I. Bac Sĩ Khôi Có Ý Muốn Đóng Lại Cuộc Thảo Luận Về Đạo Luật S-219 Do Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải Đệ Trình [1]
Bà Quản Mỹ Lan
Thưa quý anh,
Bac sĩ Khôi có ý muốn đóng lại cuộc thảo luận về đạo luật S-219 do Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải đệ trình đã được thông qua tại lưỡng viện quốc hội Canada vừa qua.
Tuy hơi muộn màng nhưng tôi xin phép được có mấy dòng nói lên cảm nghĩ của mình về đạo luật này. Thú thật là tôi hơi buồn khi BS Khôi cho rằng đây chỉ là “một cái đạo luật trang điểm phấn son mà sẽ không có hậu quả gì hết ” cũng như việc giương cờ vàng ba sọc đỏ của mình rùm beng tại Mỹ nhưng Mỹ vẫn đi đêm với CS!
Theo tôi chuyện Mỹ đi đêm (thực sự ra là họ “đi ban ngày ” sờ sờ ra trước mặt mình chứ có đêm đâu!) là chuyện của họ, quyền lợi của nước họ, còn mình mình giương cờ là quyền của mình, là mình muốn cho mọi người (không phải VN) biết rằng tuy phải lưu vong nước người nhưng chúng ta vẫn hồi tưởng về một đất nước tuy mất tên trên bản đồ thế giới nhưng vẫn hiện diện trong tâm khảm của chúng ta. Hai việc ấy của hai khối người khác nhau, hai mục tiêu khác nhau thì khó có thể so sanh được.
Điều quan trọng là ở một xứ tự do, một xứ dân chủ chúng ta mới làm được việc đó, ở một nước CS như VN nếu làm việc đó thì công an nhà nước sẽ bắt chúng ta vào tù như đang giam cầm em Nguyễn Viết Dũng vậy!
Anh Khôi nói: “Bốn mươi năm, đèn kéo quân hay đèn cù cứ diễn đi diễn lại trong khi trong lòng mình đến gần ngày 30 tháng tư, tâm hồn lại thêm một lần để tang cho đất nước mà không nói được với ai.” thì chính đạo luật S-219 này đã bằng chứng hùng hồn cho việc chúng ta nói và có người đã nghe được đấy! Có nghe được những trần tình của ông Ngô Thanh Hải và các cộng sự viên của ông thì các vị ở thượng viện, ở hạ viện mới đồng ý biếu quyết thuận để lịch sử Canada ghi nhận rằng có một ngày để kỷ niệm cho “cái cộng đồng” di dân khốn khổ này và cả toàn dân xứ Canada bình an này hãy ghi nhớ lấy!
Tôi biết chắc rằng các ông bà nghị, các ông bà dân biểu Canadiens trước đây họ không hiểu tại sao lại có những người bỏ hết ông bà, cha mẹ, người thân, sản nghiệp để đến xứ của họ, thất cơ lỡ vận, gây dựng lại từ đầu!
Nay chính nhờ những cuộc điều trần, những lời giải thích của người chủ chốt của dự luật đã khiến họ hiểu để cuối cùng họ đã biểu quyết để nó trở thành đạo luật.
Để làm được điều đó (convaincre người khác) tôi tin rằng họ Không thể khách quan, lạnh lùng, làm ngơ trước cái thảm khốc của lịch-sử đối với dân tộc Việt Nam. ” mà trái lại họ đã làm với tất cả tâm huyết vì nghĩ đến những đau thương của những con người vì mất tự do đã phải trải qua những chuỗi ngày gian nan, uất hận để tìm lại tự do mà họ đã được hưởng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.
Chắc các anh cũng đồng ý với tôi là dân Miền Bắc dù sống dưới chế độ CS khủng khiếp từ 1954 đến 1975 mà họ có vượt biên đâu, họ chịu đựng cả đấy thôi! Chỉ có người dân Miền Nam mình vì đã được hưởng tự do rồi, đã biết đến tự do rồi, nay bị tước đoạt mà vì không đủ sức chống lại mới phải liều chết đi tìm tự do.
Vì vậy tôi đồng ý với ông Mai Tâm khi cho rằng chữ liberté đã bao hàm tất cả những gì non-liberté khiến người ta phải sống chết đi tìm nó! Có bị kìm kẹp, bị mất tự do mới phải đi tìm tự do. Cao cả hơn nữa là đi tìm tự do cho người khác, hy sinh một phần thân thể của mình cho người khác!
Và việc nhà nước, đảng CSVN đã phát điên lên khi đạo luật được thông qua chính là để trả lời cho câu hỏi của anh Nguyễn Tài Mai “Ngôn ngữ cũng phải phản ảnh đuợc cái khốn khổ, máu và nuớc mắt của nạn nhân, và vạch ra “ai là kẻ có tội” chứ.” vì S-219 đã chỉ đích danh ra tên tội phạm làm cho bao nhiêu con người (không thống kê được) đã bỏ mình nơi rừng sâu nước độc (bộ nhân), nơi biển cả trùng dương (boat people) để đi tìm tự do. Ngày 30 tháng 4 là ngày khởi đầu cho việc đi tìm tự do của người Việt Nam, người dân Canada biết được điều đó nhờ đạo luật S-219. Ngày đó đối với người VN là ngày Quốc Hận.
Thưa quý anh,
Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này, một khi mình ngồi ở đây, nghĩ thế này thì ở nơi khác cũng có những người nghĩ ra được những điều khác có khi giống mình nhưng cũng có khi họ nghĩ khác mình. Tuy nhiên tựu trung chưa biết ai đúng ai sai, ai tài hơn ai vì vậy thảo luận là điều nên làm, có thào luận thì mới có được kết luận. (Chúng ta) Tôi có tự do tư tưởng nên (chúng ta) tôi nghĩ như thế nhưng (chúng ta ) tôi cũng là người hiểu dân chủ và sống dân chủ nên (chúng ta) tôi chấp nhận sự khác biệt giữa (chúng ta) tôi và tha nhân. Và với tất cả sự khiêm nhường (chúng ta) tôi cứ cho là anh đúng trước rồi mình sẽ bàn cãi cho đến khi nào tìm ra được sự đồng thuận và vui vẻ với sự đồng thuận ấy một khi lập luận của mình phải chịu trước lập luận của người khác.
Có như thế chúng ta mới thực sự sống dân chủ và có lý do chính đáng để đấu tranh cho dân chủ mang đến cho những người mất dân chủ cái ý niệm tự do đẹp đẽ mà chúng ta hằng theo đuổi.
Thân kính,
Quản Mỹ Lan
II. Đạo luật S-219 Tạo Được Một Cơ Hội Như Vậy Mà Chúng Ta Đành Mất Tên Gọi Ngày Quốc Hận Đã Khắc Sâu Trong Tâm Khảm, Cái Giá Dó Quá Đắt…[2]
BS. Trần Văn Tích
Kính gửi Bà Quản Mỹ Lan,
Bà viết :
“Ngày 30 tháng 4 là ngày khởi đầu cho việc đi tìm tự do của người Việt Nam, người dân Canada biết được điều đó nhờ đạo luật S-219. Ngày đó đối với người VN là ngày Quốc Hận.”
Xin Bà cho phép tôi thưa cùng Bà là thực ra trước ngày 30 tháng tư năm 75 đã có người tham gia “hành trình tìm tự do” rồi.
Họ ra đi từ giữa tháng tư hay trong vòng hai tuần lễ trước ngày 30.04. Hơn nữa, khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước ngày 20.07.1954 – cũng từng được gọi là Ngày Quốc Hận – cả triệu đồng bào cũng đã tham gia “hành trình tìm tự do” rồi.
Bà viết “Ngày đó đối với người Việt Nam là ngày Quốc Hận”. Thì chính chúng tôi cũng chỉ xin gọi Ngày 30.04 là Ngày Quốc Hận, xin chớ gọi là Ngày… Chúng tôi có bao giờ nghi ngờ chủ đích và nội dung S-219 đâu!
Nhờ S-219 mà người Canada biết rằng người Việt Nam đã đi tìm tự do. Có lẽ nên nói rằng S-219 đã tạo thêm một cơ hội để cho người Canada biết đến “hành trình tìm tự do” của chúng ta, bên cạnh rất nhiều dữ kiện khác, thông tin khác, cơ hội khác.
Kính thưa Bà,
Tạo được một cơ hội như vậy mà chúng ta đành mất tên gọi Ngày Quốc Hận đã khắc sâu trong tâm khảm, cái giá đó quá đắt. Chúng tôi đau lòng nếu phải trả cái giá đó. Đối với những quí vị sẵn sàng trả cái giá đó, chúng tôi xin ngả mũ kính chào quyết định của quí vị. Nhưng đồng thời tôi cũng phải thở dài, tuy rằng tính tôi vốn không quen thở dài.
Trân trọng kính chào Bà trong tinh thần tương thân và ái mộ.
BS. Trần Văn Tích
III. Le 30 Avril N’est Pas Un Parcours Vers La Liberté; C’est Le Deuil National[3]
Y-Sĩ Đại Uý Nguyễn Ngọc Khôi
Kính thưa Bà Quản Mỹ Lan,
Trước hết, tôi cảm tạ và quý trọng lời lẽ lịch thiệp và hoà nhã trong thư bà viết cho tôi, dù chúng ta không đồng quan niệm. Thật xứng đáng cho một cuộc bàn luận giữa những người trí thức đồng lý tưởng nhưng không đồng ý kiến.
Đã có nhân vật dùng lời lẽ hạ cấp, gây hấn, tấn công anh em chúng tôi. Tôi kiên nhẫn chờ họ vượt qua làn ranh tử tế và đi vào hành động phỉ báng là tôi sẽ chọn con đường pháp luật để ứng xử với họ mà không cần cãi vã trên diễn đàn.
Trước những lời nhã nhặn và lich thiệp của bà mà tôi thật tình quý trọng, tôi thấy cần có nhịp cầu đối thoại và xin phép bà cho tôi nêu lên những điểm sau đây:
Một người bạn thân của tôi có gửi lên Diễn Đàn Quân Y tường thuật diễn tiến của luật S-219 do Joan Bryden viết và dcvonline lược thuật. Tôi sẽ chép website sau.
Trong bài đó có tường thuật việc Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải có cố gắng đưa dự luật ra dưới tiêu đề Đạo Luật Tháng Tư Đen. Tuy nhiên, lại cái tuy nhiên đáng ghét, mục đích đầu bị phía Bảo Thủ của ông không bằng lòng, ông phải rút xuống tiền đề thứ hai: Đạo Luật Hành Trình Tìm Tự Do.
Như vậy, mục tiêu đầu đã không được chấp nhận, và phải… chọn giải pháp “hoà giải” thứ hai. Phải có cái gì để mang về cho cử tri người Việt.
Ngoài ra, ngay sau khi gặp phản ứng của chính quyển Cộng Sản Bắc Việt, phát ngôn viên của Ngoại Trưởng Gia Nã Đại Baird đã tuyên bố nhấn mạnh đây không phải là dự luật của Chính Phủ (sic) … Canada và Việt Nam cùng có ích lợi lèo lái quan hệ song phương của chúng ta…(un autre sic)
Dưới mắt anh em chúng tôi, đạo luật này không có ảnh hưởng nào cho cuộc đấu tranh chống CS của dân tộc Việt. Nó chỉ là thêm một cái bánh vẽ nữa cho ngưới Việt-Nam. Bánh vẽ Hiệp Định Genève 1954, bánh vẽ Hiệp Định Paris 1973, và đây bánh vẽ S-129. Những bánh vẽ người ngoại quốc trong Thế Giới Tự Do, vì không thắng nổi Cộng Sản đã vẽ ra cho dân tộc Việt Nam. Không như bà đã an ủi tôi, đây không phải là “đạo luật đã là bằng chứng hùng hồn cho chúng ta nói và người đã nghe”. Hơn nữa quen với quan niệm được dạy trong quân đội, tôi không quên bài học vô giá là: khi mình phải thay đổi định nghĩa, chẳng bao lâu, minh phải thay đổi mục đích, lý tưởng rồi đến thay đổi hành động cho “ phù hợp”. Như Y-Sĩ Trần Văn Tích có viết trong bài đầu của ông, anh em chúng tôi thông cảm việc làm của Thượng Nghị Sĩ Gia Nã Đại Ngô Thanh Hải nhưng chúng tôi không thể hưởng ứng, vì hưởng ứng là đã thoả hiệp, đã thay đổi mục tiêu, lý tưởng, rồi đến hành động của mình.
Người ta có thể sẽ xuống đường, căng biểu ngữ, hoan hô, ủng hộ Đạo Luật S-129. Tôi xin mời bà cùng tôi chờ hai năm nữa: rồi đâu vẫn hoàn đấy. Cờ trống dẹp đi, Mỹ và Canada vẫn uống rượu cùng CSVN. Và sẽ uống cho đến khi nào VN chìm đi và trở thành một quận của Trung Cộng. Còn có những vị mơ tưởng Mỹ sẽ mang Đệ Thất Hạm Đội vào giúp CSBV nếu Trung Cộng đánh VN. Hãy thật tình thử hỏi nếu một triệu quân TC tràn qua biên giới, Mỹ có dám rủ Canada mang quân vào can thiệp không?
Khổ nỗi, người Việt vẫn tin và dựa vào người ngoại quốc. Cá nhân tôi đã không còn nghĩ tới chuyện đi tìm người ngoại quốc giúp với những đạo luật này, sắc luật nọ.Tôi chỉ còn tin vào giới trẻ ở nhà.
Tôi không biết bà thuộc vào thế hệ nào. Tôi đã rời Hà Nội vào Sài-Gòn năm 1954. Như Y-Sĩ Thiếu Tá Trần Văn Tích nhắc nhở chúng ta, lúc đó, Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người đặt tên ngày 21 tháng bảy, 1954 chia đôi đất nước tại Genève là ngày Quốc Hận. Hận đây không chỉ là uất ức nhưng còn có nghĩa đau thương, Tổ Quốc bị chia đôi làm hai. Quốc Hận đã có từ trước ngày 30 tháng tư 1975, hành trình đi tìm tư do có trước ngày 30 tháng tư 1975, Nó đã có từ ngày 21 tháng 7 năm 1954 (Hiệp Định Genève). Vì những sự kiện lịch sử trên, ngày 30 tháng 4, 1975 không phải là ngày hành trình đi tìm tự do của dân Việt. Đó là ngày giỗ của Tổ Quốc Việt Nam Cộng Hoà. Chỉ có số ít may mắn như bà và tôi ra đi được. Còn phần lớn là những người ở lại, chịu chết, tù đày. Tôi thấy ý của Bác Sĩ Đặng Vũ Vương rất đúng ở chỗ này: nếu ta muốn vinh danh hành trình đi tìm tự do, ta có quyền làm, nhưng xin đừng chọn ngày QUỐC TANG là ngày dành cho tưởng nhớ cái chết của đất MẸ.
Nếu người Việt tại Canada muốn lấy ngày 30 tháng tư đế vinh danh hành trình tự do. Đó là do họ chọn. Tôi không có quyền gì chống đối. Tôi không phải công dân Gia-Nã Đại. Tôi chỉ cầu mong người Việt còn lại trên Thế Giới không đi vào vết xe “ hoà hợp” này. Nhưng nếu có xảy ra thì cũng chẳng mảy may làm thay đổi lập trường của anh em chúng tôi. Tuổi cao có cái đẹp của nó. Nó cho phép tôi không còn háo hức đi theo “những con cừu Panurge”. Tôi vẫn đi theo con đường riêng của tôi: không tin vào ngoại quốc mà chú trọng vào việc giúp người trẻ ở nhà đang dấn thân tranh đấu chống CS để tìm tự do cho dân tộc (Hội Tù Nhân Lương Tâm Chính Trị do LM Phan Văn Lời chăm sóc), không gõ trống khua chiêng vào ngày 30 tháng tư như là một thắng lợi nào đó, mà chỉ lẳng lặng vào sáng ngày 30 tháng tư,theo lệ từ 40 năm nay, đeo cái cà-vạt màu đen vào cổ, dấu hiệu để tang, khóc thầm cho Tổ Quốc. Như vậy tôi thấy cũng làm đủ bổn phận của một người Việt già mất nước.
Đã có người mang định nghĩa từ Tự Điển của chữ Parcours, chữ mà tôi đã làm quen từ hồi 10ème, 9ème Tiểu Học để “sửa lưng tôi” (tôi sợ nhất phải tranh luận với kẻ chỉ học một cuốn sách trong đời). Họ không biết rằng trong bất cứ ngôn ngữ nào cũng có nhiều từ để chỉ cùng một nghĩa với mức độ khác nhau. Parcours hay Calvaire cũng là hành trình. Chỉ khác là Calvaire là một cuộc hành trình đau khổ mà không phải thêm cụm tư đau khổ vào cho dài giòng. Tuy nhiên không một ai, không một đa số nào có thể lay chuyển quan niệm của anh em chúng tôi:
“Le 30 Avril N’est Pas Un Parcours Vers La Liberté; C’est Le Deuil National”.
Thân kính,
Y-Sĩ Đại Uý Nguyễn Ngọc Khôi
Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà
IV. Những Hiện Tượng “Hy Vọng” Và “Tự Do” Có Thể Tưởng Niệm Hay Ăn Mừng Bất Cứ Ngày, Tháng, Năm Nào “KHÁC”, Chứ Không Thể Lấn Át, Thay Thế Ngày Quốc Hận “30 Tháng Tư” Được.[4]
Lưu Nguyễn Đạt, PhD, LLB/JD, LLM
Cher Anh Khôi:
- Quốc tịch mới là những “Bàn Tay Hy Vọng” đặt tại xứ người.[4] Là những “Ngày Hành Trình Đến Tự Do” nơi bến hứa [La Terre Promise- The Promised Land]. Người Việt Tỵ Nạn thoát khỏi địa ngục cộng sản, phần lớn là để bảo toàn tương lai cho hậu duệ họ. Nhưng các hiện tượng sáng sủa, hy vọng và vui mừng đó phải “tới sau” mùa tang tóc quốc thể. Phải tới sau “Ngày Quốc Hận” và cũng không thể xoá bỏ “Dấu Ấn” lịch sử đó. Những hiện tượng “Hy Vọng” và “Tự Do” có thể tưởng niệm hay ăn mừng bất cứ ngày, tháng, năm nào “KHÁC”, chứ không thể lấn át, thay thế Ngày Quốc Hận “30 Tháng Tư” được.
- Thật vậy, nếu tung tăng cờ quạt, kèn trống, xăm banh tiệc tùng “Ngày Hành Trình Đến Tự Do” vào đúng “Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư”, chẳng khác nào cố tình cử hành hôn lễ chạy-tang cho vài người có hạnh phúc tới bến, trong khi chưa chôn xong ông bà, bố mẹ còn mục nát trên mảnh đất tổ tiên. Tưởng nghĩ con người tử tế, chân chính cũng nên tôn trọng thứ tự ưu tiên gia đạo, không nên “mua vui” đúng ngày “tang lễ” thờ người, nhất là nếu cuộc vui chạy tang, chỉ với “mục đích thiển cận” thu lượm được thứ tự do vô trách nhiệm — vị kỷ, độc diễn, phóng túng; coi thường luật pháp, công lý; coi rẻ nhân phẩm, nhân quyền mọi người [ngoài cái tôi], thì quả thật cuộc “hành trình đó” chỉ đưa tới bãi tự do tự s[x]ướng, tự hủy. Vì tự do phải có điều kiện chính đáng, trung thực, trọng pháp, trọng nhân, tương ứng và tương xứng. Thứ tự do phá phách, nhục mạ, vu khống là những hành vi, những tuyên ngôn không được luật pháp và hiến pháp bảo vệ [unprotected speech/unprotected freedom];[9] và cũng không được đạo người bái phục.
Lưu Nguyễn Đạt
V. Luận về tháng 4 Đen, 40 năm ngày Quốc Hận: 40 Năm Phục Hồi Hậu Chiến Việt Nam So Với Đức, Với Nhựt, Với Nam Hàn.[5]
Phan Văn Song, TS
[…] Chúng tôi dạy con dạy cháu truyền thống Việt Nam, giữ Tứ Ơn : Trước nhứt Đất Nước Việt Nam, thứ đến Tổ Tiên Việt Nam, Đồng Bào Việt Nam, còn Ơn cuối cùng, Ơn thứ tư là Ơn Tâm Linh-Tôn Giáo tùy cá nhơn con cháu, Phật Chúa đều quý cả vì đó là Đạo, vì đó là Con đường xử thế, con đường giữ mình hằng ngày. Như vậy, Con người Việt gồm có Ba Ơn của Đạo Việt, và Đức Tin Tôn giáo cá nhơn để tu thân giữ mình.
Chúng ta, người Việt tỵ nạn Cộng sản từ 40 năm nay, sống đất người, hội nhập ít nhiều đất người, ngày nay sanh sống rải rác khắp nơi trên thế giới, tùy phong, tùy tục, nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục, sống sao cho hạp lòng người, sống sao cho phải đạo mình, đó thôi ! Có nơi có may mắn, tụ họp đông đủ được một cộng đồng, tạo lập được những nơi sanh hoạt giữ nề giữ nếp Việt, phong Việt, tục Việt, Việt văn, Việt hóa. Nhưng cũng có vài nơi xa xôi, vắng vẻ, nhưng nhờ đất lành chim đậu, vẫn dễ dàng để người Việt chúng ta sanh sống, sanh con đẻ cái.
Sanh hoạt hằng ngày có vẻ như người bản xứ nhưng về nhà vẫn cố giữ tục, giữ hồn người Việt. Hồn Người Việt là Tứ Ơn. Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã truyền dạy Giáo dân Phật Giáo Hòa Hảo. Chúng tôi tuy Tôn giáo Tin Lành, đọc Thánh Kinh, giữ lời Chúa, nhưng rất ngưỡng mộ lời dạy Đức Thầy, lấy Tứ Ơn làm kim chỉ nam giữ Đạo Việt, giữ hồn người Việt. Lời Chúa là Tâm Linh giữ Đạo, giữ Đức. Tôn giáo là Đức Tin, là lòng dạ cá nhơn, là lương tâm cá thể chỉ là một trong Tứ Ơn. Ba Ơn còn lại Ơn Tổ Tiên-Cha mẹ, Ơn Đất Nước- Quê hương, Ơn Đồng Bào ấy là linh hồn Việt.
Chúng tôi thường ngưỡng mộ hai dân tộc và cách sống của họ: thứ nhứt là dân tộc Nhựt, ngày ra đường họ mặc âu phục làm việc, tổ chức làm việc rất Âu Mỹ. Tối về nhà, trong gia đình họ là người Nhựt, kimono, ngủ sàn. Dù Đạo Phật hay Đạo Chúa, nhưng vẫn thờ vái, cúng bái, tin tưởng những Kami, tổ tiên truyền thống…Sanh hoạt văn minh Âu Tây, nhưng linh hồn văn hóa thì vẫn Nhựt Bổn.
Dân tộc thứ hai là dân Do Thái. Đạo Do Thái, có từ ngàn xưa, Thờ Chúa, Đấng Yê–Hô–Vah, giữ Đạo theo lời Chúa, nhưng có những tục lệ nề nếp để nhớ Ơn Xưa. Ngày nay dù 70 năm đã qua, người Do Thái vẫn hằng năm tưởng niệm Shoah Holocaust về những người Do Thái Âu Châu từng bị Nazi Đức sát hại.
Việt Nam ta, ngày Quốc Hận 30 tháng 4, đồng nghĩa với Shoah Do thái, thế mà có người – tuy là cựu nạn nhơn – vẫn đòi bỏ lên bỏ xuống ! Thay tên, đổi họ, mắc cở, hổ thẹn.
Ngày mai, chế độ độc tài Công sản đương quyền thế nào cũng phải bị thay thế phải nhường quyền cho một chế độ Dân Chủ Pháp Trị. Mong rằng:
Ngày Quốc Hận cũng phải được duy trì và trân trọng.
Ngày Tang, ngày Đau, ngày Buồn ấy, sẽ là ngày Tổng hợp cho những cái đau thương của đất nước. Ngày Hiệp Kỵ cho những nạn nhơn của những cái tang tóc đau buồn đã qua : Cải cách Ruộng đất, Mậu Thân Huế, Hoàng Sa, Trường Sa, các nạn nhơn của những cuộc pháo kích bừa bãi, những nạn nhơn đã bỏ mình, nạn nhơn của những cuộc chạy nạn, trong nước : đại lộ kinh hoàng năm 72, đường 19 năm 75, nạn nhơn của cuộc vượt biên khổng lồ trên biển hay ở biên giới, nạn nhơn của những trại tập trung sau ngày mất nước, hay nạn nhơn của cả cuộc chiến Việt Cộng-Tàu Cộng năm 1979… để Nhớ, để không Bao giờ Quên, không Bao giờ Lặp lại. Tưởng niệm Ngày Quốc Hận 30 tháng Tư để hằng năm Xá Tội Vong Nhơn, Tha Tội Lẫn Nhau.
Phan Văn Song
VI. Một Số Dữ Kiện về “Canadian law S=219”[6]
Nguyễn Quý Thành
Kính thưa quý anh chị,
Theo dõi diễn tiến của việc ban hành Đạo Luật S-219 này từ lâu, chúng tôi xin phép chuyển tiếp đến quý anh chị một số dữ kiện quan trọng mà ít người biết tới
Tôi tin rằng với các tin tức này, HĐQT Việt Thức cũng như HĐ Yêm Trợ Cố Vấn (mà tôi có hân hạnh là một thành viên) sẽ tán đồng lập trường chân chính của BS Nguyễn Ngọc Khôi và tinh thần bài viết của LS-TS Lưu Nguyễn Đạt về danh xưng “Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư”.
Thượng Nghị Sĩ (chỉ định) Ngô Thanh Hải của Canada là Chủ Tịch đương nhiệm của Liên Minh Dân Chủ VN (phe ly khai) . Từ nhiều năm nay ông vẫn kiên trì tiếp nối lộ trình Hòa Hợp Hòa Gỉai bất thành của GS Stephen Young trong chuyến đi VN năm 1993. Gần đây, vào năm 2012 trong cuộc hội thảo ở Paris, LMDC đã công khai minh định rằng “cần phải đứng chung với VC để bảo vệ tổ quốc”
https://www.youtube.com/watch?v=xs-zJ2vWR-Y
Quý anh chị có thể đọc bài viết đính kèm của TS Nguyễn Bá Long và 2 Thông Cáo Báo Chí của VP Thủ Tướng và Bộ Ngọai Giao Canada xác định lần đầu tiên trong 40 năm, Canada đã có quyết định viện trợ chính thức cho CSVN (Canada viện trợ cho VN). Việc Hà Nội phản kháng Canada đã ban hành Luật S-219 theo thiển ý chỉ là màn kịch để gây hỏa mù “:vừa đánh trống, vừa ăn cướp” với mục đích chính yếu nhằm gây chia rẽ trong cộng đồng người Việt hải ngọai và nói cho ngắn, gọn thì TT Ngọai Giao CSVN Nguyễn Thành Sơn đã thành công lớn trong chuyến công tác tại Canada vào năm ngóai 2014. VC đã và đang “vừa được ăn, vừa được nói, vừa được gói mang về”.
Một số tin tức sai lạc, không biết vô tình hay cố ý cũng đã được tung ra để “đánh bóng” cho Luật S-219. Chẳng hạn như công bố rằng Peace Tower tại Ottawa, thủ đô của Canada đã treo cờ rủ để tưởng niệm Quốc Hận của người Việt chúng ta trong ngày 30-04-2015 trong khi thực sự ra thì việc treo cờ rũ này chỉ là để tưởng nhớ ông cựu Chủ Tịch Thượng Viện Canada mới từ trần !!! (bài viết dưới đây của BS Trần Mộng Lâm, Chủ Bút nguyệt san Người Việt Montreal)
Website Việt Thức là diễn đàn của Người Việt Tử Tế, có tư cách, có lập trường quốc gia chân chính cho nên việc xác định thế đứng của chúng ta như các 2 bài viết của BS Nguyễn Ngọc Khôi, LS-TS Lưu Nguyễn Đạt (và 1 bài viết cùng đề tài trước đây trên Việt Thức của TS Phan Văn Song) là việc chúng ta nên làm, cần làm và phải làm.
Một vài ý kiến chủ quan thô thiển, xin được phép đóng góp.
Kính thư,
Nguyễn Quý Thành
VII. Treo Cờ Rủ Tại Canada[7]
Trần Mộng Lâm
Cờ rủ là lá cờ được treo ở giữa cột cờ. trong những trường hợp thật đặc biệt, ngày Quốc Tang (deuil national) hay một thiên tai (Tragedie), chỉ được quyết định bởi một quốc gia, và do một ủy ban chính thức lo về nghi lễ. Đó là những gì người ta tìm hiểu được trong Wikipedia.
Cờ được kéo lên tới đỉnh, rôi hạ xuống lưng chừng. Theo nguyên tắc, tất cả các cờ khác cũng được kéo xuống như vậy hay đưa ra chỗ khác.
Tại Canada, treo cờ rủ chỉ được cho phép trong những dịp sau đây :
1- Một quốc vương băng hà : Treo cờ rủ kể từ khi có tin đến hoàng hôn của ngày tang lễ. Cờ sẽ lại được kéo tới đỉnh khi có quốc vương mới
2- Một vị toàn quyền (gouverneur géneral) đang tại chức hay một thủ tướng đang tại chức qua đời : kể từ khi loan báo đến hoàng hôn ngày tang lễ
3- Sự qua đời của một người trong gia đình hoàng gia (Anh) một cựu toàn quyền, một chánh quan tòa (juge en chef actuel), một bộ trưởng của chính phủ hiện tại, một cựu thủ tướng : Từ khi tin được loan báo đến hoàng hôn ngày tang lễ.
4- Một nhân viên cảnh sát chết khi làm nhiệm vụ (agent de police en service)
5- Ngày 28 tháng tư (dành cho các người tử nạn trong khi thi hành nhiệm vụ)
6- Ngày 23 tháng sáu: (những người chết vì nạn khủng bố)
7- Ngày chủ nhật cuối của tháng chín (Ngày của các nhân viên cảnh sát, agents de police)
8- Ngày 11 tháng 11: Ngày kỷ niệm cựu chiến binh Thế Chiến Thứ Nhất : Le Jour de Souvenir.
9- Ngày 6 tháng 12: Ngày tưởng nhớ và hành động cho các phụ nữ chống bạo hành : Violences faites aux femmes.
Như vậy rất rõ ràng, không phải muốn treo cờ rủ lúc nào là treo, và không phải bất cứ người nào cũng có quyền quyết định việc này.
Mới đây, khi nhận được bản tin và hình ảnh ngày tưởng niệm 30 tháng tư hay «Hành Trình Tìm Tư Do», tôi không tin ở mắt mình.Nếu Canada treo cờ rũ cho ngày này thì quả là phép lạ. Bởi vậy tôi vào Patrimoine Canadien liền, và đã khám phá là vụ treo cờ rủ này, người ta dành cho tang lễ của ông chủ tịch Thương Viện đương nghiệm chứ không dính dáng gì đến người Việt Nam hết. Không muốn các hình ảnh này truyền đi khắp thế giới một cách sai lạc, tôi đã báo động ngay.
Tưởng rằng sự sai lầm chấm dứt ở đây, nào ngờ ngày 3 tháng năm, trong một buổi nói chuyện của hai chị Dương Nguyệt Ánh và Lữ Anh Thư tại trụ sở Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia vùng Montréal, theo dõi vidéo ghi lại sinh hoạt ngày hôm đó, chúng ta lại thấy một thành viên của ban tổ chức của buổi lễ nói quả quyết là ông có nghe một ông Bộ Trưởng (Pierre Poilievre) tuyên bố như vậy, và vụ treo cờ rủ tưởng niệm ngày 30 tháng tư không cần bàn cãi nữa.
Tôi liên lạc ngay với văn phòng của ông Bộ Trưởng Pierre Poilievre xin xác định xem có phải ông Bộ Trưởng nói như vậy hay không???. Attaché de presse của ông này là Aeron Bell trả lời : Comme votre demande s’agit de la portefeuille de l’honorable Shelly Glover, Ministre du Patrimoine canadien et des langues officielles, veuillez contacter ma collègue. Marisa Monnin.
Tôi liên lạc với bà Marisa Monnin, và sau đây là câu trả lời của văn phòng Bà Shelly Glover : En ce qui concerne votre question, je peux vous dire que le drapeau sur la tour de la Paix, était en berne du 24 avril 2015 jusqu’au crépuscule le jeudi 30 Avril 2015, suite au déces de l’honorable Pierre Claude Nolin, sénateur et président du Senat,
Vous pouvez trouver les avis de mise en berne au site suivant http://pch.gc.ca/fra/1311704914994/1311705010488
Không thấy một chữ nào liên quan đến Việt Nam.
Vậy mà người ta tuyên bố trước công chúng 2 lần, một lần tại Ottawa, một lần tại Montréal.
Người Việt Nam cả tin, và hay vơ vào. Nay thì phải thêm một đức tính nữa, là «nhất định không bao giờ chúng tôi sai».
Trình đô một tập thể biểu hiện qua cách thảo luận trong các sinh hoạt của cộng đồng đó. Vidéo ngảy 3 tháng 5 năm 2015 của CĐ Montréal xin tùy người xem đánh giá.
Trần Mộng Lâm
Ghi Chú
[1] Date: Sun, 10 May 2015 02:56:36 +0200
Subject: Re: [VMAFORUM] FW: BS NGUYEN NGOC KHOI :S-219: cảm nghĩ của một sĩ quan quân y hiện dịch; From: quanmylan1@gmail.com
[2]On May 10, 2015, at 12:25 AM, Tich Tran <svhdqymembers@emaildodo.com> wrote…
[3] From: Khoi Nguyen <khoinguyen43@aol.com>
Subject: Re: [VMAFORUM] BS NGUYEN NGOC KHOI : S-219: cảm nghĩ của một sĩ quan quân y hiện dịch
From: quanmylan1@gmail.com
Date: May 10, 2015 at 12:27:43 PM PDT
To: MyLan Quan <quanmylan1@gmail.com>, Mylan Phamngoc <mylan_phamngoc@yahoo.com>, Tich Tran <tranvantich@hotmail.de>
[4] DrLuu NguyenDat, “Từ Quốc Hận 30 Tháng Tư Tới Sứ Mạng Chân Chính Của Người Việt Tử Tế” http://www.vietthuc.org/luu-nguyen-dat-tu-quoc-han-30-thang-tu-toi-su-mang-chan-chinh-cua-nguoi-viet-tu-te/; <drluunguyendat2@gmail.com> May 11, 2015 >MORE REF: Canadian law S=219.
[5] Phan Văn Song, “Luận về tháng 4 Đen, 40 năm ngày Quốc Hận: 40 Năm Phục Hồi Hậu Chiến Việt Nam So Với Đức, Với Nhựt, Với Nam Hàn”. http://www.vietthuc.org/luan-ve-thang-4-den-40-nam-ngay-quoc-han-40-nam-phuc-hoi-hau-chien-viet-nam-so-voi-duc-voi-nhut-voi-nam-han/
[6] thanh nguyen <thoibao@telus.net> May 12, 2015 >Một số dữ kiện về “Canadian law S=219”
[7]thanh nguyen <thoibao@telus.net> May 12, 2015 >Một số dữ kiện về “Canadian law S=219”
One Comment
Anhcam
Hôm nay,tại Houston/usa,già tôi thấy tựa bài “30 tháng Tư là ngày hành trình tự do hay là ngày quốc hận”,nội dung thảo luận đến Luật S 219 do quốc hội Canada công nhận,già tôi tuy học hành chẳng đến đâu nhưng cũng xin đồng ý với quí vị trong bài này “ngày 30 tháng tư luôn là “ngày Quốc Hậh”,dù bản thân hồi 45 đã là “một nhóc tì nhi đồng cứu quốc ở tít mù cái xứ Lạng xa xôi,đã từng thấy Nhật oánh Tây chỉ trong một đêm,sáng ra,thấy Tây chết lền khên trước ngõ đến xê chiều,thì lũ Tây đầu hàng quân Nhật,và ngày tập đoàn quân Tưởng chết đói từ Nam Quan qua tước vũ khí Nhật,kèm theo mấy nhà cách mạng của nhóm Cụ Nguyễn Hài Thần,dĩ nhiên,nhóc tôi thấy khoái Việt Minh rồi !? Nhưng ông Bô đã sớm biết trong đó chóp bu là cộng sản,và liền chắt chiu đường sông qua Tầu ,đó là ngày vượt biên lần đầu,rồi các lần 54, và cuối cùng 75, cả nhà ông Bô may mắn qua Pháp,phần tôi,đành chui vào trại tù CS 6 năm ,thêm 4 năm tiếp sống với con cháu ông Hồ ,và rồi mới vỡ được bộ óc cùng con mắt thấy rõ bộ mặt công sản !! Qua đây,thoát được con ác quỉ CSVN ,tiếc thay có nhiều chính khách nổi tiếng vẫn còn u mê bị bọn giặc cờ đỏ lừa phỉnh !!Tỉ như LS trẻ tuổi HDH tại thành phố nhà tôi đã bắt tay với cái ông TT Nguyễn thanh Sơn để làm Cách Mạng Trắng !!?