Nhạc sĩ Văn Phụng đã sáng tác bài hát “Ghé Bến Saigon” với câu hát: “Saigon đẹp lắm, Saigon ơi, Saigon ơi…”
Saigon đã là Thủ Đô của Miền Nam Tự Do, là Hòn Ngọc Viễn Đông của Vùng Đông Nam Á, là Trung Tâm của các sinh hoạt chính trị, văn hóa, kinh tế, thương mại… trong nhiều thập niên, đây là nơi hội tụ của đồng bào Việt Nam, với các sắc dân Ba Miền, với các loại người nước ngoài tới nơi đây để làm việc, buôn bán và sinh sống… Saigon là thành phố mang nhiều kỷ niệm sâu xa nhất đối với mọi người dân Việt tại hải ngoại.
Nhà Thơ Nguyễn Phú Long cũng là một thị dân Saigon vào thuở trước, nên đã ghi lại tâm sự khi đêm về, nằm nhớ lại đô thị Saigon của thời thanh bình:
Đêm nằm lại nhớ Saigon
Chốn xưa yêu dấu hãy còn quẩn quanh
Người về ngơ ngác bến thành
Kẻ đi ôm ấp mối tình sầu riêng.
Saigon đã có những nét đặc thù nào khiến cho kẻ tha phương vẫn còn nhớ thương về quá khứ? Đó là lời ca vọng cổ, cỗ xe thổ mộ, Dinh Độc Lập, khu chợ Bến Thành, bến đò Thủ Thiêm, bến xe Phú Lâm, chợ Cầu Ông Lãnh với nhiều loại trái cây, mà đặc biệt là “trái sầu riêng” chỉ thấy ở miền Nam đất Việt!
Đò xưa trăng nước Thủ Thiêm
Cây Mai vẫn thắm tận miền Phú Lâm
Nỗi xưa vọng cổ xa xăm
Cỗ xe thổ mộ âm thầm xóm đêm.
Saigon còn có các trận mưa rào, bất ngờ đổ xuống đường phố rồi khi các đám mây đen bay qua, khung trời lại tạnh ráo, nắng vàng lại chiếu chan hòa khắp nơi. Nắng mưa bất thường là đặc điểm của thành phố này, nắng nhiều làm sạm màu da của các thiếu nữ, làm bạc màu áo của các khách bộ hành, làm phai màu áo của người yêu!
Nắng nhiều cho bạc áo em
Gió mưa sướt mướt càng thêm tần ngần
Đường xưa đi miết cũng gần
Cầu Thị Nghè đó những lần hẹn ai
Chân cầu nước chảy miệt mài
Tình xưa phảng phất u hoài nghìn sau!
Cầu Thị Nghè là nơi hò hẹn của những người đang yêu nhau, “yêu nhau yêu cả đường đi” bởi vì đã yêu thì “đường xưa đi miết cũng gần” và khi gặp nhau thì “thời gian tựa cánh chim bay”, sao mà trôi nhanh quá! Nhưng mối tình xa xưa đó bây giờ chỉ còn “phảng phất u hoài nghìn sau”. Ngày nay, khi nhớ lại những ngày tháng hẹn hò, kẻ tha phương chỉ còn biết than thở:
Mộng xưa còn có gì đâu!
Mây trôi hờ hững mang sầu ly tan.
Quê xưa khói lửa lan tràn
Người xưa xuôi ngược gươm đàn lao xao!
Do đâu mà mộng xưa tan vỡ? Người xưa xuôi ngược? Tất cả là do “quê hương khói lửa lan tràn!”. Người xưa đã xa vắng, thành phố Saigon cũng không còn là nơi sinh sống gần nhau, kẻ ở – người đi tới tận phương trời xa xăm, và kẻ tha phương chỉ còn biết mang nặng mối tình sầu riêng và than thở bằng lời thơ, bởi vì “thời gian xưa (là) giấc chiêm bao” và “non sông mờ mịt…”:
Thời gian xưa giấc chiêm bao
Non sông mờ mịt lòng nao nao lòng.
Nguyễn Phú Long.
Xin mời Quý Độc Giả đọc bài thơ “Ngọc Xưa” trang 116 trong Tuyển Tập Thơ Văn của Ba Nhà Thơ: Hoa Văn, Nguyễn Phú Long và Trần Quốc Bảo (x.b. 2016).
Phạm Văn Tuấn
[giới thiệu]