Lời Tòa Soạn.- Trong kỳ trước, tác-giả Tâm Việt đã cho biết về bối-cảnh vấn-đề Biển Đông và chính-sách mới đổi thay của Mỹ trong vấn-đề này. Trong bài này và cũng là bài cuối, ông tường-trình về một chuyến đi công-tác ở Nhật từ hôm 8 đến 12/11/2010 vừa qua nhằm đo lường thái-độ và tìm hiểu về chính-sách của Nhật trong cùng vấn-đề.
Yếu-tố Nhật
Trong khung-cảnh đó, việc đi thăm dò chính-sách của Nhật là một nhu-cầu cấp-thiết nếu ta muốn hiểu xem chính-sách mới của Mỹ về Đông-Nam-Á có cơ thành tựu không. Tại sao Nhật?
Bởi vì Nhật là đồng-minh lớn nhất của Mỹ ở Á-châu mà nền kinh tế, cách đây không lâu, còn là nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế-giới, chỉ thua có Mỹ. Vậy mà trong thời-gian qua đã bị Trung-quốc qua mặt.
Bởi vì Nhật cũng cho đến gần đây là nước viện-trợ ODA nhiều nhất cho các nước Đông-Nam-Á (đặc-biệt là VN), mới chỉ bị Bắc-kinh qua mặt gần đây ở mấy nước như Lào, Căm-pu-chia và Miến-điện.
Bởi vì Nhật, cũng như Đài-loan và Nam-Hàn, sống bằng sự hải-hành tự do qua Biển Đông—với 80 phần trăm nhiên-liệu và nguyên-liệu nuôi nền kinh tế các nước Đông-Bắc-Á đi qua biển này.
Do đó mà có chuyến đi nghiên cứu của chúng tôi qua Nhật kỳ này.
Gặp và trao đổi với cựu-Đại-sứ T.
Đến Tokyo hôm thứ Hai, 8/11, ngay ngày hôm sau, chúng tôi đã được gặp ông T., một cựu-nhân-viên ngoại-giao chuyên-trách về các vấn-đề Liên-Xô và một cựu-đại-sứ của Nhật ở Hòa-lan. Rất niềm nở, ông đón chúng tôi ở khách-sạn Tanakawa Prince, trước đây là một phần của Hoàng-cung Nhật nên khung cảnh rất nên thơ như một cảnh đền hay chùa cổ với hồ ao, suối róc rách.
Sau mấy câu chuyện xã-giao, ông đi ngay vào đề-tài các tranh-chấp về hải-đảo của Nhật với các nước. Về phía Bắc có vụ tranh-chấp với Nga trên 65 năm về quần-đảo Kouriles (hay còn gọi là Sakhalin). Ở giữa có vụ tranh-chấp với Đại-Hàn về đảo Terashima. Và ở phía Nam, mới đây nhất là vụ tranh-chấp với Trung-quốc về đảo Senkaku (mà Trung-quốc gọi là “Điếu-ngư-đài”). Theo ông T, ba vụ tranh-chấp, tuy đều là về hải-đảo song khác nhau rất xa về bản-chất. Trong trường-hợp quần-đảo Kouriles/Sakhalin, hai bên bằng lòng thương lượng và có lúc Nga đã đưa ra đề nghị trả từ 2 đến 4 đảo trong quần-đảo đó. Tóm lại, không có hiểm-nguy đi đến chiến-tranh ở đây. Trường-hợp tranh-chấp với Đại-Hàn thì Đại-Hàn nhất quyết không thương lượng dù như Nhật-bản đã đề nghị đưa ra cho Tòa án Quốc-tế ở La Haye tài-phán và theo nhiều người, nếu chuyện này xảy ra thì gần như chắc chắn đảo Terashima sẽ được giao về cho Đại-Hàn. Nhưng Đại-Hàn lại nhất quyết cứng rắn về mặt này, không chịu để cho Tòa án Quốc-tế phán-quyết nên vấn-đề đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Trường-hợp Senkaku/Điếu-ngư-đài thì trước kia mấy đảo này không thuộc về ai và Nhật đã chiếm từ năm 1895, hai tháng trước Hiệp-định Shimonoseki kết thúc chiến-tranh Trung-Nhật, nghĩa là cách đây đã 115 năm mà không hề có sự đòi chủ-quyền từ Bắc-kinh. Bỗng giờ đây, Bắc-kinh cho tàu của mình đi vào lãnh-hải của Nhật chung quanh đảo Senkaku nên cuối cùng bị vệ-binh duyên hải của Nhật bắt. Khi chuyện này xảy ra, Bắc-kinh đã làm rất dữ, cắt cả việc bán kim-khí hiếm (rare earths) rất cần-thiết cho công-nghiệp cao-cấp của Nhật. Chuyện này một đằng làm cho dư-luận Nhật rất phẫn nộ, phong trào chống TQ lên cao, phong trào chống Mỹ giảm hẳn nhiệt-độ (nhất là khi Mỹ cho hiểu là hiệp-ước an-ninh Mỹ-Nhật có gộp phần đảo Senkaku). Mặt khác, Nhật cũng quay ra ký ngay với VN một hợp-đồng khai thác kim-khí hiếm ở VN.
Phần ông, ông T cũng rất vui mừng được chúng tôi cung-cấp cho tài-liệu chính-xác về những tranh-chấp ở Biển Đông, không riêng gì giữa VN và TQ (là đề-tài chính chúng tôi trình bầy với ông) mà còn cả giữa TQ và các quốc gia khác như Phi-luật-tân, Nam-dương v.v. Ông ghi chép thật kỹ những dữ-kiện chúng tôi nêu ra, đặc-biệt phần LHQ ở Hội-nghị Hòa-bình San Francisco năm 1951 đã bác bỏ đề nghị của Liên-Xô tính giao hai quần-đảo Hoàng-sa Trường-sa về cho Trung-quốc (với 46 phiếu chống, 3 phiếu thuận và 1 phiếu trắng) và ủng-hộ lời tuyên-bố chủ-quyền của Thủ-tướng Trần Văn Hữu đòi về cho Quốc-gia VN đối với hai quần-đảo này (không bị ai phản-đối cả).
Trước khi chia tay, ông cũng thú thật là ông lo ngại tinh-thần “bảo quốc” của Nhật-bản ngày nay không còn được như xưa—một điều rất hệ-trọng nếu như phải đi đến chiến-tranh. Ông cho đây là hệ-quả của nếp sống hiện-đại và toàn-cầu-hóa, đem đến một tinh-thần hưởng lạc và có thể là bạc nhược. Ông đem chia xẻ nỗi lo âu này mà ông có ghi lại trong một cuốn sách ông ân cần tặng tôi. Cuốn sách mang tên Sengo Nihon-ga ushinatta mono (“Cái Nhật-bản hậu chiến đã mất” [tức là sau Thế-chiến II]) vừa mới ra lò do Nhà xb Kadogawa in ra (2010), còn có một tiểu-tựa là “Heiwa no daishō ni, Nihonjin wa nani o nakusita no ka?” (“Để đánh đổi lấy hòa-bình, người dân Nhật đã mất những gì?”).
Gặp chị Lê Mỹ Hân và phu-quân
Đến tối, chị Lê Mỹ Hân và phu-quân mà chúng tôi đã có dịp gặp hơn một lần ở Mỹ đến đón chúng tôi đi ăn cơm Nhật (rất ngon). Dịp này, chị và anh Yukio đã kể lại cho chúng tôi nghe về một buổi hội-thảo xảy ra vào thứ Bảy trước đó mà đề-tài chính là cuộc tranh-chấp chung quanh đảo Senkaku/Điếu-ngư-đài (do G.S. danh tiếng Hiramatsu Shigeo là diễn-giả chính) song trong đó, anh Âu Minh Dũng của VN cũng được mời nói về tình-hình Biển Đông. Bài thuyết-trình của anh Dũng tuy chỉ có 10 phút song đã thu hút được sự chú ý của khán-thính-giả và họ đã dành nhiều tràng pháo tay cho anh. Qua phần trình bầy của anh Dũng, cử-tọa cũng trông ra là VN và Nhật-bản cuối cùng cũng có cùng một mối lo trước hiểm-họa Trung-Cộng và do đó, cần phải dựa vào nhau để cưỡng lại áp-lực ngày càng mạnh của TQ. Và cũng vì có đi dự hội-thảo nên anh chị đã có nhã-ý mua tặng chúng tôi một cuốn về Senkaku của G.S. Tonooka Teruo mang tên Tōdai Monogatari, “Câu chuyện ngọn hải-đăng” (ở Senkaku), trong bộ sách “Kuni o mamoru” (“Giữ nước”) để cho chúng tôi có thêm tài-liệu nghiên cứu về cuộc tranh-chấp này.
Gặp G.S. Tiến-sĩ Okazaki
Sang thứ Tư, 10/11, chúng tôi đến gặp ông Okazaki Hisahiko, một tên tuổi hàng đầu về suy nghĩ chiến-lược của Nhật-bản. Một cựu-đại-sứ và một giáo-sư, ông nói tiếng Anh lưu loát và hiện coi Viện Nghiên cứu Okazaki, được xem là một “think tank” lớn của Nhật. Đón tiếp chúng tôi một cách khá nồng nàn, ông còn khoe ông có một cái chén VN từ thế-kỷ XVII và muốn tôi coi lại xem có phải đúng không. Đến khi tôi thấy trôn chén có bôi nâu tròn (“à base chocolatée”) thì tôi đoan chắc với ông là đúng vì chỉ có đồ gốm ở miền Bắc nước ta mới có đặc-trưng này.
Tuy-nhiên, khi bàn vào việc thì ông lại tỏ ra hơi bi-quan là Nhật có thể làm được gì nhiều để giúp vào việc giải-quyết vấn-đề Biển Đông. Ông đồng-ý là Nhật có nhiều lợi-ích như tàu bè qua lại ở biển này nhưng ông cho rằng Nhật chưa sẵn sàng làm gì trừ phi là các quốc gia ĐNÁ và Mỹ có thể đồng-ý về một chính-sách chung, lúc bấy giờ thì may ra Nhật mới có thể tham-gia. Chứ trong lúc này, Nhật chưa sẵn sàng và ông cho rằng các nước ASEAN cũng không làm được gì cho Nhật trong cuộc tranh-chấp Senkaku/Điếu-ngư-đài với Trung-Cộng.
Dầu sao ông cũng tỏ ra khá thích thú khi chúng tôi đưa ra một vài sáng-kiến của người Việt hải-ngoại như sáng-kiến kêu gọi thế-giới chấp-nhận đổi tên “Biển Nam-Trung-hoa” (“South China Sea”) thành “Biển Đông-Nam-Á.” Về phương-diện này, ông cho Nhật cũng có thể ủng-hộ được sáng-kiến này. Ông lôi các bản-đồ ra nghiên cứu với chúng tôi và xem chừng như khá tâm-đắc khi chúng tôi nói đến những sự lấn lướt của Trung-Cộng trong Biển Đông, không riêng gì với VN mà còn với cả một vài quốc gia khác như Phi-luật-tân v.v.
Nghe thuyết-trình về chính-sách Nhật đối với Biển Đông
Sang trưa thứ Tư, nhờ ở sự sắp xếp của cựu-Đại-sứ T và của bà Tiến-sĩ Okagaki, nghiên-cứu-gia thâm-niên ở Phòng-vệ Nghiên-cứu-sở, chúng tôi được đón tiếp ở cơ-quan nghiên cứu hàng đầu này của Quân-đội Nhật. Đây có thể xem như là một thứ War College của Nhật vì theo chỗ chúng tôi được biết, nhiều tướng tá Nhật khi muốn thăng trật đều phải qua lấy những khóa học ở đây.
Người đầu tiên trình bầy là ông Sa., một chuyên-gia về Đông-Nam-Á. Theo ông, liên-hệ Nhật-ĐNÁ chủ-yếu nằm trong các vấn-đề phát triển, qua viện-trợ ODA của Nhật. Nhưng gần đây, sự lớn mạnh của TQ cũng đang làm cho Nhật-bản bị thách thức ở một số quốc gia, tỷ như sự viện-trợ của Bắc-kinh cho Lào và Căm-pu-chia đã qua mặt viện-trợ của Nhật ở hai xứ này. Về mặt kinh tế cũng thế, các trao đổi giữa TQ và các nước ĐNÁ ngày càng tăng trưởng với siêu-ngạch nghiêng ngày càng nặng về phía TQ. Tuy Nhật không chủ-trương lãnh-đạo Á-châu song Nhật rất lo ngại vai trò của TQ và cho rằng phải có một chính-sách liên-kết với các nước Đông-Nam-Á thì mới mong ngăn chặn được những ý-đồ của Trung-quốc ở Biển Đông. Ông cho rằng vì hiện đang khuyết một vai trò lãnh-đạo ở Á-châu nên Trung-Cộng tìm cách đứng vào vai trò đó: khi họ yếu thì họ “câu giờ,” khi có cơ-hội thì họ tiến tới ngay và bất cần những phản-đối của các quốc gia khác.
Ông Sa. công-nhận là Nhật có nhiều lợi-ích ở Biển Đông song Hiến-pháp Nhật hiện không cho phép Nhật tham-gia về mặt quân-sự vào vùng này. Tuy-nhiên, khi chúng tôi vạch ra sự-kiện là gần đây Nhật cũng đã giúp huấn luyện khoảng 2000 binh lính thuộc vệ-binh duyên hải của Phi-luật-tân cũng như đã có sáng-kiến với Mỹ giúp Mã-lai và Singapore dẹp (thành công) các hải-tặc trong eo biển Malacca thì ông cũng công-nhận là những chuyện này có thật. Nhưng nói chung, ông vẫn cho là Nhật bị còn nhiều gò bó.
Người thứ hai trình bầy là ông Su., một chuyên-gia về các vấn-đề quân-sự của Trung-Cộng. Ông cho rằng có đầy đủ bằng-chứng là điểm nóng tới đây chắc chắn sẽ là Biển Đông vì sách báo và tin tức nội-bộ của Trung-Cộng đều nói đến và còn thôi thúc chuyện này. Trong khi đó thì truyền-thông và dư-luận Nhật chưa quan-tâm đúng mức đến vấn-đề Biển Đông. Theo ông, cần phải làm cho dư-luận Nhật-bản chú ý hơn và Nhật cần phải liên-kết với Đông-Nam-Á trong chiều hướng này. Không nên nói tay đôi với Trung-quốc mà cần phải có hội-nghị quốc-tế với sự tham-gia của TQ. Về mặt kinh tế cũng vậy, Trung-Cộng vẫn ép Nhật nên nói tay đôi vừa không có lợi, vừa không có kết-quả.
Tuy-nhiên, nếu có hội-nghị quốc-tế thì, theo ông Su., chúng ta phải tránh đưa ra lập-trường quốc gia, dân-tộc mà phải đưa ra được những luận-điểm chung mà ai cũng có thể công-nhận và dễ dàng đồng-ý. Phải bắt được TQ nhận những luật chơi chung và không để cho họ hứa lèo. Cần và phải lôi được cả Âu-châu vào. Và tuy không tiện nói ra song ở đằng sau nhiều khi cũng phải thấy ẩn hiện sức mạnh quân-sự của mình nữa.
Theo ông Su. phải tố TC ngay từ giờ dù như, vẫn theo ông, Nhật một mình chống TC không phải là dễ. Phải bồi thêm bằng những luận-cứ pháp-lý, lịch-sử vững vàng (để bẻ những luận-cứ bịa đặt của Bắc-kinh). Về phía Việt-nam, phục-hoạt hòa-đàm Ba-lê là một chuyện có thể rất nên.
Chuyên-gia thứ ba, ông I, cho rằng về mặt thực-tiễn mà nói, Nhật chỉ có thể giúp thúc đẩy một hội-nghị quốc-tế về Biển Đông mà thôi. Nhật không thể nghĩ đến việc giúp được chuyện gì như về mặt quân-sự hay quốc-phòng. Nhật-bản sẽ ủng-hộ một hội-nghị quốc-tế vể Biển Đông vì hễ cứ có một nước Đông-Nam-Á mạnh, không lệ-thuộc vào TQ thì đó là một lợi-điểm cho Nhật-bản. Bởi cả Nhật lẫn Trung-quốc đều tranh giành ảnh-hưởng ở Đông-Nam-Á.
Gặp G.S. Tonooka Teruo
Chiều thứ Năm, qua sự thu xếp và giới-thiệu của anh Âu Minh Dũng, chúng tôi được gặp G.S. Tonooka Teruo, một nhân-vật nổi tiếng là có lòng với lý-tưởng dân-chủ ở Á-đông. Ông không những giúp đỡ và tranh đấu cho cuộc đấu tranh vì dân-chủ và tự do của người Việt từ năm 1975, ông còn ủng-hộ cả cuộc tranh đấu của nhân-dân Tây-tạng (thậm chí ông còn xuống cả tóc để đi theo Đức Đạt Lai Lạt Ma) và của nhân-dân Hồi-hột (Uighur) ở Tân-cương.
Do liên-hệ đến vấn-đề VN từ hơn 30 năm nay nên ông rất hiểu biết khi chúng tôi trình bầy và cập-nhật-hóa ông về vấn-đề Biển Đông. Là một con người thực-tiễn, ông không mất thời giờ đi vòng vo tam quốc mà bắt ngay vào việc. Vừa viết xong cuốn sách về Senkaku/Điếu-ngư-đài (cuốn Senkaku shotō Tōdai Monogatari, “Câu chuyện ngọn hải-đăng trên quần-đảo Senkaku,” Takaki Shobō xb, 2010), ông cho rằng hai vấn-đề này, Senkaku và tranh chấp ở Biển Đông, có thể nối liền được vào với nhau mặc dầu hiện giờ, chưa ai nghĩ như thế cả.
Để đạt được tới đó, ông cho rằng phải tổ-chức một hai hội-nghị quốc-tế về hai vấn-đề này, trước nhất là vì vấn-đề đang nóng, đang sôi nổi trong lúc này và cũng vì phải dựa vào nhau để tạo được một dư-luận cưỡng lại Trung-quốc. Ông cũng đồng-ý với chúng tôi là nên bắt đầu bằng một hội-nghị giữa các học-giả của nhiều nước đến với nhau, bàn như là những vấn-đề học-thuật chứ không phải để tranh cãi hay thúc đẩy một nghị-trình chính-trị. Nhưng một khi ta đã đạt được sự đồng-thuận tương-đối rộng rãi từ hội-nghị quốc-tế này thì lời khuyến cáo của hội-nghị sẽ dễ được các chính-quyền đón nghe.
Tâm Việt