Nhân dịp nhà văn Hồ Trường An thực hiện chung với một số tác giả Việt Nam Hải Ngoại, trong đó có nhà biên khảo Trần Bích San, cuốn Giai Thoại Văn Chương do Cơ Sở Văn Học Cỏ Thơm xuất bản vào Mùa Xuân 2006, chúng tôi ghi nhận tình trạng khẩn trương trong việc duy trì tiếng Việt, duy trì “chữ quốc ngữ”, làm linh hồn cho nền tảng Văn Học Hải Ngoại, căn cứ vào “giai thoại” Hồ Trường An và Trần Bích San như sau:
HỒ TRƯỜNG AN: Xin cho biết anh kỳ vọng gì về nền văn học hải ngoại của chúng ta?
TRẦN BÍCH SAN: Ngày xưa Nguyễn Văn Vĩnh nói: “Nước Nam ta mai sau hay dở cũng ở như chữ quốc ngữ”, tôi xin lập lại lời người xưa: “Văn học hải ngoại mai sau ra sao cũng ở như chữ quốc ngữ”. Việc duy trì Chữ Quốc Ngữ ở hải ngoại là vấn đề sinh tử của văn học. Nếu những thế hệ kế tiếp của chúng ta không biết đọc, biết viết thì làm sao văn học có thể tồn tại? Mà ngay cả những người thế hệ sau có thể đọc được tiếng Việt đi nữa nhưng đâu còn ai sáng tác khi những người làm văn chúng ta đi vào lòng đất? Từ lớp vỡ lòng đến Tú Tài phải mất 13 năm chữ nghĩa thày cô mới có thể hiểu được cái thâm thúy của tiếng Việt, nói chi tới chuyện làm văn chương.
Biết rằng cuối đường hầm không ánh sáng, biết rằng tương lai văn học hải ngoại là một tương lai bất hạnh, nhưng không phải vì thế mà chúng ta sẽ ngưng sáng tác. Chừng nào còn độc giả, người cầm bút còn phải viết. Đó là kỳ vọng, không phải chỉ của riêng tôi, mà là của chung những người làm văn chúng ta…”
Chúng tôi xin tiếp lời Anh Trần Bích San bằng vài ý kiến bổ sung như sau:
1. “Văn học hải ngoại mai sau ra sao cũng ở như chữ quốc ngữ”.
Xin trả lời ngay: chưa nhất thiết là như vậy. Cái còn, cái hiện hữu của “chữ quốc ngữ” là cần thiết, nhưng chưa đủ. Thật ra, “chữ quốc ngữ” chỉ là phương tiện phiên âm “tiếng Việt”. Cứu cánh vẫn là làm sao chuyên chở được tư tưởng Việt một cách chân thực.
Giả thử không có “chữ quốc ngữ” thì sao? Trường hợp đó, trong quá khứ, ông cha chúng ta đã từng không có cách viết chữ để phiên âm “tiếng Việt”, nên đành mượn “chữ Hán”, rồi ghép âm và nghĩa thảo thành “chữ Nôm” để bộc lộ ý nghĩ, tư tưởng mình, mà vẫn giữ được cái cốt tủy, chiều sâu của “tư tưởng Việt”. Gần đây, nhiều thế hệ chúng ta đã mượn và áp dụng từ “tiếng Pháp, tiếng Anh-Mỹ” những từ ngữ, những phương thức (means, moyen) biểu hiện tư tưởng (expression of thought) mà vẫn giữ được cung cách, chiều sâu tâm hồn người Việt, vẫn yêu Nước, vẫn lo cho việc Nước. Cũng nhờ vào tiếng Pháp, tiếng Anh-Mỹ mà chúng ta mạnh dạn, minh bạch nói tới “Dân chủ, Tự do, Nhân vị, Kinh tế Toàn Cầu… Thơ lãng mạn, Tranh trừu tượng, Dương cầm, Phong cầm v.v.” Thật ra, cái vay mượn chữ nghĩa có tính cách “lẫn nhau” (“liên bản”, như Julia Kristeva nói khi dùng từ ngữ “intertextualité”. Tỷ dụ chữ typhon (Pháp), typhoon (Anh-Mỹ) mượn từ “tài phún” (âm Quảng Đông, Cổ Việt) hoặc “đại phong” (chữ quốc ngữ); tycoon (Anh-Mỹ) mượn từ “tài cún “ (âm Quang Đông, Cổ Việt) hoặc “đại quan” (chữ quốc ngữ); sampan (Pháp) mượn từ “sám pản” (âm Quang Đông, Cổ Việt) hoặc “tam bản” (chữ quốc ngữ, thuyền ba mảnh ván) …
NGƯỢC LẠI, ngày hôm nay tại nước nhà, tiếng Việt và “chữ quốc ngữ” là hơi thở hằng ngày, là cơm bữa, nhưng lại là thứ “cơm chỉ-định”, do Đảng và Cán Bộ Văn Hoá Xã Hội Chủ Nghĩa ban bố, đóng khung “prefab”, mà người dân chỉ “được phép” sao đi sao lại đúng chữ, đúng tắc, và đúng cả cái-gọi-là “tư tưởng Lê-Mao-Bác”, một cách máy móc, khô cạn. Trong hoàn cảnh u mê, máy móc, bao bờ, “chữ quốc ngữ” như vậy thì vẫn còn, nhưng chỉ là cái xác không hồn, không vị, không nghĩa lý, tình tứ gì hết, “nói thế không phải thế”, nói “dân chủ, tự do, hạnh phúc” mà thực sự 99% người dân trong nước lại khộng có dân chủ, tự do, hạnh phúc, nên thứ “chũ quốc ngữ” đó cũng chả có tương lai gì cả, khi Đảng và Cán tiếp tục con đường đại ngôn “biện chứng lịch sử”, khi người dân trong nước cứ tiếp tục tuân theo thứ “ngụy biện ngôn ngữ” trắng trợn, ngang ngược này.
Vậy “chữ quốc ngữ” chỉ cần thiết nếu đầy đủ ý nghĩa tự tại. Lịch sử đã cho thấy đó chỉ là cái áo kiểu LeMur/Cát Tường may cắt theo “mốt – phiên âm – Cố đạo La Bồ Đại Pháp” (écriture romane). Nhưng khi loại chữ phiên âm này đã khoác vào thân phận người Việt cả hơn thế kỷ nay, đã trở thành “Việt hoá” thì chúng ta cũng nên “hôi nhập” vào cái “áo từ ngữ” đó một cách tận tụy, như anh thợ may yêu nghề, yêu người mặc cho ấm thân. Nhưng cái “thân thể” đó phải có tính cách nhân bản, vì áo muốn đẹp, phải có người đẹp mặc vào. Không cần tới người mẫu, không cần tới cung cách đặc biệt gì cả. Chỉ cần khi mặc, phải ra “người mặc” thoải mái, sung sướng, chứ đừng thành thứ “tây gỗ”, hay “tuồng hề”, hay “áo giấy” tà đạo, cho ma chơi quỷ múa. Vậy, “chữ quốc ngữ” (écriture romane) và nhất là “tiếng Việt” (le parler vietnamien) phải thành “chữ nghĩa”, (chữ có nghĩa chân thật) đi SONG SONG với tư tưởng việt. Chữ nghĩa phải nuôi dưỡng, chăm sóc, khởi sắc cái tư tưởng bản chất đó. Yêu Nước là một chuyện cần thiết, nhưng Nước đó phải là Đất của con Người, chứ không thể là “bãi đựng máy móc”, nhất là thứ hàng mã, hoặc là “bãi đổ rác” duy vật xã hội chủ nghĩa, lẫn thặng dư tài phiệt (product surplus) dù xanh hay đỏ. “Chữ quốc ngữ” chỉ nên kính cẩn, duy trì, phát huy, yêu chuộng, nếu thực sự đó là “âm thanh”, là “hồn nước” Việt Nam, là tấm lòng của CON NGƯỜI có máu mủ Việt. Chúng ta hãy coi Người Do Thái, Người Trung Hoa, Người Nhật. Dù họ có ở bất cứ đâu trên thế giới, dù họ có quốc tịch Mỹ, Pháp, Nga, Đức…họ vẫn nói được tiếng của họ, suy nghĩ, ăn uống, giải trí, sinh sống theo truyền thống họ. Chữ nghĩa của họ vẫn đi song song với đạo sống, với tư tưởng họ.
2. “Biết rằng cuối đường hầm không ánh sáng, biết rằng tương lai văn học hải ngoại là một tương lai bất hạnh…” Đúng, nếu như quả thật chúng ta mặc nhiên hoặc bó tay để tình trạng đen tối, mất mát này xẩy ra. Thưa anh Trần Bích San, cái đẹp, cái đúng của người hấp hối là nói lên sự thực, nhưng cũng là cách nhắc nhở giấc mơ bất diệt của mình. Thưa Quý Anh Chị, người Cổ Việt chúng ta từng biết viết loại “chữ con nòng nọc” (mà các ngôn ngữ gia gọi là “pictographs”, hay “chữ hình”), biết khắc dấu hiệu lên mặt đá nơi hang hốc Đất Hoà Bình, lên Trống Đồng Đông Sơn, nỡ lòng nào con cháu chúng ta không ghi nốt “chữ quốc ngữ” trên giấy trắng mực đen, trên máy vi tính điện tử, trên mạng lưới không gian…
3. “… nhưng không phải vì thế mà chúng ta sẽ ngưng sáng tác. Chừng nào còn độc giả, người cầm bút còn phải viết”. Đúng, nhận định “sự thật”, dù phũ phàng, vẫn rất cần thiết, vì có tác động cảnh tỉnh (need assessment=xác định nhu cầu). Từ đó phải nghĩ tới giai đoạn sau: LÀM GÌ? Hãy tiếp tục làm nốt những gì chúng ta đang làm, từng đợt một, BỔ SUNG lẫn nhau. Tình trạng bất hạnh đó có thể cứu vớt được nếu như chúng ta không chịu đầu hàng sớm, nếu như chúng ta thêm tận tụy, nếu như các thế hệ trên dưới hợp tác với nhau gây dựng lại qua những cuộc gặp gỡ, dạy dỗ lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau. Chúng ta, con cháu chúng ta phải ra tay đón nhận cái “gia tài bất hạnh” đó một cách trung thực và từ đó tìm ra giải pháp.
Hơn nữa cái bổn phận và cái nghiệp “người cầm bút còn phải viết”… chừng nào còn độc giả” vẫn còn đó, vì ngày nay, với hệ thống thông tin, truyền đạt tin tức toàn cầu, qua mạng lưới không gian, qua trao đổi văn hoá tự nhiên, minh thị hay mặc thị, chính thức lẫn bán chính thức, đàng hoàng bạch nhật hay “chui” chạy qua bờ, khối lượng “độc gia Việt” không chỉ vỏn vẹn bên này, bên nọ, không chỉ thu hẹp vào giới “hải ngoại” biên tế, mà còn là tất cả giới trẻ, mọi người Việt khắp nơi trên thế giới, kể cả trong Nước Việt Nam, nếu họ tìm đọc. Người Tây phương có câu: “tous les chemins mènent à Rome” (tạm dịch: “mọi con đường đều đưa tới La-Mã”) thì Người Việt ngày xưa và ngày nay chắc cũng nghĩ tới một châm ngôn tương tự: “mọi con đường rồi cũng đưa về Dân Tộc Việt”. Người cầm bút, trú ngụ bất cứ ở đâu, nghiên cứu, sáng tác trong nước, ngoài nước, nếu họ chân thành nghĩ tới dân tộc họ, muốn dân tộc họ bất cứ ở đâu cũng đọc được, lãnh hội được những điều tốt đẹp, xây dựng, tử tế, tôn trọng cuộc sống, yêu chuộng lẽ phải công bình, bác bỏ bạo lực tinh thần, kinh tế, xã hội v.v., thì có gì là quá đáng, là đáng ngạc nhiên, đáng e ngại, nghi ngờ. Một Albert Camus (1913-1960) lớn lên và sinh hoạt tại Algérie, Bắc Phi Châu, sáng tác tại “hải ngoại” vẫn là một tác giả lớn (L’Envers et l’endroit; L’ Étranger; Le Mythe de Sisyphe; Les Justes; La Peste v.v.) của cả Nước Pháp, mà cả Dân Tộc Pháp yêu chuộng, mà cả thế giới đều biết tới tư tưởng trọng sinh, nhân hoà làm ông nhận được Giải Thưởng Nobel năm 1957. Lại một Ernest Miller Hemingway (1898-1961) tuy bỏ nhiều năm phụng sự trách nhiệm công dân Hoa Kỳ tại hải ngoại, tuy nhiều phen lang bạt, viết lách khắp nơi trên thế giới, tại Pháp, Ý, Thụy Sĩ (A Farewell to Arms), Tây Ba Nha (Death in the Afternoon), Đức, Hy Lạp, Phi Châu (The Green Hills of Africa), rồi Cu-Ba (The Old Man and the Sea), ông vẫn được coi là một tác giả lớn trong Văn chương Hoa Kỳ, được dân chúng trong nước và trên toàn thế giới yêu chuộng. Ông cũng được cấp Giải Nobel năm 1953.
Tôi chắc chắn, hiện giờ, hoặc một ngày gần đây, ngoài số độc giả Việt tại hải ngoại còn có nhiều độc giả trong nước đọc và hưởng ứng những tác phẩm văn chương, âm nhạc của các tác giả “hải ngoại”, như Hồ Trường An, Trần Bích San, Việt Bằng, Ngô Minh Trí v.v. Mọi con đường văn học nghệ thuật Việt rồi cũng đưa về Dân Tộc Việt.
4. Chúng ta cần thêm những cơ sở bất vụ lợi, phi-chính-trị, thuần văn hoá giáo dục, chủ trương nghiên cứu, biên khảo nguồn gốc, truyền thống, lịch sử, triết học, luật lệ, tổ chức xã hội, cùng những trào lực phát triển cần thiết cho đạo sống ngày nay và tương lai, nhằm đề đạt những công trình, những đóng góp có tính cách bổ sung, khai mở, khách quan, trung thực. Chúng ta quý trọng chữ nghĩa, quý trọng dân tộc, quý trọng nhân loại, vì thế, không màu cờ sắc áo, không nghiêng ngửa phe nhóm, không quá khích, không tuyệt đối, không đặc quyền, và cũng không độc quyền. Dù là thứ “độc quyền yêu nước, yêu tiếng Việt”. Không độc thoại, không hẹp hòi, không độc đoán. Kể cả độc đoán mình đúng nhất. Không đại ngôn, không ngụy biện. Cứ làm tới đâu hay tới đó, cứ đóng góp tâm lực, trí lực xây nốt, tu bổ, sửa chữa, nâng cao CĂN NHÀ NGÔN NGỮ, TƯ TƯỞNG VIỆT. Mỗi người Việt tự trọng là một viên gạch xây dựng, là hạt keo sơn, tận tụy kết tụ thành hình.
Đừng lo “giải quyết cái một”, rồi yên tâm phủi tay luôn. Đừng lo “sống chết” vội. Hãy thở và hưởng hơi thở Việt từng giờ, từng phút, tích lũy lại thành NGUỒN SỐNG. Chúng ta chỉ cần đổ tâm lực cho cái “đập nước hạn hữu” được đầy đặn từng thế hệ, từng cá nhân một. Rồi chúng ta dồn tâm lực cho cỗ xe nhỏ bé tải đạo nhân từ, chuyên chở tư tưởng đẹp đẽ, tử tế kia được truyền tay từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ cá nhân này sang cá nhân khác. Cái năng lực, tấm lòng đó sẽ có người bên cạnh quý mến, tiếp sức, tiếp hơi. Hãy tin vào khả năng và trách nhiệm của kẻ “bên cạnh”, của kẻ kế-tiếp, tới sau. Chứng cớ, hậu duệ của “đám nô lệ văn hoá” (SIC) qua nhiều giai đoạn lịch sử Việt Nam ta vẫn hùng mạnh, sâu sắc, trọn vẹn tới ngày nay. Nỡ lòng nào chúng ta ngờ vực thế hệ con cháu chúng ta! Họ có “gen” Việt (lại một chữ “mượn” cần thiết, viết tắt từ tiếng Đức “pangen”, gốc Hy Lạp “genos”, chủng tộc), có máu mủ Việt, sẽ tìm cách thu hồi lại những giá trị cổ truyền, những đặc thù hằng cửu đó, dù có mất mát, dù có suy giảm phần nào. Lịch sử những cộng đồng di dân, những “đồng bào hải ngoại” sống tha phương trên thế giới cho thấy các thế hệ sau (thế hệ 2, 3 trở đi) mới lo tìm lại gốc gác của họ (điển hình là các thế hệ hậu sinh của người Do Thái, Nhật, Trung Hoa, Phi Châu trên Tân Thế Giới ngày nay vẫn duy trì được truyền thống cao quý, linh thiêng, “bẩm sinh” của họ). Vậy, làm sao mất được, nhất là với kỹ thuật tân tiến ngày hôm nay, chúng ta còn thêm phương tiện duy trì và phát triển, cả ngôn ngữ lẫn tư tưởng, cả “xác lẫn hồn”.
Vậy Tư Tưởng Việt, dưới hình thức truyền thống, mời mọc chúng ta “nhận, hưởng và cho lại” nhau cách sống tốt đẹp, tử tế, nhân hậu, trọng đãi. Chúng ta hãy lồng tư tưởng đó, truyền thống đó trong đời sống chúng ta với ba yếu tố: tình nghĩa, quyền lợi, quyền lực. Đó là những động cơ thúc đẩy giới trể Việt Nam ngày hôm nay, trong nước và tại hải ngoại, xây dựng lại thân phận cá nhân, xây dựng lại xã hội, dân tộc, xây dựng lại con người một cách toàn diện, sung túc, tử tế, ôn hoà. Đó cũng là mục đích tối hậu của Diễn Đàn VIỆT THỨC.
LƯU NGUYỄN ĐẠT, Ph.D, LLB/JD, LLM
(Michigan State University)