“Hà Nội là tinh túy, tinh hoa của dân tộc nên trong đối xử, ăn mặc, nói năng đều có sự chắt lọc. Ăn uống không phàm phu, không chém to kho mặn, mặc thì nền nã, không lòe loẹt. Như bây giờ nhiều cô thiếu tiền mua vải, mặc quần áo nó “nghèo khổ” quá như vậy thì đó không phải là người Hà Nội” – Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc chia sẻ.
Người Hà Nội nền nã lịch sự cơ!
Thăng Long là đất tập hợp người 4 phương về, không làm gì có cái gọi là Thăng Long gốc đến bây giờ được đâu. Bây giờ người Hà Nội không ai dám tự hào rằng tổ tiên mình theo ông Lý Công Uẩn từ Ninh Bình ra định đô Thăng Long được đâu. Người Hà Nội là người 4 phương đổ về. Các gia phả cổ nhất cho biết, có những dòng họ ở Hà Nội được 13, 14 đời, vậy nó vào khoảng 300 – 400 năm là cùng.
Người 4 phương về cũng mang theo hằng số đạo lý 4 phương của dân tộc mình đem về đây, nhưng nó được nâng cao lên. Vì nơi đây là nơi chắt lọc, tranh đua, ganh đua, tài có cao, nghề có tinh thì mới tồn tại được. Tài không cao nghề không tinh sẽ bật về quê thôi, làm gì cũng vậy cả.
Ông thợ vàng thợ bạc có chạm trổ đẹp, kéo một cái nhẫn, cái hoa tai tinh tế thì người ta mới mua, không thì người ta không mua. Đến cả anh đan bồ cũng vậy. Nếu đan cái bồ méo mó thì không ai mua. Nghề dạy học cũng vậy, về kinh đô dạy học, làm thầy đồ thì anh có hay chữ, học trò của anh có đỗ đạt nhiều thì người ta mới trọng anh, không thì anh chết đói.
Vậy nên Thăng Long – Hà Nội là chốn chắt lọc. Cả nước cho Hà Nội, cho Thăng Long cái tài hoa của mình. Đó là sự tinh túy của dân tộc nên trong đối xử, ăn mặc, nói năng đều có sự chắt lọc. Ăn uống không phàm phu, không chém to kho mặn, mặc thì nền nã, không lòe loẹt. Như bây giờ nhiều cô thiếu tiền mua vải, mặc quần áo nó “nghèo khổ” quá như vậy thì đó không phải là người Hà Nội. Người Hà Nội nền nã lịch sự cơ.
Sự giàu có làm Hà Nội sung túc lên, nhưng…
Đến đầu thế kỷ 20 người Hà Nội vẫn giữ được sự thanh lịch của người Thăng Long xưa. Cho đến những năm trước Cách mạng Tháng 8, đàn ông đàn bà ra đường phải mặc áo dài, người lao động như người gánh hàng rong cũng phải áo dài, áo tứ thân đó, chứ không phải áo cánh cũn cỡn đâu.
Tất nhiên cũng trừ những người lao động, phu phen, kéo xe bò, vác đất vác cát thì họ cũng mặc áo ngắn. Nhưng nói chung là người lao động bình thường thì ra đường đều mặc áo dài và vấn khăn cả, nói năng thưa gửi, và đường phố rất vắng những tiếng chửi nhau.
Hàng phường hàng phố với nhau, mẹ dạy con ra đường quét hè thì sẵn chổi quét nhà hàng xóm một tí, chứ không như bây giờ quét rác sang nhà hàng xóm. Bố dạy con điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Bây giờ điều mình không muốn mình toàn làm cho người khác cả thôi.
Đến đầu thế kỷ 20, người Hà Nội dù đã Tây hóa đi, răng để trắng, mặc quần áo tây, thắt cà vạt, phụ nữ vấn tóc trần rồi phi- dê, rồi thì mặc áo măng tô quàng khăn san nhưng vẫn rất nền nã, ăn mặc vẫn là có trước có sau, đối đãi lịch sự, có thưa gửi, thưa ông thưa bà, con cái trong nhà có khách là thưa bác… lễ độ như thế.
Sau Cách Mạng Tháng 8, Hà Nội có thay đổi nếp sống. Tức là người ta không mặc áo dài nữa, người Hà Nội mặc áo ngắn, nhất là lực lượng tự vệ, phụ nữ cũng đeo thắt lưng dài để đeo lựu đạn. Người ta chào nhau thì chào bằng cách đưa tay ra, đập lên vai, hay nắm tay, và kiểu chào tay trái, kiểu chào Cách mạng. Cách gọi cũng thay đổi, gọi nhau là đồng chí đồng bào, không còn thưa bác thưa chú nữa. Cách mạng mang đời sống mới, ăn mặc thay đổi, nói năng thay đổi, nhưng vẫn giữ được cái lịch lãm, nền nếp.
Chỉ có khi đi vào chiến tranh, 30 năm chiến tranh làm thay đổi nếp sống lịch lãm thanh tú đó đi.
Vì chiến tranh người ta đi về nông thôn, sống nhờ vào bà con nông dân, nhà tranh vách đất. Người ta ăn uống lam lũ, mặc thì cả nước mặc cái áo chéo xanh cả, chứ cần gì phải chau chuốt cái ăn cái mặc nữa.
Người ta coi nhẹ cái phần thanh lịch đi, người ta vu vào vật chất trước mắt. Thiếu thốn, cả tháng được mấy lạng thịt, thì chỉ để dành mua mỡ mà xào xáo cái rau mà ăn, chứ không có dám mua thịt nạc đâu. Thành thử, 30 năm chiến tranh nó làm người ta sống một cách dễ dãi, không còn chăm chút vẻ đẹp thanh lịch như trước kia nữa. 30 năm chiến tranh đã làm thay đổi lối sống, cách sống, bắt buộc phải như vậy.
“Sự sợ hãi trước người cảnh sát là bắt đầu của văn minh”
Đời sống mới bây giờ, kinh tế mới có cái hay là đem lại sự giàu có cho xã hội, phố xá đẹp lên, ăn mặc đẹp lên. Nhưng cũng có cái hạn chế là nó làm người ta quá cá nhân, coi nhẹ cộng đồng, đề cao bản ngã một cách tối thượng, ích kỉ.
Vì không tôn trọng cộng đồng nên đi đường tranh nhau từng nửa cái bánh xe một, không chịu nhường chịu nhịn gì nhau cả. Hơi va chạm một tí là có thể sửng cồ lên, cãi vã nhau, đâm chém nhau. Đó là sự thiếu tôn trọng cộng đồng. Và chính vì sống một cách dễ dãi buông lỏng như vậy mà coi nhẹ kỷ cương, không coi trọng pháp luật.
Ngày xưa chúng tôi đi học, trẻ con cấp 1 (cũ) được thầy cô dạy, cứ đầu giờ trên bảng đã ghi câu cách ngôn: “Sự sợ hãi trước người cảnh sát là bắt đầu của văn minh”. Thầy giáo đó không phải là dạy sự hèn nhát mà là dạy sự tôn trọng pháp luật. Anh cảnh sát đó là anh đại diện cho pháp luật. Mình bây giờ rõ ràng là coi thường pháp luật. Cho nên kỷ cương lỏng lẻo.
Từ khi đổi mới đến nay, đi vào kinh tế thị trường, các gia đình lo làm ăn, làm giàu, tích lũy mà coi nhẹ sự giáo dục từ gia đình. Cho nên thành thử cũng góp phần sinh ra tình trạng lộn xộn như thế.
Thêm nữa bây giờ người ta cũng không thật đề cao dư luận xã hội. Thời trước người ta rất coi trọng dư luận xã hội. Dư luận xã hội chính là ngọn roi quất vào những hành động sai trái.
Chỉ nói như thời chống Mỹ, gia đình nào có con trốn không đi bộ đội thì cả nhà ngượng. Bố mẹ anh em ngượng, ra ngoài không dám nhìn mặt người hàng phố. Ai làm việc gì xấu là xấu hổ lắm, không có kiểu chỉ coi mình là nhất, nhìn thấy bông hoa nơi công cộng đẹp vậy là bưng cả chậu hoa về nhà! Đó là một biểu hiện của ý thức không tôn trọng cộng đồng, rất ích kỉ, chỉ coi trọng bản ngã thôi.
50 năm nữa, Hà Nội vẫn là cái làng lớn
Ở các gia đình Hà Nội cũ đã sống khoảng 10 đến 15 đời Hà Nội, ngày nay những người già vẫn rất lịch sự. Trong gia đình họ giữ nền nếp.
Tuy vậy con số đó không nhiều, bởi vì sinh con đẻ cái rồi chúng lấy vợ lấy chồng, có khi họ phải bán ngôi nhà ở Hàng Ngang, Hàng Đào đi để lấy tiền mua lấy 4, 5 ngôi nhà ở Cầu Giấy, Vĩnh Tuy … để cho 4, 5 người con ra ở riêng.
Vậy là người Hà Nội cố cựu thì tản ra bên ngoài, về các vùng ngoại vi, nông thôn. Còn người các tỉnh về chưa kịp tự điều chỉnh, vẫn đi ngoài đường mà mặc áo may ô phanh ngực, ăn to nói lớn, ăn nói hàm hồ, hành vị thô tục.
Tôi nghĩ đã đến lúc Hà Nội phải đặt vấn đề nghiêm túc trong việc điều chỉnh văn hóa cộng đồng, lối sống; xác định lại và trân trọng những giá trị vốn có. Nếu không thì đến 40 – 50 năm nữa, dù phát triển đến đâu, Hà Nội vẫn là cái làng lớn với lối sống manh mún, dân dã mà thôi!
Nguyễn Vinh Phúc
Hoàng Hường (ghi)