Tuần báo “Nam phương Châu mạt”
Kết án tù sĩ quan công an, đóng cửa các trang mạng báo chí bày tỏ xu hướng đa nguyên, sửa đổi nội dung các bài báo cổ vũ dân chủ… Trên đây là một loạt biện pháp « be bờ » mà chính quyền Trung Quốc tiến hành trong những ngày qua nhắm vào hai cột trụ của chế độ.
Chính quyền Trung Quốc sử dụng báo chí làm công cụ « định hướng » thông tin và bộ máy công an với ngân sách cao hơn ngân sách của bộ quốc phòng để trấn áp mọi hành động phản kháng của dân chúng. Chính sách « bàn tay sắt » đã đưa vào nhà tù hoặc quản thúc hàng loạt nhà dân chủ từ Khôi nguyên hòa bình Lưu Hiểu Ba, nghệ sĩ Ngải Vị Vị, nhà báo Hồ Giai hay đàn áp đến mức phải lưu vong như trường hợp luật sư mù Trần Quang Thành. Tuy nhiên, phong trào dân chủ mà Bắc Kinh gọi là « diễn biến hòa bình » không dừng lại trong xã hội công dân, mà đã thật sự xâm nhập vào hai cột trụ bảo vệ chế độ làm cho chính quyền Trung Quốc phải khẩn cấp be bờ.
Trước hết, vào hôm qua 04/01/2013, trang mạng thông tin điện tử Viêm Hoàng Xuân Thu (Niên sử các Triều đại), đặt tại Bắc Kinh, bị đóng cửa. Tạp chí này chuyên đăng bài của các cựu viên chức trong chính phủ Trung Quốc có tư tưởng cải cách. Chính quyền Trung Quốc ra lệnh cấm mà không giải thích lý do. Theo AFP, một bài xã luận dưới hình thức « ước vọng » nhân ngày đầu năm dương lịch có thể bị xem là đã vượt làn ranh đỏ : «sau ba mươi năm đổi mới, sự chậm trễ trong việc cải cách chính trị so với cải cách kinh tế đã gây ra nhiều hình thức lạm quyền, tích tụ những chất liệu gây bất ổn định ». Bài báo kêu gọi « khẩn cấp thực thi Hiến pháp cải cách chính trị, tôn trọng tự do ngôn luận và hồi họp ».
Một ngày trước, Nam phương Châu mạt (Nanfang Zhoumo), một tạp chí có tiếng « thông thoáng » ở miền nam Trung Quốc bị kiểm duyệt thô bạo. Trong số các bài báo đón chào năm mới, nhà báo Đới Chí Dũng (Dai Zhiyong) mở đầu với «Giấc mơ của Trung Quốc, giấc mơ của chính thể lập hiến » nhấn mạnh đến quyền công dân phải được hiến pháp bảo vệ. Thế nhưng dù cụm từ « giấc mơ » mượn ý của ông Tập Cận Bình trong thông điệp ngày được bầu lên làm Tổng bí thư, bài báo này đã bị trưởng ban tuyên huấn tỉnh Quảng Đông, kiêm Phó Tổng biên tập Tân hoa xã, Sải Chấn (Tuo Zhen) ra lệnh « rút xuống ». Theo AFP, quyết định này là một sai lầm to lớn. Đồng loạt 30 nhà báo trước đây là cộng tác viên của tuần báo Nam Phương ký một bức thư ngỏ phản đối và yêu cầu Sải Chấn từ chức. Sải Chấn buộc phải cho phép đăng lại bài báo này, nhưng buộc thay đổi nội dung nhẹ nhàng hơn. Trong khi đó thì 15 nhà báo ký bức thư ngỏ nhận được thư đe dọa.
Theo nhận định của nhà nghiên cứu David Bandurski, đại học Hồng Kông, thì sự cố « Nam Phương tuần báo » rất nghiêm trọng, vì đây là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc can thiệp trực tiếp. Báo chí Trung Quốc tuy bị kiểm soát thường trực, nhưng vụ kiểm duyệt kể trên đã đi ngược lại « hình ảnh mới » mà Tập Cận Bình muốn phô bày. Giáo sư David Bandurski xem vụ chà đạp quyền tự do ngôn luận là « cuộc trắc nghiệm đầu tiên » đối với Tập Cận Bình : Nói cởi mở mà có thật như thế hay không ?
Theo AFP, thì từ nhiều tuần qua, trang blog của một số nhà báo có xu hướng chỉ trích chính phủ đã bị mạng «Vi Bác » của Trung Quốc từ chối.
Song song với biện pháp « be bờ » báo chí, đảng Cộng sản Trung Quốc đánh mạnh vào thành phần sĩ quan an ninh bị xem là ngả theo phong trào dân chủ ?
Theo AsiaNews, phiên tòa Thẩm Quyến ngày hôm qua 04/01/2013 đã tuyên án Vương Đăng Triều (Wang Dengchao), sĩ quan công an tại Quảng Đông, 14 năm tù về tội tham nhũng. Thực chất, theo báo chí Hồng Kông, người sĩ quan 38 tuổi có trình độ đại học này bị bắt vì tham gia trao đổi trên một số mạng dân chủ và tham dự một cuộc tuần hành dân chủ vinh danh người khai sinh ra chế độ Cộng hòa Trung Hoa: bác sĩ Tôn Dật Tiên.
Theo nhận định của Asia News, bản án nặng nề này cho thấy hai sự kiện quan trọng: thứ nhất ngay cán bộ lực lượng an ninh cũng tham gia phong trào dân chủ và thứ hai ban lãnh đạo Trung Quốc ra tay mạnh để chận đứng mọi dấu hiệu tỉnh thức của công an và quân đội.
Tú Anh