Ngược Xuôi “Những Nẻo Đường Tiếng Việt”
“Cái hoa hòe của chữ viết chỉ là văn chương, tư tưởng con người mới là văn học.” (“Những nẻo đường tiếng Việt”, BS Nguyễn Hy Vọng)
Thương em thì thương rất nhiều mà duyên kiếp lỡ làng rồi
Câu hát quen thuộc trong một bài nhạc cũ, “Gợi giấc mơ xưa”. Bài hát kể về một chuyện tình lỡ làng. Tác giả bài hát ấy, nhạc sĩ Lê Hoàng Long, có lần bộc lộ rằng “duyên kiếp lỡ làng” là vì ông bố người yêu của chàng không bằng lòng gả con gái mình cho anh chàng tối ngày chỉ biết kéo đàn violon. Hẳn là chàng nhạc sĩ phải nhiều tiếc nuối lắm nên hai tiếng “lỡ làng” được chàng đưa vào trong bài hát đến hai lần, “Em ơi, tình duyên lỡ làng rồi, còn đâu nữa mà chờ…”
Tôi chắc chàng nhạc sĩ (và nhiều người cũng duyên phận lỡ làng như chàng) không có ý định tìm hiểu chữ “làng” trong “lỡ làng” có nghĩa là gì, vì vậy cũng không biết được rằng chữ ấy có gốc gác là tiếng Nùng và có nghĩa là lỡ dịp, là không còn dịp nào để làm một việc gì. Khi bị lỡ chuyến tàu hay chuyến xe thì người Nùng gọi là “làng tàu”, “làng xe”.
Cũng ít ai biết chữ “pha” trong tên bài hát “Phôi pha” phát âm rất gần với tiếng Chàm và Thái, với cùng một nghĩa là mờ nhạt, là qua đi. Hoặc chữ “ngùi” trong tên bài hát “Ngậm ngùi” phát âm rất gần với tiếng Mon và Chàm với cùng một nghĩa là buồn tủi. Hoặc chữ “tác” trong tên bài hát “Tan tác” phát âm rất gần với những tiếng Thái, Mon, Chàm, Khmer, Malay, Indonesia với cùng một nghĩa là nứt rạn. Những tiếng ấy đều có chung một cái nôi ngôn ngữ với tiếng Việt, và có thể được gọi là các ngôn ngữ “anh em ta cùng mẹ cha”.(*)
Người tiết lộ cho chúng ta biết những điều thú vị này là Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng, tác giả cuốn sách “Những nẻo đường tiếng Việt” và bộ “Từ điển nguồn gốc tiếng Việt”. Riêng bộ từ điển có khổ lớn (8”x10”), gồm 3 quyển, dày đến 2,200 trang và nặng đến 5 ký.
Có thể gọi đây là bộ sách rất “nặng ký”, hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Tất nhiên giá trị một cuốn sách không đo ở bề dày, sức nặng hay kích cỡ, thế nhưng một bộ sách được giới thiệu là cân nặng đến 5 ký kể cũng là chuyện hiếm thấy trong các sinh hoạt “Giới thiệu sách”. Chỉ cần hình dung những người yêu sách khệ nệ ôm bộ sách quý ra xe và những vị khách lớn tuổi cần có người phụ giúp để khuân sách về nhà là cũng đủ thấy ấm lòng vì biết được rằng ở quanh đây vẫn còn có những tấm lòng yêu chữ nghĩa tiếng Việt.
Cũng không cần phải dẫn ra những tên tuổi như nhà biên soạn từ điển Đào Đăng Vỹ hay nhà văn Bình Nguyên Lộc từng bày tỏ lòng thán phục đối với tác giả và tác phẩm, bộ từ điển tự nó đáng được kể là một công trình đồ sộ, hay nói theo ngôn ngữ kiếm hiệp Kim Dung, quả là một “kỳ tích võ lâm”. Chỉ kể sơ qua một vài điểm đáng gọi là “kỳ tích” ấy:
Thứ nhất, tác giả đã tiêu pha đến gần nửa đời người để cho ra đời bộ từ điển độc đáo này. 33 năm nghiền ngẫm, trăn trở, lặn lội ngược xuôi, xuôi ngược để truy tầm cho đến tận ngọn ngành nguồn gốc đích thực của tiếng Việt. 33 năm “một mình một ngựa” miệt mài, rong ruổi trên những dặm đường dài hun hút, không ngưng nghỉ, không mỏi mệt. Không có một tấm lòng thiết tha yêu tiếng Việt, một niềm say mê ngôn ngữ học bền bỉ và một ý chí thật mạnh mẽ, chắc không ai chịu đầu tư bao công sức khó nhọc, bao năm trời ròng rã để đeo đuổi một công trình lớn lao đến bạc trắng cả mái đầu.
Thứ hai, tác giả đã trưng dẫn những khám phá mới mẻ đến bất ngờ và lý thú, như là:
(1) Không hề có cái gọi là “tiếng Hán-Việt” trong ngôn ngữ của người Việt mà chỉ có tiếng Tàu đọc theo âm và giọng Việt, được “Việt hóa” để thành tiếng Việt. Chuyện vay mượn tiếng nước ngoài là bình thường, có ngôn ngữ của nước nào, kể cả nước Tàu, lại chẳng ít nhiều đi vay đi mượn từ các ngôn ngữ khác.
(2) Không có tiếng nào được người Việt sử dụng mà lại không có nghĩa, kể cả những tiếng lâu nay vẫn bị cho là “tiếng đệm” vô nghĩa, chỉ để xuôi tai (như những tiếng kể ra ở trên). Những “tiếng đệm” này đều có gốc gác rõ ràng và đều được giải nghĩa tường tận trong bộ “Từ điển nguồn gốc tiếng Việt”.
(3) Bác bỏ thẳng thừng những ngộ nhận hay luận điệu xuyên tạc cho rằng tiếng Việt là từ tiếng Tàu mà ra hoặc có chung nguồn gốc với tiếng Tàu, qua phương pháp đối chiếu ngôn ngữ có tính khoa học và đầy thuyết phục.
Thứ ba, tác giả cho trình làng một “bộ sưu tập” thật quy mô và có hệ thống dựa trên ngôn ngữ học so sánh, có đến gần 28,000 từ ngữ đơn và kép tiếng Việt đi với khoảng 275,000 tiếng “đồng nguyên” (có chung một nguồn gốc ngôn ngữ) của 58 chủng tộc khác nhau ở vùng Đông Nam Á như Thái, Lào, Khmer, Mòn, Chàm, Miến điện, Malay, Indonesia… và cả những sắc tộc thiểu số như Nùng, Mường, H’mong, Bahnar, Rhade… để tìm đến cái nôi đầu đời của tiếng Việt, cũng là cái nôi chung của “các ngôn ngữ anh em đồng nguyên với tiếng Việt”, trong đó có rất nhiều tiếng đồng âm, đồng nghĩa đến lạ lùng.Mỗi từ ngữ còn được dịch ra tiếng Anh, Pháp, và cả tiếng “Hán-Việt” với dạng chữ Hoa đi kèm, rất là thuận tiện cho bất cứ ai muốn tra cứu cặn kẽ những từ ngữ tiếng Việt mà không rõ nghĩa và gốc gác, hay còn nghi hoặc.
“Bộ sưu tập” quy mô này quả là một “kỳ công”, nói như học giả Đào Đăng Vỹ, và cũng là nét đặc sắc, kỳ thú nhất của công trình sưu khảo này.
Đi tìm nguồn gốc đích thực của tiếng Việt còn là tìm về nguồn cội, tìm về những tình tự dân tộc, tìm về những nét đẹp của di sản văn hóa truyền thống của người Việt, như bức ảnh “văn hóa trống đồng” được in trang trọng trên các bìa sách ấy.
“Gìn giữ tiếng Việt là gìn giữ cái linh hồn của chúng ta ở nước ngoài cũng như ở trong nước,” tác giả “Những nẻo đường tiếng Việt” nói. Phải có một trái tim rộng mở, một tấm lòng yêu nước Việt, yêu người Việt, yêu tiếng Việt biết bao nhiêu mới thốt lên được lời ấy.
Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng, có bao nhiêu sức lực, bao nhiêu công phu, bao nhiêu nhiệt tâm nhiệt huyết ông mang ra thi thố hết để mà gìn giữ cái linh hồn ấy, để cho những thế hệ người Việt hôm nay và mai sau không phải “mất gốc”, không phải đánh mất tiếng Việt như những kẻ đánh mất linh hồn.
Được biết hai tác phẩm đặc biệt này, sau ngày chính thức trình làng tại Nam và Bắc California, lại sắp sửa “ra mắt” người yêu tiếng Việt ở Seattle (WA) và Portland (OR) vào đầu tháng Tám này, và nghe đâu sẽ đánh một vòng nước Mỹ trong cuộc hành trình dài thật dài, đến những nơi nào người Việt cùng chung một tiếng nói, tiếng lòng.
Xin được gọi tác giả công trình mang tầm vóc lớn này, Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng, danh hiệu “Người lữ hành miệt mài trên ‘những nẻo đường tiếng Việt’”, như là tên cuốn sách đi kèm với bộ từ điển thật dày, thật “nặng ký” vì chứa đựng biết bao nhiêu là tâm huyết và tâm tình của ông.
Lê Hữu
(*) “Một mẹ trăm con”, nhạc Phạm Duy
One Comment
Quang Nguyen
Chúng tôi xin nói thẳng rằng, bất kể công phu và thời gian mà BS Nguyễn Hy Vọng đã tốn cho bộ Từ điển nguồn gốc tiếng Việt này nhiều đến đâu, thì đây cũng không phải là một công trình từ nguyên học chính danh. Và chỉ cần đoc một vài “lời vàng ngọc” của vị bác sĩ này thì ta đã có thể thấy rằng kiến thức ngữ học của ông rất hạn chế. Ông nói:
“Cách đây hai năm, trong một cuộc phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, họ bảo tôi về dạy chữ Tầu cho học trò trung học ở bên ấy để hiểu thêm tiếng Việt! Tôi bảo họ: “Cũng được thôi, học được cái gì hay cái ấy, nhưng phải hiểu rằng, các anh học tiếng Tầu mười đời đi nữa thì chỉ biết tiếng Tầu thôi. Còn tiếng Việt thì khác vì giữa tiếng Việt và tiếng Tầu khác nhau như con quạ với con sáo. Họ không hiểu và muốn tôi đưa ra một vài thí dụ thì tôi bảo:
“Có ngay, tôi chấp một ngàn triệu người Tầu và mấy trăm ông học giả Hán Việt ở bên đó là sau khi học tiếng Tầu đến bạc đầu có hiểu được “sạch sẽ” với sẽ là gì không, “xuề xòa” với xòa là gì không, “lôi thôi” với thôi là gì không? Nếu ai, nếu nhờ học thêm tiếng Tầu mà hiểu nghĩa được mấy ngàn tiếng Việt thì tôi sẽ xin đi đầu xuống đất ngay”.
Họ thôi không đòi “hiểu” nữa, và cái đầu tôi vẫn còn nhìn lên trời.” (“Tiếng Việt là linh hồn của người Việt”).
Chỉ cần một chút nhạy bén, ta cũng đã có thể thấy những lời “chém gió” trên đây của BS Nguyễn Hy Vọng thực chất chỉ là chuyện tếu táo. Không biết anh nhà báo hay người đối thoại nào lại dám trịch thượng mà mời một người chữ nghĩa đầy mình như bác sĩ Vọng “về dạy chữ Tầu cho học trò trung học ở bên ấy”. Nếu thực tâm muốn thỉnh giảng thì người ta phải mời ông về dạy ở bậc đại học chứ “bên ấy” đâu có thiếu người dạy chữ Tầu cho học trò trung học. Vả lại, ở “bên ấy” cũng chẳng có ai nói “nhờ học thêm tiếng Tầu mà hiểu nghĩa được mấy ngàn tiếng Việt” như BS Vọng đã khéo hoang tưởng. Cái khái niệm “tiếng” của “bên ấy” là “language” (như trong “English language”, “French language”) còn khái niệm “tiếng” của ông Vọng thì chỉ là “word” ( như: black, đen, noir, white, trắng, blanc, v.v.) cho nên “tiếng” của “bên ấy” chứa trong lòng nó vô số “tiếng” của Nguyễn Hy Vọng. Huống chi, ở bên ấy, đâu có ai điên khùng mà nghĩ rằng phải học tiếng Tàu để biết được “sẽ” trong “sạch sẽ” là gì; “xòa” trong “xuề xòa” là gì, “thôi” trong “lôi thôi” là gì. Ở “bên ấy”, người ta chỉ nghĩ rằng nếu biết được “tiếng Tàu” – thực ra là “chữ Hán” – thì sẽ hiểu được “yếu điểm” là “điểm quan trọng”, chứ không phải đồng nghĩa với “nhược điểm”; rằng “vấn nạn” là “hỏi vặn” chứ không phải “vấn đề khó giải quyết” (mà tiếng Hán là “nan đề”); rằng “lang bạt” thực chất chỉ là hai tiếng đầu tiên trong bốn tiếng “lang bạt kỳ hồ”, nghĩa là “con sói giẫm lên cái yếm da [ở cổ] của nó”, bây giờ đã bị hiểu trẹo đi; v.v. và v.v.. Ấy là con chưa nói đến chuyện lớn lao hơn: Xưa nước ta đã từng lấy chữ Hán làm quốc gia văn tự và dùng văn ngôn (của tiếng Hán) trong các văn kiện của nhà nước cũng như để ghi chép, sáng tác trong khoảng 1000 năm. Vì vậy cho nên nếu không biết chữ Hán thì làm sao đọc được Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo và bao nhiêu văn thơ khác của tiền nhân, trong đó có thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, v.v.? Biết bao nhiêu câu đối ở đền, chùa nếu không biết chữ Hán thì làm sao đọc được? Đấy, người ta hiểu là hiểu như thế chứ đâu phải vì cả tin vào cái khối “chữ nghĩa quốc tế khổng lồ” của mình mà hiểu trật đường rầy như BS Vọng. Phi lý nhất và cực kỳ ngây ngô là chuyện BS Vọng cho rằng một ngàn triệu người Tầu sau khi học tiếng Tầu đến bạc đầu cũng không thể hiểu được “sẽ” trong “sạch sẽ”, “xoà” trong “xuề xòa”, “thôi” trong “lôi thôi” là gì. Chỉ trừ những đầu óc điên loạn chứ ở trên đời này có ai lại khuyên học sinh Pháp phải học cho giỏi tiếng Pháp để biết tiếng Đức, học sinh Đức phải học cho giỏi tiếng Đức để biết tiếng Anh, học sinh Anh phải học cho giỏi tiếng Anh để biết tiếng Nga, v. v.. Vì vậy mà lẽ ra BS Nguyễn Hy Vọng nên xin lỗi “một ngàn triệu người Tàu và mấy trăm ông học giả Hán Việt ở bên đó” chứ không nên thách họ “học tiếng Tầu đến bạc đầu” mần chi. Và ông cũng nên xin lỗi người Việt Nam ở “bên ấy” vì đã nhỡ thách họ “học tiếng Tàu đến mười đời”. Mà “mấy trăm ông học giả Hán Việt ở bên đó” và dân Việt Nam ở “bên đó” cũng chẳng cần ông phải đi đầu xuống đất làm gì. Ông cứ ngữa mặt lên trời mà hãnh diện với bộ Từ điển nguồn gốc tiếng Việt dày cộm của ông.
Vậy Từ điển nguồn gốc tiếng Việt là một bộ sách như thế nào? Xin thưa ngay rằng nó không phải là một công trình từ nguyên học chính danh. Ngay cái tên của nó cũng đã không ổn rồi. Bất cứ người Việt Nam nào, dù ở trong nước hay ở bên ấy, nếu hiểu đúng tinh thần của tiếng Việt thì phải biết rằng “nguồn gốc tiếng Việt” ở đây là “Vietnamese language origin” trong khi bộ từ điển của BS Vọng thì lại trình bày “nguồn gốc” (?) của từ hoặc hình vị tiếng Việt. Điều này có nghĩa là ông đã không phân biệt được “language origin” với “word origin”. Với “word origin” thì ta mới có thể có từ điển chứ với “language origin” thì ta chỉ có thể có những chuyên luận, những công trình biên khảo mà thôi, chẳng hạn như “Linguistic Research on the Origins of the Vietnamese Language” của Mark Alves (Journal of Vietnamese Studies, Vol. 1, No. 1-2 [February/August 2006], pp. 104-130).
Ngay cái tên của nó mà tác giả đã dịch sang tiếng Anh thành “Vietnamese Cognatic Dictionary” và tiếng Pháp thành “Dictionnaire Cognatique Vietnamien”, chúng tôi cũng thấy chưa thông. Đành rằng tiếng Anh có dùng “cognate” còn tiếng Pháp thì dùng “cognat” để gọi “từ hoặc hình vị đồng nguyên” nhưng tính từ phái sinh “cognatic” và “cognatique” thì lại là chuyện khác. Người ta chỉ dùng “cognatic” và “cognatique” để nói về huyết thống, về quan hệ thân tộc chứ không dùng hai từ này làm thuật ngữ ngữ học. Thực ra, “cognatic/cognatique” vốn có nghĩa là liên quan đến họ ngoại, được dùng trong thế đối lập với “agnatic/agnatique”, là liên quan đến họ nội. Từ điển Littré 1876 cho biết “cognatique” là một thuật ngữ luật học xưa còn Le Grand Larousse Illustré, édition Prestige 2015, cũng không hề ghi nhận từ này có liên quan gì đến ngữ học. Vì vậy mà, thay vì “cognatic dictionary” và “dictionnaire cognatique”, người ta chỉ dùng “etymological dictionary” và “dictionnaire étymologique”, nghĩa là từ điển từ nguyên, như vẫn thường thấy. Vấn đề là phải dùng cho đúng thuật ngữ của lĩnh vực mình biên soạn, chứ không phải là lật từ điển ra để tìm cái từ mà mình áng chừng là thích hợp để dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp. Thế nhưng BS Vọng lại còn giới thiệu sách của mình là “cognatic reference dictionary”. Không biết các nhà ngữ học Ăng Lê và Huê Kỳ nghĩ sao về cái ngữ đoạn này?
Bộ sách của BS Nguyễn Hy Vọng thực chất chỉ là một bộ từ điển về các từ đồng nghĩa, tức “synonym dictionary/dictionary of synonyms” (tiếng Anh) và “dictionnaire des synonymes” (tiếng Pháp) không hơn không kém. Mà chúng có là những từ đồng nghĩa đích thực hay không thì cũng còn cần đến một sự thẩm định rất công phu (nếu nó thực sự xứng đáng với sự thẩm định này). Carl Darling Buck có một pho từ điển chưa dày bằng bộ sách của ông Vọng; nó chỉ dày hơn 1500 trang (nhưng giá trị học thuật của nó thì chắc chắn là “dày” hơn rất nhiều) và có nhan đề là A Dictionary of Selected Synonyms in The Principal Indo-European Languages (The University of Chicago Press, Third Impression 1971). Buck đã tự giới hạn trong phạm vi các ngôn ngữ Ấn Âu, là những ngôn ngữ đã được nghiên cứu chắc chắn và rốt ráo về mặt từ nguyên cho nên độ tin cậy về mặt này rất cao. Ấy vậy mà Buck cũng chỉ gọi chung các từ (words) đem ra so sánh trong pho từ điển của mình là “synonyms”, chứ không gọi là “cognates” mặc dù cognates trăm phần trăm thì nhan nhản ở trong sách. Và trong pho từ điển của mình thì, sau từng bảng so sánh những từ đồng nghĩa (trong hàng chục thứ tiếng Ấn Âu), Buck luôn luôn thực hiện việc biện luận tỉ mỉ về từ nguyên chứ không phải hoàn toàn không có biện luận như BS Vọng. Và vì nhầm lẫn về khái niệm “cognate” (từ đồng nguyên) nên BS Vọng đã viết:
“Các tiếng nói Ðông nam Á [Khmer, Lào, Thái, Chàm, Malay, Indonesia, Nùng, Hmong Bahnar, Rhade, v.v.] bao bọc tiếng Việt trong một vòng dây thân ái của tình anh em ngôn ngữ chung giòng (sic) chung họ hàng mà chúng ta không ngờ đến đó thôi.” (“Cái tinh thần đặc biệt của tiếng Việt”).
Thực ra thì ở đây, ta có đến 5 dòng họ: 1.- Tiếng Khmer và tiếng Bahnar thuộc dòng Môn-Khmer; 2.- Tiếng Lào và tiếng Thái [Lan] thuộc nhóm phía Tây của các ngôn ngữ Tày-Thái, chịu nhiều ảnh hưởng của tiếng Sanskrit; 3.- Tiếng Chàm, tiếng Malay, tiếng Indonesia và tiếng Rhade (Rhađê) thuộc họ Malayo-Polynesian; 4.- Tiếng Nùng thuộc nhóm phía Đông của các ngôn ngữ Tày-Thái chịu ảnh hưởng của tiếng Hán; 5.- Tiếng Hmong thì lại là một ngôn ngữ Miêu-Dao. Vì vậy nên, về mặt phổ hệ, ta không thể nói 10 ngôn ngữ trên là “chung dòng chung họ hàng” được. Vì không phân biệt được về mặt ngữ hệ nên hễ thấy có những từ đồng nghĩa và cận âm với từ của tiếng Việt thì BS Vọng đều cho là “cognates” tất tần tật. Thực ra, khái niệm “cognate” chỉ có hiệu lực trong phạm vi một dòng họ mà thôi; ra khỏi quỹ đạo đó thì chỉ có thể lả từ mượn (borrowing, emprunt) mà thôi. Longman Dictionary of Language Teaching & Applied Linguistics của Jack C. Richards, John Platt, Heidi Platt (Longman Group UK Limited, Third Edition 1993) đã định nghĩa “cognate” rạch ròi như sau:
“A word in one language which is similar in form and meaning to a word in another language because both languages are related. For example English brother and German Bruder.
“Sometimes words in two languages are similar in form and meaning but are borrowings and not cognate forms. For example, kampuni in the African language Swahili, is a borrowing from English company.”
Dịch nghĩa:
“ (Cognate) là từ của một ngôn ngữ, tương tự về hình thức và ý nghĩa với từ của một ngôn ngữ khác do cả hai đều có họ hàng với nhau. Thí dụ như brother của tiếng Anh và Bruder của tiếng Đức.
“Có khi từ của hai ngôn ngữ [cũng] tương tự về hình thức và ý nghĩa nhưng lại là từ mượn chứ không phải là những hình thức đồng nguyên. Thí dụ như kampuni của tiếng Swahili châu Phi là từ mượn ở company của tiếng Anh.”
Xin lấy một thí dụ thuộc loại đơn giản, để thấy trong quyển từ điển của mình thì BS Vọng cho rằng từ mượn là từ đồng nguyên:
Việt : ách
Thái : eek
Lào : eék
Nùng : ách
Tàu : ách
Ở đây, “ách” là âm Hán Việt của chữ [軛], có nghĩa là … ách; nói một cách khác, đây là một từ Việt gốc Hán chứ không có chuyện đồng nguyên. Chữ [軛], khi mà nguyên âm của nó hãy còn là [ε], chính là nguyên từ (etymon) của “eek” (Thái [Lan]) và “eék” (Lào); nói một cách khác, đây là từ Thái [Lan] và từ Lào gốc Hán; cũng không có chuyện đồng nguyên (với tiếng Hán). Chữ “ách”, mà BS Vọng ghi là tiếng Nùng thì chúng tôi cho là chuyện khả nghi. Từ điển Tày-Nùng – Việt của Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo, Hoàng Chí (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974) ghi âm của nó là “ec”, tức [εk]. Chắc chắn đây là cách ghi âm chính xác hơn cách của BS Vọng và đây cũng là một từ mượn, chứ không phải đồng nguyên với [軛] của tiếng Hán. Cuối cùng, cách ghi “Tàu : ách” của BS Vọng chỉ chứng tỏ rằng ông đã vi phạm nguyên tắc khi so sánh. Lý do: “ách” là âm Hán Việt của chữ [軛] còn âm “Tàu” của chữ này thì lại là “è”.
Tóm lại, tính khoa học trong bộ từ điển của BS Nguyễn Hy Vọng thì thấp còn những lời “chém gió” của ông trong nhiều bài chắc chắn sẽ giúp cho những độc giả sáng suốt thư giãn một cách thoải mái.
An Chi
https://www.facebook.com/an.chi.10