Lúc mới bắt đầu viết văn, tôi thích sử dụng thật nhiều hình tượng nhẹ nhàng và đầy thơ mộng. Ví dụ một đoạn trong cuốn Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam (Quê Mẹ xuất bản tại Paris năm 1988):
“Lê Hữu Trác viết: ‘Thơ cốt ở ý, ý có sâu xa, thơ mới hay’. Có điều, trong thơ, ý không thể là trần trụi ý, là nguyên chất ý. Ý phải nhập thân vào cảm xúc. Nhà thơ có một ý tưởng. Chưa đủ. Hắn phải đợi ý tưởng ấy làm bồng lên trong lòng những luồng sóng vỗ. Cái nếp nhăn trên trán phải biến thành nếp nhăn trong tâm hồn. Cảm xúc phải dào lên song song với ý. Ý và cảm xúc. Vẫn chưa đủ. Ý và cảm xúc như là gió. Gió vốn vô thanh. Gió phải tìm đến lá cây để động tiếng rì rào. Ý và cảm xúc như là biển. Biển vốn vô ngôn. Biển phải tìm đến đá dựng để cất tiếng thì thầm. Để thành thơ, cần thêm điều kiện nữa: hình tượng. Ý, qua hình tượng, thành rõ ràng hơn. Cảm xúc, qua hình tượng, thành sâu sắc hơn. Ngược lại, nhờ ý và cảm xúc, hình tượng mới bay bổng vào cõi thơ, tạo nên khoảng cách xa lăng lắc giữa thơ và vè.”
Đây là một đoạn khác, cũng trích từ cuốn sách đầu tay ấy:
“Một hiện tượng rất phổ biến trong thơ: hoa giả. Có hằng hà những bài thơ cứ ngồn ngộn chữ, cứ lấp lánh màu sắc và trầm trầm bổng bổng hơi nhạc nhưng lại rỗng tuếch, không nói lên được điều gì cả. Nó ném xuống ào ạt lá vàng nhưng không làm cho người ta thấy được mùa thu. Nó khua động ầm ĩ nhưng không làm thành âm vang của tiếng hát. Nó dựng lên ùn ùn những khói nhưng không tượng hình nổi một làn mây. Nó có dáng dấp của hoa nhưng lại thiếu hẳn một làn hương. Nó có tất cả, trừ một điều: cảm xúc. Làm thơ là một cách thổi một luồng gió. Gió đo mình ở ngoài gió: ở mức độ lá reo. Làm thơ là một cách tỏ tình. Nói lớn hay nhỏ, dài hay ngắn, bổng hay trầm, nào có quan trọng gì. Quan trọng là ở chỗ người mình yêu có chớp mắt xúc động hay không. Nhà thơ lớn nào cũng đều là những tâm hồn lớn có khả năng thu nhận và rung cảm trước những làn sóng vỗ từ xa, rất xa, ngoài bản thân họ. Nhà thơ lớn là những hạt muối. Hạt muối nhỏ nhưng chất chứa dồn nén trong mình tất cả những vị mặn chát của đại dương. Nhà thơ lớn là những chiếc lá ngô đồng. Chiếc lá nhỏ hanh hao, bay bay trong gió thoi thóp biết mấy nhưng lại mang trong mình tất cả tín hiệu của một mùa trời đất đang đi.”
Từ đầu đến cuối, cuốn Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam được viết bằng một giọng văn đầy hình tượng như thế. Rất nhiều người khen, cho là giống thơ. Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, dưới bút hiệu Hoàng Hà Tĩnh, trên báo Diễn Đàn Tự Do số 100 ra ngày 1.4.1989, trầm trồ: “Chưa bao giờ tôi được đọc một cuốn sách viết về thi ca hay đến như vậy.” Báo Saigon Times của nhà thơ Thái Tú Hạp, số xuân Kỷ Tỵ (1989, tr. 29), khen: “Tuyệt hảo”. Tạp chí Ý Thức của nhà thơ Viên Linh, số 1 ra vào tháng 3, 1989, cũng dùng lại chữ ấy: “Tuyệt hảo” (tr. 59). Tôi sung sướng, nhủ thầm: cứ vậy mà viết đến…già!
Nhưng chỉ mấy năm sau, sang Úc, tôi bắt đầu đọc nhiều sách phê bình và lý thuyết văn học của các tác giả người Anh và Mỹ. Điều tôi ngạc nhiên nhất là giọng văn của họ. Hoàn toàn không có chút gì là đẩy đưa, bay bướm hay thơ mộng cả. Tất cả đều viết chính xác, gọn gàng và rất chặt chẽ. Chặt chẽ trong các chương. Chặt chẽ trong từng đoạn. Và chặt chẽ cả trong từng câu.
Tôi phân vân: Đó là do dân tộc tính chăng?
Nếu vậy, cũng chẳng có vấn đề gì: Người Anglo Saxon thích vậy; người Việt Nam mình thì khác. Khác, nên mình có thể tha hồ uốn éo.
Nhưng, không phải. Sau đó, đọc ngược lại các nhà lãng mạn chủ nghĩa ở Anh hồi đầu thế kỷ 19, tôi thấy họ cũng viết lách thật điệu đàng, với thật nhiều hình ảnh. Đọc lên, cũng nghe như thơ.
Với phát hiện ấy, tôi nhận ra một điều: Sự khác biệt trong cách viết của tôi và cách viết trong các cuốn sách lý thuyết và phê bình tôi đang đọc không phải là khác biệt giữa hai dân tộc hay hai nền văn hoá.
Đó chỉ là sự khác biệt giữa hai thời đại. Trong sự khác biệt ấy, tôi gần với phong cách viết văn trong quá khứ hơn là trong hiện tại. Gần với quá khứ có nghĩa là gần với sự đào thải. Tôi tưởng tượng: sau này, nhịp sống càng ngày càng hối hả; đọc, người ta sẽ đọc thật nhanh, một lối viết văn nhẩn nha bay lượn như vậy hẳn sẽ rất dễ làm mệt mỏi và nản chí. Không thay đổi sớm, mình chỉ thiệt.
Chính vì thế, tôi quyết định thay đổi. Giảm bớt tính chất bay bướm để tăng cường tính chất chặt chẽ. Giảm bớt cái gọi là chất thơ để tăng cường chất khoa học. Giảm bớt hình tượng để tăng cường mật độ các khái niệm. Giảm bớt độ uốn éo và mềm mại để câu văn được cứng cáp. Càng ngày tôi càng tránh xa những chữ thừa và lỏng, chỉ cốt đẩy đưa. Và cố viết những câu văn thật giản dị mà cũng thật cô đọng. Tôi hình dung mỗi câu văn như một cú đấm. Cú đấm nào cũng là đấm thật. Nhanh, gọn, dứt khoát. Và mạnh. Nếu câu văn tạo ra tiếng kêu thì đó phải là những tiếng kêu chan chát chứ không phải là tiếng ầu ơ ví dầu quen thuộc và xưa cũ.
Tuy vậy, tôi vẫn không bỏ hẳn được đam mê đối với hình tượng. Theo tôi, ngay trong văn xuôi nghị luận, hình tượng, nếu đắc dụng, vẫn vô cùng cần thiết. Chúng không phải chỉ làm cho bài văn đẹp hơn mà còn mở rộng tầm liên tưởng của người đọc, qua đó, làm cho bài viết trở thành đa nghĩa và đa tầng hơn. Vấn đề chỉ là ở mức độ. Mỗi bài chỉ cần vài ba hình tượng chính. Ít. Nhưng cần sắc. Và thật ấn tượng.
Một số lần hình như tôi đạt được điều đó. Tôi hài lòng nhất là hình ảnh cuộc hành lạc đau đớn của những người bị bất lực ở cuối bài viết “Sống và viết như những người lưu vong”, thoạt đầu đăng trên tạp chí Việt số 2 (1998), sau, in lại trong cuốn Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại do Văn Nghệ xuất bản năm 2000:
“Viết văn, ngày xưa, là một danh phận; sau này, vừa là một danh phận vừa là một nghề nghiệp. Ở hải ngoại, viết văn không thể là một nghề nghiệp mà trên thực tế, cũng không còn là một danh phận. Viết văn trở thành một cách hành lạc đau đớn của những người bị bất lực.”
Nhớ, khi bài viết ấy xuất hiện, nhiều người đã bàn tán khá sôi nổi, đây đó, trên nhiều diễn đàn khác nhau.
Nhà văn Võ Đình, trong bài “Khiêm tốn hay buồn thảm”, [1] khi nhắc đến hình ảnh ấy, chỉ buông một tiếng: “Khiếp”.
Tôi rất thích cái tiếng “Khiếp” ấy.
Nguyễn Hưng Quốc
[1]. Võ Đình, trong bài “Khiêm tốn hay buồn thảm” (http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=226),
One Comment
Võ Thành Đông
Thưa anh Nguyễn Hưng Quốc,
Tôi là người khá khắt khe khi đọc văn xuôi và cũng như những “đoạn” thơ.
Viết như anh rất đúng, văn hoặc thơ phải cưu mang nhiều hình tượng “thực tế”. Bởi loại ra những uốn éo ngôn ngữ và những chữ đệm của những văn thơ ấy, người đọc còn được thấy “bức ảnh” đời thường chứ không phải là ảo giác.
Theo cái nhìn của tôi thì người viết văn hay làm thơ ở bất kỳ thời đại nào cũng giống nhau ở 2 việc “giỏi ghi nhận và giàu cảm xúc”. Nói cách khác là “phê bình văn học” chỉ cần 1 yếu tố giỏi “phán xét” là đủ. Có phải thế không anh?
Võ Thành Đông