Lời Tòa Soạn: Không gì rõ cho tấm lòng yêu nước của người Việt hải-ngoại bằng những đóng góp cụ-thể mà chúng ta đã mang lại cho một giải-pháp về vấn-đề Biển Đông. Đó là những lập-luận về chứng-cứ chủ-quyền lịch-sử, địa-lý hải-đảo, pháp-lý (luật biển quốc-tế) v.v. mà chúng ta đã cung-cấp trong những năm qua, đó là những cuộc vận-động với các chính-quyền trong thế-giới tự do để ủng-hộ chúng ta. Bài này duyệt lại những đóng góp đó. Bài sau (và cũng là bài cuối) cho ta biết về một chuyến đi vận-động ở Nhật để tìm sự ủng-hộ của các giới tại quốc gia này.
Với CS Hà-nội bế-tắc trong việc giải-quyết những tranh chấp Biển Đông với Trung-Cộng (do chính mình ký những bản án như công-hàm Phạm Văn Đồng gởi Châu Ân-lai ngày 14/9/1958, không phản-đối mà con ủng-hộ Trung-Cộng xâm-chiếm Hoàng-sa của VNCH vào tháng 1/1974, bị thua trong trận hải-chiến tháng 3/1988 ở Trường-sa, rồi đến hiệp-định phân chia lãnh-hải ở Vịnh Bắc-Việt và hiệp-định đánh cá ký vào cuối năm 2000 với Trung-Cộng), người Việt quốc gia—nếu muốn cứu nước—không có lựa chọn nào khác hơn là phải đi tìm cho ra một giải-pháp mà không thể là đút đầu vào rọ như Hà-nội đã tự sắp xếp cho mình qua những văn-kiện đáng nguyền rủa nói trên.
Do thấy rõ cần phải bung ra khỏi con đường dẫn đến tử-huyệt kia nên những thành-phần dân-tộc trong và ngoài nước đã, không ai bảo ai, cố gắng tìm ra một vài lối thoát hiểm dẫn đến một tình-trạng liên-minh bất thành văn trong-ngoài như đã được dự-phóng từ Hội-nghị Liên-kết đầu tiên họp ở Washington vào tháng 4/1995. Hội-nghị đó đã định nghĩa thế trận mới ở VN không còn là giữa hai quốc lãnh-thổ có chủ-quyền được quốc-tế công-nhận, một Quốc một Cộng như thời-gian 1949-1975 nữa với bên Quốc được Thế-giới Tự do (chủ-yếu là Mỹ) ủng-hộ và bên Cộng thì có cả thế-giới Cộng-sản đứng đằng sau nếu không muốn nói là giựt dây. Với những điều-kiện quốc-tế đổi thay nhanh chóng (Mỹ quyết-định bỏ rơi miền Nam sau khi đã bắt tay được với Mao vào năm 1972, cái chết tức tưởi của miền Nam vào năm 1975 dẫn đến một thời ưu-thế khoảng 10 năm của CSQT do Liên-Xô dẫn đầu để kết thúc bằng sự sụp đổ của CS Đông-Âu và Xô-viết còn chính CS Hà-nội bị lưỡng đầu thọ địch ở Căm-pu-chia và chiến-tranh biên-giới), mặt trận mới ở VN chỉ có thể là dân-tộc ở một bên đối-lập với tập-đoàn CS nắm chính-quyền, quân-đội và công-an. Tóm lại, một mặt trận mới hoàn-toàn và khá bất-cân-xứng. Đó là lý-do tại sao cho đến hôm nay, phe dân-tộc vẫn chưa thắng được—nhất là sau khi CS dưới thời Nguyễn Văn Linh đã khôn khéo kịp thời “đổi mới,” bỏ chủ-nghĩa Mác-Lê để sống còn với quan-niệm “kinh tế thị-trường” (kiểu “tư-bản rừng rú”) thòng thêm cái đuôi “với định-hướng XHCN” để che đậy ý-đồ ăn cướp của dân bằng cách thâu tóm những món bở béo nhất vào các công-ty quốc-doanh.
Bìa hoạt-động nhỏ nhoi của các thành-phần dân-tộc
Trong điều-kiện đó, cái bìa hoạt-động còn lại cho các thành-phần dân-tộc rất là nhỏ nhoi. Để bảo vệ chủ-quyền VN ở trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa, nhất là sau khi có tiết-lộ của anh Lê Chí Quang về sự bán đất bán biển của CS Hà-nội vào năm 2001 (trong bài “Hãy cảnh giác với Bắc-triều”), ngoài nước đã rộ lên phong trào nghiên cứu để tái-khẳng-định ít nhất là chủ-quyền lịch-sử của VN trên hai quần-đảo này. Trong cuộc tranh đấu cam go này, ta có thể nhận ra sự đóng góp tích-cực của những tên tuổi như Trương Nhân Tuấn ở Pháp, Vũ Hữu San, Nguyễn Đình Sài, Nguyễn Văn Canh, Nguyễn Hữu Thống ở Mỹ, thậm chí có cả sự đóng góp của một học-giả người Pháp rất vững chãi, bà Monique Chemillier-Gendreau; ở trong nước, ông Nguyễn Nhã, người có công thu thập tài-liệu cho cuốn “Đặc-san về Hoàng Sa-Trường Sa” của Tạp chí Sử Địa in ra năm 1975 (trước khi mất miền Nam) tiếp-tục nghiên cứu và đào sâu đề-tài trong luận-án tiến-sĩ sử của ông. Sau này, có thêm những người như ông Nguyễn Đình Đầu ở trong nước và Hồ Bạch Thảo ở hải-ngoại (Mỹ).
Những đóng góp của các học-giả nêu trên đây đã giúp không nhỏ vào việc lập một hồ-sơ có cơ-sở vững vàng về chủ-quyền lịch-sử của VN trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa (nhất là trên quần-đảo Hoàng-sa như bà Monique Chemillier-Gendreau đã khẳng-định rõ ràng trong sách nghiên cứu của bà, viết bằng tiếng Pháp, nghĩa là một tiếng quốc-tế nhiều người có thể tiếp-cận).
Yếu-tố mới: Luật quốc-tế về Biển
Nếu chủ-quyền lịch-sử của Việt-nam khá vững vàng (so với những chấp-định gần như hoang-đường của Trung-Cộng), có bằng-chứng ít nhất từ thế-kỷ XVII-XVIII, thì lại có một số yếu-tố mới được đem vào vấn-đề Hoàng-sa Trường-sa. Đó là yếu-tố của sự công-nhận quốc-tế mà đại diện có uy-tín nhất là Liên-hiệp-quốc.
Ở Hội-nghị Hòa-bình San Francisco 1951, vì Nhật-bản dứt khoát bỏ hẳn việc đòi hỏi chủ-quyền trên các đảo ở Biển Đông/Nam-hải, Ngoại-trưởng Liên-Xô Andrei Gromyko đề nghị trao hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa cho Trung-quốc. Tu-chính-án này bị Đại-hội bác bỏ với 46 phiếu chống, 3 phiếu thuận và 1 phiếu trắng. Sau đó, Thủ-tướng Trần Văn Hữu, người cầm đầu phái-đoàn Quốc gia VN, lên diễn-đàn công-bố chủ-quyền của VN tại Hoàng-sa và Trường-sa mà không gặp sự phản-kháng nào của 51 quốc gia tham-dự Hội-nghị, kể cả của Trung-quốc (nghĩa là Trung-hoa Dân-quốc có mặt với tư-cách là một thành-viên trong Hội-đồng Bảo an LHQ).
Đến hội-nghị Genève chia đôi VN ở vĩ-tuyến thứ 17 (1954) thì Điều 4 nói: “Giới-tuyến giữa Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam (tức Vĩ-tuyến 17) kéo dài ra hải-phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển. Lực-lượng Liên-hiệp Pháp (gồm quân-đội Quốc gia VN, Pháp và đồng-minh) phải rút khỏi tất cả các hải-đảo tại phía Bắc giới-tuyến (tức Vĩ-tuyến 17). Quân-đội Nhân-dân VN (tức Bắc-Việt) phải rút khỏi tất cả các hải-đảo tại phía Nam giới-tuyến” (Vĩ-tuyến 17), nơi tọa-lạc các quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa (tương-đương với từ vĩ-tuyến 17, Quảng-trị, xuống đến vĩ-tuyến 7, Nam Cà-mau).
Đối với Trung-Cộng, vì Bắc-kinh có ký vào Hiệp-định Genève 1954 cũng như có ký vào Công-ước LHQ về Luật Biển (UN Convention on the Laws of the Sea) năm 1982 (với tư-cách là một trong ngũ cường trong Hội-đồng Bảo an LHQ) nên họ không thể bảo là họ không biết về những điều minh-thị ở trong đó.
Trong khi đó thì Công-ước LHQ về Luật Biển năm 1982 công-nhận. ngoài đường căn-bản hay cơ-sở (baselines, lằn mức thủy-triều xuống thấp), các quốc gia có quyền vẽ đường hải-phận đầu tiên của mình cách xa bờ từ 8 đến 15 hải-lý, xong đến biển lãnh-thổ (territorial sea) rộng 12 hải-lý là vùng biển nối tiếp đường căn-bản ra ngoài khơi, rồi đến thềm lục-địa pháp-lý (continental shelf) 200 hải-lý ăn khớp với vùng đặc-quyền kinh tế (EEZ, exclusive economic zone, tức quyền đánh cá ở đây và khai thác tài-nguyên ở dưới mặt biển như dầu khí, v.v.) và thềm lục-địa địa-chất hay thềm lục-địa mở rộng (extended continental shelf) có thể kéo dài đến 350 hải-lý. Về mặt địa-chất và địa-hình thì Hoàng-sa dứt khoát là một phần của thềm lục-địa VN (dưới 200 hải-lý tính từ đường cơ-sở VN) và Trường-sa thì nằm trong thềm lục-địa mở rộng hay nối dài của VN (dưới 350 hải-lý, nghĩa là 600 cây số đường bay, trong khi đó Trường-sa cách Hải-nam của Trung-Cộng tới hơn 1000 hải-lý).
Về mặt này, về mặt địa-lý, tác-giả Vũ Hữu San ở hải-ngoại là người nghiên cứu sâu sắc và đầy đủ nhất qua mấy cuốn sách và website của ông.
Đường lưỡi bò và quan-niệm “nội-hải” của Trung-Cộng
Yếu lý về mặt chủ-quyền lịch-sử và dựa theo Công-ước LHQ về Luật Biển, Trung-Cộng lại đưa ra (chính-thức vào hôm 7 tháng 5/2009) một đường giả-tưởng do một tác-giả Trung-hoa đưa ra từ năm 1947 mà khi thì được gọi là đường chín gạch (dotted line), khi thì được gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường lưỡi rồng,” chiếm tới 80 phần trăm diện-tích của Biển Đông.
Nhưng cả đường lưỡi bò (hay lưỡi rồng) này cũng như quan-niệm coi biển Đông là một thứ “nội-hải” (như Động-đình-hồ, chẳng hạn) đều không được quốc-tế công-nhận nên những khẳng-định hay chấp-định này của Bắc-kinh xem ra không có khả-năng thuyết-phục được ai.
Biện-pháp sức mạnh, đặt mọi người trước sự đã rồi
Trong một thời-gian khá lâu, Trung-Cộng không có động tĩnh gì về vấn-đề Biển Đông ngoài một lời tuyên-bố về chủ-quyền của họ trên các đảo ngoài khơi trong biển này đưa ra vào ngày 4 tháng 9/1958. (Chính lời tuyên-bố này được Phạm Văn Đồng chính-thức công-nhận trong một công-hàm vào 10 ngày sau.)
Nhưng đến đầu thập niên 1970, khi các sự thăm dò của Mỹ cho thấy khả-năng có dự-trữ dầu khí lớn ở dưới thềm lục-địa VN (đúng vào lúc các giếng dầu trong lục-địa của Trung-Cộng đang cạn dần) thì Trung-Cộng mới bắt đầu thực-sự tìm cách chiếm đóng một số đảo trong Biển Đông, bắt đầu bằng ở quần-đảo gần nhất, tức Hoàng-sa, cách Hải-nam chưa đầy 200 hải-lý.
Nhưng yếu lý về mặt lịch-sử và pháp-lý (kể cả về luật biển), Trung-Cộng bắt đầu dùng chính-sách lấy thịt đè người, dựa vào lý lẽ của kẻ mạnh, nhảy vào một kẽ hở của chính-sách Mỹ lúc bấy giờ đang tìm cách rút chân khỏi VN. Trận chiến Hoàng-sa tuy rất anh-dũng (phía VN bắn được vào tàu chỉ-huy của Trung-Cộng) nhưng cũng không lật được thế cờ trong một bàn cờ quá chênh lệch.
Sau đó, Trung-Cộng đưa ra chính-sách chỉ chấp nhận nói tay đôi với các quốc gia có tranh-chấp với Bắc-kinh ở Biển Đông. Song điều-kiện này thì đương-nhiên lúc nào cũng đặt Bắc-kinh, một cường-quốc, vào một thế không thể cưỡng được cho các đối-tác yếu hơn như VN hay Phi-luật-tân v.v. Tình-thế này đã cho phép Trung-Cộng tiến chiếm thêm mấy đảo của VN ở Trường-sa vào tháng 3/1988, trong một trận chiến không những bất cân mà khá ô nhục cho Hà-nội vì tuy hải-quân của Hà-nội không dám nghênh chiến mà bỏ chạy, vẫn bị bắn theo làm chìm tàu và chết mất khoảng 70 người.
Rồi tiếp-tục lấy thịt đè người, mặc dầu Hà-nội đã nhượng bộ tối-đa để được yên thân, Bắc-kinh vẫn làm khó dễ khi BP và Mobil-Exxon muốn sang thăm dò dầu khí ở trong Vịnh Bắc-Việt. Bắc-kinh làm áp-lực dưới hai hình-thức: một là đe dọa mấy hãng kia nếu vào VN thì sẽ gặp trở ngại khi tìm cách vào thị-trường lớn hơn nhiều của Trung-quốc; hai là phần nào, lô nào của TQ là của TQ, còn nếu các hãng kia muốn vào VN hay khai thác thềm lục-địa VN thì phải thương lượng, có phần chia chác với Trung-quốc. Đứng trước viễn-ảnh khó nuốt này, các hãng kia lục-tục rút lui, không tiến tới nữa. Đó là vào đầu thập niên 2000.
Sang năm 2002, các quốc gia Đông-Nam-Á (tức ASEAN) có thỏa-thuận được với Trung-quốc là cả hai bên sẽ không tìm cách dùng võ-lực (như ở Trường-sa năm 1998) mà cố gắng giải-quyết các tranh chấp bằng con đường hòa-bình. Đây là văn-kiện mang tên tắt là DoC (Declaration of Conduct on Conflict Resolution in the South China Sea). Nhưng thật ra văn-kiện này cũng không giải-quyết được gì vì một đằng thì Trung-Cộng đã cưỡng-chiếm một số đảo rồi còn một đằng thì Trung-Cộng vẫn chỉ chấp-nhận đàm-phán tay đôi với từng quốc gia tranh-chấp một. Ngay khi Phi-luật-tân bằng lòng đi tay đôi với Trung-Cộng dưới thời bà Corazon Aquino để cho Mỹ vào thăm dò dầu khí với lợi-tức chia đôi, chuyện này cuối cùng cũng không thành vì Trung-Cộng đã tỏ ra rất hung hăng ở Mischief Reef (1995) mà Phi-luật-tân coi là của mình.
Vận-động của người Việt hải-ngoại
Đứng trước tình-cảnh đó, một số tổ-chức của người Việt hải-ngoại khá lo âu trước tiền-đồ dân-tộc, đã không độc-lập được đúng nghĩa so với lời hứa năm xưa “Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc” của ông Hồ mà lại còn đứng trước hiểm-họa “một nghìn năm Bắc-thuộc” mới, đã vận-động ráo riết với Quốc-hội, Bộ Ngoại-giao và chính-quyền Mỹ ngõ hầu đi tìm một giải-pháp đa-phương trước những ý-đồ xâm-lấn ngày càng lộ liễu của CSTQ. Qua những cuộc tiếp-xúc như với Hội-đồng An-ninh Quốc-gia, Bộ Ngoại-giao, các ông Đại-sứ Mỹ ở VN cũng như với các dân-biểu có chân trong Ủy-ban Ngoại-giao Hạ-viện Mỹ và cả với nhân-viên trong Ủy-ban Thượng-viện Hoa-kỳ, chúng ta được biết:
1/ Mỹ dù rất quan-tâm đến tình-hình Biển Đông song không muốn chen chân vào các tranh-chấp ở đây giữa các quốc gia với nhau (tỷ-dụ như giữa VN với TQ hay VN với Phi-luật-tân, chẳng hạn). Mỹ mong muốn là các tranh-chấp này sẽ được giải-quyết hòa-bình giữa các bên tranh-chấp.
2/ Nhiều quốc gia trong vùng đã trong chỗ kín đáo chia xẻ những lo ngại của họ với Mỹ trước sự bành-trướng của TQ ở trong vùng Biển Đông. Song Mỹ không muốn đứng về phe nào vì, theo sự giải-thích mà họ thường đưa ra, Mỹ không thể hôm nay đứng với một nước này rồi ngày mai lại đứng với một nước khác. Chính-sách như thế tất-yếu sẽ tỏ ra rất vụn vặt, không thể thành một chính-sách chung cho toàn-vùng và toàn-vấn-đề được.
3/ Vì lý-do đó, Mỹ rất mong được thấy các nước Đông-Nam-Á hay ít nhất các nước trong khu-vực mà ven Biển Đông làm sao có được một lập-trường chung. Trường-hợp đó, Mỹ sẽ rất dễ dàng ủng-hộ và đứng đằng sau.
Là một tổ-chức nhiều năm nay cố gắng tìm kiếm một giải-pháp ổn-thỏa cho các tranh-chấp hải-đảo ở Biển Đông (ổn-thỏa theo nghĩa không phải đi đến chiến-tranh mà vẫn bảo toàn được lợi-ích của VN trong đó), Nghị-hội đã lắng nghe quan-điểm của Mỹ nhằm tìm ra được một số mấu chốt mà chúng ta có thể nắm lấy được để vận-động cho một giải-pháp trong đó Mỹ có thể đóng một vai trò đáng kể. Trong chiều hướng này, Nghị-hội đã liên-lạc và trao đổi với một số đại diện ngoại-giao của Phi-luật-tân và Nam-dương nhằm tìm ra một vài mẫu-số chung để có thể cộng-tác với nhau. Cuối tháng 6 năm nay, Nghị-hội cũng đi vận-động trên Quốc-hội Mỹ với một phái-đoàn gồm Luật-sư Lâm Chấn Thọ (Canada) và đại diện của VNCH Foundation để trình bầy về khả-năng phục-hoạt Hòa-đàm Ba-lê, bởi trên danh-nghĩa VNCH là chính-quyền kế-thừa chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa sau 1954 (chứ không phải VNDCCH của ông Phạm Văn Đồng). (Tưởng cũng cần nhắc là tháng 5 năm ngoái, 2009, một trong những hành-động chót của ông Nguyễn Bá Cẩn, cựu-thủ-tướng VNCH, có gửi đến Liên-hiệp-quốc một tài-liệu định nghĩa thềm lục-địa của chính-quyền miền Nam cho kịp trước hạn chót để nộp vào ngày 13/5/2009. Và tài-liệu này đã được LHQ ghi nhận là đã nhận được như là đến từ một chính-quyền.)
Ngoài những cuộc vận-động trên, tưởng cũng phải nhắc đến một cuộc vận-động khác, cũng của người Việt hải-ngoại, đi theo cùng một hướng, đó là cuộc vận-động của Nguyễn Thái Học Foundation kêu gọi thế-giới đặt lại tên của Biển Đông/Nam-hải (mà trong tiếng Pháp thường được gọi là “Mer de Chine” hay “Mer de Chine méridionale” và trong tiếng Anh là “South China Sea,” những cách gọi dễ gây ngộ-nhận) thành “Biển Đông-Nam-Á” (“Southeast Asia Sea”). Đây là một ý-kiến đã được nhiều người đưa ra (như sử-gia Phạm Cao Dương, Tiến-sĩ Vũ Quang Việt v.v.) nhưng thực-hiện lời kêu gọi này trên một qui-mô toàn-cầu qua một “kiến-nghị trên Mạng” (petition online) thì là sáng-kiến của Nguyễn Thái Học Foundation, một sáng-kiến mà cho đến nay đã thu hút được 9.300 chữ ký trên 71 quốc gia. Rõ ràng là một ý-kiến đã đến hợp thời, hợp tâm-thức của nhiều người, không riêng gì của người Việt.
Cũng trong chiều hướng này, một hiệp-hội quốc-tế đã được thành-lập, phần lớn do người Việt ở mấy nước Âu-châu và Bắc-Mỹ, mang tên Hiệp-hội Quốc-tế Nghiên cứu Biển Đông-Nam-Á, với G.S. Nguyễn Thanh Liêm làm chủ-tịch, và hiệp-hội đã ra mắt ở Westminster, California, vào ngày Chủ-nhật 12/9/2010 vừa qua. Mấy bài tham-luận được trình bầy ngày hôm đó hiện đang được in thành sách để công-bố nay mai.
Tháng 7/2010, Ngoại-trưởng Clinton ở Hà-nội: Hoa-kỳ nhập cuộc
Cuộc vận-động của người Việt hải-ngoại còn đang tiếp-diễn thì Trung-Cộng đưa ra một tuyên-bố làm thay đổi hẳn cục-diện của vấn-đề. Trong một trao đổi về vấn-đề quân-sự với Hoa-kỳ, một nhân-vật cao-cấp của Trung-Cộng khẳng-định Biển Đông là một “lợi-ích cốt lõi” (“a core interest”) của TQ ngang hàng với Tây-tạng và Đài-loan. Tóm lại, về loại “lợi-ích cốt lõi” này thì Trung-Cộng sẽ không nhượng bộ mà sẵn sàng đi đến chiến-tranh, nếu cần, để bảo vệ lợi-ích ấy.
Điều này làm cho Hoa-kỳ thức tỉnh hẳn. Nếu từ tháng 9/2009 bà Hillary Clinton, ngoại-trưởng Mỹ, đã tuyên-bố “America is back” (“Mỹ đã trở lại”) sau một thời-gian tương-đối lâu dài Mỹ lơ là mặt trận châu Á, nhất là mặt trận Đông-Nam-Á, ít gì cũng từ năm 1975 sau khi rút khỏi VN, thì lần này, vào ngày 23/7 ở Hà-nội, nhân dịp đi họp Hội-nghị ASEAN do Hà-nội chủ-trì năm nay bà Clinton đã khẳng-định ba điều:
(1) Biển Đông là một “lợi-ích quốc gia” của Mỹ (“a national interest of the United States”).
(2) Nước Mỹ muốn được thấy có “tự do hàng hải” (“freedom of navigation”) cho tàu bè các nước đi qua hành-lang này. (Nói như vậy là Mỹ không chỉ nói cho một mình Mỹ mà còn cho cả một cộng-đồng thế-giới có tàu bè đi qua Biển Đông, nghĩa là hầu hết các quốc gia có sức mạnh hàng hải trên hoàn-cầu.)
(3) Về những vấn-đề tranh-chấp ở Biển Đông, Mỹ mong là chúng sẽ được giải-quyết bằng con đường thương-lượng, thương-thảo mà không cần đến vũ-lực (nói cách khác, tuy không nêu tên song Mỹ phản-đối cách xâm-chiếm Hoàng-sa, Trường-sa bằng vũ-lực của Trung-Cộng cũng như sự đụng độ ở Mischief Reef giữa hải-quân Trung-quốc và hải-quân Phi-luật-tân, một đồng-minh của Mỹ).
Lời lẽ của bà Clinton tuy ôn-tồn song không thể nhầm lẫn được: Đó là một thách-thức trực-diện đối với lập-trường mới và cứng rắn của Trung-Cộng. Lập-tức lời phát biểu của bà được 10 quốc gia ASEAN lên tiếng ủng-hộ và Dương Khiết-trì, đại diện TC tại hội-nghị, bị bất ngờ đã phải bỏ phòng họp ra ngoài gần một tiếng đồng-hồ trước khi trở lại đưa ra những lời vu-cáo không ăn nhập vào đâu.
Những biến-chuyển trên đặt vào khung-cảnh
Để hiểu thấu đáo biến-chuyển ngày 23/7 ở Hà-nội, ta cần biết là:
Trước đó không lâu, vào tháng 4, Bắc-Hàn bị tố là bắn chìm một tàu hải-quân của Nam-Hàn làm chết 43 người.
Rồi cũng vào tháng 4, tàu Trung-Cộng xâm-nhập lãnh-hải của Nhật-bản gần đảo Senkaku (mà Trung-quốc gọi là “Điếu-ngư-đài”), cuối cùng đã buộc hải-quân Nhật phải bắt người thuyền-trưởng của TQ gây ra một sự căng thẳng kéo dài cho đến hôm nay.
Cuối cùng, để cho thấy người Mỹ không chỉ nói, Hoa-kỳ đã cho tập trận chung với Nam-Hàn ở Bắc-hải rồi đưa hàng-không mẫu-hạm Washington đến gần Đà-nẵng và đến cập bến ở VN làm một vài cuộc thao tập (hòa-bình) chung.
Cùng lúc, Tổng-trưởng Quốc-phòng Mỹ, ông Robert Gates, cũng tuyên-bố ở cuộc họp Shangri-La là Mỹ không có ý định rời bỏ Á-châu, nơi Hoa-kỳ đã có mặt trên 150 năm. Rồi sau đó, trong một buổi nói chuyện rất nổi tiếng ở Đại-học Hà-nội, ông cũng cho rằng các vấn-đề tranh chấp ở Biển Đông không thể giải-quyết bằng những giải-pháp song phương (mà Trung-Cộng vẫn chủ-trương) được, cần phải có những cách tiếp cận đa-phương hay khu-vực.
Cuối tháng 10, bà Clinton lại có mặt ở Hà-nội để dự Hội-nghị Thượng-đỉnh Đông-Á (EAS, East Asia Summit). Đây là lần thứ 2 bà có mặt ở Hà-nội trong vòng 4 tháng, để một lần nữa khẳng-định lập-trường của Mỹ. Ở ngay tại Hà-nội và khi họp với Phạm Gia Khiêm, bà đã mang vấn-đề nhân-quyền ra nói một cách công-khai, không còn úp mở hay trong vòng kín đáo như Hà-nội vẫn muốn. Và mặc dầu dưới áp-lực của Trung-Cộng, vấn-đề Biển Đông không được đưa vào chương-trình nghị-sự, Mỹ và một số quốc gia (trong đó có Nhật và cả VN và một số nước ASEAN, như Phi-luật-tân, vẫn nêu vấn-đề đó ra trong phần phát biểu của mình). Nhân dịp này, Mỹ và Nhật-bản còn hứa sẽ giúp mấy quốc gia nằm trong lưu-vực sông Mekong tránh được một số hiểm-họa do Trung-Cộng gây nên bằng cách dựng nhiều đập nước lớn ở đầu nguồn. Đây là một vấn-đề thảm-họa mà các anh em trong Mekong Forum ở Cali đã nêu ra cả gần hai thập niên rồi, riêng Bác-sĩ Ngô Thế Vinh còn viết mấy cuốn sách dầy về chuyện này nữa.
Đó là chưa kể, gần cuối tháng 9, nhân dịp Đại-hội-đồng LHQ nhóm họp ở New York, Tổng-thống Obama đã ngồi xuống với các đại diện của 10 nước ASEAN để khẳng-quyết ý-định của Mỹ trở lại làm việc với các đồng-minh và đối-tác ở châu Á, đặc-biệt là các nước ASEAN. Mới đây nhất, hôm 10 tháng 11, khi tới Nam-dương ông Obama cũng khẳng-định lại ý-chí của Mỹ trở lại Đông-Nam-Á với những giá-trị làm nên sự thành công vượt trội của nước Mỹ, như tự do, dân-chủ, nhân-quyền, một nhà nước pháp-trị và sự khoan dung về mặt tôn-giáo.
Tóm lại, sự trở lại của Mỹ kỳ này là một sự trở lại có suy tính kỹ càng, đi từ ngoại-giao đến an-ninh quốc-phòng, đầu tư, buôn bán, văn-hóa, làm chung với một số quốc gia trong và ngoài vùng chứ không phải chỉ là một sự bốc đồng hay đổi hướng trong giây lát.