1. Hungari
Hungari là một quốc gia tại miền trung của châu Âu với diện tích nhỏ hơn tiểu bang Indiana và dân số 10 triệu người. Người Hungari có nguồn gốc từ bộ lạc du mục thiện chiến Magyar, từ châu Á tới châu Âu vào thế kỷ thứ 9 để rồi lập nên một vương quốc quan trọng. Khi đế quốc Áo-Hung bành trướng vào thế kỷ 19, Hungari là một miền đất tự trị, phát triển cho tới cuối Thế Chiến thứ nhất, khi đó hai phần ba diện tích bị cắt xén thành nước Tiệp Khắc, một phần của Nam Tư và một phần của Romania. Ngày nay, những người dân gốc Hungari vẫn còn sinh sống tại các quốc gia kể trên và đông đảo nhất tại vùng Transylvania thuộc nước Romania.
Vào thập niên 1930, nhà độc tài Adolf Hitler đã hứa sẽ trả lại các miền đất mà Hungari bị mất vì Hiệp Ước Trianon, cho nên vào năm 1941, Hungari đã giúp Hitler tấn công Nam Tư và tham gia vào khối Trục. Tới năm 1943, Hitler không coi Hungari là một nước đồng minh, đã chiếm đóng nước này vào tháng 3-1944 rồi sau đó, nửa triệu người Do Thái sinh sống tại Hungari đã bị chở tới các trại tập trung đặt trên nước Đức và bị giết trong các phòng hơi ngạt.
Sau khi Đức Quốc Xã thua trận, các người cộng sản Hungari đã chiếm chính quyền với sự giúp đỡ của quân đội Liên Xô. Ông Mathias Rakosi là lãnh tụ đảng Cộng Sản và cũng là người đứng đầu chính quyền Hungari, đã cai trị xứ sở này như một nhà độc tài. Chính sách cai trị khắc nghiệt của ông Rakosi đã khiến cho nền kinh tế Hungari đi dần tới chỗ kiệt quệ và dân chúng đều bất mãn.
Năm 1953, ông Imre Nagy làm Thủ Tướng, Rakosi làm chủ tịch đảng Cộng Sản. Ông Nagy đã nới lỏng các kiểm soát, cho dân chúng Hungari đôi phần tự do hơn để cải thiện đời sống nhưng các cải tiến này đã bị ông Rakosi và các đảng viên cộng sản khác chống đối. Ông Nagy bị loại khỏi chính quyền và bị khai trừ khỏi đảng vào năm 1955. Các chính sách khắc nghiệt của ông Rakosi một lần nữa lại được áp đặt lên xứ sở Hungari khiến cho các thanh niên, các nhà văn… đều phản đối, nhất là về phạm vi nhân quyền và tự do tư tưởng, vì thế ông Rakosi bị loại khỏi chức vụ chủ tịch đảng Cộng Sản vào giữa năm 1956 nhưng các chính sách khắc nghiệt vẫn còn được duy trì khiến cho đã xẩy ra một cuộc nổi dậy, chống đối, tại thành phố Budapest.
Cuộc cách mạng này đã lan ra khắp nước Hungari. Nhân dịp này nhiều tù nhân chính trị đã được trả tự do trong đó có cha Joseph Cardinal Mindszenty là người đứng đầu nhà thờ công giáo Catholic tại Hungari, đã bị giam cầm từ năm 1949. Cuộc nổi dậy của người dân Hungari đã khiến cho ông Imre Nagy lại trở nên Thủ Tướng và ông Nagy đã tuyên bố Hungari là một quốc gia trung lập, nhưng chính quyền này chỉ tồn tại được vài ngày, vì vào tháng 11 năm đó, quân đội Liên Xô đã tràn vào nước Hungari, đàn áp cuộc cách mạng. Số người bị giết trong cuộc tàn sát này từ 6,500 tới 32,000 người. Khoảng 250 người tích cực trong cuộc cách mạng kể trên, kể cả ông Imre Nagy, đã bị Liên Xô hành quyết vào năm 1958. 200,000 người Hungari đã bỏ xứ, chạy trốn.
Sau cuộc Cách Mạng năm 1956, Liên Xô đã kiểm soát chặt chẽ xứ Hungari và ông Janos Kadar là lãnh tụ đảng Cộng Sản mới, lãnh chức Thủ Tướng từ năm 1956 tới 1958 rồi từ năm 1961 tới 1965. Vào thập niên 1960, ông Kadar đã nới lỏng các kiểm soát về kinh tế, văn hóa và xã hội khiến cho chế độ cộng sản Hungari được coi là tiến bộ nhất. Năm 1987, ông Karoly Grosz được chọn làm Thủ Tướng rồi làm lãnh tụ đảng, thay thế ông Kadar. Vào cuối thập niên 1980 này, quyền lực của đảng Cộng Sản Hungari bị suy giảm, các đảng phái khác bắt đầu hoạt động trở lại. Vào tháng 6-1989, đảng Cộng Sản Hungari phải thảo luận với các đảng phái đối lập. Họ đã xét lại cuộc cách mạng năm 1956 và tuyên bố rằng vụ xét xử ông Imre Nagy và các đồng chí vào năm đó bị coi là bất hợp pháp và cuộc nổi dậy năm 1956 không bị coi là “phản cách mạng”. Ông Nagy và các đồng chí cũ được phục hồi danh dự và chôn cất long trọng vào tháng 6-1989.
Mùa hè năm 1989, Hungari đã mở cửa biên giới với nước Áo khiến cho hàng ngàn người Đông Đức đã tràn qua các nước tây phương. Ngày 10-3-1990, Hungari đã ký với Liên Xô một thỏa ước về rút toàn bộ 52,000 quân Xô Viết ra khỏi lãnh thổ Hungari vào tháng 7-1991và xứ sở này chuyển sang chính thể dân chủ đa đảng, có Quốc Hội và Tổng Thống. Đảng Cộng Sản Hungari mặc dù đã cải tổ nội bộ, kể từ tháng 4-1990 chỉ chiếm được 11 % số phiếu bầu. Cũng từ năm 1990, Hungari đã theo đuổi các chính sách cải tổ kinh tế, tư hữu các xí nghiệp và trả lại đất đai cho nông dân.
2. Albania
Albania là quốc gia nghèo nhất của châu Âu, có diện tích vào khoảng tiểu bang Alabama với dân số hơn 3 triệu người. Albania tiếp giáp với các nước Nam Tư, Macedonia, Hy Lạp và biển Adriatic.
Qua nhiều thế kỷ bị nước ngoài đô hộ, người dân Albania vẫn giữ được bản tính dân tộc nên đã giành được độc lập vào năm 1920 rồi tới Thế Chiến Thứ Hai, quốc gia nhỏ bé này bị Phát Xít Ý xâm lăng vào tháng 4-1939, rồi bị sát nhập vào nước Ý. Trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai, có ba lực lượng kháng chiến chính trong xứ Albania: a) tổ chức Cộng Sản gọi là Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia NLF (the National Liberation Front) do Enver Hoxha lãnh đạo, b) lực lượng bảo hoàng gọi là Phong Trào Hợp Pháp (Legality) do Abas Kupi điều khiển, c) phong trào quốc gia gọi tên là Balli Kombetar do Midhat Frasheri chủ trương. Cả ba nhóm quân sự này vừa đánh quân đội Đức Quốc Xã chiếm đóng, vừa đánh lẫn nhau.
Năm 1944, lực lượng Đức Quốc Xã bị đánh bật ra khỏi Albania và các người Cộng Sản kiểm soát được đất nước. Ông Hoxha đã thiết lập nên tại Tirana một chính quyền cộng sản và lãnh đạo đất nước với chức vụ Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản từ năm 1953. Ông Enver Hoxha (1908-1985), đã cai trị xứ Albania cho tới khi chết. Ông ta ủng hộ các chính sách của Joseph Stalin, nhà độc tài của Liên Xô. Từ nay, mọi ruộng đất đều bị tập trung thành các nông trại tập thể, các người chống đối đều bị cầm tù, các tài sản tư nhân bị tịch thu, mọi cơ sở tôn giáo đều bị đóng cửa, các hoạt động văn hóa và trí thức đều phải theo đường lối xã hội chủ nghĩa. Ông Hoxha đã cô lập xứ Albania, không cho giao tiếp với các quốc gia khác. Chính sách giới hạn mọi tự do cá nhân tại Albania đã khiến cho xứ sở này trở thành quốc gia nghèo đói nhất châu Âu, trong khi đó các đảng viên cộng sản vẫn tự hào rằng Albania là quốc gia duy nhất trên thế giới theo đúng các giáo điều Mác Xít Lê Nin Nít!
Khi Albania giành được độc lập vào năm 1944, đảng Cộng Sản Nam Tư đã giúp đỡ các đảng viên cộng sản Albania tổ chức lại Mặt Trận Giải Phóng NLF nhưng tới năm 1948, sự rạn nứt đã xẩy ra giữa Nam Tư và Liên Xô khiến cho Nam Tư bị trục xuất khỏi Khối Cominform, một tổ chức gồm các đảng cộng sản châu Âu do Liên Xô lãnh đạo. Vào lúc này, Albania theo Liên Xô nên đã tuyệt giao với Nam Tư.
Vào đầu thập niên 1960, đã xẩy ra một dạn nứt khác giữa Liên xô và Trung Cộng do khác biệt về cách giảng giải các giáo điều Cộng sản. Trung Cộng đả phá Liên Xô vì đã tìm cách sống chung với các quốc gia tây phương và Albania ủng hộ lập trường của Trung Cộng. Vào năm 1961, Albania đoạn giao với Liên Xô. Từ đó Trung Cộng cung cấp mọi trợ giúp cho Albania kể cả trợ giúp kỹ thuật. Tới cuối thập niên 1970, các nhà lãnh đạo cộng sản Albania lại chỉ trích Trung Cộng là đã không theo đúng các giáo điều Cộng Sản, đã liên lạc với Nam Tư và Hoa Kỳ. Trung Cộng bèn phản ứng lại bằng cách cắt hết viện trợ cho Albania.
Năm 1985, ông Enver Hoxha chết sau khi đã cai trị Albania hơn 40 năm, đã bắt mọi người dân Albania phải thành kính tôn sùng lãnh tụ. Ông Ramiz Alia, nguyên là chủ tịch nước từ năm 1982, đã kế tiếp ông Hoxha làm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản.
Từ năm 1989, vì các quốc gia cộng sản Đông Âu bắt đầu tan rã nên xứ Albania cũng bị ảnh hưởng. Các cuộc biểu tình đã xẩy ra tại thủ đô Tirana, một sự việc không hề có trong 46 năm trường, một phần là do sự giảm bớt bóp nghẹt của cơ quan công an mật vụ Sigurimi. Vào mùa xuân năm 1990, chủ tịch Ramiz Alia công bố một chương trình “dân chủ hóa”, cho phép nông dân được quyền canh tác trên các mảnh đất tư hữu, chấp nhận việc du lịch ra nước ngoài và cho phép dân chúng thực hành tôn giáo tại gia đình. Một cải tiến khác của Albania là trả tiền thưởng cho các công nhân làm việc chăm chỉ, để sản xuất ra nhiều mặt hàng hơn. Thế nhưng, những cải cách này chưa thực sự mang lại các kết quả tốt.
Vào tháng 7-1990, 5,000 người Albania đã xuống đường, phản đối chính quyền Cộng Sản, đập phá các tòa đại sứ để yêu cầu được ra các nước ngoài. Nhiều người liều mạng băng qua biên giới Nam Tư và Hy Lạp mà không có giấy tờ, để tìm tự do và tránh các hiểm nghèo kinh tế. Các xáo trộn vẫn tiếp tục tới cuối năm 1990 khiến cho đảng cộng sản cầm quyền phải đồng ý để các đảng phái chính trị khác tham gia vào các cuộc bầu cử đa đảng, diễn ra vào tháng 3-1991. Sau cuộc bầu cử này, đảng cộng sản thắng nhiều phiếu bởi vì các lực lượng đối lập đã không được tổ chức cẩn thận. Các bạo loạn chống cộng sản vẫn diễn ra tại Albania khiến cho một chính phủ mới được thành lập, bao gồm bên trong 9 nhân vật độc lập.
Cuộc bầu cử kế tiếp diễn ra vào tháng 3-1992 và lần này, Đảng Dân Chủ Albania đối lập (the Albanian Democratic Party) đã thắng lớn trên toàn quốc. Ông Sali Berisha, một y sĩ giải phẫu tim, 47 tuổi, trở nên Tổng Thống không cộng sản đầu tiên vào tháng 4-1992. Sau khi trở thành nhà lãnh đạo của xứ Albania, ông Sali Berisha đã thực hiện nhiều chuyến công du ra các nước ngoài để xin trợ giúp, ngõ hầu ổn định xứ sở Albania quá nghèo đói.
3. Bulgaria
Bulgaria là một quốc gia thuộc vùng Balkan, lãnh thổ nhiều đồi núi này có diện tích vào khoảng tiểu bang Tennessee và dân số 9 triệu người, tiếp giáp với các nước Hy Lạp và Thổ Nhĩ kỳ ở phía nam, Nam Tư và Macedonia ở phía tây, Romania ở phía bắc và Biển Đen (the Black Sea) ở phía đông. Thủ đô của Bulgaria là thành phố Sofia, được người La Mã xây dựng nên vào thế kỷ thứ 2. Người Bulgaria có nguồn gốc pha trộn của các bộ lạc Slavic và Bulgars, và bộ lạc sau này từ Trung Á tới xâm chiếm bán đảo Balkan vào thế kỷ thứ 9. Bulgaria bị cai trị bởi các người nước khác và cuối cùng bị chinh phục bởi đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman. Năm 1878, nước Bulgaria giành được độc lập nhờ sự trợ giúp của người Nga vì thế người Bulgaria thường có thiện cảm với dân Nga.
Năm 1912, với hy vọng giành lại miền đất đã mất vì Hiệp Ước Berlin, Bulgaria cùng với các nước khác thuộc vùng Balkan tham gia vào trận chiến đánh đuổi quân đội Ottoman ra khỏi châu Âu và đây là Cuộc Chiến Balkan thứ nhất. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thua trận, các nước chiến thắng lại tranh chấp nhau và vào năm 1913, Bulgaria tấn công Serbia và Hy Lạp trong Cuộc Chiến Balkan thứ hai. Vì bị thua trong cuộc chiến này, Bulgaria bị mất phần đất đã giành được trong cuộc chiến trước.
Trong Thế Chiến Thứ Nhất, Bulgaria đứng về phe Đức vì hy vọng chiếm lại các phần đất đã mất nhưng đã thất bại. Tới Thế Chiến Thứ Hai, Bulgaria là đồng minh của Đức và Ý. Ngày 8-9-1944, quân đội Liên Xô xâm chiếm Bulgaria và các người cộng sản đã giành được chính quyền. Từ đây, các người dân bị phe cộng sản coi là chống đối đã bị giết, bị gửi đi các trại tù cải tạo, quyền tư hữu của dân chúng bị hủy bỏ, mọi tự do trong xứ bị giới hạn. Năm 1946, lãnh tụ cộng sản Georgi Dimitrov trở nên nhà cai trị xứ Bulgaria. Năm 1947, Bulgaria phê chuẩn Hiến Pháp giống như Hiến Pháp của Liên Xô rồi tới năm sau, 1948, các người cộng sản kiểm soát được hoàn toàn đất nước này. Ông Dimitrov chết vào năm 1949, năm sau ông Vulko Chervenkov lên nắm quyền. Từ năm 1950, nền kỹ nghệ của Bulgaria đã gia tăng nhưng mực sống của người dân xuống thấp dần.
Năm 1954, ông Todor Zhivkov (1911- ) trở nên lãnh tụ đảng Cộng Sản và đã cầm quyền từ năm này tới tháng 11-1989. Trong số các lãnh tụ cộng sản Đông Âu, ông Zhivkov là kẻ tham quyền cố vị lâu thứ hai, chỉ đứng sau ông Enver Hoxha của xứ Albania. Ông Zhivkov là lãnh tụ cộng sản đầu tiên bị xét xử công khai vào tháng 9-1992 vì lạm quyền và thâm lạm của công rồi bị kết án 7 năm tù quản thúc. Hai lãnh tụ khác là ông Nicolae Ceausescu bị xử bắn ngay sau một phiên tòa quân sự vào năm 1989 và ông Erich Honecker, cựu chủ tịch Đông Đức, bị kết án vào cuối năm 1992.
Vào năm 1962, ông Zhivkov trở nên chủ tịch nước Bulgaria, đã theo đường lối thân Liên Xô. Trong thời gian Bulgaria sống dưới chế độ cộng sản, người dân phải chịu đựng mọi thiếu thốn về các nhu yếu phẩm căn bản và các dịch vụ sơ đẳng, khiến cho một số nhân viên chính quyền cộng sản cũng phải căm hờn đường lối bóp nghẹt của Liên Xô. Năm 1965, ông Zhivkov thoát nạn sau một cuộc đảo chính quân sự không thành.
Tới cuối thập niên 1980, các chính sách cởi mở tại Liên Xô đã ảnh hưởng đến xứ Bulgaria. Vào tháng 10-1989, các nhóm phản đối chính quyền cộng sản đã xuất hiện tại thành phố Sofia nhân một cuộc hội nghị quốc tế về môi trường được tổ chức tại đây, bởi vì sự hiện diện của một số đại biểu ngoại quốc đã khiến cho giới cấm quyền cộng sản phải nhẹ tay trong việc đàn áp. Rồi tới ngày 3-11 năm đó, 4,000 người đã biểu tình trước Quốc Hội, đây là cuộc phản kháng lớn nhất kể từ năm 1947.
Người dân trong nước Bulgaria đã biểu tình phản đối chính quyền cộng sản Zhivkov, đòi hỏi dân chủ và một số tự do căn bản. Cuộc phản kháng đã bắt đầu từ bên trong nội bộ đảng Cộng Sản, do Bộ Trưởng Ngoại Giao là ông Petar Mladenov. Do áp lực từ Liên Xô, ông Zhivkov phải rút lui khỏi chính quyền vào tháng 11-1989 và ông Mladenov trở nên chủ tịch đảng và chủ tịch nước.
Từ tháng 1-1990, do các bất mãn từ dân chúng, đảng Cộng Sản bị bớt dần độc quyền và chịu chấp nhận hệ thống chính trị đa đảng. Tháng 4 năm đó, đảng Cộng Sản Bulgaria đổi tên thành Đảng Xã Hội rồi cũng vào tháng 4, Quốc Hội bầu lại ông Mladenov làm chủ tịch nước. Tháng 6-1990, các cuộc bầu cử tự do, đa đảng, được tổ chức lần đầu tiên tại Bulgaria sau 44 năm. Đảng Xã Hội đã chiếm được nhiều phiếu nhất, sau đó là đảng Liên Hiệp Các Lực Lượng Dân Chủ UDF (Union of Democratic Forces). Tới tháng 7, các sinh viên lại biểu tình, phản đối ông Mladenov, họ dựng nên các căn lều trong “Vùng Không Cộng Sản” (a Communist free zone) thuộc thành phố Sofia. Tháng 8-1990, ông Zhelyu Zhelev thuộc lực lượng UDF được Quốc Hội bầu làm Tổng Thống xứ Bulgaria và đây là vị nguyên thủ loại “không cộng sản” đầu tiên, kể từ năm 1944. Từ năm 1991, đảng Cộng Sản Bulgaria tự hủy diệt dần dần.