẹ họ ngày trước làm sao đã có văn hóa đi xe máy? Rồi đang có rất nhiều cô gái lái ô tô, chính họ cũng đang hình thành văn hóa lái xe mà ngày trước chưa từng có.
Không dám nhảy vọt khỏi truyền thống chúng ta sẽ nghèo nàn, điều đó không chỉ đúng với Việt Nam hay các dân tộc tam nông mà còn đúng trên bình diện toàn thế giới. Tại sao? Quá khứ của cả thế giới này trước đây hơn một thế kỷ là nghèo nàn và lạc hậu. Cho dù từ phương Tây giầu có về chăn nuôi hơn cho đến những vùng đông dân lam lũ ở phương Đông, thì đâu đâu cũng lạc hậu với chiếc xe bò, xe trâu hay xe ngựa.
Của cải có thể nhỉnh hơn nhau đôi chút, nhưng nói chung là nghèo, nghèo phổ quát và nghèo toàn thể, chỉ trừ mấy quan lớn, địa chủ hay quí tộc ăn trên ngồi trốc, còn lại đại đa số là nghèo. Nghèo mạt hạng, nghèo không có cái gì để cho vào mồm, nghèo không có cái mặc đến độ khố rách áo ôm. Nghèo đến mức trong vài bài ca mới của chúng ta vẫn thấy hiện lên cảnh “áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá”.
Đường hoa Nguyễn Huệ được tổ chức vào dịp Tết hàng năm
Cô thôn nữ ngày xưa có văn hóa đội nón quảy gánh. Nhưng cô thôn nữ ngày nay đội mũ bảo hiểm phóng xe máy. Tốc độc khác nhau là: đi bộ – 5km, còn đi xe máy 50 km. Thật một trời một vực! Đưa ra hình ảnh cô thôn nữ, để chúng ta dễ hiểu và tất yếu thấy rằng: Văn hóa chắc chắn phải có thay đổi, thay đổi một cách bắt buộc.
Xưa kia chúng ta có văn hóa tiểu nông, thì ngày nay muốn xây dựng xã hội công nghiệp hiện đại, không thể không xây dựng nền văn hóa hiện đại mới! Hãy xem, những công nhân đứng máy dây chuyền, ngay cả cô gái đóng gói hoa quả thôi, có khác cô gái gói quà sáng ngày xưa một trời một vực không? Cùng là thợ xây, ngày xưa bắc giàn dáo cao hơn một với, còn anh công nhân ngày nay đứng trên giàn dáo vài chục tầng, độ khó khác nhau thế nào?
Nên có tư duy ăn Tết mới
Cải cách lối ăn Tết cổ truyền thiêng liêng, thật khó làm sao! Nhưng càng khó thì ý nghĩa cải cách của nó càng cấp tiến! Dù chúng ta có nghĩ ra và tiến hành cải cách đó thì Nhật Bản cũng đã nghĩ ra và cải cách trước đây từ nhiều năm. Nhật Bản thay đổi bằng hiến pháp, qui định đổi ăn Tết Âm lịch sang ăn Tết Dương lịch.
Họ đưa ra lý do: Sau Tết dương lịch, là quí 1, là đà vận động của cả nền kinh tế trong 1 năm trời. “Đầu xuôi đuôi lọt”, nếu quí 1 bứt phá làm ăn tốt, đưa mọi thứ vào qui củ, vào đà chạy nhanh dần đều, máy trơn dầu, sẽ làm cho sản xuất cả năm trôi chảy thuận buồm xuôi gió.
Trái lại, nếu nghỉ Tết Dương lịch theo Tây, rồi sau đó lại ăn Tết Âm lịch, coi như cả quí 1 lình sình ăn Tết, ăn Tết xong ngoảnh đi ngoảnh lại, quí 1 vèo qua, thế mà chưa vận hành được gì cho năm mới cả. Trong khi người châu Á đang mải ăn Tết, thì người châu Âu đã qua đà khởi động của quí 1, đang tăng tốc rầm rầm sang quí 2.
Sản xuất thời đại công nghiệp phải mang tính cạnh tranh cao, trong khi người châu Âu đã lao sang quí 2 mà ta còn đì đẹt quí 1, thử hỏi có phải ta đã thua kém họ, cứ đành thua kém mãi sao. Vậy thì, Nhật Bản phải quyết tâm ăn Tết như Tây, rồi sau đó lao vào sản xuất “đồng tốc” như Tây, có thế mới có thể cạnh tranh, đuổi ngang, đuổi kịp, rồi vượt lên.
Mỗi năm, người Nhật cũng đón chào các con giáp: Tí, Sửu, Dần Mão… nhưng họ đón trước giao thừa Dương lịch. Coi con giáp Âm lịch như biểu tượng của cả năm Dương lịch và Âm lịch vậy.
Vấn đề của Việt Nam và các nước Á Đông cũng giống Nhật Bản vậy. Những nước ăn Tết Âm lịch sẽ găp phải sự so le về kế hoạch sản xuất theo quí, theo năm. Ngày nay là nền kinh tế hội nhập toàn cầu, chúng ta không thể xem nhẹ và đứng ngoài cuộc chơi chung này.
Việt Nam chúng ta còn có phong tục “tháng giêng là tháng ăn chơi/ tháng 2 chơi hội tháng 3 chơi đình”. Chơi nhiều thế thì chúng ta đã nghèo càng vĩnh viễn nghèo. Ngày nay, có một bộ phận không nhỏ dường như đang hình thành hoặc bứt phá truyền thống cũ để làm nên sở thích mới.
Cho dù ngày Tết là ngày tụ tập về quê cha đất tổ, gia đình xum họp như vậy, nhưng nhiều người có điều kiện kinh tế, đã về thăm gia đình trước, rồi họ đăng ký các tua du lịch đi nước ngoài hoặc trong nước, để ăn Tết theo lối mới, thư giãn, nghỉ ngơi, nhẹ nhàng, chứ không phải lúc nào cũng chìm đắm trong các sinh hoạt chào hỏi lễ Tết kiểu ngày xưa.
Để giầu có hơn, “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, có lẽ chúng ta cũng nên nghĩ đến một tư duy ăn Tết mới, chơi ít hơn và làm nhiều hơn. Trước mắt nếu không cải cách được toàn phần như Nhật Bản, thì chúng ta cũng nên hoán cải mạnh mẽ nhiều tập tục cầu kỳ, nặng nề, tốn kém của ngày xưa.
Nguyễn Hoàng Đức
One Comment
TRE
Hay! Hoàn toàn đồng ý! Và không chỉ bằng tư tưởng, tớ đã thực hiện việc “ăn Tết đơn giản, gọn nhẹ” từ lâu lắm rồi! Thậm chí làm việc ngay ngày 1 Tết DL và ÂL luôn cơ!