Cuối tuần vừa qua, gia-đình chúng tôi có dịp đi Richmond ăn đám cưới của một cháu gái. Gần đến Richmond, ở một ngã rẽ, bỗng xuất hiện một bảng quảng-cáo tranh cử thật to của một người Việt, anh Tony PHAM, làm cho mọi người trong xe phải thấy liền. Tấm quảng-cáo khá lớn, xem chừng bề dài cũng phải đến 4 thước và bề cao cũng hơn một thước nên có thể nói là choán hết một góc đường, nổi bật bên cạnh những tấm quảng-cáo khiêm tốn hơn nhiều của những ứng-cử-viên khác.
Hiện-tượng tương-đối mới ở miền Đông
Quang-cảnh này, quang-cảnh một số tên Việt-nam xuất hiện trên các bảng quảng-cáo ứng-cử-viên người Việt vào các chức-vụ dân-cử, thì đã là một điều khá quen thuộc ở Cali (cả Bắc lẫn Nam Cali) và Texas từ nhiều năm nay. Nhưng ở miền Đông, nơi người Việt còn là một thiểu-số khá nhỏ thì hiện-tượng này mới chỉ xảy ra gần đây thôi. Ở một vài đơn-vị bầu cử nhỏ như ở Garrett Park bên Maryland thì chúng ta đã có bà Minh-Châu Nguyễn thắng cử vào chức giám-sát thành-phố từ hơn cả 20 năm nay rồi nhưng phải nói là tới năm ngoái, ta mới thấy có hiện-tượng anh Nguyễn Quốc Hùng (có 4 năm làm giám-đốc điều-hành của Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ, thường được biết dưới tên tắt là Nghị-hội) ra tranh cử chức dân-biểu tiểu-bang ở Virginia và anh Đặng Hân Hoan ra tranh cứ một chức tương-đương ở tiểu-bang Maryland. Cả hai anh, thuộc Đảng Dân-chủ, tuy không thắng nhưng họ đã làm nên lịch-sử như là những người Việt đầu tiên ở vùng thủ-đô dám ra tranh cử vào một chức khá cao là dân-biểu tiểu-bang (delegates).
Ứng-cử-viên Chương Nguyễn cho đơn-vị 87 ở Virginia
Từ nhiều tháng rồi, người ta đã để ý thấy có Luật-sư Nguyễn Lộng Chương (Chuong Nguyen) quảng-cáo trên các báo Việt-ngữ là anh ra ứng cử cho ghế dân-biểu tiểu-bang (delegate) ở đơn-vị 87 ở Virginia. Nhiều người tò mò hỏi nhau, đơn-vị 87 là đơn-vị nào? Tôi cũng không biết nên phải vào Google tìm thì được biết đó là một đơn-vị mới lập ra nằm dài từ Bắc chí Nam ở hai quận hạt Loudoun và Prince William đi từ Bull Run đến phi-trường Dulles (phía bắc đường số 7 đến tuốt khúc đường 66 gặp đường 55). Từ năm 2012, đơn-vị này được đại diện bởi một người di-dân gốc Li-băng tên David I. Ramadan thuộc đảng Cộng-hòa nhưng năm nay, L.S. Chương ra tranh cử vì ông Ramadan không ra ứng-cử tiếp cho một nhiệm-kỳ mới.
Là con của Bác-sĩ Nguyễn Sơ Đông, anh Chương tuy là người thiểu-số song cũng đã thu hút được sự ủng-hộ khá rộng rãi trong cộng-đồng Việt-nam như ta có thể chứng-kiến qua bữa cơm gây quỹ cho anh ở tiệm Thần Tài hôm thứ Năm mồng 1 tháng 10. Được sự yểm-trợ mạnh mẽ của gia-đình ông Đinh Hùng Cường và một số bạn của gia-đình B.S. Nguyễn Sơ Đông, bữa cơm đã thu hút được gần 400 thực-khách đến để ủng-hộ cho “người con của cộng-đồng” dám mạnh dạn đi tiên-phong trên con đường tham-gia vào đời sống chính-trị của dòng chính trong xã-hội này.
Tuy lập-trường của L.S. Chương chưa đi sâu được vào những chương-trình thật-sự cụ-thể, ngoài những phát biểu chung chung như ủng-hộ giáo-dục, tiểu-thương (anh được sự ủng-hộ của giới kỹ-thuật NVTC TechPAC vào tháng 4/2015 và của giới tiểu-thương vào cuối tháng 9) v.v., anh xem ra cũng vẫn có triển-vọng vào tháng tới (mồng 3 tháng 11) vì nói chung, khu-vực đơn-vị 87 là một khu-vực ảnh-hưởng mạnh của đảng Cộng-hòa mặc dù đối-thủ của anh, ông John Bell, ứng-cử-viên của đảng Dân-chủ, cũng đã lấy được sự ủng-hộ của Phòng Thương mại Prince William, của Hội Giáo-chức Virginia (Virginia Education Association) cũng như của một hai tổ-chức khác nữa.
Tôi không rõ cử tri gốc Việt ở đơn-vị 87 có đông hay không. Tuy-nhiên, trong những cuộc tranh cử như thế này, con số để thắng không phải là nhiều, chỉ cần vài nghìn lá phiếu là đủ. Nếu cử tri gốc Việt có thể bảo nhau dồn phiếu về cho đồng-hương của chúng ta là L.S. Chương Nguyễn, số phiếu của chúng ta sẽ có thể có giá-trị của một khối “swing votes” nghĩa là đủ để làm cho số phiếu cuối cùng nghiêng về L.S. Chương và làm cho anh thắng. Trường-hợp đó, ta sẽ có vinh-dự thấy một dân-biểu gốc Việt đầu tiên trong đại-nghị-viện của tiểu-bang Virginia.
Trường-hợp Tony Phạm
Anh Tony Phạm là một trường-hợp khá đặc-biệt. Tỵ nạn sang Mỹ năm 75, anh đã định cư ở thủ-phủ tiểu-bang Virginia (Richmond), đi học ở đây rồi đậu về luật cũng ở đây và ra làm việc suốt từ đó trong văn-phòng công-tố-viên cũng ở thành-phố này. Tóm lại, anh không phải là một người xa lạ trong giới tư pháp ở Richmond.
Dựa vào một thành-tích có bề dầy như vậy, anh đã ra tranh cử sơ-bộ (primary) trong đảng Cộng-hòa để thành ứng-viên của đảng này vào ghế công-tố-viên Henrico County là quận-hạt lớn nhất ở đây.
Tin lúc đầu là anh thua đối-thủ của anh, ông Jeffrey Everhart, 32 phiếu. Gia-đình anh và cá-nhân tôi đã buồn 5 phút. Nhưng chẳng bao lâu, những phiếu về muộn lại cho anh thắng. Anh viết cho tôi hôm 7 tháng 8: “Bác Bích, con thật ra đã THẮNG (I actually WON) việc ứng-cử bằng 67 phiếu và ủy-ban bầu cử của tiểu-bang đã chứng-nhận điều này cho con. Như vậy, con sẽ là ứng-cử-viên chính-thức [của đảng Cộng-hòa] vào hôm tổng-tuyển-cử tháng 11 tới đây.” Rồi anh viết tiếp: “Con mong làm lịch-sử cho cộng-đồng VN trong tư-cách là người dân-cử Mỹ gốc Việt đầu tiên ở Virginia cũng như là công-tố-viên gốc Á-châu đầu tiên được bầu ra. Là một cựu-tham-dự-viên VAYLC [khóa huấn luyện tuổi trẻ hàng năm của Nghị-hội], con đã chứng-kiến sự lớn mạnh rất đáng kể của cộng-đồng chúng ta và những bước đi tích-cực mà tất cả mọi người đã đi qua. Nếu có gì mà cá-nhân con hay cuộc vận-động của con có thể tiếp tay thì xin cho con biết.”
Cuối thư, anh thêm: “Con cũng muốn cám ơn tất cả mọi người là đã để cho con tham-gia VAYLC. Đó là một kinh-nghiệm để đời và trong khi tham-gia, con đã làm bạn được với một số người thật đáng yêu.”
“Về số cử tri ở đây, trong quận-hạt Henrico, con có triển-vọng thắng đến 80 phần trăm số phiếu sau khi phân-tích các lá phiếu tính theo từng quận bầu cử một. Vấn-đề là phải tiếp-tục vận-động mạnh cho đến ngày bầu cử.”
Nếu anh thắng
Trước sự dấn thân của anh, em Bình Lý cũng rất cảm-động và tình-nguyện: “Mừng Anh Tony! Tháng 8 Quốc-hội Mỹ nghỉ nên em sẽ cố gắng xuống [Richmond] một cuối tuần để tiếp tay Anh.” Cùng lúc, Bình cũng cám ơn Nghị-hội là “đã làm gương hướng-dẫn tuổi trẻ chúng con cũng như đặt để nền móng cho những thế-hệ kế-tiếp.”
Trên đường từ Richmond về, tôi lại được nghe một phụ huynh trẻ phát biểu: “Bác biết không? Cháu Q của con khi làm đơn xin vào đại-học đã nhắc đến kinh-nghiệm dự khóa huấn luyện tuổi trẻ VAYLC của Nghị-hội. Làm cho các trường rất chú ý vì đâu có mấy trẻ đã được huấn luyện để ra giúp đời, học những kỹ-năng lãnh-đạo, rồi đã từng vào Tòa Bạch Ốc, lên Quốc-hội, vào Bộ Ngoại-giao”—nghĩa là toàn những kinh-nghiệm được trải qua khi dự VAYLC.
Để kết, tôi thiết nghĩ là cử tri người Mỹ gốc Việt, dù ở Bắc-Virginia trong trường-hợp Luật-sư Chương Nguyễn hay là ở Richmond (Henrico County) trong trường-hợp anh Tony Phạm, ta cũng nên rủ nhau dồn phiếu cho hai ứng-cử-viên đồng-hương của chúng ta—để chắc chắn chúng ta có những vị dân-cử gốc Việt đầu tiên ở Virginia vào năm nay.
Nếu Tony thắng, anh cho biết, “chức-vụ đó sẽ là đảm trách văn-phòng công-tố-viên cho Quận hạt Henrico County [tức có thành-phố Richmond ở trong đó]. Công-tố-viên này một khi được bầu ra là công-tố-viên chính cho quận-hạt. Dưới quyền ông ta sẽ có một văn-phòng với nhiều phụ-tá công-tố-viên và những người phụ-tá này sẽ làm việc với cảnh-sát và cộng-đồng để điều tra và truy-tố các trọng-phạm.”
Dù sao, nếu chỉ là một trong hai người, Chương Nguyễn hay Tony Phạm, thắng thì cũng là một bước tiến đáng kể cho cộng-đồng chúng ta, anh Tony nói. Nếu cả hai người thắng thì là một bước khổng-lồ cho người Mỹ gốc Việt ở miền Đông.
Tâm Việt