Trụ sở chi nhánh ngân hàng HSBC tại Mêhicô, tâm điểm điều tra rửa tiền của các cơ quan Mỹ. REUTERS/Tomas Bravo
Thông cáo ra hôm nay của HSBC viết : « HSBC đã đạt được thỏa thuận với các cơ quan chức năng Hoa Kỳ trong khuôn khổ điều tra liên quan đên các vi phạm những điều luật về trừng phạt và đấu tranh chống rửa tiền ».
Thừa nhận sai phạm và nộp phạt khoản tiền kỷ lục nói trên, HSBC có hể khép lại một lọat các điều tra của bộ Tài chính, bộ Tư pháp, các cơ quan Liên bang của Mỹ cũng như của tổng Chưởng lý của Manhattan, New York về các cáo giác tiếp tay cho hoạt động rửa tiền của ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây.
Đây là khoản tiền phạt kỷ lục mà một ngân hàng phải chịu vì những vi phạm pháp luật trên phạm vi rộng lớn. Sự việc đang làm chấn động giới ngân hàng Anh Quốc mà thời gian gần đây bị nhiều tai tiếng vì các phi vụ làm ăn mờ ám. Thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn tường trình :
Ngân hàng lớn nhất nước Anh HSBC phải chi ra 1,2 tỷ bảng Anh (1,9 tỷ đô la Mỹ) để dàn xếp một vụ kiện dính dáng đến rửa tiền cho các băng đảng ma túy ở Mexico và còn vi phạm lệnh cấm của Hoa Kỳ không cho khủng bố luân chuyển tiền trong mạng lưới ngân hàng. Ngoài khoản tiền phạt vượt quá dự tính của ban lãnh đạo ngân hàng, HSBC còn phải thực hiện cam kết sẽ lắp đặt hệ thống theo dõi độc lập mà ước tính sẽ tốn kém thêm chừg 300 triệu bảng Anh nữa.
Trước mắt các tiếng nói từ HSBC đều hướng đến việc xây dựng hình ảnh đẹp cho tập đoàn sau vụ mất mặt này. Tổng giám đốc điều hành Stuart Gulliver thành khẩn xin lỗi và cam kết làm lại hoàn toàn một ngân hàng mới về cơ bản. Tuy nhiên nhìn từ bên trong thì cũng thấy rõ ngân hàng đang lo lắng để trấn an cổ đông đừng vì thấy cổ phiếu mất giá mà bán tháo, hay là khách hàng đừng rút tiền ồ ạt. Một thông điệp nội bộ báo với khách hàng có tiền gửi đại khái rằng họ hãy yên tâm vì đã có bảo chứng trị giá lên đến 85.000 bảng cho tiền tiết kiệm trong trường hợp ngân hàng mất khả năng chi trả.
Thế nhưng nhìn kỹ thì sẽ thấy rõ số tiền phạt này sẽ ảnh hưởng nặng lên hoạt động của HSBC trên toàn thế giới và nhất là ngay tại trung tâm là nước Anh này. Đó là chưa kể HSBC cũng sẽ phải thu xếp một khoản tiền phạt với chính phủ Anh. Nhìn sang các ngân hàng khác của Anh thì Standard Chartered vừa mới phải đóng 415 triệu bảng tiền phạt sang Mỹ trong vụ dàn xếp tỷ giá Libor mà hồi tháng Sáu một ngân hàng khác là Barclays cũng đã phải trả 290 triệu bảng tiền phạt. Liên tiếp thiệt hại tài chính sẽ khiến các ngân hàng Anh hoàn toàn mất vai trò dẫn dắt trong quá trình hồi phục kinh tế cho nước Anh, và nhìn rộng ra trong bối cảnh khủng hoảng nợ của châu Âu thì viễn cảnh không sáng sủa gì mấy.
Những sai phạm lớn liên tục trong một thời gian dài của SHCB
Có thể là kinh tế khó khăn đã khiến các tập đoàn lớn mạo hiểm hơn hoặc lơ là với những qui định chặt chẽ từ các chính phủ các nước, nhưng nhìn lại những gì mà HSBC đã thú nhận trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ trong mùa hè vừa qua thì người ta vẫn chưa hết kinh ngạc về mức độ của các vi phạm. Người phụ trách luật lệ của ngân hàng đã từ chức ngay trước ủy ban điều trần trong xấu hổ ê chề, để lại sau lưng bề dày 20 năm làm việc cho HSBC.
Báo cáo của quốc hội Mỹ liệt kê một loạt sai phạm như HSBC đã chi tiền giúp áp tải xe bọc thép chở hàng tỷ đô la tiền mặt, thanh toán chi phiếu du lịch trị giá cũng hàng tỷ USD, rồi giúp các ông trùm ma túy Mexico mua máy bay bằng tiền được rửa qua đảo Cayman. Ngoài ra còn thêm tội giúp chuyển tiền ra khỏi Iran, Syria và các nước trên danh sách cấm của Hoa Kỳ, hay là cho phép một ngân hàng Ả-rập Sê-út có liên quan với tổ chức khủng bố al-Qaeda chuyển tiền vào Hoa Kỳ. Bản báo cáo chi tiết được xây dựng sau khảo sát tổng cộng 1,4 triệu bộ hồ sơ do chính HSBC cung cấp.
Có thể nói mua lại ngân hàng ở Mexico hồi đầu thập niên 2000 là quyết định khiến HSBC nhanh chóng tăng thu nhập nhưng bây giờ cũng mất mát thảm hại và phải tiếp tục khắc phục trong những năm tới. Tổng cộng chi nhánh Mexico của HSBC đã chuyển khoảng 7 tỷ USD vào Mỹ, nhưng các nhân viên của hãng xác nhận là đa số tiền này đến từ các tổ chức ma túy mà chỉ riêng từ 2006 đến nay đã có 47.000 người dân ở đây bị thiệt mạng dưới tay các tổ chức này. Hay là chi nhánh trên quần đảo Cayman có 50.000 tài khoản cho khách hàng cùng 2.1 tỷ USD cổ phần, vậy mà không hề có văn phòng giao dịch hay nhân viên.
Sau xì căng đan này nối tiếp một loạt các bê bối tài chính của các ngân hàng Anh, người ta bắt đầu nói đùa rằng cứ xảy ra một chuyện xấu gì trong ngành ngân hàng thì đều xuất phát từ một ngân hàng Anh, và tâm lý đó về lâu về dài sẽ ảnh hưởng mạnh đến lòng tin của khách hàng và nhà đầu tư đối với hệ thống tài chính Anh quốc, vốn đang là nguồn thu kinh tế chủ yếu cho đảo quốc này.
Châu Âu cảnh giác cao độ với các hoạt động chuyển tiền
Quay lại lịch sử hoạt động của HSBC thì ngay từ tên gọi đã thấy tính chất đầu mối hải ngoại của ngân hàng này, được thành lập để làm cầu nối của nước Anh ở Hồng Kông và Thượng Hải. Ngày nay Hồng Kông không còn là thuộc địa của Anh nhưng HSBC vẫn tiếp tục là tên tuổi lớn trong khu vực, và đang dần mở rộng hoạt động trên thế giới. Khi hạ cánh xuống sân bay Heathrow ở London bạn sẽ nhìn thấy tràn ngập biển quảng cáo của HSBC với khẩu hiệu về một ngôi làng toàn cầu mà HSBC là ngân hàng tạo ra mối thông hiểu và dung hòa các giá trị ngược chiều nhau giữa các ngôi làng đó.
Thế nhưng sau cú ngã đậm như vừa rồi thì có thể ngân hàng này sẽ ngại phát triển mà co cụm lại. Vấn đề rửa tiền và tội phạm có tổ chức cũng đang là đề tài được chính phủ các nước châu Âu đặc biệt quan tâm, mà cũng là câu chuyện gắn liền với các cộng đồng người Việt ở một số nước. Ví dụ chính phủ Anh áp dụng nguyên tắc buộc phải khai báo lượng tiền vượt quá 10.000 euro và hỏi về nguồn gốc bất kỳ khoản tiền nào nhiều hơn 1.000 euro qua cửa khẩu, nên rất nhiều người Việt trên chuyến bay của Vietnam Airlines từ Luân Đôn Gatwick về nước bị kiểm tra và tạm giữ tiền.
Chính phủ Ba Lan thì lập đội chuyên án liên quốc gia tóm bắt các đường dây chuyển tiền của người Việt với vòng xoay lên đến cả chục triệu USD. Để trám vào chỗ trống tiền tệ ở đông Âu một số ngân hàng Việt Nam đã sang mở chi nhánh với hoạt động quảng bá rầm rộ, nhưng thực sự thì làm như vậy càng khiến họ bị chú ý và bị các cơ quan chức năng của Ba Lan và cộng hòa Séc theo dõi chặt chẽ hơn, và khách hàng người Việt thì tất nhiên sẽ ngại có quan hệ và mở tài khoản giao dịch.
Một số nhóm sinh viên ở Anh thì kết hợp nhu cầu chuyển tiền thiếu nguồn gốc của lao động gốc Việt về nước và thủ tục khó khăn ở Việt Nam khi chuyển tiền cho con ra nước ngoài đóng tiền học mà tổ chức các đường dây chuyển tiền nhỏ lẻ, đăng quảng cáo trên các diễn đàn sinh viên. Có thể nói đây là những bước đầu tiên của người Việt ở châu Âu đi vào hệ thống tài chính thế giới.
Anh Vũ — Lê Hải