Trong mối quan hệ kinh tế khá đặc biệt của Việt Nam với Trung Quốc, có một khái niệm ít được chú ý là tính chất “công cụ”. Chuyện ấy là gì, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu qua phần trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện sau đây hầu quý thính giả.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong một chương trình trước, ông nói đến hiện tượng “ngân hàng công cụ” hay “captive banks” là loại ngân hàng chi nhánh của một doanh nghiệp, được lập ra để phục vụ doanh nghiệp này, vận hành theo những quy luật kinh doanh đặc biệt không theo quy luật kinh tế thị trường và làm lệch lạc sinh hoạt kinh tế. Hôm nay, chúng tôi xin đề nghị ông giải thích thêm về hiện tượng đó. Ông nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi cho là ta có thể khởi đi từ một vài thí dụ cụ thể để truy ra nguyên nhân đích thực và lên tới hậu quả là một nền kinh tế công cụ. Điều ấy cũng có thể giải thích quan hệ kinh tế quá lệ thuộc vào Trung Quốc của Việt Nam ngày nay.
Vũ Hoàng: Vâng thưa ông, như vậy ta sẽ khởi đầu từ một vài thí dụ cụ thể.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi xin lấy một thí dụ như thế này, là điều có thể xảy ra trong nền kinh tế của Việt Nam hay Trung Quốc vì có cùng một thuộc tính về chính trị.
– Chẳng hạn, Tổng công ty Điện năng là tập đoàn kinh tế nhà nước với mục tiêu, tổ chức và sự vận hành đặc biệt do cơ quan nhà nước quyết định, với tiêu chí là góp phần phát triển “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Hiện tượng đó xuất hiện tại Trung Quốc và Việt Nam nên chẳng ai ngạc nhiên.
– Chi tiết đáng chú ý thứ nhất trong này là cơ chế gọi là “nhà nước” đó là công cụ của một đảng độc quyền là đảng Cộng sản. Từ đó, ta có hiện tượng mà kỳ trước mình nhắc tới là “độc quyền chân lý”, cụ thể là đảng giữ độc quyền nói ra thế nào là “định hướng xã hội chủ nghĩa”, nên nhà nước là công cụ thi hành định hướng đó trong khi kinh tế và xã hội không được phép bàn luận về nội dung hay giá trị của định hướng.
– Từ cấp độ tư tưởng đó, ta có một hiện tượng thứ hai là nhân sự trong tổ chức. Người quản lý Tổng công ty Điện năng có một chức vụ trong bộ máy công quyền của nhà nước, thí dụ như thuộc về Bộ Năng lượng hay một văn phòng trung ương của Hội đồng Chính phủ, tức là thuộc về Thủ tướng hay Tổng lý Quốc vụ viện. Với quốc tế hay thị trường, ông ta hay bà ta có thể được giới thiệu về hành chính như ngang hàng Thứ trưởng. Sự thật bên dưới là vai vế của Chủ tịch hay Tổng giám đốc này ở trong đảng. Đấy là một đảng viên cao cấp, có khi phải là một Trung ương Ủy viên và lên hay xuống chức trong bộ máy nhà nước là do đảng quyết định và bộ phận có trách nhiệm quyết định này là Ban Tổ chức Trung ương. Người cầm đầu Ban Tổ chức Trung ương là một Ủy viên Bộ Chính trị, có vị trí quan trọng không kém người cầm đầu Hội đồng Chính phủ hay Quốc vụ viện, tức là quan trọng không kém gì một Thủ tướng.
– Tôi xin cột lại cho gọn trước khi mình tìm hiểu tiếp về thí dụ công cụ này. Một đảng độc quyền đã quyết định về đường hướng kinh tế mà nhà nước phải thực hiện, và bố trí nhân sự cho bộ máy kinh tế của nhà nước, trong trường hợp ở đây là viên Tổng giám đốc Tổng công ty Điện năng. Một cách cụ thể thì viên Tổng giám đốc được Ban Tổ chức Trung ương đưa vào vị trí đó, như Ban Tổ chức Trung ương có thể chỉ định người khác làm Tổng giám đốc tập đoàn Hoá chất hay Tập đoàn Hàng hải đóng tầu, v.v…
Vũ Hoàng: Thế rồi với quyền hạn và trách nhiệm đó, Tổng công ty Điện năng có thể làm gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Vì là công cụ xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội hay định hướng nhà nước do đảng đề ra ở đằng sau, Tổng Công ty Điện năng được quản lý khác hẳn các doanh nghiệp của tư nhân, thí dụ như được ngân hàng thương mại của nhà nước cho vay với lãi suất rẻ và điều kiện ưu đãi nên có thể đạt mức doanh lợi cao hơn. Nhưng mức doanh lợi ấy cứ nằm ở nơi đó và việc sử dụng lại do ai đó ở trong đảng quyết định mà ở ngoài không thấy được.
– Khi viên Tổng giám đốc Điện năng này họp với giới đầu tư nước ngoài và nói rằng “Tôi chỉ có trách nhiệm phục vụ cổ đông” thì giới đầu tư hoặc báo chí quốc tế yên tâm thấy rằng chẳng khác gì cơ sở tư doanh điện lực của xứ khác. Vấn đề là cổ đông của Tổng công ty Điện năng chính là đảng, qua một cơ quan thụ ủy của nhà nước. Vì thế, việc lời lỗ của sự hùn hạp, vay mượn hay liên doanh thực hiện dự án đầu tư của Tổng công ty Điện năng lại theo quy luật khác, mà quy luật đó phải được hiểu ngầm chứ không nằm trong nội quy hay điều lệ của công ty.
Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua phần phát triển kế tiếp. Thưa ông, Tổng công ty Điện năng làm ăn ra sao để có hiện tượng ông gọi là công cụ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Là người được Ban Tổ chức Trung ương đảng bố trí vào chức vụ đó, viên Tổng giám đốc ý thức vai trò là phục vụ thượng cấp trong Bộ Chính trị đã đề bạt mình, thí dụ như đồng chí Thủ tướng, và ý thức được cơ hội của mình là củng cố quyền lợi của Thủ tướng. Đấy là hiện tượng phe phái ngấm ngầm khiến các Ủy viên Bộ Chính trị đều có tay chân hay thân tộc trong hệ thống kinh tế nhà nước ở dưới, được bảo vệ và nâng đỡ để thực hiện định hướng xã hội…. Nhưng hoàn cảnh ưu đãi này còn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh khác.
– Tổng công ty Điện năng lập ra một ngân hàng tạm gọi là Ngân hàng Ba Vì, với quy chế là một ngân hàng cổ phần có vẻ tư nhân mà thực chất vẫn là một vệ tinh của nhà nước, hay của tay chân nhà nước. Ngân hàng Ba Vì có một phần vốn từ Tổng công ty Điện năng và một phần khác là của tư nhân nhưng phải là tư nhân trong hệ thống quyền lợi của viên Tổng giám đốc và đồng chí Thủ tướng. Nhờ thế lực từ Thủ tướng và Tổng công ty Điện năng, Ngân hàng Ba Vì có điều kiện kinh doanh khác thường, là trở thành “ngân hàng công cụ” và rút ruột Tổng công ty Điện năng thực hiện các dự án đầu tư hay đầu cơ trên thị trường chứng khoán hay thị trường bất động sản.
Vũ Hoàng: Tức là “ngân hàng công cụ” có thể huy động được “tư bản công cụ” với giá rất rẻ từ nguồn tín dụng của nhà nước để thực hiện nhiều dự án không nằm trong phần vụ trách nhiệm của Tổng công ty Điện năng. Nhưng xin hỏi ông rằng đấy là công cụ của ai?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thưa đấy là phần biểu hiện ly kỳ của “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Định hướng này mơ hồ nên ai muốn diễn giải thế nào cũng được. Nhưng do ưu thế chính trị của thành phần nhân sự được đảng chỉ định từ trên xuống, đảng viên cao cấp là giới điều hành các tập đoàn quốc doanh có thể nhân danh định hướng đó mà phát triển hệ thống công cụ và vệ tinh để kiếm lời cho mình cùng với phe phái hay thân tộc của các lãnh tụ ở trên.
– Quy luật ở đây là cùng ăn thì cùng chia và nếu có sự chia chác bất đồng mà Trung Quốc gọi là “quân phân bất tề” thì sẽ tranh giành quyền lợi dưới chiêu bài chống tham nhũng. Chúng ta đều đã thấy hiện tượng này tại Trung Quốc và bắt đầu thấy tại Việt Nam. Hậu quả chung là cả nền kinh tế quốc dân trở thành công cụ cho một thiểu số khiến thiểu số ấy có cơ hội làm giàu rất nhiều và nhanh trong khi đa số còn lại thì vẫn lầm than đói khổ. Mà quốc tế thì chỉ nhìn thấy và quảng cáo về cái mặt giầu nổi của thiểu số.
Vũ Hoàng: Xin hỏi thêm chi tiết về ngân hàng Ba Vì trong thí dụ của ông. Đấy là một ngân hàng có cái vỏ tư nhân mà thực chất chỉ là công cụ của Tổng công ty Điện năng hay của viên chức cao cấp trong đảng. Thưa ông, ngân hàng này vận hành thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Với hình thức là một cơ sở tư doang tài chính mà thực chất là công cụ, ngân hàng có thể tranh thủ được hai lợi thế. Thứ nhất, Ngân hàng Ba Vì có sức cạnh tranh mà ngân hàng cổ phần của tư nhân không so sánh được. Thứ hai, khi giao tiếp với thị trường bên ngoài, Ngân hàng Ba Vì có lợi thế tư doanh nên dễ huy động được đầu tư và thậm chí viện trợ của quốc tế. Tôi xin lấy một thí dụ kế tiếp để minh diễn việc đó.
– Ngân hàng Thế giới có một phân bộ chuyên về yểm trợ tư doanh là cơ quan IFC qua việc hùn vốn và góp phẩn cải tiến kỹ thuật quản lý. Cơ quan IFC này có thể hùn tiền vào Ngân hàng Ba Vì, với một điều kiện là Ba Vì phải cải tiến việc quản lý qua một dự án viện trợ kỹ thuật được Ngân hàng Thế giới tài trợ với các chuyên gia quốc tế được gửi tới làm cố vấn về quản trị tài chính. Nhờ ưu thế có vẻ văn minh và hiện đại ấy, Ngân hàng Ba Vì được các ngân hàng quốc tế tin cậy, thí dụ như được ngân hàng Hongkong and Shanghai Bank hùn vốn làm ăn.
Vũ Hoàng: Thế rồi thưa ông, sự thể xoay vần như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Với thế mạnh về chính trị, kinh doanh và quảng cáo, Ngân hàng Ba Vì trở thành đại gia trong lĩnh vực tài chính và mắc cái bệnh dễ lây là ỷ thế làm liều, tức là lấy rủi ro lớn về tín dụng và đầu tư nên có thể vỡ nợ. Chuyện thứ hai rất dễ xảy ra tại Việt Nam là giới điều hành loại doanh nghiệp này lại có máu tự mãn của người dốt nên không chấp hành và coi thường các khuyến nghị về cải cách của chuyên gia quốc tế. Họ vứt các phúc trình hay khuyến cáo vào ngăn kéo và tiếp tục làm ăn theo cái lối rủi ro và lạc hậu, cho tới khi các ngân hàng của ngoại quốc chán nản rút vốn ra về, là điều đang xảy ra….
Vũ Hoàng: Chúng ta đi vào phần nóng hổi của chương trình, khi ông nói từ phút mở đầu rằng kinh tế Việt Nam quá lệ thuộc vào Trung Quốc cũng do hiện tượng công cụ đó. Thưa ông, chuyện ấy là thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Ta khởi đi từ ý thức hệ, từ khái niệm mơ hồ về “định hướng xã hội chủ nghĩa” của Hà Nội hay “xã hội chủ nghĩa vời màu sắc Trung Hoa” của Bắc Kinh. Cái tư tưởng tai hại ấy chỉ phản ảnh vai trò độc tài của đảng và thế lực của đảng viên nên mới dẫn tới bất công xã hội và lệch lạc kinh tế sau một giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục cứ tưởng là vĩnh viễn.
– Chuyện thứ hai là bên trong từng nước, ta chứng kiến nhiều hiện tượng công cụ có khác biệt. Việt Nam cũng có hiện tượng công cụ và tư bản thân tộc y như Trung Quốc mà truyền thông và dân chúng không thể can ngăn vì bị kiểm soát. Nhưng nếu công cụ tại Việt Nam đẻ ra tai họa như Vinashin hay Vinalines làm nhà nước mắc nợ, thì công cụ tại Trung Quốc có giàn khoan Hải dương 981 của Tổng công ty Dầu khí Hải dương thi hành chính sách bành trướng của Bắc Kinh.
– Sau cùng là qua nhiều Đại hội đảng của Việt Nam từ sau năm 1991 tới nay, chỉ loại đảng viên có tinh thần lệ thuộc vào Trung Quốc hoặc ít ra không chống Bắc Kinh thì mới có cơ hội vào Trung ương đảng rồi Bộ Chính trị. Lên tới vị trí đó, với đặc lợi trong nền kinh tế công cụ tại Việt Nam thì họ dại gì gây mâu thuẫn với quan điểm của Bắc Kinh?
– Vì thế, qua hai chục năm, Việt Nam trôi dần vào quỹ đạo Trung Quốc và nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc vì đảng Cộng sản Việt Nam lệ thuộc vào đảng Cộng sản Trung Quốc. Biểu hiện ban đầu mới chỉ là các dự án bauxite hay công trình xây dựng của Trung Quốc bên trong đã cấy sẵn những điều có lợi cho Bắc Kinh. Kết cục ngày nay là chuyện các giàn khoan của Bắc Kinh.
Vũ Hoàng: Xin trân trọng cảm tạ ông Nghĩa về phần trình bày này.