Tổ chức sản xuất Hà Thanh Bình tại Việt Nam mới thực hiện phim Ngọn Cỏ Gió Đùa năm 2012-2013, phim dành cho truyền hình 45 tập, nhà đạo diễn phỏng theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hồ Biểu Chánh, phim hiện có trên youtube.com và một số trang mạng điện ảnh.
Hồ Biếu Chánh (1884-1958) là một nhà văn lớn, một nhà học giả tại miền Nam đi tiên phong dùng chữ quốc ngữ sáng tác, ông viết đủ thể loại như dịch thuật, thơ, tùy bút phê bình, hồi ký , hát bội, cải lương, tiểu thuyết. Ông là một trong những tiểu thuyết gia đầu tiên của Việt Nam thập niên 20, uyên thâm Hán học, thông cả Pháp văn. Toàn bộ sự nghiệp của ông gồm trên 100 tác phẩm, trong đó tiểu thuyết gồm 65 cuốn, biên khảo 25 cuốn….
Ngọn Cỏ Gió Đùa là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của miền Nam đã được quay thành phim cuối thập niên 1950 tại Sài Gòn, sau này được diễn thành tuồng kịch, cải lương.. và đã được quay thành phim mấy năm gần đây. Nhà văn Hồ Biểu Chánh đã phỏng theo Les Misérables (1862), cuốn tiểu thuyết trường thiên của văn hào Victor Hugo (1802-1885). Trước năm 1975 tôi đã được đọc ba tác phẩm tiêu biểu của Victor Hugo: Notre- Dame de Paris (1831), Les Misérables (1862), Les Travailleurs de la mer (1866).. vì đã khá lâu nay chỉ còn nhớ sơ lược truyện Notre-Dame de Paris.
Qua chương trình văn học nghệ thuật đài RFI năm 2008 và sau này 2014, nhà biên khảo Thụy Khê thực hiện một bài dài kỷ niệm 50 năm cụ Hồ Biểu Chánh qua đời (có đăng trên wikipédia Việt ngữ), bài có đề cập tới cuốn Ngọn Cỏ Gió Đùa. Theo tác giả Thụy Khê ông Hồ Biểu Chánh viết Ngọn Cỏ Gió Đùa phỏng theo Les Misérables và đánh giá ở Việt Nam chưa tiểu thuyết nào có tầm cỡ như Ngọn Cỏ Gió Đùa.
Ông Hồ Biểu Chánh đã dành 5 năm để dựng truyện này rồi viết trong vòng 2 tháng thì hoàn tất và in năm 1926. Hồ Biểu Chánh giữ nguyên cốt truyện Les Misérables, nhưng đưa bối cảnh vào xã hội Việt Nam thế kỷ XIX, dưới thời các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Tác phẩm của ông đề cao các giá trị Á Đông: lòng trọng nghĩa khinh tài của người chính nhân quân tử, ý nghiã từ bi hỷ xả của đức Phật Thích Ca, lòng đoan trinh của người phụ nữ và đạo hiếu trong gia đình.
Nhà đạo diễn đã cho viết lại truyện Ngọn Cỏ Gió Đùa và đưa về thập niên 1920 thời Pháp thuộc, tên các nhân vật được giữ nguyên như cũ, ở đây tôi chỉ chú trọng vào cuốn phim nhiều tập kể trên.
Tử một tác phẩm lớn của văn chương Pháp được Hồ Biểu Chánh phóng tác thành một cuốn tiểu thuyết thời nhà Nguyễn thế kỷ thứ 19 bối cảnh tỉnh Gò Công, nhà đạo diễn lại một lần nữa chuyển thành một cuốn phim Việt Nam đề tài thập niên 1920 thời thực dân (Lang Sa) cũng lấy bối cảnh Gò Công, quê hương cụ Hồ Biểu Chánh.
Xin giới thiệu sơ các nhà dựng phim và tài tử như sau:
Đạo diễn NSƯT Hồ Ngọc Xum
Biên kịch: Võ Đắc Dự
Dựng phim: Viết Long Thu Oanh
Âm nhạc: Ngọc Sơn
Tổ chức sản xuất: Hà Thanh Bình
Giám đốc sản xuất: Nguyễn Ngọc Bình
Tài tử chính và các vai
Ngọc Hưng: trong vai Lê Văn Đó
Mai Phương: Cô Lụa
Hà Trí Quang: Từ Hải Yến, quan Phủ hạng nhất
Lê Quốc Nam: Bá hộ Cao
Kim huyền: Vợ Bá hộ Cao
Tô Châu: Hòa thượng Chánh Tâm
Phương Bằng: Đỗ Cẩm
Uyên Thảo: Vợ Đỗ Cẩm
Thanh Hiền: Ánh Nguyệt
Dài: hơn 30 tiếng
Sơ Lược Truyện Phim
“Tại một làng nghèo thuộc tỉnh Gò Công, anh Lê Văn Đó con một gia đình nông dân nghèo đói, đính ước với cô Lụa. Một hôm vì cả nhà đói quá anh lẻn ăn cắp nồi cháo heo nhà Bá hộ Cao bị bắt, vợ chồng Bá hộ nổi tiếng độc ác trong vùng, họ vu cho Lê Văn Đó tội chủ mưu ăn cướp đưa anh vào đường tù tội, bị kết án 10 năm. Đó bỏ trốn, đánh cả quan ba coi tù bị bắt lại, họ kết tội chung thân đầy đi Côn Đảo.
Tại làng cũ, cô Lụa bị nhà Bá Hộ hãm hại, phải trốn đi, người ta tin là cô đã nhẩy xuống sông tự vẫn. Nhà Bá hộ độc ác bị phá sản, cậu con quí tử phá của, chủ nợ cho tịch biên gia sản, hai vợ chồng Bá hộ trắng tay bị gậy ra đi.
Ngoài Côn đảo Lê Văn Đó và nhóm bạn tù uống máu ăn thề lập đảng diệt gian trừ bạo, vượt ngục về đât liền để giúp Đó trả thù nhà Bá Hộ. Họ về được quê cũ, lẩn tránh chính quyền truy nã.
Hòa thượng Chánh Tâm, ông Đàm Tự Chân, ông thầy đồ Lỳ Kỳ Nguyên là ba người bạn thân lập hội kín chung sức giúp việc nước. Ánh Nguyệt con gái thầy đồ lên Gia định tìm cha bị vợ chồng Đỗ Kiểm lường gạt đầy đọa, bóc lột dã man. Cô được Từ Hải yến, viên quan trẻ cứu thoát, y gian díu với Nguyệt rồi bỏ rơi nàng theo tiếng gọi của công danh mặc dù đã có đứa con gái với Nguyệt. Từ Hải Yến ngày càng giầu có thế lực hãm hại nhiều người.
Nhóm anh em tụ nghĩa đã hội ngộ cùng nhau trong khi Lê Văn Đó đi lạc vào một ngôi chùa, được Hòa Thượng Chánh Tâm cứu giúp. Ở chùa một ít ngày chàng trốn đi, đánh cắp bình trà quí của Hoa Thượng, bị mã tà bắt đem về chùa để Hòa thượng xác nhận tang vật, nhưng ông lại nói đã tặng cho Đó bộ trà này khiến chàng thoát nạn. Đức từ bi của nhà sư đã đánh thức lương tâm chàng.
Lê Văn Đó trong lòng vẫn ôm mối thù nhà Bá hộ Cao, Hòa thượng Chánh Tâm biết vậy đã khuyên nhủ chàng:
“Thù hận sẽ thiêu đốt thí chủ như ngọn lửa hồng
Lòng nhân hậu như làn gió mát đưa thí chủ thoát khỏi vô minh tới vùng ánh sáng hoan lạc”
Một hôm Hòa thượng bàn với ông bạn Đàm Tự Chân vê việc xây dựng một cơ sở từ thiện, dưỡng đường nuôi người già yếu, trẻ mồ côi. Hòa thượng nhớ lại mấy chục năm trước khi ông còn trẻ ngồi đàm đạo với hai người bạn Đàm Tự Chân và thầy đồ Lý Kỳ Nguyên, bỗng một người bị thương sắp chết mang một gói vàng chạy vào lăn ra đất. Người này nói do Giang Thành sư huynh cử đến, mấy chục nghĩa quân đã hy sinh mở đường máu cho người này mang vàng tới nhà sư Chánh Tâm, ông đã tham gia nghĩa quân chống bọn Lang Sa (thực dân) cải trang tu hành sau thành tu sĩ. Số vàng này là dự trữ quân lương, vũ khí của nghĩa quân chống bọn Lang Sa, trước là để báo quốc sau là giúp dân lành, mấy chục năm qua, nhà sư cất dấu vàng vì chưa có cơ hội lo việc báo quốc nay đem ra giúp dân.
Hòa thượng và ông Đàm Tự Chân bàn việc xây trang viện, một dưỡng đường nuôi người già yếu, trẻ mồ côi. Nhân khi ông Đàm Tự Chân biết Michell, một ông điền chủ người Pháp muốn bán lại 600 mẫu ruộng, Từ Hải Yến, ông phủ hạng nhất ép giá trả rẻ nhưng Mitchell chưa bán. Hòa thượng bàn với Đàm Tự Chân việc mua điền sản và sẽ giao cho Lê Văn Đó đứng tên và điều hành cơ sở từ thiện, anh là người mà ông tin tưởng, Đó cảm phục nhà sư đổi tên là Trần Chánh Tâm.
Việc mua điền sản đã xong, Lê Văn Đó bây giờ đóng vai Bá hộ Chánh Tâm, anh quản lý các tá điền, thu lợi tức để nuôi trang viện, Chánh Tâm còn được cô Kim Huê, con gái Đàm Tự Chân phụ giúp sổ sách. Vợ chồng Bá hộ Cao sa cơ thất thế tình cờ vào trang viện xin cứu giúp. Lê Văn Đó nhớ ra nhưng chàng cố quên thù cũ theo lời dậy hỉ xả của Hòa thượng.
Thầy đội Kỳ trước đã bắt và đánh đập Lê Văn Đó nay gặp bá hộ Chánh Tâm sinh nghi, thầy thổ lộ với Từ Hải Yến, tên tham quan này vin vào đó buộc Chánh Tâm phải nhường lại toàn bộ trang viện và ruộng nương cho y. Nhóm bạn tù kết nghĩa của Đó vẫn theo dõi và bảo vệ chàng, họ bắt cóc Từ Hải Yến đem về sào huyệt hạch tội và thay mặt công lý xử tội y.
Mã tà bắt được một người rất giống Lê Văn Đó và kết tội anh đã vượt ngục nhiều năm trước. Viện chủ Chánh Tâm giao lại trang viện cho những người khác quản lý, chàng ra tòa tự nhận mình là Lê Văn Đó để cứu người hàm oan”
Mấy thập niên vừa qua điện ảnh Hồng Kông, Đài Loan thực hiện những phim nhiều tập, thường gọi là phim bộ, loại này để chiếu trên truyền hình. Nay Hàn Quốc cũng thực hiện nhiều phim bộ, nói chung phim Tầu cũng như phim Hàn có mục đích thương mại, bình dân, họ có thực hiện một ít phim nghệ thuật để dự giải tại các Đại Hội điện ảnh. Phim Việt Nam nay chịu ảnh hưởng các phim Á châu, chỉ có một số ít phim nghệ thuật và phần nhiều phục vụ thị hiếu quần chúng
Bi kịch Ngọn Cỏ Gió Đùa là một trong những phim hiếm của Việt Nam chú trọng về nghệ thuật, cuốn phim đã làm sống lại xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc với hình ảnh cường hào ác bá áp bức lương dân. Phim có giá trị lịch sử, nghệ thuật, đạo lý, nêu bật chuyện thiện ác, nhờ đức từ bi hỷ xả câu chuyện mà thành. Đạo lý đã khai sáng tuệ giác con người, chân tu mới chuyên chở được đạo nghĩa. Lê Văn Đó từ một người tù vượt ngục trở thành viện chủ một trang viện từ thiện, chàng cảm phục từ tâm của nhà sư mà hóa cải con người mình. Từ bi hỉ xả đã khiến chàng ta từ một người tù khổ sai trở thành một viện chủ cứu giúp những người nghèo khó, trẻ mồ côi
Giữa khi đạo đức luân lý tại Việt Nam đang phá sản, cuốn phim có khuynh hướng giáo dục là một cố gắng lớn đáng được đề cao.
Ngọn Cỏ Gió Đùa chịu ảnh hưởng các nền đạo lý cổ nước nhà như giáo lý nhà Phật, Khổng mạnh, tinh thần nhân quả: gian ác như Bá hộ Cao, vợ chồng Đỗ Kiểm bị tên tham quan gian ác Từ Hải Yến giết hại và rồi chính y bị các nghĩa sĩ, đồng bọn của Lê Văn Đó thay mặt công lý xử tội.
Những cảnh hồi hộp bất ngờ lôi cuốn khán giả pha với nhiều tình tiết ý nghĩa về giáo dục, tình người, làm sáng tỏ nhiều vấn đề cho thấy phim thích hợp với mọi tầng lớp khán giả, bình dân cũng như trí thức. Nhà đạo diễn cố gắng thực hiện những phong cảnh, dinh thự, xã hội cổ xưa phù hợp với thập niên 1920. Dàn cảnh công phu, tỉ mỉ thực hiện được những pha khó khăn: buổi lao động khổ sai của bọn tù lưu đầy ngoài Côn đảo, cuộc vượt ngục gian khổ qua hình ảnh chiếc bè lênh đênh giữa biển khơi.
Nhờ diễn suất tuyệt vời của các tài tử, vai chính cũng như vai phụ đã khiến cuốn phim sống động gần với sự thật hơn.
Tuy nhiên, mặc dù nhà làm phim có nhiều cố gắng nhưng cách trang phục sang trọng của một số nhân vật không đúng với cách ăn mặc thời xa. Thập niên 1920 một ông quan đầu quận chưa thể có xe hơi tài xế lái như trong phim, thập niên này chưa có loại xe traction như cảnh Từ Hải Yến thường lái, thực ra chỉ thập niên 30, 40 mới có loại xe traction sang đẹp như thế
Phim mở đầu bằng điệu nhạc bi ai, nhạc đệm buồn thảm tô điểm thêm cho vở bi kịch, từ đầu chí cuối chỉ thấy toàn là chuyện sầu não bi ai. Cảnh phá sản của gia đình họ Cao khiến cho người xem thấy thân phận nghiệt ngã của con ngưới, cảnh bể dâu vô thường cuộc đời mong manh là nhường nào.
Trước khi ra tòa nhận tội vượt ngục trước tòa án tại sài Gòn để cứu người hàm oan vô tội, viện chủ Trần Chánh Tâm căn dặn người ở lại lo quản lý trang viện, dặn cô con gái nuôi học hành chăm chỉ.
Cảnh cuối phim, viện chủ ra toà nhận tội, bị đầy ra Côn Đảo trở lại con người tù Lê Văn Đó, thời gian trôi như nước chẩy qua cầu. Lê Văn Đó nay đầy những râu tóc đã hoa râm ngồi ngoài bãi biển, sóng vỗ dạt dào trên các tảng đá ven bờ, ông già đọc thư của cô con gái nuôi từ đất liền gửi ra. Cô cho biết mọi người đều thương nhớ ông, thấm thoắt cô đã lấy chồng, sinh được một đứa con trai…
Lê Văn Đó ngồi nhìn sóng vỗ dạt dào dưới chân tự nhủ:
“Con người thật là ngốc nghếch, tranh đoạt lợi danh, có tất cả rồi cũng sẽ chết, ta đây Lê Văn Đó rồi cũng sẽ chết”
Nhìn bóng chim lượn trên làn sóng vỗ ông già nói tiếp:
“Ai mà chẳng muốn một cuộc đời vinh hoa phú quí tỏa sáng như những ngôi sao, nhưng nếu để được vinh hoa mà phải dẫm đạp lên đồng loại thì ta thà làm ngọn cỏ, tuy yếu đuối nhưng biết nương tựa vào nhau trước sức gió đùa”
Một ít ý nghĩa vô thường của nhà Phật và một chút tinh thần vô vi lão trang để kết thúc vở bi kịch não nùng.
Trọng Đạt