Hầu như tất cả sách vở bằng tiếng Việt đều nhấn mạnh: người Việt Nam có tinh thần cộng đồng cao. Trong bảng giá trị truyền thống của Việt Nam, nước bao giờ cũng đứng trên làng; làng bao giờ cũng đứng trên gia đình; và gia đình bao giờ cũng đứng trên cá nhân.
Thế nhưng chỉ cần nhìn vào đời sống hàng ngày, chúng ta sẽ thấy khác hẳn.
giao thông ùn, tắc, loạn
Ở Việt Nam, bất cứ nơi nào cần phải sắp hàng cũng có vô số người chen lấn, không cần biết người khác rồng rắn chờ đợi bao lâu cả. Đi ngoài đường, có vô số người sẵn sàng vất rác xuống bất cứ nơi nào, mặc kệ vệ sinh chung, nghĩa là mặc kệ người khác. Buổi sáng hay buổi chiều, ngay ở các thành phố lớn, người làm việc dọn dẹp hàng quán, dùng chổi hất rác ra ngoài đường, bất kể người qua lại. Mỗi lần gặp tai nạn, trong lúc những người ngoại quốc thường tổ chức thoát hiểm một cách trật tự thì người Việt phần lớn mạnh ai nấy chạy. Gần đây, qua những video clip về các vụ hành hung trong học đường được tung lên mạng, dư luận sửng sốt trước cảnh một số học sinh, có khi là học sinh nữ, xúm vào đánh túi bụi một học sinh khác, trong lúc nhiều học sinh đứng hay ngồi chung quanh nhìn. Dửng dưng. Hay cảnh học sinh đánh thầy giáo đến ngất xỉu trên bục giảng và các học sinh khác trong lớp hay ngay cả đồng nghiệp đứng nhìn. Dửng dưng. Qua báo chí, người ta phát hiện một số trẻ em bị chủ hoặc có khi ngay cả bố mẹ hành hạ đến thương tật trong suốt bao nhiêu năm và người ta cũng phát hiện một sự thật khác: trong suốt bao nhiêu năm ấy, xã hội chung quanh đều dửng dưng. (1)
Nhớ, đã lâu, trong một lần trò chuyện, nghe một trí thức Việt Nam ra vẻ ưu thời mẫn thế, than thở là sức mạnh của cộng đồng người Việt ở hải ngoại sẽ gia tăng gấp bội nếu mọi người biết ngồi lại và làm việc chung với nhau, một người bạn ngoại quốc, vốn là một học giả chuyên về Việt học, cười đáp: “Nếu biết đoàn kết thì đâu còn là người Việt nữa!” Tất cả người Việt Nam đứng đó đều im lặng. Làm sao mà cãi lại được chứ?
Trong làng, được bao bọc bởi những lũy tre, người ta có thể ganh tị nhau, chèn lấn nhau, bóc lột nhau, nhưng người ta cũng phải gắn kết với nhau để chống chọi với những áp lực từ bên ngoài. Tinh thần tập thể và tính cộng đồng được nẩy nở từ môi trường sống như thế.
Nhưng để xây dựng một xã hội dân sự, người ta, trước hết, là chính phủ, phải cho phép các tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận được tự do hoạt động.
Thật ra, nói như vậy dễ làm nhiều người động lòng. Nhưng dù sao, đó cũng là sự thật. Và sự thật đó đã được biết lâu lắm rồi. Bởi vậy, nhiều người, phải nói là rất nhiều người, thường nói: một người Việt Nam thì hơn một người Nhật; hai người Việt Nam thì bằng hai người Nhật; nhưng ba người Việt Nam thì lại thua ba người Nhật. Lại có người kể chuyện cười: Nếu bị rớt xuống một cái hố sâu, ba người Nhật sẽ tìm cách kênh nhau và kéo nhau lên mặt đất; còn ba người Việt Nam thì không bao giờ: Khi người này tìm cách trèo lên thì hai người kia sẽ nắm chân kéo xuống!
Chính tính vị kỷ đã đẻ ra sự chia rẽ.
Mà đâu phải chỉ có người Việt ở hải ngoại mới chia rẽ. Lâu nay bộ máy tuyên truyền của chính phủ Việt Nam thường tô vẽ hình ảnh một đảng Cộng sản đoàn kết, lúc nào cũng nhất trí và thương yêu nhau. Sự thật đâu phải như vậy. Trong bài hồi ký “Những kỉ niệm về Bác Hồ”, Hoàng Tùng, nguyên tổng biên tập báo Nhân Dân và nguyên uỷ viên Ban bí thư trung ương đảng, viết một trong những nỗi đau lớn của Hồ Chí Minh là:
“Nỗi đau thứ bẩy là sự bất hoà giữa mấy người lãnh đạo của ta. Không phải mọi việc đều êm đẹp cả. Họ nhất trí với nhau về quan điểm đánh Mỹ, nhưng quan điểm quốc tế không thống nhất, về quan hệ cá nhân với nhau không thuận lợi. Sau này Bác bảo tôi viết bài : “ Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân ”. Ý Bác là muốn nói mấy ông này. Bài đó tôi viết Bác sửa lại nhiều. Sau Bác nói anh Tố Hữu cũng sửa nữa. Tôi được biết từ năm 1966, cứ mỗi chiều thứ bẩy, Bác lại cho làm cơm và nói : “ Mấy chú cứ đến đây ăn cơm vui vẻ với nhau, có gì khúc mắc cứ nói hết ra, không nên để bụng ”. Anh Nguyễn Chí Thanh làm thư ký cho những cuộc đó cho đến khi anh đi vào Nam. Sau anh Lê Văn Lương nói lại với tôi là họ cứ đến ăn cơm, chén hết rồi họ về, chẳng ai nói với ai điều gì. Nếu không biết việc này thì không hiểu hết tại sao trong di chúc Bác lại dặn phải đoàn kết toàn Đảng, từ Trung ương đến địa phương. Trên mà đã đoàn kết rồi thì cần gì nói đến cơ sở nữa. Trên đoàn kết mà dưới không thì lôi thôi to, các ông trị cho chết. Chính vì thế mà bác rất buồn. Có thể có một vài hiện tượng, có đồng chí nào đó muốn vượt Bác, Bác biết hết, nhưng Bác không quan tâm.” (2)
Chúng ta có thể đặt vấn đề: tại sao người Việt vị kỷ và vì vị kỷ nên chia rẽ như thế?
Dường như chưa có ai trả lời câu hỏi ấy. Có lẽ, lý do chính là người ta không dám nhìn nhận sự thật ấy. Nói chuyện với nhau, ai cũng nói vậy; nhưng khi viết lách, người ta cứ chạy theo phía tô hồng, chỉ muốn nhấn mạnh đến những cái hay, cái đẹp, dù chỉ là những cái hay và cái đẹp trong huyền thoại.
Điều đặc biệt là, khi nhấn mạnh đến tinh thần tập thể hay tính cộng đồng của người Việt Nam, người ta hay nói đến văn hóa làng. Quả thật, không ai có thể chối cãi được, trong nhiều ngàn năm, làng đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong xã hội và văn hóa Việt Nam. Đó là một đơn vị hành chính với những cấu trúc quyền lực riêng bao gồm hai thành phần chính: quan viên (chức sắc và chức dịch) và dân (lão, đinh và ti ấu). Đó cũng là một đơn vị kinh tế, nơi, nếu làm nghề thì người ta thường tụ hội lại với nhau thành “phường”; nếu làm nông thì thành “giáp” và thường phụ giúp nhau trong công việc đồng áng. Đó cũng là một đơn vị tôn giáo và văn hóa với những thần hoàng và hương ước riêng. Ngoài ra, đó còn là một đơn vị xã hội khá khép kín của những người chính cư (phân biệt với dân ngụ cư).
Tuy nhiên, cái làng truyền thống, nơi nuôi dưỡng tính cộng đồng như vậy đã qua rồi. Đã thuộc về quá khứ lâu, lâu lắm rồi. Nó bị phá nát ít nhất vì ba lý do: thứ nhất, nó bị thay thế bởi các hợp tác xã; thứ hai, nó bị hủy hoại trong chiến tranh, nơi phần lớn nông dân phải bỏ đồng ruộng để chạy ra thành thị lánh nạn; và thứ ba, gần đây hơn, vì quá trình đô thị hóa.
Khi làng bị biến mất, văn hóa làng không còn nữa, những thành quả tâm lý như tính cộng đồng và tinh thần tập thể sẽ bị lung lay ngay tức khắc. Muốn tránh cũng không được. Vấn đề ở đây là: lấy gì để thay thế làng trong việc duy trì và phát triển tính cộng đồng của người Việt Nam?
Ở phương diện này, chúng ta có thể thu nhận được một bài học từ thế giới: Cần xây dựng gấp một xã hội dân sự (civil society).
Lâu nay, nhìn quan hệ giữa người với người, ở Việt Nam, người ta chỉ tập trung vào ba khía cạnh: gia đình, thị trường và chính trị. Thật ra, trong quan hệ giữa người và người, cần có một kích thước khác nữa: quan hệ xã hội. Chính trong quan hệ xã hội này, người ta mới được đào luyện và phát huy tinh thần tập thể cũng như tính cộng đồng được.
Có thể nói, để chữa trị căn bệnh vị kỷ của người Việt Nam, chúng ta cần phải xây dựng gấp một xã hội dân sự nơi quan hệ thực sự giữa người với người được nuôi dưỡng và bồi dưỡng qua các hoạt động phi kinh tế và cũng phi chính trị.
Một xã hội dân sự như vậy có thể là một thách thức đối với quyền lực độc đoán của chế độ trong hiện tại nhưng là một điều kiện để phát triển Việt Nam trong tương lai.(3)
TS. Nguyễn Hưng Quốc
Chú thích:
1.Xem bài “Chủ nghĩa vô cảm” của Trần Quang Đại trên http://quechoa.info/2010/12/31/ch%e1%bb%a7-nghia-vo-c%e1%ba%a3m/
2. http://www.diendan.org/viet-nam/tu-lieu-hoang-tung-1920-2010-noi-ve-ho-chi-minh/
3. Về khái niệm “xã hội dân sự”, bằng tiếng Việt, có thể xem trên các trang web: http://vi.wikipedia.org/wiki/X%C3%A3_h%E1%BB%99i_d%C3%A2n_s%E1%BB%B1; http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Hanh-Dong/Nhanuoc_phapquyen_va_xh_dansu/; http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai3/200403_CHThuan.htm; http://www.voanews.com/vietnamese/news/xa-hoi-dan-su-10-19-2010-105283958.html