Theo Báo Mỹ, Syria Mới Là Khách Sộp Tiêu Thụ Dầu Khí Từ Đối Tác Công-Tư Của IS.
Tờ The Daily Beast của Mỹ vừa đưa tin, Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ buôn lậu dầu thô từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng theo báo Mỹ, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad mới là khách sộp tiêu thụ dầu khí từ của IS, thậm chí còn nhiều hơn cả Thổ.
Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đi đêm mua dầu IS
Theo cáo buộc từ Nga, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ là trùm buôn lậu dầu từ IS, mỗi ngày nhập tới 200.000 thùng, sau đó mông má, ngụy trang và xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.
Tuần đầu tháng 12 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ví đường dây của Thổ giống như một ngành “công nghiệp” đích thực. Việc Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ máy bay của Nga hôm 24/11 cũng là để bảo vệ dầu cho IS “đi đến nơi về đến chốn”.
Thedailybeast khẳng định điều này là có thật bởi từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ đã bị buộc tội “đi đêm”, thậm chí còn thấy thỏa mãn khi nói đến Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Tại cuộc họp báo tổ chức hôm 2/12 mới đây, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, giới chức chóp bu và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và các thành viên gia đình đã nhúng tay vào các thương vụ mua dầu từ IS.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov còn công bố cả những bức ảnh nó về xe tải nối dài chở dầu, ảnh về các mỏ dầu và xe chở dầu qua các cửa khẩu. Nga ví đây là đường ống dẫn dầu ‘di động” của IS chảy vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ cáo buộc Syria mua cả dầu lẫn khí của IS
Cáo buộc của Nga đã hướng dư luận vào một câu hỏi khá: Ai mới thực sự là người mua dầu nhiều từ IS? Thổ Nhĩ Kỳ không phải là khách hàng top đầu mà phải là chính quyền của Tổng thống Assad hiện đang được Nga ủng hộ.
Phần lớn dầu của IS được mua bởi người dân địa phương nằm bên trong lãnh thổ IS. IS không sở hữu đội xe tải chở dầu bởi nó lãng phí nguồn tài nguyên và nhân lực.
Thay vào đó, IS dựa vào hàng trăm tổ chức trung gian trả tiền mặt mua dầu tại các vùng do IS kiểm soát bằng xe riêng hay còn gọi là các thương gia độc lập. Gọi theo thuật ngữ công nghiệp, thì đây là những nhà cung cấp dịch vụ trung gian. Họ chỉ đơn giản là vận chuyển để thu về lợi nhuận.
Các xe tải này không cần phải đi đâu xa để bán dầu cho IS mà có thể bán ngay cho người dân địa phương, những người quản lý các cơ sở lọc dầu nhỏ lẻ ở nông thôn, không xa các mỏ dầu chính ở phía đông Syria.
Làm như vậy những người buôn dầu sẽ mang lại lợi ích cao, chở được nhiều chuyến dầu thô trong ngày mà không phải trả các lệ phí theo quy định của IS.
Có một vài ngoại lệ, các nhà máy lọc dầu sân sau chỉ là những cơ sở tĩnh, quy mô nhỏ, dầu được lọc nhiên liệu cấp thấp. Các chủ sở hữu, thường là các gia đình Arab bất đồng, không ưa IS, nhưng vận hành nhiều mẻ lọc dầu mỗi ngày.
Hàng trăm cơ sở lọc dầu kiểu này lại hoạt động trên khắp lãnh thổ Syria và cung cấp hàng chục ngàn thùng dầu tinh lọc mỗi ngày. Sản phẩm lọc dầu được bán tại các trạm bơm ven đường hoặc số lượng lớn để những người trung gian vận chuyển tiếp đến những nơi có nhu cầu cao hơn.
Chính vì vậy mới có thuật ngữ đối tác công-tư của IS được chính Nhà nước Hồi giáo thường dùng. Hàm ý, nhấn mạnh dầu khí là do “nhà nước” kiểm soát giống như một công ty dầu khí quốc gia. Sau đó bán cho các tư thương, công ty tư nhân lại bán cho cơ sở lọc dầu cá thể và các cơ sở này bán tiếp đến tay người tiêu dùng, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp.
IS chỉ tham gia buôn bán dầu qua các giao dịch ban đầu tại các mỏ dầu và thu lệ phí cầu đường, các loại thuế, phí ngay bên trong lãnh thổ của mình chiếm đóng. Đây là cách kinh doanh có trật tự, dưới sự giám sát của IS. IS cấp giấy phép lái xe tải chạy trên các tuyến đường nhất định để đảm bảo việc cung cấp hàng hóa ổn định cho dù là dầu thô và hay sản phẩm đã qua tinh lọc.
Ngày 2/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner đã đúng khi ông nói IS “tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu” tại các giếng khoan dầu quan trọng, nhưng tuyên bố này mang tính nước đôi và phức tạp. Dù bằng cách nào, thì quan hệ đối tác công-tư vẫn đang phát huy tối đa cho một thị trường bị giam cầm.
Cáo buộc của Nga về việc IS buôn lậu 200.000 thùng mỗi ngày là dựa trên giả thiết IS sản xuất nhiều nhưng thực tế IS không bao giờ sản xuất quá mức này. Theo tình báo của Mỹ, hồi đầu năm IS chốt sản lượng 55.000 thùng một ngày. Các dự báo đưa ra gần đây cho thấy sản lượng hàng ngày là 40.000 thùng.
Vì vậy việc cung ứng dầu của IS cũng cần phải xem lại, hiện tại có hơn 5 triệu người đang bị mắc kẹt trong lãnh thổ IS, và họ cũng cần phải tiêu thụ dầu, nhất là trong bối cảnh IS đang có chiến tranh, vì vậy việc ưu tiên cho tiêu dùng trong nước phải đặt lên hàng đầu.
Thedailybeast trích dẫn nguồn tin từ phía các nhà phân tích Mỹ cho biết, IS có một thỏa thuận kín với quốc gia hàng xóm, nhưng không phải là Thổ Nhĩ Kỳ. Chế độ Syria đã từng một thời làm ăn với IS, cũng giống như Syria đã làm ăn với Mặt trận Nusra Front của al Qaeda và các nhóm phiến quân khác, những người đã từng tiếp quản với các tài sản năng lượng hồi đầu chiến tranh.
“Người đàn ông của Assad” là ai?
Một thương gia được nhắc tới sau đây được Tổng thống Bashar al-Assad chỉ định dẫn đường giao dịch với IS, tên là George Haswani.
Không chỉ có Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc Haswani, mà Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã đưa Haswani vào sách đen, kẻ trung gian giúp chính quyền Syria mua dầu từ IS.
Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Haswani là người Thiên Chúa giáo, sống ở thành phố Yabroud, cách thủ đô Damascus khoảng 80km, từng có thời sống tại Nga, đứng đầu công ty Kỹ thuật và Xây dựng (HESCO), nơi cung ứng dịch vụ phục vụ các giếng dầu do IS kiểm soát.
Các quan chức Mỹ thừa nhận mạng lưới hoạt động của Haswani rất vững chắc và hiệu quả hơn so với những gì được dư luận biết đến.
Cuối tháng 9/2015, Bộ Ngân khố Mỹ cho hay, nhờ sự giúp đỡ từ “người đàn ông của Assad”, tức Haswani, sản lượng dầu khai thác trong năm 2015 của IS thực sự tăng mạnh.
EU khẳng định Haswani rất được Tổng thống Syria tin cậy và được giao trọng trách là kẻ trung gian kết nối giữa chính quyền Syria với IS. Sở dĩ Syria phải làm việc này là do nội chiến kéo dài, bị mất nhiều vùng đất sản xuất dầu khí tiềm năng. Phía Mỹ không biết IS đã giao cho Assad bao nhiêu dầu, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa bởi chính Syria đang rất cần nguồn năng lượng này.
Hồi tháng 4/2015, Bộ Dầu khí Syria cho hay họ đã tinh chế được 106.000 thùng dầu mỗi ngày, tuy nhiên báo chí thương mại lại đưa ra con số khác, ít hơn 85.000 thùng, và giải thích rõ nguồn gốc cụ thể, sau đó các dữ liệu liên quan đến dầu mỏ hầu như không còn được nhắc đến nữa.
Mua cả khí đốt
Bên cạnh dầu, IS còn cung cấp khí tự nhiên cho Syria. Sở dĩ IS phải làm điều này vì không còn con đường nào khác, hoặc không thể bán cho bất cứ ai được, chưa kể nó phải được vận chuyển bằng đường ống. Hộ sử dụng kết nối với các mỏ khai thác khí là các nhà máy điện, nhà máy lọc dầu, và các ngành công nghiệp, phần lớn đều tập trung trong tay ông Assad. Để đổi lấy đổi khí, Syria đã cung cấp điện năng cho IS, và IS bán lại lấy tiền.
Tại các mỏ khí tự nhiên xung quanh Palmyra, có thể sản xuất hydrocarbon lỏng nhẹ hơn ngoài khí gas, IS đã tận dụng tối đa để chuyển thành nhiên liệu , khí gas chuyển về miền tây cho Syria.
Khắc Nam