Vị Cha Già của Trung Hoa Dân Quốc là Bác Sĩ Tôn Dật Tiên đã lật đổ được triều đại Mãn Thanh vào năm 1911 do ngân quỹ đóng góp từ các cộng đồng của người Hoa hải ngoại. Giống như người Do Thái tại châu Âu, người Trung Hoa đã làm ăn buôn bán phát đạt tại châu Á. Họ đã có mặt tại Đông Nam Á hơn 500 năm về trước và phần lớn họ xuất phát từ hai tỉnh phía nam của Trung Hoa là Quảng Đông và Phúc Kiến.
Tôn Dật Tiên Mao Trạch Đông Đặng Tiểu Bình
1. Lý do người Trung Hoa di cư ra xứ ngoài
Vào thế kỷ 17, người Trung Hoa đã tìm cách buôn bán tại vùng biển Nam Trung Hoa (the South China Sea) với người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hòa Lan. Đã có một cộng đồng lớn người Hoa phát triển tại thành phố Manila và sau khi xứ Phi Luật Tân bị người Tây Ban Nha thuộc địa hóa, người Trung Hoa đã là kẻ trung gian, buôn bán giữa nước Trung Hoa và miền Acapulco của xứ Mễ Tây Cơ. Trong việc buôn bán giữa Trung Hoa và Nhật Bản do người Hòa Lan thực hiện, có sự tiếp tay của người Hoa hải ngoại và cũng do người Hòa Lan khuyến khích mà người Trung Hoa lục địa đã tới định cư trên hòn đảo Đài Loan.
Khi bành trướng quyền lợi tại quần đảo Mã Lai bao la vào các năm đầu thế kỷ 18, người Hòa Lan thấy rằng họ rất cần các nhân công để phát triển kinh tế của vùng này và họ đã khuyến khích người Trung Hoa di cư. Vào năm 1786 công ty Đông Ấn của người Anh đã được thiết lập tại Penang, xứ Mã Lai, rồi vào năm 1819 người Anh lại mở ra hải cảng Singapore. Để phá vỡ độc quyền của người Hòa Lan tại quần đảo Mã Lai, người Anh đã cho 2 hải cảng Penang và Singapore miễn thuế, do đó các người buôn bán Trung Hoa địa phương đã đáp ứng một cách nhanh chóng và tại cả hai nơi kể trên đều có các cộng đồng khá lớn người Trung Hoa, và sức lao động của người Hoa được coi như thiết yếu tại các tiểu bang của xứ Mã Lai.
Vào khoảng giữa thế kỷ 19, chế độ nô lệ tại châu Phi bị bãi bỏ trong khi chế độ thuộc địa đang phát triển và cuộc cách mạng kỹ nghệ đang cần tới các nguyên liệu như đồng và thiếc, các sản phẩm như cao su và dầu cọ, và cũng cần tới sức lao động. Do đó đã nẩy sinh ra một loại hợp đồng lao động, một hệ thống cu-li, để cung cấp sức lao động Trung Hoa cho công việc xây dựng các đường xe lửa tại Bắc Mỹ, trong các hầm mỏ của vùng Caribbean, vùng Nam Mỹ và vùng Đông Nam Á. Tại vùng sau này, Singapore trở nên một cảng chuyển tiếp các cu-li tới các hầm mỏ và các đồn điền của xứ Mã Lai và của miền Đông Ấn Hòa Lan.
Như vậy vì sao người Trung Hoa đã rời khỏi các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến vào giữa thế kỷ 19? Tại quê hương của họ, họ bị đói khổ, gặp cảnh loạn lạc và bị áp chế bởi giới quan lại trí thức. Triều đại Mãn Thanh đang suy tàn, các nền tảng xã hội và kinh tế đang sụp đổ. Trong các giai cấp xã hội Khổng Giáo, giới thương nhân bị xếp vào hàng chót (sĩ nông công thương) và bị coi là thấp hèn nhất. Các nhà buôn bị đánh thuế tùy ý, bị các quan lại địa phương nghi ngờ và chính quyền Trung Hoa phong kiến đã ngăn cấm ngoại thương vì coi đó là nguồn gốc mang tới các ảnh hưởng xấu.
Những người Trung Hoa rời khỏi xứ sở là các nông dân rất nghèo khó, phần lớn không có học thức. Họ được mướn làm các cu-li hay các công nhân tại các nông trại, các hầm mỏ…, họ đã ký giao kèo với các chủ nhân đồn điền. Sự di dân vào lúc ban đầu này có tính dây chuyền vì có nhiều người cùng thuộc một giòng họ, cùng một làng mạc hay một khu vực.
Khởi đầu, không ai thiếu may mắn hơn các người Hoa di cư này, nhưng họ đã vươn lên được trong xã hội bởi vì họ có sẵn các tập quán tốt, các giá trị và thái độ mà các xã hội địa phương đang cần đến. Không phải là chính trị mà chính là Văn Hóa đã cắt nghĩa sự vươn lên của người Hoa hải ngoại. Họ luôn luôn có các đức tính Khổng Giáo như tiết kiệm, kỷ luật, chăm chỉ, trông vào chính mình, lối kết hợp gia đình với bản thân và thái độ tôn trọng giáo dục. Gia đình Trung Hoa thì theo hệ thống dọc và phụ hệ, mỗi người trong gia đình đều có các bổn phận đối với tổ tiên và các thế hệ mai sau. Các bổn phận này không bao giờ chấm dứt. Theo truyền thống, mỗi người phải làm tốt tối đa mọi thành quả để làm rạng rỡ tổ tiên và phải tích lũy tài sản cho các con cháu về sau.
Qua nhiều năm làm việc gian khổ và sống đạm bạc tại một xứ sở mới, người Hoa đã dùng số tiền vốn khiêm tốn của mình để mở ra các quày hàng hay các cửa tiệm nhỏ. Họ không mua đất đai mà ưa thích trở thành giới bán lẻ, bán sỉ, chế tạo dụng cụ hay cho vay tiền nông nghiệp.
Sau khi các nhà thuộc địa châu Âu tìm cách khai thác kinh tế tại miền Đông Nam Á, các người Hoa đi theo sau các người Tây Phương, liên kết với nhóm chủ nhân kể trên và hưởng lợi, đồng thời cũng làm phát triển nền kinh tế vào lúc ban đầu. Người Hoa không phải là bộ phận cơ bản của nền kinh tế bản xứ và cũng không phải là bộ phận thương mại của hệ thống khai thác kinh tế Tây Phương, song họ lại ở giữa, liên lạc với cả hai. Người Hoa thuộc loại người trung gian lý tưởng. Sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, các chính quyền thuộc địa phải rút lui khỏi các nước Đông Nam Á và nhờ đó, người Hoa đã đóng các vai trò chính yếu của nền kinh tế tại nhiều quốc gia trong vùng.
Khi bắt đầu bước vào ngành thương mại, các người Hoa hải ngoại đã nhận được sự giúp đỡ từ các nhóm, các bang hay các cộng đồng của họ. Các hội tương trợ này được tổ chức căn cứ vào gia đình, hay nguồn gốc địa phương, hay thổ ngữ, chẳng hạn như các bang người Hẹ, Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến. Các hội hay các bang này đã hoạt động như một thứ ngân hàng nhờ đó người Hoa có thể mượn tiền, trao đổi tin tức, tuyển mộ nhân công, giới thiệu thương nghiệp, hay thương lượng các dịch vụ. Người Hoa hải ngoại thường tôn trọng chữ Tín, họ làm ăn bằng ước hẹn miệng và sự tin cẩn lẫn nhau, và họ không cần phải ký kết các văn bản, các giao kèo. Nếu một thương gia nào vi phạm lời hứa, người đó sẽ không bị truy tố ra pháp luật mà bị ghi vào sổ đen của các nhóm, các bang, đây là một tệ hại hơn, vì tất cả mạng lưới làm ăn của các cộng đồng ngừoi Hoa đều sẽ biết rõ sự việc và việc kinh doanh của người vi phạm kể như bị chấm dứt.
Mạng lưới thương mại của người Hoa hải ngoại rất rộng lớn, liên kết nhiều xí nghiệp, có khi lan ra khỏi châu Á. Các gia đình giới thiệu nhau vào mạng lưới, để cộng tác, chung vốn với nhau trong các việc kinh doanh nhỏ, cũng như chia xẻ rủi ro và lợi nhuận. Các cơ sở làm ăn của người Hoa có thể vừa rất cạnh tranh với nhau, đồng thời lại cộng tác với nhau tùy theo hoàn cảnh. Một thương gia đúng đắn người Hoa thường có nhiều đức tính, chẳng hạn như đáng tin cậy, trung thành, kiêm tốn, quân tử, khéo léo trong mạng lưới và sẵn lòng chia phần lời cho các người cộng tác với mình.
2. Người Hoa tại vùng Đông Nam Á
Vào khoảng năm 1990, mạng lưới kinh tế của người Hoa hải ngoại đang tỏa rộng từ Hồng Kông tới Indonesia, từ Đài Loan tới Mã Lai, từ Thái Lan tới Singapore, và còn đang vươn qua Thái Bình Dương, bám gốc rễ tại Los Angeles, San Francisco, Seattle và Vancouver. Đây là một quốc gia kinh tế không biên giới với một sức mạnh năng động nhất, ảnh hưởng tới sự thay đổi kinh tế trên thế giới. Theo ước lượng, vào năm 1999 có vào khoảng 58 triệu người Hoa hải ngoại trong đó 55 triệu người sống tại châu Á, bao gồm cả Đài Loan, Hồng Kông và Macau. Cái cộng đồng tỏa rộng này đã tích lũy tài sản dữ dội và đã tạo ra sức sản xuất kinh tế hàng năm hơn 1,000 tỉ Mỹ kim (a GDP of $1 trillion), tương đương với tổng sản lượng quốc gia của toàn thể lục địa Trung Hoa.
Sản lượng của người Hoa hải ngoại cũng gia tăng hàng năm từ 7% tới 10%. Sắc dân Trung Hoa này cũng đang kiểm soát các miền đất rất giàu có, đó là Hồng Kông, Đài Loan và Singapore, với trữ kim là 200 tỉ Mỹ kim, ngang bằng với trữ kim của hai nước Đức và Nhật Bản cộng lại. Tại từng quốc gia ở Đông Nam Á, các người Hoa hải ngoại với dân số ít nhưng lại chiếm giữ phần tài sản riêng tư với tỉ lệ cao hơn hẳn dân bản xứ.
Tại Indonesia vào năm 1998, thiểu số người Hoa chiếm 3% hay 4% dân số nhưng họ đã làm chủ được vào khoảng 70% tư bản trong nước và điều hành hơn 160 trong số 200 cơ sở doanh nghiệp lớn nhất. Tại Thái Lan, sắc dân Trung Hoa này đông vào khoảng 10% dân số nhưng đã kiểm soát tất cả 4 ngân hàng tư lớn nhất nước, gồm cả Ngân Hàng Bangkok, ngân hàng này là của gia đình Sophonpanich, gốc Hoa, với tài sản trên 2 tỉ Mỹ kim.
Người Hoa hải ngoại do chiếm giữ được các tài sản kinh tế to lớn, nên thường bị tố cáo là đã bóc lột, khai thác dân bản xứ hay phục vụ cho quyền lợi của giới thực dân Tây Phương. Tại nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, họ thường là các mục tiêu dễ dàng của các vụ xách động bạo loạn, giống như cuộc đập phá tài sản của người Triều Tiên tại Los Angeles hay của người Do Thái ở châu Âu, của người Ấn Độ ở châu Phi. Tại Kuala Lumpur, xứ Mã Lai, các vụ rối loạn sắc tộc đã bộc phát vào năm 1969 nên sau đó, chính quyền Mã Lai đã đặt thành luật một cách kỳ thị, dành công ăn việc làm và quyền sở hữu cho đa số người dân gốc Mã, bảo đảm cho các sinh viên gốc Mã có chỗ học tại đại học. Cũng thế, Indonesia đã đóng cửa các trường học Trung Hoa, bắt sắc dân người Hoa phải dùng tên Indonesia và các bảng hiệu dùng chữ Hoa bị cấm hẳn tại các nơi công cộng.
Vào tháng 4 năm 1994, một vụ náo loạn lao động chống người Hoa đã xẩy ra tại Medan, một trong các thành phố lớn nhất của Indonesia. Một chủ nhân nhà máy người Hoa đã bị lôi ra khỏi xe hơi của ông ta và bị đám đông đánh đến chết.
Tại nước Thái Lan theo Phật Giáo bao dung hơn, các người Hoa hải ngoại đã hội nhập tương đối tốt đẹp hơn vào xã hội Thái. Các vụ bạo loạn thường bị xách động bởi các kẻ mị dân, thuộc cả về phe tả lẫn phe hữu. Họ cố quên rằng các con cháu người Trung Hoa di cư đã mang lại cho các xứ sở này, năng lực, trí thông minh, tính cần cù, tài khéo léo và cả tư bản nữa. Nếu không có sắc dân người Trung Hoa, các xã hội địa phương này đã không thể phát triển như hiện nay. Câu nói: “Chỉ có chính quyền mới có thể trợ giúp cho các người nghèo thiếu may mắn” đã trở nên không còn đúng nữa bởi vì không ai thiếu may mắn hay cực khổ hơn những người Trung Hoa di cư lúc ban đầu.
Người Trung Hoa đã thành công ở hải ngoại, vậy tại sao các tiến bộ kinh tế đã không thể đến với nước Trung Hoa trong nhiều thế kỷ? Nguyên do là vì chính quyền của một quốc gia không thể tạo nên sự phồn thịnh cho đất nước mà chỉ có thể tạo ra các điều kiện thuận lợi nhờ đó năng lực và các tài năng của một xã hội có thể nẩy nở tốt đẹp. Tại nước Trung Hoa khi xưa, nền Khổng Giáo đã coi nhẹ ngành thương mại với 4 giai cấp sĩ, nông, công và thương, và giới thương nhân đứng chót, cho tới khi làn sóng Cộng Sản tràn tới và chủ nghĩa Mác Xít của Mao Trạch Đông đã thay thế cho chế độ Khổng Giáo. Nhà nước Cộng Sản đã chửi rủa bọn tư bản và các thương gia bị lên án nặng nề là giới trung gian bóc lột. Các cơ sở doanh thương của nhà nước Cộng Sản thường làm ăn thất bại vì quản lý kém, không theo sát thị trường và luật cung cầu. Nền kinh tế chỉ huy của nhà nước Cộng Sản đã giới hạn sự luân chuyển tự do của các nguồn tư bản và lao động, và các chính sách từ trung ương thường hay đặt các nguồn tài nguyên sai chỗ, chỉ chú trọng tới nền kỹ nghệ nặng trong khi lơ là nền nông nghiệp cơ bản khiến cho người dân Trung Hoa vẫn nghèo khó, và sự sai biệt về lợi tức giữa các miền gia tăng trong các năm từ 1952 tới 1978.
3. Một số đầu tư của người Hoa hải ngoại vào Lục Địa
Trong thập niên 1980, sau khi ông Đặng Tiểu Bình mở cửa lục địa Trung Hoa thì các người Hoa hải ngoại đã mang về quê hương của họ các tư bản và tài năng doanh nghiệp mà trước kia, họ đã bị áp chế trong nhiều thế kỷ. Các người Hoa hải ngoại đã đầu tư vào đất mẹ hơn 300 tỉ Mỹ kim trong thập niên 1990, chiếm khoảng 80% tất cả các đầu tư ngoại quốc và giúp cho tỉ lệ nợ nần quốc gia được giữ ở mức độ thật thấp, nhờ vậy nền kinh tế có thể phát triển cao. Các người Hoa hải ngoại đã lập nên vào thời kỳ ban đầu hơn 100 ngàn xí nghiệp liên doanh (joint ventures) tại Hoa Lục, xây dựng các kỹ nghệ xuất cảng, mang lại các kỹ năng quản trị và kỹ thuật mới có giá trị, và cung cấp các móc nối quốc tế. Ông William Overholt đã nói một cách khôi hài về nước Trung Hoa Lục Địa như sau: “Đây là một trường thương mại lớn nhất dành cho các nhà quản trị mà thế giới chưa từng có”. Ông này là giám đốc điều hành Bankers Trust Co., có trụ sở đặt tại Hồng Kông và ông cũng là tác giả của cuốn sách “Sự Thăng Tiến của Trung Hoa: Cải Tổ Kinh Tế đã tạo nên một Siêu Cường Mới như thế nào” (The Rise of China: How Economic Reform is Creating a New Superpower).
Giống như nước Do Thái, Trung Hoa Lục Địa đã hưởng lợi rất nhiều về các tài năng, sự giàu có và các mối liên hệ của các người con tha hương. Như vậy Trung Hoa đã có một nguồn cung cấp bản xứ, đó là các tài năng hồi hương khiến cho Trung Hoa khác biệt với nhiều quốc gia đang phát triển là phải lệ thuộc vào tư bản và kiến thức kỹ thuật (know-how) ngoại quốc. Ông Dhanin Chearavanont, một người Thái Lan gốc Hoa đời thứ hai, là một trong các người giàu có nhất thế giới với tài sản trị giá tới 5 tỉ Mỹ kim (thập niên 1980), bao gồm các cơ sở sản xuất thực phẩm, chế tạo công nghiệp, viễn thông và địa ốc. Kể từ năm 1979 khi Trung Hoa Lục Địa mở cửa cho đầu tư ngoại quốc vào, ông Dhanin đã đổ tiền đầu tư vào miền đất mà khi trước cha của ông ta chỉ là chủ của một cửa tiệm nhỏ, đã di cư ra khỏi Trung Hoa vào khoảng năm 1921. Ông Dhanin đã cắt nghĩa về nước Trung Hoa Lục Địa như sau: “Tôi thấy rằng họ đã xa dần khỏi chế độ Cộng Sản và không thể trở lại được”. Trong thập niên 1980, đế quốc Hoa-Thái của ông Dhanin là nhóm xí nghiệp Charoen Pokphand đang điều hành 75 nhà máy thức ăn gia súc rải rác trên khắp Trung Hoa Lục Địa, ấp 5 triệu gà con mỗi ngày, là chủ của công ty sản xuất xe gắn máy lớn thứ hai tại Trung Hoa và đã đầu tư 1 tỉ Mỹ kim vào công việc phát triển địa ốc tại Pudong, vùng đặc khu kinh tế của thành phố Thượng Hải.
Ông Robert Kuok, nhà triệu phú người Mã Lai, đã đầu tư 1 tỉ Mỹ kim vào miền quê hương mà cha của ông ta, cũng là một chủ tiệm nhỏ, đã rời đi vào đầu thế kỷ 20. Miền Đông Nam Châu Á đã gọi ông ta là “Ông Vua Đường” (the Sugar King). Ông Kuok đã kinh doanh các khách sạn, các tòa nhà cao tầng, các trung tâm thương mại và các nhà máy làm vỏ chai và vô chai Coca-Cola tại Trung Hoa.
Ông Liem Sioe Liong đã di cư từ tỉnh Phúc Kiến tới Indonesia vào thập niên 1930 khi ông còn là một thanh niên để làm việc cho người chú kinh doanh về dầu đậu phọng. Khi ở tuổi 78, ông Liem kiểm soát nhóm xí nghiệp Salim, là tổ hợp các công ty lớn nhất của Indonesia với doanh số ước lượng 9 tỉ Mỹ kim trong thập niên 1980. Ông Liem đã đầu tư vào khu kỹ nghệ và hải cảng của miền quê hương của ông là tỉnh Phúc Kiến.
Các đại công ty kiểm soát bởi ông Li Ka-shing của Hồng Kông, là nhà triệu phú với huyền thoại về hoa plastic, di cư từ tỉnh Quảng Đông, đã liên quan tới các dự án trị giá hàng tỉ Mỹ kim tại Trung Hoa, bao gồm cả việc phát triển địa ốc và hải cảng.
John Kao Robert Kuok Liem Sioe Liong Li Ka-Shing
4. Các đặc tính của người Hoa hải ngoại
Mạng lưới kinh tế của các người Hoa hải ngoại là một thứ không có hình thức, không theo quy luật rõ ràng và đã được gọi là “Nước Trung Hoa không biên giới” (China without boundaries). Ông S. Gordon Redding, giám đốc của Đại Học Thương Mại Hồng Kông và là tác giả cuốn sách “Tinh Thần của Chủ Nghĩa Tư Bản Trung Hoa” (The Spirit of Chinese Capitalism) đã nói: “Biên giới quốc gia đã bị xóa bỏ và người Hoa hải ngoại đã không rời bỏ nền văn hóa thương mại của họ, dù cho họ ngồi ở Bangkok, Đài Bắc hay Jakarta”.
Vào hai thập niên 1960 và 1970, khi các công ty đa quốc Nhật Bản và Tây Phương đầu tư vào vùng Đông Nam Á, họ thường hợp tác với các doanh nhân người Hoa. Tại sao? Bởi vì họ thấy rằng những nhà thương mại này có kiến thức, có tư bản và có các liên hệ địa phương mà họ đang cần tới để hoạt động trong một nền văn hóa xa lạ đối với họ. Ông Wong Siu-lun, giáo sư môn Xã Hội Học tại Đại Học Hồng Kông đã nhận xét: “Các doanh nhân người Hoa thành công thì luôn luôn giỏi về cách xây dựng các quan hệ cá nhân với những người có chức quyền. Họ không lo chiếm giữ quyền thế mà lại khéo léo đạt được sự bảo vệ chính trị và họ cố gắng duy trì các liên hệ có lợi cho cả hai phía”. Một trường hợp điển hình về xây dựng các liên hệ cá nhân là ông Liem Sioe Liong tại Indonesia. Ông này cung cấp thực phẩm và làm bạn với ông Suharto trong cuộc chiến tranh giành độc lập từ tay người Hòa Lan vào thập niên 1940. Sau khi Tướng Suharto trở nên Tổng Thống Indonesia vào năm 1967, ông Liem đã thiết lập nên đế quốc của mình nhờ quyền khai thác về các kỹ nghệ như bột ngũ cốc và xi măng. Trong vài thập niên, nhiều người họ hàng của Tổng Thống Suharto đã tham dự vào các công cuộc làm ăn với các công ty của nhóm xí nghiệp Salim của ông Liem. Tham nhũng? Hối lộ? Các điều này có thể đúng với xã hội Hoa Kỳ nhưng lại không đúng tại các nước chậm tiến, nơi mà nền thương mại được xây dựng trên căn bản của các móc nối cá nhân!
Trong thế giới kinh tế của người Hoa hải ngoại, các xí nghiệp gia đình là đơn vị kinh tế căn bản. Gia đình là công ty và công ty là gia đình. Đã không có sự chia ngăn giữa chủ nhân và nhà quản trị. Người gia trưởng kiểm soát công ty và theo truyền thống, các vị trí, các vai trò then chốt trong tổ chức được giao phó cho các người tin cẩn trong gia đình, và đã không có quan niệm về ngành quản trị chuyên nghiệp do người ngoài đảm trách. Đây là khuyết điểm đã khiến cho tổ hợp các xí nghiệp Astra, lớn thứ hai tại Indonesia, đã bị suy sụp vì sự bất tài của người con trưởng. Như thế, người Trung Hoa thường chỉ xuất sắc trong các tổ chức thương mại đơn giản, điều khiển bởi một người với các quyết định đúng lúc. Việc giành quyền sở hữu và quản trị cho một gia đình đã giới hạn tầm cỡ của các xí nghiệp và không cho phép nhà quản trị đối phó hữu hiệu với các phức tạp một khi xí nghiệp muốn phát triển hơn nữa.
Theo giáo sư John Kao, giảng sư thâm niên của trường Thương Mại Harvard (Harvard Business School): “Trung Hoa (Lục Địa) giống như một khúc nam châm lớn thu hút người Hoa hải ngoại về mặt kiến thức và tư bản”. Người Hoa ở nước ngoài thường nói tới lòng ái quốc, nhưng động lực chính khiến cho họ đầu tư vào quê hương gốc là do lợi nhuận. Đầu tiên, họ quay về nơi làng cũ, quê cha, chứng tỏ các đức tính Khổng giáo như lòng từ tâm, quảng đại, chẳng hạn như việc xây dựng các trường học, các bệnh viện… Những quà tặng thực tế này đã làm vui lòng các bậc cao niên địa phương, nhờ đó họ đã mở đường dễ dàng cho việc đầu tư thương mại sau này.
Các mạng lưới kinh tế Trung Hoa hải ngoại thường đi vào các miền duyên hải của Trung Hoa, chẳng hạn như Quảng Đông, Phúc Kiến, Thượng Hải. Công ty điện tử Grande Holdings đặt cơ sở tại Quảng Đông, chuyên sản xuất màn hình điện toán (computer monitors) và các dụng cụ âm thanh (audio equipments). Công ty McDonald cũng hợp tác với một số cơ sở của Hồng Kông để làm ăn tại lục địa Trung Hoa vào năm 1990. Hãng sản xuất giầy nhãn hiệu Nike đã có 8 nhà máy vào đầu thập niên 1990, đặt tại Quảng Đông và Phúc Kiến với các máy móc và nguyên liệu chở qua từ Đài Loan.
Ngoại trừ trường hợp của các đại thương gia Đài Loan, người Hoa hải ngoại thường đi vào các ngành khai thác như địa ốc, mậu dịch (trading), vận chuyển đường biển (shipping), vải sợi và sản xuất đồ chơi. Các người Hoa hải ngoại (vào thời kỳ trước năm 1990) thường tránh né các kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi số vốn rất to lớn, như kỹ nghệ xe hơi, sắt thép và các ngành kỹ thuật cao (high-tech). Họ cũng không có khả năng đối với các phát triển thương mại quốc tế là nơi đòi hỏi sự phân quyền và đầu tư dài hạn với các tên sản phẩm thương mại danh tiếng như Sony và Procter & Gamble.
Vấn đề trở ngại đối với người Hoa hải ngoại là sự liên tục (continuity). Trước kia, tài sản khó có thể duy trì tốt đẹp được quá 3 thế hệ. Các sợi dây gia đình vừa là ưu điểm, vừa là khuyết điểm trong công việc quản trị thương mại. Nhưng thế hệ thứ hai và thứ ba của người Hoa hiện nay đã học hỏi được các kỹ thuật thương mại tân tiến, những điều hiểu biết này có thể giúp ích cho lớp người trẻ này xây dựng nên các cơ sở thương mại lớn lao hơn thứ của cha ông họ khi trước. Mạng lưới thương mại của người Trung Hoa hải ngoại đang là một trong các sức mạnh kinh tế lớn lao nhất của Thế Giới.
Phạm Văn Tuấn
© www.Vietthuc.org