Trước đây, chúng tôi đã trình bày về vụ một số thành viên của công ty Nexus Technologies ở Hoa Kỳ bị truy tố vì hối lộ tại Việt Nam và cũng đã lược thuật cáo trạng ngày 4 tháng 9 năm 2008 của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Mới đây, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra một cáo trạng khác, thay thế cáo trạng năm 2008, theo đó, có nhiều dữ liệu và tình tiết mới. Thông tín viên Ngọc Trân trình bày thêm….
Tiền đôla Mỹ (ảnh minh họa) AFP photo
Vì sao từ 5 tội thành 28 tội?
Cáo trạng mới của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ về vụ án Nexus Technologies, ghi ngày 29 tháng 10 năm 2009, thay thế cáo trạng năm 2008.
Vào thời điểm này, do một trong bốn người liên quan tới vụ án Nexus là ông Joseph Lukas đã nhận tội, nên chỉ còn ba bị cáo là ba anh em Nguyễn Quốc Nam, Nguyễn Kim Anh và Nguyễn Quốc An.
Theo cáo trạng mới, cả ba bị cáo buộc vi phạm 28 tội, tăng 23 so với cáo trạng cũ. Trong đó có 1 tội do âm mưu vi phạm các đạo luật, 9 tội do vi phạm “Đạo luật Chống Tham nhũng Nước ngoài” (FCPA), 9 tội do vi phạm “Đạo luật Đi lại” (Travel Act) và 9 tội liên quan đến rửa tiền.
Khác với luật hình sự Việt Nam (mỗi hành vi chỉ bị truy tố một tội), tại Hoa Kỳ, một hành vi có thể bị cáo buộc vi phạm nhiều tội. Chẳng hạn như, dù chỉ chuyển khoảng 22.000 đô la cho một quan chức Việt Nam vào ngày 23 tháng 5 năm 2005, hai bị cáo Nguyễn Quốc Nam và Nguyễn Kim Anh bị buộc ba tội: tội vi phạm “Đạo luật Chống Tham nhũng Nước ngoài”, tội vi phạm “Đạo luật Đi lại” và tội rửa tiền.
Theo cáo trạng mới, dù chỉ chuyển tiền cho các quan chức nước ngoài 9 lần nhưng các bị cáo bị buộc 27 tội, do vi phạm các điều khoản khác nhau của Bộ luật Hoa Kỳ (USC).
Để thính giả dễ hiểu, có lẽ phải nhắc qua về “Đạo luật Đi lại”. Đây là đạo luật cấm đi lại trong nước hoặc nước ngoài, hoặc sử dụng email, điện thoại hay các phương tiện khác nhằm thực hiện hoạt động bất hợp pháp. Dù có tên là “Đạo luật Đi lại” nhưng các bị cáo không nhất thiết phải “đi lại”, vẫn có thể bị cáo buộc vi phạm đạo luật này khi sử dụng các phương tiện viễn liên như: điện thoại, fax, email để thực hiện các hoạt động phi pháp.
Do vậy, dù hai bị cáo Nguyễn Quốc Nam và Nguyễn Kim Anh chỉ ngồi tại công ty để thực hiện hành vi chuyển tiền vẫn bị cáo buộc vi phạm “Đạo luật Đi lại”.
Website bằng tiếng Việt của Nexus Technologies. RFA photo
“Nexus” làm ăn với ai?
Ngoài các doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), Bộ Công an đã được nêu tên trong cáo trạng cũ, trong cáo trạng mới, có thêm Công ty Bay Dịch vụ Miền Nam, thuộc Tổng Công ty Bay Dịch vụ Việt Nam. Theo cáo trạng mới, Công ty Bay Dịch vụ Miền Nam (SSFC: Southern Services Flight Company) là một doanh nghiệp quân đội hoạt động trong lĩnh vực hàng không, địa bàn hoạt động chính là Sân bay Vũng Tàu. Cũng vì vậy, nó liên quan cả đến Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam.
Cáo trạng mới còn có sự thay đổi về tên của một doanh nghiệp. Cáo trạng cũ đề cập đến sự dính líu của Công ty Du lịch và Thương Mại T&T (tên tiếng Anh là Tourism and Trading Company), trong cáo trạng mới, T&T là Công ty TNHH T&T (Tên tiếng Anh: T&T Co. Ltd.), gọi tắt là T&T. Theo cáo trạng mới, T&T là doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động liên quan đến an ninh biên giới và mua sắm vũ khí của Bộ Công an Việt Nam.
Cáo trạng mới cũng đề cập cả đến việc Quân đội Nhân dân Việt Nam mua sắm vũ khí từ Nexus.“VN 1” được xác định là cư dân TP.HCM và công ty “HKC 1” do “VN 1” làm chủ đã được Nexus sử dụng như một “vỏ bọc”, giúp thanh toán tiền hối lộ cho các quan chức Việt Nam. Một công ty khác được đại bồi thẩm đoàn đặt tên là “HKC 2”. “HKC 2” cũng toạ lạc tại Hồng Kông, cũng do một người Việt Nam làm chủ và người này được đại bồi thẩm đoàn đặt tên là “VN 2”. “VN 2” cũng là cư dân TP.HCM và “HKC 2” là một “vỏ bọc” khác trong chuyện thanh toán tiền hối lộ để giành hợp đồng.
Một số cá nhân và công ty khác cũng đã xuất hiện trong cáo trạng mới. Chẳng hạn như một quan chức Việt Nam làm việc tại công ty T&T, được gọi là “Quan chức A”. Hoặc một công ty toạ lạc tại Hongkong, do một người Việt làm chủ, được đại bồi thẩm đoàn đặt tên là “HKC 1”. Người Việt đó đã được đại bồi thẩm đoàn nhận diện và gọi là “VN 1”.
Nexus “làm ăn” thế nào?
Theo cáo trạng mới, sở dĩ ông Nguyễn Quốc Nam giành được các hợp đồng béo bở cho Nexus từ các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam là vì ông ta đồng ý trả tiền hối lộ, thường được mô tả là “hoa hồng”, cho những cá nhân làm việc ở các cơ quan và những công ty đó. Cả bốn người trong công ty Nexus liên quan đến vụ án này đều đã thiết lập nhiều mối quan hệ với các quan chức chính phủ Việt Nam, được cáo trạng mô tả là “những người ủng hộ”.“Những người ủng hộ” giúp Nexus có được các hợp đồng bằng cách cung cấp thông tin thuộc loại bị cấm tiết lộ, lừa đảo trong đấu thầu và các hình thức hỗ trợ khác. Đổi lại, Nexus trả “hoa hồng” cho họ bằng cách chuyển tiền cho công ty HKC 1 ở Hongkong, để HKC 1 tiếp tục chuyển số tiền ấy cho “những người ủng hộ”. Cũng theo cáo trạng, đôi khi công ty HKC 2 chuyển tiền cho HKC 1, để HKC 1 chuyển vào tài khoản của các quan chức Việt Nam.
Để tránh bị giới hữu trách Hoa Kỳ phát hiện, bốn bị cáo đã gian lận sổ sách nhằm che giấu việc chuyển tiền giữa Nexus, công ty HKC 1, HKC 2 vào các tài khoản của các quan chức ở Việt Nam.
Đó là những điểm chính trong cáo trạng mới về vụ Nexus. Lần tới chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết về quan hệ của Nexus với một số doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam.
Ngọc Trân, [Nguồn RFA]