Một trong những vấn đề còn khá đau đầu cho giới nghiên cứu nghiêm túc là việc xác định thế nào là Truyền thống Việt nam, thế nào là Bản sắc văn hóa Việt nam. Tuy còn một vài nhận định chưa thống nhất, nhưng chắc chắn, chiếc Áo Dài là một bản sắc Việt Nam, và nó cũng đã phải trải qua những thăng trầm.
Áo Dài che đậy tất cả, mà lại chả giấu giếm tý gì: phía trên, như một lớp da thứ hai, dán chặt vào bộ ngực và cánh tay. Cổ được tôn lên bởi một vòng cổ áo đứng. Và từ thắt lưng trở xuống, được xẻ làm đôi, tà áo nhẹ bay, uốn lượn tới gần đầu gối. Dưới đó là chiếc quần rộng, một màu. Mặc cho cặp dép cao gót không thể thiếu, chiếc quần vẫn phủ kín đôi chân và khẽ chạm đất cùng mỗi bước đi.
Ngày nay, Áo Dài đang đi trên một chặng đường mới. Từ ngày mở cửa Việt nam cuối những năm 80, nữ sinh, nữ nhân viên ngân hàng, nữ công chức bưu chính lại thong thả dạo chơi trong những cánh Áo Dài. Trong đám cưới, Áo Dài cũng dần dần thay thế những lòa xòa của bộ áo cưới đăng-ten; và trong những lễ hội thôn quê, nó cũng hơn hẳn T-Shirt và Jeans. Và những nhà cắt may luôn thử nghiệm ra những kiểu mới. Mẫu hình thay đổi, phong cách đổi thay…